Giấy tờ giả ‘lọt cửa’ văn phòng công chứng: Hệ lụy khôn lường

Hàng nghìn loại giấy tờ giả được làm giống y như thật vừa được Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện, thu giữ.
Hàng nghìn loại giấy tờ giả được làm giống y như thật vừa được Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện, thu giữ.

Thực tế cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp không chỉ khiến người dân mà còn cả Văn phòng Công chứng hoang mang. Đã có nhiều trường hợp dùng giấy tờ giả “lọt” qua Văn phòng Công chứng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ của nhiều cá nhân, tổ chức và kéo theo nhiều hệ lụy xấu trong xã hội.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Do có nhu cầu bán đất nên vợ chồng anh Nguyễn Trung H. (47 tuổi – trú tại phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) chụp ảnh sổ đỏ mảnh đất của mình và đăng bán trên các trang mạng xã hội. Sau đó, một nam giới tìm đến tận nhà anh H. hỏi mua thửa đất nêu trên. Tin tưởng, khi vị khách yêu cầu, anh H. đã đưa bản gốc sổ đỏ cho vị khách này xem và dẫn đi chỉ vị trí thực tế của thửa đất. Lợi dụng lúc anh H. sơ hở, vị khách đã đánh tráo sổ đỏ thật và đưa cho anh H. sổ đỏ giả rồi ra về.

Sau đó, đối tượng trên cùng với Vũ Hoài Phương (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) và một đối tượng tên Lan Anh đã thuê Ngô Thị Hiếu (trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) tìm người đóng giả vợ chồng anh H. để ký bán đất của anh H.. Nhận lời, Hiếu đã tìm và thuê Tạ Quốc Hùng (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) cùng Nguyễn Lệ Huyền (trú tại phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đóng vai vợ chồng chủ đất nói trên.

Theo yêu cầu của Vũ Hoài Phương, Hùng và Huyền đã chụp ảnh chân dung rồi cung cấp cho Hiếu, Lan Anh và Phương để làm giả chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, trích lục kết hôn mang tên chủ đất là vợ chồng anh H.. Sau đó, nhóm của Phương, Lan Anh đã bán mảnh đất này cho một người khác với giá 2 tỷ đồng. Đáng bàn, việc mua bán được xác thực tại một Văn phòng Công chứng tại quận Hà Đông (Hà Nội).

Đối tượng Lưu Hoàng Hải (bên trái) và  Phùng Đức Thuấn tại cơ quan công an.
Đối tượng Lưu Hoàng Hải (bên trái) và  Phùng Đức Thuấn tại cơ quan công an.

Trường hợp khác, cũng tại Hà Nội, Công an quận Đống Đa vừa khởi tố bị can đối với Phùng Đức Thuấn (36 tuổi, trú tại phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, thông qua giới thiệu ông H. có vay của Thuấn 1,5 tỷ đồng để làm và đưa cho Thuấn các giấy tờ gồm sổ đỏ và đăng ký kết hôn, chứng minh thư nhân dân của vợ chồng ông H. để cầm cố.

Do tin tưởng và không đọc kỹ nên ông H. đã ký vào các giấy tờ vay mượn mà thực chất là Hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở. Thuấn đã thuê một người phụ nữ đóng giả vợ ông H. để ký vào các hợp đồng công chứng. Sau đó, Thuấn làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của gia đình ông H. cho mình và làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng. Do ngân hàng không biết việc làm giả hồ sơ nên đã làm thủ tục giải ngân cho Thuấn với số tiền 8,2 tỷ đồng.

Không chỉ hoạt động phạm tội đơn lẻ, nhiều nơi, các đối tượng lừa đảo còn kết thành băng nhóm, đường dây để lừa đảo liên tỉnh. Điển hình, Công an TP Cần Thơ vừa triệt phá băng nhóm tội phạm lừa đảo bằng thủ đoạn làm giả sổ đỏ, đánh tráo sổ thật mang đi chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, thời gian qua, tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận xuất hiện nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tìm số điện thoại những người đang cần bán đất, bán nhà bằng nhiều nguồn khác nhau để xin sổ đỏ photocopy rồi mang đi làm giả. Sau đó, đồng bọn lấy tên giả, sử dụng số điện thoại khuyến mãi liên hệ gặp chủ đất để xem vị trí đất, nhà và sổ đỏ bản chính để đặt cọc.

Lợi dụng chủ đất mất cảnh giác, các đối tượng tráo lấy sổ đỏ thật. Sau đó, chúng thuê người đóng giả chủ đất để ủy quyền, chuyển nhượng cho người khác với giá rẻ hơn thị trường. Thực hiện xong giao dịch các đối tượng tắt điện thoại di động. Do sổ đỏ là thật nên Văn phòng công chứng, Phòng Tài nguyên và Môi trường không phát hiện ra. Khi chủ đất phát hiện thì hợp đồng chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp tài sản đã qua nhiều người khác nhau.

