Giới thiệu khái quát thành phố Bắc Ninh – Tỉnh Bắc Ninh – vansudia.net
1. Vị trí địa lý, dân số
Thành phố Bắc Ninh nằm ở phía Nam sông Cầu, phía Đông Bắc của tỉnh, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 30km về phía Nam, cách thành phố Bắc Giang 20km về phía Bắc. Thành phố có 19 đơn vị hành chính gồm 16 phường và 3 xã.
+ Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang;
+ Phía Nam giáp huyện Tiên Du, huyện Quế Võ;
+ Phía Đông giáp huyện Quế Võ;
+ Phía Tây giáp huyện Tiên Du, huyện Yên Phong.
– Dân số: 196.000 người (T5/ 2017)
– Diện tích: 82,60 km2
2. Đơn vị hành chính:
Thành phố Bắc Ninh gồm 19 đơn vị hành chính. Trong đó có 16 phường: Đáp Cầu, Thị Cầu, Vũ Ninh, Suối Hoa, Ninh Xá, Tiền An, Vệ An, Vạn An, Kinh Bắc, Đại Phúc, Võ Cường, Vân Dương, Hạp Lĩnh, Phong Khê, Khúc Xuyên, Khắc Niệm và 3 xã: Hòa Long, , Kim Chân, Nam Sơn.
II. Đặc điểm tài nguyên- thiên nhiên
1. Địa hình, khí hậu
– Thành phố Bắc Ninh địa hình của vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ, tương đối bằng phẳng, gồm địa hình đồng bằng và địa hình chuyển tiếp giữa đồng bằng và trung du. Hướng dốc chính của địa hình theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.
– Đặc điểm khí hậu:
Thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm 23,3oC, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất 28,9oC (tháng 7), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 15,8oC (tháng 1). Sự chênh lệch nhiệt độ giữa tháng cao nhất và tháng thấp nhất là 13,1oC.
– Lượng mưa trung bình hàng năm dao động trong khoảng 1.400 – 1.600mm nhưng phân bố không đều trong năm. Mưa tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau chỉ chiếm 20% tổng lượng mưa trong năm.
– Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.530 – 1.776 giờ, trong đó tháng có nhiều giờ nắng trong năm là tháng 7, tháng có ít giờ nắng là tháng 1.
– Hàng năm có 2 mùa gió chính: gió mùa Đông Bắc thịnh hành từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau; gió mùa Đông Nam thịnh hành từ tháng 4 đến tháng 9 mang theo hơi ẩm, gây mưa rào.
2. Đặc điểm thủy văn.
Thành phố có chế độ thủy văn thuộc hệ thống lưu vực Sông Cầu (bắt nguồn từ tỉnh miền núi Bắc Cạn), đoạn chảy qua thành phố dài đến 30km (chiếm khoảng 1/4 tổng chiều dài qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh), lòng sông mùa khô rộng (60 – 80m), mùa mưa rộng (100 – 120m). số liệu đo mực nước tại Đáp Cầu: mực nước lớn nhất là 8,09m (năm 1971), lưu lượng tối đa 1780m3/s, mực nước nhỏ nhất – 0,17m (năm 1960), lưu lượng tối thiểu 4,3m3/s. Mực nước báo động cấp 1 là 3,8m; mực nước báo động cấp 3 là 5,8m. Trên địa bàn thành phố còn có các nhánh nhỏ của sông Cầu như: sông Ngũ Huyện Khê, đoạn chảy qua địa bàn từ xã Phong Khê đến xã Hòa Long dài khoảng 15km; sông Tào Khê, từ xã Kim Chân – Cầu Ngà dài khoảng 9km. Ngoài ra, có các tuyến kênh mương, ao hồ chính như: kênh Nam dài 8,8km; kênh Tào Khê dài 9,4km; hồ nước Đồng Trầm (diện tích khoảng 40ha, mực nước mùa kiệt 1 – 1,5m); hồ Thành Cổ (diện tích khoảng trên 8,0ha, mực nước mùa kiệt 0,5m).
