Giới thiệu chung về tỉnh Thái Nguyên
I. Vị trí địa lý và phạm vi hành chính
Thái Nguyên là tỉnh tiếp giáp với Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và được xác định là một trong những trung tâm vùng của các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ, có diện tích tự nhiên trên 3.500 km2.
Trung tâm thành phố Thái Nguyên
Tỉnh Thái Nguyên, là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ; phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội; diện tích tự nhiên 3.562,82 km².
Tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính: Thành phố Thái Nguyên; thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và 6 huyện: Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và 178 xã, phường, thị trấn.
II. Quy mô dân số
Thái Nguyên có gần 1,3 triệu người với nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 08 dân tộc chiếm số đông (Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông, Sán Chay, Dao, Hoa), đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh.
III. Tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên:
Địa hình không phức tạp so với các tỉnh trung du, miền núi khác, đây là một thuận lợi của Thái Nguyên. Khí hậu chia làm 4 mùa rõ rệt Xuân – Hạ – Thu – Đông; lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.000 đến 2.500 mm; tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.300 đến 1.750 giờ. Nhìn chung khí hậu của tỉnh Thái Nguyên thuận lợi cho phát triển ngành nông, lâm nghiệp.
Tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại, là một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng…Tỉnh Thái Nguyên có trữ lượng than lớn thứ hai trong cả nước; kim loại màu có thiếc, chì, kẽm, vonfram, vàng, đồng, niken, thủy ngân… Khoáng sản, vật liệu xây dựng cũng là tiềm năng nguyên liệu rất lớn để sản xuất xi măng, sản xuất đá ốp lát các loại và sản xuất vật liệu xây dựng. Về than có 4 mỏ với trữ lượng trên 100 triệu tấn. Quặng sắt có 47 mỏ và điểm mỏ với trữ lượng gần 100 triệu tấn. Ti tan có 18 mỏ với trữ lượng thăm dò khoảng 18 triệu tấn; Thiếc có 3 mỏ với trữ lượng trên 13 triệu tấn; vonfram với trữ lượng trên 110 triệu tấn…Về vật liệu xây dựng có 2 mỏ sét với trữ lượng trên 80 triệu tấn; đá vôi xây dựng với trữ lượng 100 tỷ m3; mỏ sét cao lanh với trữ lượng trên 20 triệu m3…
IV. Cơ sở hạ tầng
Thái Nguyên có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với các địa phương và cửa khẩu Quốc tế: Hệ thống đường bộ với Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ mới Bắc Kạn; Quốc lộ 37 kết nối Bắc Giang – Thái Nguyên – Tuyên Quang; Quốc lộ 1B kết nối Thái Nguyên – Lạng Sơn;
Với vị trí rất thuận lợi về giao thông, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km và cảng Hải Phòng 200 km, Thái Nguyên còn là điểm nút giao thông quan trọng với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh thành; đường quốc lộ 3 nối Hà Nội đi Bắc Kạn; Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc; quốc lộ 1B đi Lạng Sơn; quốc lộ 37 Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang; đường Hồ Chí Minh; đường vành đai 5; Hệ thống đường sông Đa Phúc – Hải Phòng; đường sắt Thái Nguyên – Hà Nội – Kép, Lạng Sơn.
Đường Vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội đang được đầu tư sẽ kết nối đường Quốc lộ 37 – Quốc lộ 3 mới – Cao tốc Hà Nội Lào Cai; Hệ thống đường đường sắt kết nối Thái Nguyên – Hà Nội – Hải Phòng – Lào Cai – Lạng Sơn và đường sắt Bắc Nam; đường sông có cảng Đa Phúc kết nối với các tỉnh vùng Đồng Bằng sông Hồng và cảng Hải phòng. Cách cửa khẩu biên giới Trung Quốc và cảng Hải Phòng 200km, có kết nối giao thông thuận lợi
Hạ tầng điện, nước, viễn thông: Điện có 2 hệ thống (hệ thống điện lưới quốc gia và hệ thống điện mua từ Trung Quốc) đảm bảo công suất và chất lượng điện ổn định; trên địa bàn có 2 đơn vị cung cấp nước sạch (Công ty Cổ phần nước sạch Thái Nguyên và Nhà máy nước Yên Bình) đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất; bưu chính viễn thông, giao thông (kể cả đường bộ, đường sắt và đường thủy) đều phát triển thuận lợi.
