Giấy tờ giả trong hoạt động công chứng – Nguyên nhân và một số giải pháp khắc phục
Các loại tài liệu, giấy tờ nói chung là phương tiện được sử dụng rộng rãi trong các mối quan hệ xã hội, nó gắn liền với mọi lĩnh vực hoạt động của mỗi người. Chúng phản ánh một lượng thông tin nhất định về sự việc, con người.
Các loại tài liệu, giấy tờ nói chung là phương tiện được sử dụng rộng rãi trong các mối quan hệ xã hội, nó gắn liền với mọi lĩnh vực hoạt động của mỗi người. Chúng phản ánh một lượng thông tin nhất định về sự việc, con người. Trong hoạt động công chứng, thuật ngữ tài liệu, giấy tờ được sử dụng thường xuyên. Có thể tài liệu, giấy tờ là đối tượng được chứng nhận và cũng có thể tài liệu, giấy tờ là vật chứa đựng căn cứ pháp lý để chứng nhận các giao dịch khác.
Trên thực tế, đã xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ, tài liệu giả trong hoạt động công chứng. Việc giả mạo giấy tờ, hồ sơ để mang đi công chứng, chứng thực xảy ra thường xuyên. Các loại giấy tờ làm giả rất đa dạng: Từ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, bằng đại học, chứng minh nhân dân và giấy tờ có giá trị lớn như đăng ký xe máy, ô tô, giấy tờ nhà, đất, sổ đỏ, sổ hồng… Họ dùng giấy tờ giả công khai, “tự nhiên” đến mức nhiều trang mạng xã hội, trang thông tin quảng cáo rao làm bằng giả, giấy tờ giả. Thậm chí họ còn nhắn tin qua điện thoại rao làm giấy tờ giả công khai. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất cho người dân, gây tâm lý hoang mang cho cả xã hội mà còn gây tâm lý phẫn nộ, bất an cho các công chứng viên, người dân khi yêu cầu công chứng.
1. Một số nguyên nhân của việc giả mạo giấy tờ trong hoạt động công chứng
Từ rất nhiều các báo cáo và một số những vụ việc điển hình nêu trên từ các tổ chức hành nghề công chứng và của các công chứng viên, có thể thấy tình trạng sử dụng giấy tờ giả trong hoạt động công chứng hiện nay diễn ra hết sức phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy. Việc tìm hiểu rõ và chỉ ra đâu là nguyên nhân của vấn nạn giấy tờ giả trong hoạt động công chứng là rất quan trọng. Từ đó, chúng ta có thể kiến nghị, đề xuất đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng hoạt động công chứng nói chung; tạo hành lang pháp lý an toàn cho người dân tham gia vào giao dịch công chứng; cũng như tạo ra sự yên tâm, an toàn pháp lý cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên.
Qua quá trình nghiên cứu các vụ việc giả mạo giấy tờ trong hoạt động công chứng, tác giả có thể tổng kết một số nguyên nhân của thực trạng như sau:
1.1. Giấy tờ giả được làm giả “tinh vi”, khó phát hiện
Thời đại công nghệ 4.0 bên cạnh những mặt tích cực rõ ràng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thì đồng thời, những mặt trái của xã hội cũng gia tăng. Một trong những hạn chế đó chính là vấn nạn giấy tờ giả trong hoạt động công chứng. Các đối tượng làm giả giấy tờ hiện nay sử dụng thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại nên “sản phẩm” hết sức tinh vi, từ dấu giáp lai, dấu nổi cho đến dấu chìm trên giấy đều rất giống con dấu thật. Do đó, đa số các vụ việc giả mạo giấy tờ xảy ra trong hoạt động công chứng thì các công chứng viên cũng chỉ là nạn nhân.
1.2. Hành vi vi phạm liên quan đến giấy tờ giả chưa được xử lý thỏa đáng
Trên thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng rất ít khi khởi tố các đối tượng liên quan đến giấy tờ giả nói chung và cả các vụ việc do các tổ chức hành nghề công chứng phát hiện và báo cáo[1]. Điển hình, có thể nói đến hoạt động của Phòng công chứng số 7 Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12/2009, trong quá trình hoạt động phát hiện một vụ việc sử dụng hợp đồng ủy quyền giả để mua, bán nhà đất. Vụ việc này cũng được Phòng công chứng số 7 chuyển hồ sơ đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 để điều tra từ tháng 12/2018 và sau đó tiếp tục có công văn nhưng vẫn chưa nhận được thông tin giải quyết từ cơ quan này.