3. Tài nguyên đất:
Theo số liệu thống kê đất đai, diện tích tự nhiên của thành phố có 8.260,88ha. Trong đó: đất nông nghiệp 3.745,16ha, đất phi nông nghiệp 4.459,76ha và đất chưa sử dụng 55,96ha. Về đặc tính đất đai được xác định qua việc phân tích thổ nhưỡng đất thể hiện trên bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/25.000 toàn tỉnh Bắc Ninh do Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp xây dựng năm 2000, bao gồm có các loại đất chính sau:
+ Đất loang lổ, diện tích 296,46ha.
+ Đất phù sa loang lổ, diện tích 481,74ha.
+ Đất xám feralit, diện tích 234,42ha.
+ Đất gley chua, diện tích 667,03ha.
+ Đất phù sa chua, diện tích 1.297,14ha.
+ Đất xám loang lổ, diện tích 963,35ha.
4. Tài nguyên nước:
Nguồn nước mặt: với lợi thế nằm cạnh sông Cầu về phía Bắc thuộc vùng trung hạ lưu của hệ thống sông Cầu, có sông nhánh Ngũ Huyện Khê nằm tại khu vực phía Tây và sông Tào Khê nằm tại khu vực phía Đông của thành phố. Các dòng chảy đã cung cấp nước mặt phong phú cho các hoạt động sản xuất, giữ vai trò quan trọng về công tác thủy lợi của địa phương mà còn tạo giá trị kinh tế cao về giao thông đường thủy: cảng sông Đáp Cầu chuyên phục vụ bốc xếp vật tư, nguyên liệu cho nhà máy Kính cùng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có hệ thống hồ, ao phân bố rải rác trong các khu vực cùng với hệ thống kênh mương thủy lợi đảm nhận chức năng điều tiết, lưu chuyển lượng nước mặt cho thành phố và tạo cảnh quan, không gian môi trường sinh thái.
Nguồn nước ngầm: theo kết quả điều tra địa chất thủy văn thì vùng Bắc Ninh có nguồn nước ngầm mạch nông, chiều dày tầng trung bình 10 – 12m và là tầng chứa nước có áp, lưu lượng nước khá phong phú (3,5 – 10,6l/s.m). Vùng phía Bắc có trữ lượng khá lớn, khả năng khai thác với trữ lượng cao và chất lượng đảm bảo: khu vực làng Hữu Chấp, Đẩu Hàn thuộc xã Hòa Long với trữ lượng khoảng 13.000 m3/ngày.đêm. Khu vực phía Đông Nam thành phố có trữ lượng nước dồi dào song chất lượng không đảm bảo.
III. Đặc điểm kinh tế
– Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên địa bàn thành phố đạt 11,9%; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng đạt trên 97%. Thành phố Bắc Ninh đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN) lớn như: KCN Quế Võ (650 ha), KCN Hạp Lĩnh – Nam Sơn (300ha) và 05 cụm công nghiệp làng nghề, thu hút gần 2.000 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở, hợp tác xã sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị- nông thôn được triển khai tích cực, bộ mặt đô thị ngày càng được đổi mới, nhiều tuyến đường giao thông kết nối nội ngoại thành, các tuyến đường trung tâm được xây dựng mới và nâng cấp; nhiều dự án khu đô thị với quy mô lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng như: Vũ Ninh – Kinh Bắc, Hòa Long – Kinh Bắc, Hồ Ngọc Lân III; Khu đô thị mới đường Lê Thái Tổ (khu HUD); Khu đô thị mới Bắc đường Kinh Dương Vương (phường Vũ Ninh); Khu đô thị mới Nam Võ Cường (phường Võ Cường)…
– Hoạt động thương mại- dịch vụ của thành phố cũng phát triển mạnh với chuỗi trung tâm thương mại, siêu thị như: Him Lam Plaza, Dabaco mart, Media mart…; hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp như: Mường Thanh Hotel, L’Indochina Hotel, Phượng Hoàng Hotel, Khách sạn Hoàng Gia, Khách sạn Đông Đô, World Hotel….
– Lĩnh vực văn hóa, xã hội của thành phố ngày càng được quan tâm và có bước phát triển mới. Hiện nay, thành phố Bắc Ninh có 192 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 87 di tích được xếp hạng (41 di tích cấp Quốc gia, 47 di tích cấp Tỉnh); Công tác an sinh xã hội được quan tâm chú trọng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn 10%, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,22%. Hàng năm giải quyết việc làm cho trên 5000 lao động. Sự nghiệp giáo dục- đào tạo của thành phố Bắc Ninh phát triển toàn diện, ổn định và luôn dẫn đầu phong trào giáo dục- đào tạo toàn tỉnh.
