Giúp đời qua những lứa tằm
ND – Cô giáo, người mẹ, giám đốc, bạn của dân nghèo miền núi – đó là những tên gọi thân thương về chị Vũ Thị Hạnh, 46 tuổi, ở Nghĩa Lộ, Yên Bái. Vượt qua mất mát, khổ đau, chị lặng lẽ học, lặng lẽ làm, bền lòng tích thiện, như con tằm rút ruột nhả tơ.
Chị nói trong suy tư “Em thấy cái gì rút từ gan ruột, rút từ bên trong ra thì nó lâu bền. Cái sự vụ lợi, vơ từ bên ngoài vào thì chóng tàn. Em chọn nghề trồng dâu, nuôi tằm là vì thế. Con tằm rút ruột nhả tơ, cũng như trai làm ngọc, như yến xây tổ, thảy đều rút từ bên trong ra”.
Nghề dạy học cũng như thế chăng? Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, chị đã có 12 năm đứng lớp ở Nghĩa Lộ. Rồi một chuyện đau thương ập xuống ngôi nhà chị. Trong một lần đi học về qua suối bản Loỏng, con gái chị bị nước lũ cuốn trôi! Cháu tên là Lèo Thị Quỳnh Anh (bố cháu người dân tộc Tày), khi ấy mới 14 tuổi. Quỳnh Anh mất giống như sự hy sinh của người chiến sĩ dũng cảm ngoài mặt trận. Khi thấy hai bạn gái không may trượt chân ngã, cháu đã quên mọi nguy hiểm, lao xuống dòng nước xoáy cứu bạn. Hành động dũng cảm của Quỳnh Anh đã được Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh khen ngợi, tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.
Thương con đứt ruột, chị nói trong nước mắt: “Vợ chồng em vật vã, đau đớn không thể tin đó là sự thật”. Em phải xin nghỉ dạy học một thời gian. Rồi sau đó, một lần đi chợ em gặp cháu bé mồ côi, em đưa cháu về nhà nhận làm con nuôi. Thế rồi mấy tháng sau, trẻ em mồ côi ở thị xã Nghĩa Lộ và cả các vùng chung quanh đều tìm đến mẹ Hạnh.” Lúc đông nhất, “mái ấm” của người mẹ trẻ ấy lên tới 30 em. Có em mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Có em không biết cha mẹ là ai. Lại có những em tàn tật, mù lòa, câm điếc. Thương các cháu như thương những đứa con đứt ruột đẻ ra, mẹ Hạnh đưa về nhà và lo tìm việc làm cho mấy chục “con”. Trung tâm dạy nghề nhân đạo Hoàng Anh ra đời như thế. Lúc đầu, mẹ Hạnh tìm nguồn hàng cho các con đi bán, nào là bán vé số, bán báo, bán tăm tre, nước giải khát. Sau có người gợi ý, chị thế chấp ngôi nhà lấy vốn mở xưởng dệt hàng thổ cẩm. Nhờ giời, người mẹ ấy, cô giáo ấy giỏi truyền nghề, hàng hay nhờ tay người chọn, chả mấy mà những bộ quần áo thổ cẩm, những chiếc túi xách xinh xinh nổi tiếng khắp vùng Nghĩa Lộ, Mường Lò, và dong duổi về xuôi. Các con của mẹ Hạnh được nuôi nấng, được học hành và có cả chút tiền dành dụm.
Nhưng rồi cái xưởng dệt, cái trung tâm ngày càng trở nên chật hẹp. Cái áo tuổi lên 10 quá chật đối với các cô gái, chàng trai 15-16, tuổi của Quỳnh Anh yêu thương. Một lần về Trấn Yên, Yên Bái, chị thấy nhiều khu đất soi bãi ven sông hoang hóa. Xưa nơi đây vốn là vùng đất nuôi tằm. Trước nghe người lớn giảng giải: “Một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ”. Mà tơ tằm quý lắm, quý như vàng ròng. Cây dâu, con tằm nuôi sống người miền núi quê mình bao năm, sao bây giờ tàn lụi? Chị hỏi mấy anh lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh, hỏi mấy bác ngân hàng ngỏ ý xin vay vốn khôi phục nghề tằm… Có bác cười phá lên: Cô có điên không đấy? To vật vã như cái ông tằm tơ Bảo Lộc còn đang điêu đứng kia kìa. Thôi, ngắn sào dễ chở, chớ có mạo hiểm bơi ra biển.
