Giới thiệu chung
GIỚI THIỆU CHUNG
Địa chỉ: Hồ Tùng Mậu – Ân Thi – Hưng Yên
Email : [email protected]
Điện thoại : 02213 834 064
1. Mô hình hoạt động: Chất lượng cao.
2. Đội ngũ giáo viên: 100% giáo viên tốt nghiệp Đại học trong đó gần 30% có trình độ Thạc sĩ. Là những giáo viên được đào tạo chính quy, có năng lực chuyên môn vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, có phong cách ứng xử thân thiện với học sinh và phụ huynh học sinh.
4. Mục tiêu đào tạo:
– Xây dựng nhà trường thành một đơn vị giáo dục có chất lượng tốt phù hợp với tinh thần của Sở Giáo dục về việc phát triển giáo dục trình độ chất lượng cao.
– Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức và trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên và khả năng thích ứng cao.
– Trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cơ bản theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT.
5. Phương châm giáo dục:
– Quan tâm giáo dục toàn diện: kết hợp giáo dục kiến thức chuẩn với coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kĩ năng thực hành, kĩ năng sống, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu.
– Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh: Khơi dậy và hun đúc cho mỗi ý tưởng sáng tạo, mỗi khả năng tiềm ẩn của các em, tăng cường khả năng thuyết trình, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm để mỗi học sinh được thành công trong học tập và cuộc sống.
– Giao lưu và hội nhập quốc tế qua việc chú trọng dạy môn ngoại ngữ với bốn kĩ năng cơ bản giúp học sinh giao lưu và hội nhập tốt với bạn bè quốc tế, tổ chức liên kết với một số trường quốc tế giúp học sinh làm quen với môi trường giáo dục chuẩn quốc tế.
– Quan tâm đến vấn đề tâm lý học đường thông qua việc phối hợp với các trung tâm tư vấn tâm lý giáo dục giúp các em học sinh có tâm thế học tập thân thiện, tự tin, thoải mái và hiệu quả.
6. Phương thức hoạt động của trường:
* Hoạt động dạy và học:
– Thực hiện phương pháp giáo dục và dạy học tiên tiến với sự hỗ trợ tối ưu của trang thiết bị hiện đại. Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy; Bố trí sắp xếp thời khóa biểu hợp lý đảm bảo thời lượng cho các buổi học, tiết học tự chọn, nâng cao, ngoại khoá chuyên đề
– Tổ chức học theo phòng học bộ môn, học trên mạng; mở rộng các hình thức dạy và học..
– Chỉ đạo khai thác, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị phòng thí nghiệm, thực hành.
– Liên kết với các trường THPT, Đại Học trong và ngoài tỉnh, Trung tâm ngoại ngữ, …để mời giáo viên tham gia giảng dạy các chuyên đề, các Câu lạc bộ.
– Tổ chức Câu lạc bộ năng khiếu cho học sinh (Văn hóa, nghệ thuật, thể thao…) phục vụ cho công tác dạy và học.
* Hoạt động giáo dục toàn diện:
– Thực hiện các Kế hoạch
– Chương trình theo hướng dẫn của nhiệm vụ năm học các ngày kỉ niệm, ngày lễ lớn trong năm, sinh hoạt chủ đề…
– Tăng cường các hoạt động Đoàn – Đội – Câu lạc bộ năng khiếu, CLB Văn, Thể, Mỹ theo sở thích
– Tăng cường các hoạt động giao lưu bằng nhiều hình thức như: Thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ, thi vẽ tranh, thi hùng biện, thi học sinh thanh lịch…với các trường bạn, các trường trong khu vực và quốc tế
– Tăng cường hoạt động của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, các tổ chức xã hội, giao lưu các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao.
– Liên kết với Trung tâm tư vấn để kịp thời tư vấn về tâm lý, tình cảm cho giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh.
7. Quá trình hình thành và phát triển
– Thành lập từ tháng 7.1978, Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn (Ân Thi) mang tên Trường PTTH vừa học, vừa làm Ân Thi.
– Sáng, thầy và trò lên lớp, chiều lại cùng lao động. Nhà trường giống như nông trại nhỏ, học sinh như nông dân học thêm bổ túc. Cuối khóa học đầu tiên, tỷ lệ tốt nghiệp đạt cao; trường có học sinh được tuyển chọn ra nước ngoài học tập, có học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia.
Năm 1980, mô hình trường vừa học, vừa làm không còn nữa. Huyện Ân Thi sáp nhập với huyện Kim Động thành huyện Kim Thi, trường đổi tên thành Trường THPT Kim Thi I. Thầy trò tiếp tục vượt nền, đóng gạch xây trường. Giáo viên tỏa đi khắp nơi vận động nhân dân đóng góp nguyên vật liệu. Xã có tre góp tre, xã có phi lao, bạch đàn góp phi lao, bạch đàn, rồi ngói, gạch… Các dãy phòng học cấp 4 cứ dần mọc lên. Sau một số lần thay đổi tên trường, từ năm 2003, trường mang tên Trường THPT Nguyễn Trung
– Trường được xây dựng trên diện tích trên 59 nghìn m2, bao gồm khối nhà lớp học; khối nhà các phòng chức năng với 2 phòng máy vi tính, các phòng thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh, phòng học ngoại ngữ LAP, thư viện, phòng truyền thống. Chất lượng, diện tích các phòng học đạt chuẩn, các phòng học đều có đầy đủ hệ thống chiếu sáng, quạt mát, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chuyên môn như máy chiếu; một số phòng có bảng tương tác và màn hình thông minh. Sân chơi cho học sinh rộng rãi, có nhiều cây xanh; có hệ thống sân bóng đá, bãi tập…
Hiện nay, trường có tổng số 57 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trình độ đào tạo đều đạt chuẩn hoặc trên chuẩn, đoàn kết, thống nhất cao trong công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đội ngũ cán bộ, giáo viên có năng lực chuyên môn, giàu tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề; thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.
– Trong công tác chuyên môn, các tổ chuyên môn thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, chú trọng dạy học tích hợp nhằm phát triển năng lực học sinh. Đặc biệt, nhà trường đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn đổi mới dạy, học, tăng cường sử dụng các kỹ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh… theo tinh thần của Nghị quyết số 29/NQ-TW của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
– Các giáo viên đều được tập huấn về dạy học phát triển năng lực. Đồng thời, nhà trường đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” bằng các hoạt động giáo dục và văn thể; tổ chức tốt phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”; chú trọng vận dụng mô hình trường học mới VNEN vào giờ dạy. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học. Chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng thực hiện thắng lợi chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới. Cùng với đó, trường coi trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống; chú ý giáo dục năng lực học tập sáng tạo, kỹ năng thực hành; tác phong công nghiệp; ý thức trách nhiệm xã hội cho học sinh; có khả năng hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
– Dù ở giai đoạn nào, thầy và trò nhà trường cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với các thành tích được các cấp, các ngành ghi nhận. Trường đã được công nhận chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 – 2015; được công nhận về kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ 2. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT và trúng tuyển đại học hằng năm đạt cao. Ghi nhận những thành tích của thầy và trò, nhà trường được các cấp, các ngành tặng nhiều phần thưởng, năm học 2017 – 2018, trường được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Hiệu trưởng
Lê Xuân Hoạch