Một vụ việc mới nhất cũng xảy ra tại Phòng công chứng số 7. Cụ thể, ngày 19/7, công chứng viên tạm giữ sổ đỏ của bà N.T.N (cư trú tại quận Bình Tân) để xác minh giấy tờ giả. Theo vụ việc này, bà N đến phòng công chứng làm thủ tục ký bán thửa đất hơn 300 m2 tại quận Bình Tân với giá 1,5 tỷ đồng. Qua đối chiếu, công chứng viên phát hiện các giấy tờ khác như chứng minh nhân dân, trước bạ, hồ sơ thừa kế… là thật nhưng sổ đỏ có dấu hiệu giả nên chuyển đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân để xác minh thông tin. Ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng Phòng công chứng số 7 cho biết, phải chờ văn bản trả lời kết quả xác minh giấy chứng nhận của cơ quan cấp giấy thì mới có cơ sở để chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra công an quận để đề nghị điều tra và khởi tố theo đúng quy định[2].
Chính vì chưa có sự xử lý nghiêm khắc, triệt để từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền nêu trên mà tình trạng làm giả giấy tờ xảy ra tràn lan, mất kiểm soát. Điều này không chỉ gây nguy hại lớn cho người dân, cho xã hội mà còn là một nỗi “ám ảnh” đối với công chứng viên, tâm lý bất an có thể bị “lừa” bất cứ khi nào.
1.3. Chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý cho công chứng viên thực hiện quyền xác minh
Điều 46 Luật Công chứng năm 2014 quy định người yêu cầu công chứng phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và tính chính xác của các giấy tờ mang đến công chứng. Theo đó, công chứng viên phải bảo đảm các nội dung như chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự; mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch. Trách nhiệm khá rõ ràng, nếu công chứng viên cố ý làm sai để trục lợi thì phải chịu trách nhiệm hình sự, vô ý thì phải bồi thường thiệt hại dân sự. Như vậy, công chứng viên chịu trách nhiệm đối với giấy tờ do khách hàng mang đến là đồng nghĩa với việc mỗi ngày công chứng viên ký bao nhiêu hồ sơ thì đối mặt với bấy nhiêu nguy cơ phải bồi thường thiệt hại, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, với quy định trên thì công chứng viên chịu trách nhiệm về nội dung công chứng nhưng lại không đương nhiên có quyền thực hiện xác minh nội dung trong hợp đồng công chứng. Luật Công chứng cũng như các văn bản pháp lý có liên quan trong lĩnh vực công chứng chưa thực sự tạo ra một cơ chế pháp lý ổn định, đồng nhất và đầy đủ cho công chứng viên thực hiện quyền xác minh trong hoạt động công chứng.
Theo tinh thần tại khoản 5 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 thì công chứng viên chỉ tiến hành hoạt động xác minh trong trường hợp phải thực hiện xác minh do có vấn đề chưa rõ; việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép; có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh. Điều này có nghĩa là công chứng viên không được quyền đương nhiên xác minh những vấn đề còn lại trong nội dung giao dịch. Với những quy định trong Luật Công chứng năm 2014 cho thấy chưa đủ để tạo ra một cơ chế hỗ trợ tích cực cho công chứng viên trong việc xác minh, kiểm tra và xử lý giấy tờ giả. Do đó, các công chứng viên gặp rất nhiều khó khăn, không được cung cấp đầy đủ thông tin chính xác từ phía các cơ quan chức năng trong quá trình hành nghề, dẫn đến còn xảy ra trên thực tiễn rất nhiều những vụ việc giấy tờ giả lọt vào hoạt động công chứng.
1.4. Thiếu máy móc, công nghệ hỗ trợ nhận biết giấy tờ giả
Hiện nay, đối tượng được làm giả mạo là giấy tờ trong hoạt động công chứng được tạo ra rất tinh vi và hiện đại, bằng kỹ năng quan sát thông thường thì rất khó phát hiện ra. Do đó, việc các công chứng viên cũng như các bên tham gia giao dịch công chứng bị “qua mặt” là chuyện rất dễ xảy ra trên thực tế. Do vậy, để phát hiện ra các dấu hiệu giả mạo trong giấy tờ đó cũng cần phải sử dụng đến một số các thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại, tinh vi.