Hạnh cảm thấy đuối sức. Nhưng lại nghĩ đến 30 đứa con đã lớn, công ăn việc làm sẽ ra sao. Lại nhìn ra mênh mang đồng bãi trù phú quê mình mà ứa nước mắt. Phải đi đến tận những nơi trồng dâu, nuôi tằm lớn mà mắt thấy, tai nghe, trong cô vang lên tiếng nói như vậy. Và chị cơm nắm cơm gói xuôi Hà Nội, vào mãi Bảo Lộc (Lâm Ðồng). Rồi lại ngược ra Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Hà Nam, Hưng Yên… Ðâu có dâu, có tằm là chị đến. Sau những chuyến đi ấy, chị tự tổng kết: nghề dâu tằm hiện tại và tương lai nhất định phát triển. Vì nhiều nơi có đất trồng phù hợp cây dâu, vì một lứa tằm rất ngắn, thu hồi vốn nhanh; vì giá tơ rất cao, và rất dễ tiêu thụ, nhu cầu về tơ trên thương trường còn rất lớn. Có thể có sự thất bại tạm thời là do cách tổ chức quản lý chưa phù hợp, chứ không phải do năng suất, hay do không tiêu thụ được sản phẩm.
Cô giáo Hạnh đã đúng khi xin thành lập công ty cổ phần. Rồi kiên trì thuyết phục vận động nông dân trồng dâu, nuôi tằm. Ðương nhiên, cái quyết định quan trọng nhất ban đầu là tỉnh Yên Bái, huyện Trấn Yên quy hoạch vùng đất trồng dâu 300 ha. Chị về Nghĩa Lộ, chọn “cán bộ” cho công ty, vẫn là những đứa con của mẹ ở Trung tâm Hoàng Anh. 12 em được đưa về công ty học nghề trồng dâu, nuôi tằm. Lớp do các thầy ở trung tâm dâu tằm tơ Trung ương về dạy. Kỹ thuật ở các khâu từ trồng dâu đến chăm sóc tằm, bảo quản kén thì do các chuyên gia Trung Quốc đảm nhiệm. Thế rồi, 12 học trò ấy sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo cấp tốc được tung về 12 xã làm cán bộ khuyến nông.
Chị đưa chúng tôi ra xe, về làng dâu thuộc hai xã Tân Ðồng và Việt Thành. Ai cũng căng tai để nhớ những thuật ngữ nhà tằm: vòng trứng, que né, ăn rỗi, tuổi tằm, tằm vàng, tằm trắng, nhà tằm, kén đôi, kén đơn… Giám đốc Hạnh như một chuyên gia thực thụ. Mà thời gian chưa được bao lăm. Cuối năm 2005, những cây dâu đầu tiên mới bén đất. “Các anh ạ – Hạnh giới thiệu – Bây giờ ta về làng người Dao ở Tân Ðồng nhé. Người Dao mà làm khoa học mới đáng nể. Họ thuộc “bài” và tính toán như trong lòng bàn tay. Không ưng cái bụng, chả làm”.
– Ô, cán bộ về hỏi vì sao nuôi tằm à? Chị Ðặng Thị Ðặt ở thôn 7, mới 45 tuổi đã có hai cháu ngoại, một cháu nội, trả lời cán bộ bằng câu hỏi lại. – Hỏi bà Hạnh đây này. Công ty hướng dẫn tất. Mình tính có lợi thì làm.
Mỗi năm, ít nhất cũng nuôi được 10 lứa tằm, vạch que than lên cột nhà tính ra ngay khoản tiền 8 triệu đồng. Ôi, người Dao ta xưa nay trồng lúa, cả năm trên bốn sào ấy chỉ thu được một triệu đồng thôi à. Và bà con bảo: trồng dâu – nuôi tằm lãi gấp bốn lần nuôi lợn, tám lần trồng lúa. Không tính được thu bao nhiêu triệu đồng một “hát” (héc-ta) đâu à. Nhưng mà vụ sau nhà mình sẽ trồng thêm mấy sào nữa đấy, nghe nói có giống dâu mới “nhiều thịt ít xương”.
Ðó là giống Sa nhị luân và Quế ưu – 612. Giống cũ VH5 đã thoái hóa, lá bé như ngón tay. Còn giống dâu mới lá to như bàn tay. “Xương” là gân lá, “thịt” là phần lá. Lá to và giàu chất dinh dưỡng là ưu biệt của các loại giống dâu mới, phải mấy lần sang Trung Quốc Giám đốc Hạnh mới tìm được loại giống này. Lứa đầu, công ty dành hơn 800 triệu đồng cấp cho dân trồng dâu, không thu đồng nào. Cách “chào hàng” ấy ở miền núi kể cũng táo bạo. Táo bạo nhưng tự tin, nó khác với người ném tiền qua cửa sổ. Ðời cây dâu khoảng 15 năm. Từ lúc gieo hạt giống đến khi thu lá khoảng sáu tháng. Mỗi năm đốn dâu hai lần, thường là vào tháng 6 và tháng 11, nhưng cũng phải đốn rải để liên tục có lá cho tằm ăn.