Với sự phát triển toàn diện như vậy, ngày 25/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2088/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Bắc Ninh
Thành phố Bắc Ninh – Những thành tựu nổi bật
Sau một chặng đường khồn dài, gần 20 năm được trở lại vị trí đô thị trung tâm và gần 10 năm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, được sự quan tâm của Trung ương và của Tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Bắc Ninh đã đoàn kết, quyết tâm phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một đô thị nhỏ, có nhiều khó khăn, đến nay Thành phố đã phát triển nhanh, toàn diện, vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Có thể khái quát 10 thành tựu nổi bật sau:
1. Thành phố Bắc Ninh đã chủ động tham mưu và được BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/TU ngày 30/6/2006 và Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/9/2013 về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng thành phố Bắc Ninh theo hướng: Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng đô thị Bắc Ninh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, hướng tới kinh tế tri thức và đô thị thông minh, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, là một trong những địa phương đi đầu về sự thịnh vượng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
2. Đảng bộ thành phố nhiều năm liên tục đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03/CT-TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; với việc thực hiện 32 đề án, Chương trình khắc phục tồn tại, hạn chế; kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức cán bộ. Đến nay, Đảng bộ thành phố có 77 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 8.000 đảng viên. Tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh hàng năm đạt trung bình trên 85%, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 87%, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém.
3. Phát huy truyền thống cách mạng và danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quốc phòng – an ninh, giữ gìn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng thành phố phát triển toàn diện, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2009 và Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2014.
4. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao bình quân đạt 14,5%/ năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp 3,7%. Tổng sản phẩm xã hội bình quân đầu người trên năm đạt 3.700USD. Thu hút đầu tư trên địa bàn Thành phố có 2 khu công nghiệp lớn (KCN Quế Võ 650 ha, KCN Hạp Lĩnh – Nam Sơn 300ha) và 3 cụm Công nghiệp làng nghề (Khắc Niệm – Hạp Lĩnh, Phong Khê, Võ Cường) thu hút 600 doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động. Hoạt động kinh doanh các hộ cá thể và hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị phát triển như: Him Lam Plaza, Dabaco mart, Media mart. Hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực với các hình thức du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, lễ hội truyền thống. Hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp được xây dựng như Phượng Hoàng, Hoàng Gia, Đông Đô, World Hotel đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách.
5. Quan tâm đặc biệt công tác phát triển đô thị, Thị xã Bắc Ninh được công nhận đô thị loại III vào năm 2005, và đã được nâng cấp là Thành phố trực thuộc Tỉnh vào tháng 1 năm 2006.
Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của đô thị trung tâm, ngày 09/4/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập thêm 9 xã: Hòa Long, Vạn An, Khúc Xuyên, Phong Khê, Kim Chân, Vân Dương, Hạp Lĩnh, Khắc Niệm để mở rộng thành phố Bắc Ninh. Tập trung đầu tư và thành lập phường Võ Cường, Vạn An, Vân Dương, Hạp Lĩnh, Khắc Niệm, Khúc Xuyên và Phong Khê. Hiện nay, thành phố Bắc Ninh có 16 phường, 3 xã, diện tích tự nhiên là 82,61 km2, dân số Thành phố là 183.000 người.
Với sự phát triển toàn diện, ngày 25/6/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bắc Ninh, góp phần quan trọng xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015 và trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ 21.