Tuy nhiên, các trang thiết bị, cũng như máy móc được sử dụng tại các tổ chức hành nghề công chứng hiện nay đa số chỉ có các thiết bị văn phòng cơ bản, có sử dụng công nghệ thông tin. Các tổ chức hành nghề công chứng trang bị các thiết bị, máy móc chuyên dụng trong việc phát hiện các dấu hiệu giả mạo trong giấy tờ hiện nay còn rất thô sơ và hạn chế. Hầu hết là các tổ chức hành nghề công chứng còn thiếu các thiết bị, máy móc hiện đại hỗ trợ cho việc phát hiện giấy tờ giả mạo trong hoạt động công chứng. Đây cũng chính là một trong những nguyên do mà các công chứng viên khó khăn trong việc phát hiện các dấu hiệu giả mạo trong giấy tờ công chứng.
1.5. Kỹ năng hành nghề của một số công chứng viên còn hạn chế
Ngoài những nguyên nhân khách quan do tài liệu, giấy tờ giả hiện nay được làm ngày càng tinh vi và khó phát hiện ra, thì một trong những nguyên nhân để giấy tờ giả “lọt qua cửa” các tổ chức công chứng chính là do kỹ năng hành nghề của nhiều công chứng viên còn yếu kém, kiến thức cũng như khả năng nhận biết về tài liệu, giấy tờ giả còn thiếu và yếu. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: Do thái độ chủ quan, cẩu thả, làm việc thiếu cẩn thận… của một số công chứng viên. Ngoài ra, còn một số công chứng viên chưa được đào tạo, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng hành nghề của công chứng viên.
2. Một số giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng giấy tờ giả trong hoạt động công chứng
2.1. Vận dụng kỹ năng xem xét giấy tờ
Công chứng viên phải kiểm tra thật kỹ bản gốc giấy tờ được xuất trình mà ta cho là bản thật nhưng phải xem đến các chi tiết khác như: Mẫu giấy đó được dùng thời điểm nào, quốc hiệu, tên gọi của cơ ban hành, mẫu con dấu…Giấy tờ giả được thực hiện ngày càng tinh vi, nhưng nếu nhìn kỹ bằng mắt thường công chứng viên vẫn có thể phát hiện ra nếu được kiểm tra cẩn thận. Một số cách cụ thể để phát hiện giấy tờ giả như sau: Việc tẩy xóa trên giấy tờ, nếu bằng cơ học thì thường lộ ra nhược điểm tại nơi tẩy xóa mất độ liền mạch cần thiết, do có nhiều vết trầy xước; giấy ở chỗ tẩy xóa sẽ mỏng hơn bình thường; nền in ở vị trí tẩy, bao gồm cả dòng kẻ, bị phá hủy; chữ viết chỗ tẩy xóa có khi bị nhòe, độ đậm, nhạt của chữ cũng khác; các nét chữ xung quanh vùng tẩy có thể bị mất hoặc thay đổi màu; các nét viết, in sau khi tẩy xóa thường to, đậm, nhòe; xem xét chữ ký và con dấu: Chữ ký giả thường không tự nhiên, lưu loát, đường nét run, gãy, không có mối liên kết các nét, nét bắt đầu và nét kết thúc không sắc gọn… Với con dấu, nếu dấu giả khoảng cách giữa các vành thường không đều; đường nét không liên tục, tự nhiên; nét chữ không thẳng; kiểu chữ không đúng quy cách; bố cục các dòng chữ, hình không cân đối; các chi tiết như quốc huy, quốc hiệu khó thể hiện đầy đủ nên thường hay đọng mực, mờ nhòe…
Bên cạnh đó, khi tiếp nhận giấy tờ, công chứng viên cũng nên xem phần in nổi của giấy tờ; nghiêng trước ánh sángđể xem có nổi dấu chìm hay không; quan sát kỹ chữ ký xem có dấu vết của lực tỳ ấn khi ký hay không…
2.2. Vận dụng kỹ năng quan sát, nắm bắt tâm lý con người
Công chứng viên có thể thông qua việc tìm hiểu, hỏi các bên tham gia giao dịch cũng góp phần đáng kể để phát hiện trong một số trường hợp giả mạo.
Tăng cường tìm hiểu qua đối thoại trực tiếp hoặc xem xét thái độ của các bên tham gia giao dịch: Thông thường, những người dùng giấy tờ giả mạo thường không biết hoặc biết nhưng không kỹ các vấn đề liên quan đến nhân thân, tài sản trong hợp đồng giao dịch nên khi bị hỏi đến sẽ có sơ hở như không trả lời, trả lời lúng túng hoặc không trả lời được. Nếu công chứng viên tìm hiểu kỹ, hỏi các bên tham gia giao dịch thì cũng góp phần đáng kể để phát hiện trong một số trường hợp giả mạo.