Chúng tôi đi dọc bãi sông. Sông Hồng nơi đây cũng một sắc phù sa nhấp nhóa nâu hồng. Những bãi dâu cao hơn đầu người lớn. Phía bên kia người ta vừa đốn dâu, trơ lên cả một cánh bãi, thân dâu cụt ngọn, ứ nhựa, cách mặt đất chừng ba gang tay. Lòng chợt ngân lên câu thơ buồn của Nguyễn Bính: “Em ơi em ở lại nhà/ vườn dâu em đốn mẹ già em thương”. Cánh đồng dâu ấy chừng 20 ha của xã Việt Thành. Cụ Bùi Ðức Thái, năm nay 80 tuổi, dáng còn nhanh nhẹn, giọng nói khỏe như một trung niên: “Nhà này có một mẫu ba. Tôi bàn với các em chỉ để ba sào cấy lúa. Cả thôn giờ có tới tám trên mười phần số hộ chuyển nghề dâu tằm rồi đấy. Cây dâu là cây làm giàu, chứ còn hỏi cây gì nữa”. Cụ Thái xăm xắn dẫn chúng tôi thăm nhà tằm. Nhà tằm của gia đình cụ to nhất thôn này, 72 m2. Diện tích ấy có thể nuôi được 5 vòng (5 vòng trứng tằm, mỗi vòng khoảng 4.800 – 5.000 con tằm). Bây giờ người dân vùng này đã quen công nghệ mới nuôi tằm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ tuổi một đến tuổi ba nuôi trên nong. Giai đoạn hai từ tuổi bốn đến tuổi năm nuôi trên nền nhà. Nuôi trên nền nhà có cái lợi là không phải thay phân tằm, và khi tằm chín thì tự leo lên né, không phải dùng tay bắt từng con theo cách thủ công. Cái cơ thể con tằm thật lạ, ở tuổi bốn-năm cứ cho chúng ngủ trên nền nhà rồi rắc vôi bột lên, tằm ưa vôi bột, còn phân tằm thì khô vón lại, sau này dùng chăm bón cây. Và câu chuyện lá dâu xanh tằm xơi vào bụng mà nhả tơ quý có lẽ cũng bắt nguồn từ sự lạ này. Những chiếc áo tơ tằm, những chiếc ca-vát tơ tằm xuất khẩu sang trời Âu, trời Mỹ, đơn giản thế, từ lá dâu mà ra cả.
Anh cán bộ khoa học đi cùng tôi bảo: “Khí hậu ở Yên Bái này rất ôn hòa. Có lẽ nhờ rừng còn nhiều. Nhờ cả như cái hồ Thác Bà mênh mang ấy. Ban ngày dù nắng tới 37độ C, nhưng đêm xuống chỉ còn 28-30 độ C. Bởi thế, ở trên này người ta chỉ nuôi tằm trắng (lưỡng hệ), không nuôi tằm vàng (đa hệ). Tằm trắng giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với tằm vàng”.
Ðã qua những lứa tằm đầu. Ðã qua những đợt giao kén đầu. Ðã qua những đêm trăng nghe tằm rào rào ăn rỗi mà vẫn lo thắt ruột. Ðã qua… Và còn những gì chưa qua?
Còn đấy cái nghề dâu tằm có lịch sử dài lâu mà thăng trầm bao bận. Phải giữ nghề bằng tình yêu, tình thương và niềm tin ở con người!
Bây giờ, cái tên Công ty cổ phần dâu tằm tơ Trấn Yên đã trở nên quen thuộc với nông dân, với khách hàng gần xa. Giám đốc Vũ Thị Hạnh lội bộ về thôn người Dao, người Tày được bà con mời trầu và gọi là bà chủ. Hạnh cười: “Không dám ạ. Các bác mới là bà chủ”. Chắt chiu từng đồng vốn để rồi lại đầu tư cho nông dân. “Em là con nhà nghèo. Em lại có quá nhiều nỗi buồn rồi. Em muốn người nghèo giàu lên, các con em có việc làm”. Bây giờ, chị đã chọn trong số mấy chục con nuôi gửi đi học các trường cao đẳng, dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp để mai ngày trở về với vùng tằm. Mới đây, chị vay thêm vốn mua được dây chuyền máy ươm tơ công nghiệp, giá một tỷ đồng. Bao nhiêu vốn liếng dốc vào nương dâu, con tằm cả. Có một chuyện nhỏ cứ ám ảnh tôi mãi. Hạnh kể rằng, hôm kéo đường điện vào công ty, loay hoay mãi chả có tiền, phải liều vay một đồng chí lãnh đạo 50 triệu đồng. Bác ấy bảo, nếu vay nhiều thì ra ngân hàng, nhưng thôi, cô cứ cầm tiền về đầu tư. Sản xuất phát triển là mừng rồi, tiền lãi được bao nhiêu đưa vào Quỹ xóa đói, giảm nghèo.
Thế đấy, nhìn xa trông rộng, nhưng cũng có khi phải tạm “giật gấu vá vai”. Ðường còn xa. Ðích còn xa. Ðời tằm chỉ hơn 20 ngày mà gian nan lắm. Nhưng có hạnh phúc nào hơn là được rút lòng mình, trải lòng mình ra trước con người, trước cuộc đời. Và như thế, đời tằm… rất dài, như câu thơ của người bạn vong niên: “Kiếp tằm vương một lời chi/ Rút tơ lòng trải đường đi cho đời…”.