Công an TP Cần Thơ đã bắt 5 đối tượng do Lưu Hoàng Hải (50 tuổi, trú tại quận 6, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu. Băng nhóm này khai nhận đã thực hiện 4 vụ đánh tráo 6 sổ đỏ trên địa bàn TP Cần Thơ, với trị giá khoảng 80 tỷ đồng. Các đối tượng đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng, cầm cố được 4 sổ đỏ, chiếm đoạt số tiền hơn 15 tỷ đồng. Ngoài ra, băng nhóm này còn khai nhận đã làm giả sổ đỏ ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp và Sóc Trăng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thực trạng trên cho thấy, vấn nạn làm giả giấy tờ công chứng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, nhiều tổ chức, cá nhân bị lừa số tiền hàng chục tỷ đồng.

Các trang quảng cáo làm giả giấy tờ đang tràn lan trên mạng, chưa được xử lý triệt để.
Các trang quảng cáo làm giả giấy tờ đang tràn lan trên mạng, chưa được xử lý triệt để.

Làm sao để ngăn chặn?

Thực tế qua các vụ việc cho thấy, việc giả mạo các loại giấy tờ xảy ra khá nhiều tại các Văn phòng Công chứng, phổ biến nhất là giả mạo Bằng tốt nghiệp, giấy tờ tùy thân, nhất là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất… để công chứng, chứng thực.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Quốc Khánh – Trưởng Văn phòng Công chứng Lạc Việt (Hà Nội) cho biết, để nhận biết giấy tờ giả, phải thực hiện giám định mới có thể có kết luận chính xác. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, giấy tờ giả được làm ngày càng tinh vi, khó phát hiện bằng mắt thường. Thực tế, công chứng viên chỉ có thể phân biệt thật, giả dựa trên kinh nghiệm làm nghề bởi công chứng không có máy móc, trang thiết bị.

“Khó khăn mà công chứng viên và Văn phòng Công chứng còn gặp phải đó là tổ chức hành nghề công chứng không có thẩm quyền tạm giữ người. Khi công chứng viên có sự nghi ngờ đối tượng giả mạo, yêu cầu xác minh hoặc tiến hành lập biên bản thì đối tượng được yêu cầu hoặc sẽ không ký vào biên bản, tỏ ra phẫn nộ, dữ dằn rồi bỏ về, hoặc có những đối tượng để lại giấy tờ và bỏ chạy” – ông Khánh nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo cho rằng, trường hợp để xảy ra việc người sử dụng giấy tờ giả vẫn được công chứng, khi xem xét trách nhiệm, phải xem xét đến yếu tố lỗi (cố ý, vô ý) của công chứng viên và Văn phòng Công chứng. Nhưng việc này trong nhiều trường hợp là rất khó khăn, thậm chí nhiều vụ công chứng viên thành nạn nhân của giấy tờ giả. Để xảy ra các vụ việc chứng nhận giấy tờ giả, nếu công chứng viên cố tình làm sai để trục lợi thì bị xử lý hình sự, vô ý thì phải bồi thường dân sự.

Nhận định về nguyên nhân bùng phát nạn giả giấy tờ, giả người đi công chứng, một số chuyên gia tội phạm học cho rằng, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng còn quá nhẹ. Trong khi, các đối tượng lừa đảo làm giấy tờ giả mà thu lợi bất chính gấp rất nhiều lần. Bên cạnh đó, là thiếu sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong xử lý vụ việc giả mạo giấy tờ.

Theo Tiến sĩ Luật học Lưu Hoài Bảo – Giảng viên Đại học Luật Hà Nội, hành vi giả mạo giấy tờ đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả là nhiều tổ chức, cá nhân bị lừa chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Bên cạnh những thiệt hại về tài sản còn ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, gây tâm lý lo lắng, bất an cho doanh nghiệp và người dân, gây áp lực cho công chứng viên và ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống công chứng.

Sổ đỏ giả được các đối tượng làm rất tinh vi.
Sổ đỏ giả được các đối tượng làm rất tinh vi.

Cũng theo Tiến sĩ Bảo, để ngăn chặn tình trạng trên, công chứng viên cần nâng cao ý thức cảnh giác, thận trọng khi ký vào văn bản công chứng. Ngoài việc kiểm tra các giấy tờ tùy thân, hồ sơ, quan sát thái độ của đương sự… cần áp dụng chặt chẽ một số biện pháp nghiệp vụ để soi, chiếu các thông tin trên giấy tờ. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường sự phối hợp xử lý giữa các cơ quan, đặc biệt giữa các tổ chức hành nghề công chứng với công an khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo.

 Giấy tờ giả 'lọt cửa' văn phòng công chứng: Hệ lụy khôn lường - Ảnh 1

TIẾN SĨ, LUẬT SƯ ĐẶNG VĂN CƯỜNG – TRƯỞNG VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP:

Biết giấy tờ giả mà vẫn chứng thực, công chứng viên có thể bị xử lý hình sự

Đối với công chứng viên vi phạm quy định của Luật Công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.