2.3. Trang bị công cụ hỗ trợ cho công chứng viên
Từ thực trạng thiếu rất nhiều máy móc, thiết bị hỗ trợ nên các công chứng viên mới khó phát hiện ra giấy tờ giả mạo. Trên thực tế, đã có trường hợp, công chứng viên dùng kính lúp nên đã phát hiện ra. Tuy nhiên, cách phân biệt này cũng mang tính tương đối. Vì trên thực tế có những loại giấy tờ làm giả rất cao, tinh vi phải có những thiết bị máy móc của cơ quan chuyên ngành mới có thể phát hiện được.
Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ trình độ cao cho các tổ chức hành nghề công chứng, như sử dụng các máy quét dấu vân tay, máy soi, hệ thống camera giám sát toàn bộ hoạt động công chứng như một số nơi đã áp dụng và cũng đã mang đến một số hiệu quả nhất định trong việc phòng ngừa.
2.4. Tư vấn cho các bên nên đến tận nơi xem kỹ tài sản giao dịch
Trước khi ký công chứng, công chứng viên nên hỏi bên mua đã đến tận nơi xem kỹ nhà đất mà mình định mua hay chưa. Vì chỉ khi nào tới tận nơi, tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau xung quanh nơi có bất động sản… mới thấy được tận mắt tài sản, xác minh được người giao dịch với mình có phải là chủ thật hay không.
2.5. Tư vấn cho các bên hoặc tự mình đi xác minh ở cơ quan cấp giấy, cơ quan đăng ký
Hiện nay, việc công chứng được thực hiện ở rất nhiều tổ chức hành nghề công chứng khác nhau (có khi ở trong thành phố hoặc các tỉnh khác, ví dụ như ủy quyền). Nhưng việc đăng ký, cấp giấy thì tập trung, ít đầu mối hơn. Do đó, khi công chứng, công chứng viên nên tư vấn, khuyên và hỏi bên mua xác minh, tìm hiểu tại cơ quan đăng ký, cấp giấy về tình trạng pháp lý nhà đất chuyển nhượng như nhà đất hiện nay do ai là chủ, giấy tờ cấp năm nào, vị trí, diện tích ra sao, hạn chế, quy hoạch thế nào? Công chứng viên trong một số trường hợp nghi ngờ, cũng có thể tiến hành xác minh.
2.6. Xác minh tại tổ chức hành nghề công chứng, nếu giao dịch được thực hiện thông qua ủy quyền
Khi tiếp nhận các giao dịch thông qua ủy quyền thì công chứng viên nên xác minh tại tổ chức hành nghề công chứng nơi đã công chứng ủy quyền để biết có ủy quyền hay không, trường hợp nếu có sửa chữa, thêm bớt thì có thể hiện trên hồ sơ lưu hay không?
2.7. Tạo ra cơ chế pháp lý bảo đảm cho công chứng viên thực hiện quyền xác minh
Bên cạnh hai giải pháp tư vấn cho các bên tham gia giao dịch tự đi xác minh hoặc công chứng viên tự mình xác minh khi có căn cứ được quy định trong Luật Công chứng, thì tác giả đề xuất cần sửa Luật theo hướng cho công chứng viên được quyền xác minh, giám định tất cả những giấy tờ mà khách hàng yêu cầu công chứng.
Các cơ quan chức năng có nghĩa vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin khi công chứng viên xác minh, giám định giấy tờ để phục vụ việc công chứng. Khi công chứng viên phát hiện giấy tờ giả thì cơ quan điều tra nhanh chóng phối hợp để bảo vệ tài sản của chủ sở hữu, bảo vệ người mua và công chứng viên.
