Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Khi muốn thành lập doanh nghiệp chúng ta phải thực hiện thủ tục, nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp và Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp là tài liệu bắt buộc phải có trong đó. Sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thành công sẽ được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trên đó sẽ thể hiện các thông tin của doanh nghiệp.
Vậy mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và mẫu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định như thế nào ? Trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ thể hiện cụ thể những thông tin chi tiết nào của doanh nghiệp ?
tu-van-dich-vu-thay-doi-giay-phep-kinh-doanh
Căn cứ theo Điều 6 của Nghị Định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định về Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:

Điều 6. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

1. Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và mẫu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành và được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp và được ghi trên cơ sở thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không phải là giấy phép kinh doanh.
3. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh được lưu dưới dạng dữ liệu điện tử trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại cùng thời điểm có nội dung khác so với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh bằng bản giấy, Giấy chứng nhận có giá trị pháp lý là Giấy chứng nhận có nội dung được ghi đúng theo nội dung trong hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp.
giay-chung-nhan-dang-ky-kinh-doanh

Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Hiện nay nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn thể hiện ngành nghề kinh doanh, thông tin về chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh nữa mà chỉ có các nội dung theo quy định tại Điều 29 Luật doanh nghiệp 2014 mới nhất :

  • Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
  • Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
  • Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
  • Vốn điều lệ

Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp

Theo quy định trước đây trong thời hạn 10 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải tới cơ quan thuế quản lý để làm thủ tục đăng ký mã số thuế và cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế. Tuy nhiên theo quy định ở Điều 6 Nghị Định số 78/2015/NĐ-CP thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp đồng thời cũng là mã số thuế của doanh nghiệp.
Như vậy sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì không cần thiết đến cơ quan thuế quản lý để làm thủ tục đăng ký mã số thuế nữa.