Về đào tạo: Thái Nguyên là trung tâm đào tạo đứng thứ 3 toàn quốc với 9 trường đại học trong đó Đại học Thái Nguyên có 7 trường (Công nghiệp, Nông lâm, Sư phạm, Y dược, Khoa học, Kinh tế, Công nghệ thông tin); Đại học Việt Bắc; Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; 12 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trung tâm dạy nghề đóng trên địa bàn tỉnh đang đóng vai trò vừa là trung tâm đào tạo vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hàng năm đào tạo trên 100 nghìn sinh viên có trình độ, tay nghề đáp ứng được yêu cầu lao động kĩ thuật cho tỉnh và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Về y tế: Thái Nguyên là một trung tâm y tế của vùng Đông Bắc với 01 Bệnh viện Trung ương được xếp hạng đặc biệt, 8 Bệnh viện cấp tỉnh và 3 bệnh viện đa khoa huyện (Phú Bình, Định Hóa, Đại Từ), 9 Trung tâm y tế cấp huyện; 4 Trung tâm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Kiểm soát dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế; Trung tâm Giám định y khoa; Trung tâm Pháp y và Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình.
Năm 2020, toàn tỉnh có 97,2% số xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, đạt 48,5 giường bệnh/1 vạn dân (năm 2015 là 35,5 giường bệnh/1 vạn dân), cao hơn 1,7 lần so với mức bình quân chung của cả nước.
V. Thực trạng phát triển kinh tế – xã hội
V.1. Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu, nhiệm kỳ 2015 – 2020
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, cụ thể:
1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 11,1%/năm (Mục tiêu: Tăng 10%/năm).
2. Cơ cấu kinh tế năm 2020 là: Công nghiệp và xây dựng 59%, dịch vụ 31% và nông, lâm nghiệp, thủy sản 10% (Mục tiêu: Công nghiệp và xây dựng 53%; dịch vụ 36%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 11%).
3. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,3%/năm (Mục tiêu: Tăng 15%/năm).
4. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4,5%/năm (Mục tiêu: Tăng 4%/năm).
5. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 13,1%/năm (Mục tiêu:Tăng 9%/năm).
6. Thu ngân sách nhà nước trong cân đối (không bao gồm thu tiền sử dụng đất) tăng bình quân 16,3%/năm (Mục tiêu: Tăng 16%/năm).
7. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 90 triệu đồng (Mục tiêu: Đạt 86 triệu đồng).
8. Năm 2020 có 72% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Mục tiêu: 70%)
9. Củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục các bậc học; năm 2020 có 84,04% số trường đạt chuẩn quốc gia (Mục tiêu: 80%); 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú (Mục tiêu: 8%).
10. Năm 2020, có 90% gia đình văn hóa; 78% làng, xóm, tổ dân phố văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, đạt mục tiêu Nghị quyết.
11. Đến hết năm 2020 có 97,2% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (Mục tiêu: 80%); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm 2020 giảm xuống tới 10%.
12. Hằng năm tạo việc làm tăng thêm bình quân cho 21.500 lao động (Mục tiêu: 15.000 lao động). Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 70% (Mục tiêu: 70%).
13. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,06%/năm (Mục tiêu: Giảm 2%/năm trở lên).
14. Năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,18% (Mục tiêu: Trên 50%) theo phương pháp tính mới đạt 47,59%); có 95% người dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (Mục tiêu: 95%).