Xác minh trong hoạt động công chứng là một kỹ năng rất quan trọng đối với công chứng viên. Thông qua các cơ quan có chức năng thu thập được thông tin, tài liệu, chứng cứ từ các đối tượng cần xác minh. Từ đó, để có cơ sở cho công chứng viên xác nhận chính xác người tham gia giao dịch có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội hoặc đối tượng của hợp đồng giao dịch là có thật, chữ ký trong hợp đồng, giao dịch là đúng chữ ký của người tham gia hợp đồng, giao dịch. Xác minh trong hoạt động công chứng là xem xét những sự việc có thật liên quan tới nội dung cần công chứng để làm căn cứ đánh giá, kết luận cho hành vi công chứng của công chứng viên đúng quy định. Việc xác minh là để làm rõ tính xác thực của nội dung hợp đồng, giao dịch mà cá nhân, tổ chức yêu cầu công chứng nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, bảo đảm hành lang pháp lý an toàn, ngăn ngừa các tranh chấp xảy ra. Đồng thời, tích cực hạn chế được vấn nạn giấy tờ giả “lọt qua cửa” các tổ chức công chứng.
2.8. Xử lý nghiêm khắc các hành vi giả mạo giấy tờ
Việc xử lý trách nhiệm pháp lý các đối tượng làm giả giấy tờ, hồ sơ tài liệu công chứng, giả mạo chủ thể khi tham gia giao dịch trong lĩnh vực hình sự hoặc hành chính còn tương đối nhẹ, không đủ tính phòng ngừa, răn đe, trừng phạt. Lợi dụng vấn đề này, hoạt động của các đối tượng nêu trên ngày càng tinh vi và gia tăng về số lượng. Vì vậy, cần có những quy định chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm của các đối tượng làm giả giấy tờ liên quan đến hoạt động công chứng và hành vi giả mạo chủ thể.
Cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ phôi giấy chứng nhận, tránh để thất lạc như đã từng xảy ra. Cơ quan Công an cũng cần kiên trì đấu tranh, phát hiện, xử lý nghiêm khắc những hành vi giả mạo giấy tờ, con dấu để lừa đảo. Tăng cường công tác phát hiện, điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng nhằm phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật này.
Hậu quả từ việc giả mạo giấy tờ, giả mạo người trong hoạt động công chứng là rất nặng nề. Do đó, các ban, ngành chức năng cần tích cực, quyết liệt trong quá trình giải quyết nguồn tin tội phạm. Có biện pháp xử lý nghiêm minh hành vi xuất trình giấy tờ giả, giả mạo chủ thể khi tham gia hoạt động công chứng, hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức để tăng cường tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm. Cơ quan chức năng, đặc biệt là báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có sự cảnh giác đối với loại tội phạm này.
2.9. Sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng để tra cứu thông tin giao dịch
Các tổ chức hành nghề công chứng cần liên tục áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong hoạt động công chứng. Cần hoàn thiện các quy định của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, trong đó, có nội dung hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định của Luật Công chứng để phục vụ hoạt động công chứng, bảo đảm chia sẻ và kết nối thông tin công chứng với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan. Bên cạnh đó, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại các địa phương, cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc; thực hiện việc cập nhật, kết nối, chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng… Đây là những giải pháp lâu dài để giải quyết tận gốc tình trạng sử dụng giấy tờ giả trong công chứng như hiện nay.
2.10. Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của công chứng viên
Một trong những giải pháp để khắc phục được vấn nạn giấy tờ giả trong hoạt động công chứng là chú trọng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của công chứng viên.
Trước hết, các công chứng viên cần đăng ký hội viên Hội Công chứng viên trên địa bàn tỉnh, thành phố để được thường xuyên tập huấn, cập nhật thông tin nghề công chứng. Các công chứng viên cần tham dự đầy đủ lớp bồi dưỡng, tập huấn về phát hiện giấy tờ giả do Sở Tư pháp tổ chức. Các tổ chức công chứng có thể mời cán bộ Công an phụ trách cấp giấy chứng minh nhân dân về tập huấn cách phân biệt thật, giả cho công chứng viên, chuyên viên trong tổ chức mình. Sở Tư pháp cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các địa phương thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác công chứng, chứng thực cho cán bộ tư pháp, công chứng viên trên địa bàn thành phố. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng chuyên đề về các giải pháp phòng ngừa, xử lý tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng, chứng thực. Sở Tư pháp đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp với Hội Công chứng viên thành phố mời đại diện Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố tập huấn về phương pháp và kỹ năng nhận biết chữ ký, tài liệu… giả mạo.
ThS. Phạm Thị Yến
Trường Đại học Công nghệ Đông Á
[1] https://luathoangsa.vn/vi-sao-giay-to-gia-nhan-nhan-nhung-hiem-khi-bi-khoi-to-nd78960.html.[2] https://luathoangsa.vn/vi-sao-giay-to-gia-nhan-nhan-nhung-hiem-khi-bi-khoi-to-nd78960.html.