Trường hợp khi cơ quan điều tra chứng minh được công chứng viên biết giấy tờ giả mà vẫn chứng thực thì tùy vào tính chất mức độ hậu quả hành vi mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Việc giả mạo trong hoạt động công chứng rất đáng lo ngại, gây hậu quả bất ổn cho xã hội, gây mất lòng tin cho người dân, gây áp lực cho công chứng viên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của hệ thống công chứng. Đồng thời, từ những bản công chứng không đúng nguyên tắc dẫn đến việc tranh chấp khiếu kiện kéo dài.

Các tổ chức Hiệp hội công chứng viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên và công chứng viên phải nhìn nhận và đánh giá mức độ nghiêm trọng và hậu quả pháp lý của vấn nạn giả mạo trong hoạt động công chứng.

Từ đó, cần phải xây dựng lại quy định về quy trình công chứng, xác minh và yêu cầu giám định trong hoạt động công chứng, để đảm bảo các giao dịch công chứng được an toàn, thuận lợi và hiệu quả.

 Giấy tờ giả 'lọt cửa' văn phòng công chứng: Hệ lụy khôn lường - Ảnh 2

LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN TUẤN – GIÁM ĐỐC HÃNG LUẬT TGS (HÀ NỘI):

Làm giả, sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo có thể bị truy cứu nhiều tội danh khác nhau

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 7 Luật Công chứng 2014 “nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi: cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng”.

Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối ở trường hợp ký công chứng chuyển nhượng nhà, đất được coi là dùng giấy tờ giả để thực hiện tội phạm của người phạm tội.

Tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ những thông tin mình đưa ra là không đúng sự thật, nhận thức rõ việc chiếm đoạt tài sản là vi phạm pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện và mong muốn người khác chuyển giao tài sản cho mình để chiếm đoạt. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản.

Hành vi của các đối tượng sử dụng giấy tờ giả để thực hiện các giao dịch mua bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Bên cạnh đó, hành vi làm giả giấy tờ còn có thể bị xử lý hình sự về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; Tội “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, căn cứ vào Điều 341 Bộ luật Hình sự, mức phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tù từ 3 đến 7 năm.

Ngoài ra, theo quan điểm của tôi, cơ quan chức năng cũng cần thay đổi nhận thức là khi đối tượng dùng giấy tờ giả yêu cầu ký công chứng với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì đây là hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội, do đó cần phải xử lý. Còn hành vi giả mạo bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời làm cho việc chiếm đoạt tài sản của đối tượng không thực hiện được là nằm ngoài tính toán của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Ở đây chỉ cần căn cứ vào giá trị vật chất cụ thể mà đối tượng phạm tội mong muốn chiếm đoạt chứ không nên đợi đến khi hậu quả xảy ra mới xử lý.

Như vậy thì việc xử lý tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hay tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” không nhất thiết phải đợi hậu quả xảy ra mới xử lý được. Thực hiện được điều này sẽ tăng sự răn đe, phòng ngừa chung.

 Giấy tờ giả 'lọt cửa' văn phòng công chứng: Hệ lụy khôn lường - Ảnh 3

ÔNG TUẤN ĐẠO THANH – CHỦ TỊCH HIỆP HỘI CÔNG CHỨNG VIÊN VIỆT NAM

Cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội

Về việc các đối tượng đem giấy tờ giả đi công chứng tại Văn phòng Công chứng cụ thể thế nào thì Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam chưa có con số chính thức. Tuy nhiên, qua theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi nhận thấy hành vi trên xảy ra tương đối phổ biến trong thời gian vừa qua.

Theo quy định, mỗi năm công chứng viên có 2 ngày được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, trong đó có nội dung phân biệt giấy tờ thật, giả. Các công chứng viên được cập nhật, phổ biến những dạng làm giả giấy tờ, đặc điểm làm giả. Tuy nhiên, có trường hợp là Hiệp hội vừa phổ cập nội dung lỗi trên giấy tờ giả thường xuất hiện ở tháng trước thì ngay tháng sau các đối tượng làm giả giấy tờ đã khắc phục được lỗi đấy rồi.

Hiệp hội Công chứng viên rất chủ động nhưng tình trạng trên là nỗi nhức nhối chung của xã hội nên cần có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội thì mới có thể xử lý được.

Trước mắt, chúng tôi rất mong muốn cơ quan công an mở các chuyên án bóc gỡ các đường dây làm giả giấy tờ. Về lâu dài, trong xu thế xây dựng Chính phủ điện tử, cách mạng công nghiệp 4.0, rõ ràng việc chúng ta liên thông những dữ liệu trên môi trường điện tử, chia sẻ giữa các cơ quan thì vấn nạn giấy tờ giả sẽ giảm xuống.

Khi công chứng viên đã tuân thủ hết những quy trình, quy định của Luật Công chứng mà vẫn không thể phát hiện được các loại giấy tờ giả đó, trong trường hợp này, ràng buộc trách nhiệm với công chứng viên thì chưa ổn thỏa. Chỉ khi công chứng viên vi phạm, không làm đúng trình tự thủ tục, không kiểm tra bản chính. Biết giấy tờ giả nhưng vì mục đích nào đó vẫn công chứng thì phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Đức Sơn (ghi)