V.2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm năm 2021
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Mặc dù chịu tác động từ dịch Covid-19, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong thực hiện nhiệm vụ kép “vừa đẩy mạnh công tác phòng, chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh” nên các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội vẫn được bảo đảm. Kết quả một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu của tỉnh đạt được như sau:
1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn đạt 6,5%; trong đó: Khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 6,78%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,29%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 6,81%.
2. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn đạt 361,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,65% so cùng kỳ, bằng 43% kế hoạch cả năm. Trong đó, công nghiệp địa phương đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,48% so với cùng kỳ, bằng 42,96% kế hoạch cả năm.
3. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 13,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ, bằng 47,7% kế hoạch cả năm. Trong đó, giá trị xuất khẩu địa phương đạt 238,7 triệu USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ, bằng 45,47% kế hoạch cả năm; xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,18 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ.
4. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 7.478,8 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ, bằng 47,9% dự toán cả năm; trong đó, thu nội địa đạt 6.482,6 tỷ đồng, đạt 51,4% so với dự toán, tăng 19,3% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu đạt 967,2 tỷ đồng, đạt 32,2% so với dự toán, bằng 94,7% so với cùng kỳ.
5. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 7.525 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ, bằng 51,61% kế hoạch cả năm. Trong đó, ngành nông nghiệp giá trị sản xuất đạt 7.004,6 tỷ đồng, tăng 4,27% so với cùng kỳ, bằng 52% kế hoạch năm; ngành lâm nghiệp tăng 7,3% so với cùng kỳ, bằng 50,37% kế hoạch năm; ngành thủy sản tăng 4,67% so với cùng kỳ, đạt 42,85% kế hoạch năm.
Sản lượng lương thực có hạt vụ Đông Xuân 2021 đạt 220 nghìn tấn, bằng 105,8% kế hoạch. Diện tích trồng rừng mới tập trung trên địa bàn đạt 3,05 nghìn ha, tăng 4,27% so với cùng kỳ, bằng 76,27% kế hoạch. Ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 46 % (đạt 100% kế hoạch năm).
6. Kết quả xếp hạng chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 03/63 tỉnh, thành phố, tăng 36 bậc so với năm 2019; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2019; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 02 bậc so với năm 2019; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 87,66%.
7. Công tác quốc phòng – an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại được triển khai hiệu quả, tích cực hội nhập quốc tế; chủ động mở rộng quan hệ với các địa phương, xúc tiến đầu tư, tìm đối tác tiềm năng cùng phát triển.
8. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ. Giáo dục, đào tạo có bước phát triển cả về mạng lưới, quy mô, loại hình, chất lượng ngày càng được nâng cao (toàn tỉnh có 583/684 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 85,23%). Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao chất lượng dân số được coi trọng. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Toàn tỉnh có 171/178 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo triển khai nghiêm túc, hiệu quả.
VI. Triển vọng phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2020 – 2025:
Các chỉ tiêu chủ yếu
1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên.
2. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Công nghiệp, xây dựng 61%; dịch vụ 31%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8%.
3. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9%/năm trở lên.
4. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân từ 3,5%/năm trở lên.
5. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân từ 7%/năm trở lên; trong đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân từ 11%/năm trở lên.
6. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không bao gồm thu tiền sử dụng đất và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết) tăng bình quân từ 10% trở lên).
7. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt từ 150 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 100 triệu đồng trở lên.
8. Đến hết năm 2025 có 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 06 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới.
9. Củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học; phấn đấu có 90% số trường đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc – nội trú, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường nội trú theo hướng hiện đại.
10. Năm 2025, có 90% gia đình văn hóa; 80% xóm, phố văn hoá; 90% cơ quan đạt chuẩn văn hóa.
11. Năm 2025, duy trì trên 95% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98,5%.
12. Năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 3%.
13. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm (theo chuẩn mới) từ 1% trở lên.
14. Ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên; năm 2025 có 98% người dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Nguồn thông tin:
1. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
3. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021 của UBND tỉnh.
4. Website của Trung tâm Xúc tiền đầu tư – Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên.
5. Báo cáo tình hình thực hiện công tác y tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.