6. Phát huy tối đa các nguồn lực, Thành phố tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị – nông thôn, triển khai thực hiện nhiều tuyến đường giao thông kết nối nội ngoại thành, các tuyến đường trung tâm (mặt cắt 30-100m) được xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp theo tiêu chí đô thị hiện đại. Các công trình phúc lợi công cộng như trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, vườn hoa, công viên,… được đầu tư đồng bộ, hiện đại và phục vụ thiết thực cho nhu cầu sử dụng của nhân dân Thành phố. Đồng thời triển khai xây dựng nhiều chương trình điểm nhấn lịch sử- văn hóa, kiến trúc đô thị như: Công viên tượng đài Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Công viên Hồ điều hòa Văn miếu, Cột cờ Bắc Ninh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tỉnh, Nghĩa trang liệt sỹ thành phố, Đồng hồ công cộng và tăng cường chỉnh trang đô thị lắp đặt hệ thống đèn LED tại một số tuyến đường trung tâm… Nhiều dự án khu đô thị với quy mô trên 100 ha được triển khai đầu tư và đưa vào sử dụng như: Khu đô thị Nam Võ Cường, Khu đô thị đường Lê Thái Tổ, Vũ Ninh – Kinh Bắc, Phúc Ninh…
7. Thành phố được công nhận là đô thị sáng – xanh – sạch – đẹp (Hiệp hội đô thị Việt Nam bình chọn năm 2009). Quản lý đô thị đi vào nề nếp, diện mạo đô thị có sự đổi mới, Thành phố đã tập trung thực hiện chủ đề tăng cường kỷ cương văn minh đô thị với những hành động cụ thể, thói quen tốt như: chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, giữ gìn môi trường, ứng xử có văn hóa… Điều chỉnh, đặt tên gần 200 tuyến đường phố trung tâm. Hệ thống chiếu sáng công cộng được quan tâm, đến nay 100% đường phố chính, 90% đường xóm, ngõ đô thị có đèn chiếu sáng. Các tuyến phố chính được trải nhựa; đường làng, ngõ, xóm được bê tông hóa. Hệ thống nước máy được đầu tư xây dựng và nâng cấp, phấn đấu 100% các hộ gia đình được dùng nuớc hợp vệ sinh; đặc biệt đóng cửa bãi rác Đồng Ngo sau 16 năm hoạt động và đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải Phù Lãng và khu xử lý nước thải làng nghề Phong Khê.
8. Thực hiện tốt Đề án bảo tồn, phát triển, quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh với vị thế là Thủy tổ Quan họ (Diềm Xá- Hòa Long); hiện Thành phố có 31/49 làng quan họ gốc và 30/40 Nghệ nhân dân ca Quan họ của toàn Tỉnh, góp phần tích cực vào việc dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Công tác quản lý văn hóa,các lễ hội, di tích tiêu biểu như: Đền Bà Chúa Kho, Đền Cùng – Giếng Ngọc, Chùa Hàm Long, Chùa Dạm được quan tâm. An sinh xã hội được chú trọng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 10%; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,5%. Công tác chăm lo các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng khó khăn được quan tâm. Đồng thời làm tốt công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho trên 5000 lao động/ năm.
9. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo đựơc đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài”, ngành giáo dục luôn khẳng định là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh với 90% cán bộ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn. Đầu tư xây dựng cụm trường trọng điểm chất lượng cao, hiện đại, đồng bộ (trường MN Phương Anh, Tiểu học, THCS Suối Hoa) và tăng cườg cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy học. Hệ thống giáo dục phát triển mạnh ở cả 4 cấp. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 66 trường học và 16 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề và đang quy hoạch khu đô thị đại học trên địa bàn.
Phong trào khuyến học, khuyến tài thành phố phát triển cả về bề rộng và chiều sâu; việc xây dựng quỹ khuyến học được quan tâm và kịp thời khen thưởng, trao học bổng, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tuyên dương hơn 750 học sinh đỗ đại học chính quy nguyện vọng 1 hàng năm. Đồng thời tiếp nhận gần 60 thạc sỹ, sinh viên Đại học tốt nghiệp lọai giỏi về thành phố côn tác.
10. Phát huy sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tranh thủ có hiệu quả sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành. Đồng thời, trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, thành phố đã lựa chọn đúng mục tiêu, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thực hiện linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ và đạt kết quả cao. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm từng việc, từng lĩnh vực góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra.
Phấn khới trướng những thành tựu đã đạt đựoc và đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, Đảng bộ và nhân dân thành phố tự hào, quyết tâm phấn đấu xây dựng Thành phố Bắc Ninh văn hiến khoa bảng, cách mạng anh hùng, ngày càng giàu mạnh, văn minh và phát triển.