Giới thiệu

Giới thiệu chung – Công nghệ sinh học là gì?

 Công nghệ sinh học (CNSH) là một lĩnh vực nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống để tạo ra sản phẩm hoặc để phục vụ cho lợi ích của nhân loại. Công nghệ sinh học được chia thành 5 chuyên ngành chính như sau:

  • CNSH Y Sinh: đây là ngành sử dụng vật liệu là tế bào sống để nghiên cứu sản phẩm dùng trong chẩn đoán y khoa, giúp cứu chữa và ngăn ngừa các loại bệnh ở người. 

  • CNSH Dược: đây là ngành sử dụng vật liệu là tế bào sống để nghiên cứu và sản xuất dược phẩm, giúp cứu chữa và ngăn ngừa các loại bệnh ở người.

  • CNSH Thực vật: đây là lĩnh vực ứng dụng và phát triển kỹ thuật di truyền trên đối tượng thực vật. Những chuyên gia trong lĩnh vực này tiến hành xác định, tách chiết và chuyển gen từ một loài thực vật này sang loài thực vật khác, nhằm mục đích nâng cao năng suất và chất lượng giống cây trồng cũng như tạo ra giống cây trồng mới có thể chống chịu những tác động xấu của môi trường.

  • CNSH Biển và Môi trường: đây là ngành tìm hiểu về các loài sinh vật biển và tác động của môi trường biển, nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu của con người. Lĩnh vực này đang tạo ra những giải pháp mới cho nền công nghiệp và nông nghiệp, bao gồm các loại thuốc phòng chống dịch bệnh thân thiện với môi trường cũng như các loại enzyme chịu mặn, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

  • CNSH Thực phẩm: đây là lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học cho mục đích công nghiệp, bao gồm tạo ra sản phẩm sinh học, năng lượng thay thế (năng lượng sinh học) và vật liệu sinh học. Ngoài ra, chuyên ngành này còn nghiên cứu sử dụng tế bào và các thành phần khác của tế bào như enzyme để tạo ra các sản phẩm công nghiệp khác. 

 Mục tiêu đào tạo

Sứ mệnh đào tạo của Bộ môn Công nghệ sinh học là trang bị cho sinh viên tốt nghiệp kiến thức căn bản về công nghệ sinh học và những kỹ năng quản trị cần thiết để đáp ứng nhu cầu lao động trình độ cao trong môi trường khoa học công nghệ liên tục phát triển.

Bộ môn Công nghệ sinh học luôn khuyến khích sinh viên phát triển đam mê nghiên cứu khoa học thông qua nhiều hội thảo chuyên ngành, hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí và sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ giảng viên – nghiên cứu viên.

Ngoài ra, Bộ môn Công nghệ sinh học còn xây dựng cầu nối giữa sinh viên và nhà tuyển dụng dựa trên các môn học thực tập dài ngày tại các cơ sở sản xuất, viện nghiên cứu hay trường đại học khác. Điều này góp phần cải thiện khả năng thông hiểu kiến thức lý thuyết và nâng cao năng lực cạnh tranh việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

    • Chương trình đào tạo Cử nhân Ngành CNSH có chuẩn đầu ra như sau:

    a. Khả năng ứng dụng những kiến thức về toán, khoa học và kỹ thuật

    b. Khả năng thiết kế và làm các thí nghiệm, phân tích và giải thích số liệu, và lập báo cáo các kết quả đạt được

    c. Khả năng thiết kế một hệ thống, một bộ phận hoặc một quá trình để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật

    d. Khả năng làm việc trong các nhóm đa ngành

    e. Khả năng nhận biết, lập công thức và giải quyết các vấn đề kỹ thuật

    f.  Có hiểu biết về nghề nghiệp và đạo đức tốt

    g. Có khả năng giao tiếp hiệu quả, bao gồm giao tiếp nói, viết và các dạng khác

    h. Có kiến thức rộng để từ đó hiểu được tác động của những giải pháp kỹ thuật trong bối cảnh xã hội, kinh tế toàn cầu

    i.  Có nhận thức về sự cần thiết và khả năng tham gia vào việc học suốt đời để có thể làm việc hiệu quả trong bối cảnh những công nghệ mới liên tục xuất hiện

    j.  Có hiểu biết về các vấn đề đương thời

    k. Khả năng sử dụng những kỹ thuật, kỹ năng và công cụ hiện đại cần thiết cho thực tiễn kỹ thuật

    l.  Khả năng ngọai ngữ  đạt trình độ tiếng Anh cao cấp

Chương trình đào tạo

Chương trình Đại học 

  • Chương trình do Trường Đại học Quốc tế cấp bằng (4 năm)

Chương trình này đào tạo bậc đại học chuyên ngành Công nghệ sinh học hoàn toàn tại Trường Đại học Quốc tế, Việt Nam. 

Khi hoàn thành chương trình này, sinh viên sẽ được nhận bằng Kỹ sư Công nghệ sinh học do Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM cấp.

  • Chương trình liên kết giữa Trường Đại học Quốc tế và các trường đại học đối tác (Chương trình 2 + 2)

Chương trình này cho cho phép sinh viên học 2 năm đầu tiên tại Trường Đại học Quốc tế, Việt Nam và 2 năm sau tại các trường đại học đối tác. Khi hoàn thành chương trình này, sinh viên sẽ được nhận bằng Cử nhân Công nghệ sinh học do trường đại học đối tác cấp. Hiện có hai chương trình liên kết cho ngành Công nghệ sinh học như sau:

Chương trình liên kết với Đại học Nottingham, Anh Quốc (từ năm 2005)

Chương trình liên kết với Đại học West of England, Anh Quốc (từ năm 2007)

 Chương trình Sau Đại học 

  • Chương trình Cao học do Trường Đại học Quốc tế cấp bằng (2 năm)

Chương trình này đào tạo bậc Sau Đại học chuyên ngành Công nghệ sinh học hoàn toàn tại Trường Đại học Quốc tế, Việt Nam. Khi hoàn thành chương trình này, sinh viên sẽ được nhận bằng Thạc sỹ Công nghệ sinh học do Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM cấp.

  • Chương trình Tiến sĩ do Trường Đại học Quốc tế cấp bằng (3 năm)

Chương trình này đào tạo Tiến sĩ nghiên cứu chuyên ngành Công nghệ sinh học hoàn toàn tại Trường Đại học Quốc tế, Việt Nam. Khi hoàn thành chương trình này, sinh viên sẽ được nhận bằng Tiến sĩ Công nghệ sinh học do Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM cấp.

 

spacer