Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa CQ là gì?
Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa CQ là gì?
CQ là chữ viết tắt của Certificate of Quality, là giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn của nước sản xuất hoặc các tiêu chuẩn quốc tế. Mục đích của CQ là chứng minh hàng hóa đạt chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố kèm theo hàng hoá.
Vai trò của giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa CQ
-
Chứng chỉ chất lượng CQ giúp chứng minh hàng hóa sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố kèm theo hàng hóa đó.
-
Chứng chỉ chất lượng CQ rất quan trọng cho cả nhà sản xuất và cả khách hàng của họ, giúp xác nhận chất lượng của hàng hóa có đáp ứng thông số kỹ thuật như công bố hay không.
-
Chứng từ CQ không bắt buộc phải có trong hồ sơ khai hải quan. (trừ một số mặt hàng quy định bắt buộc phải có trong hồ sơ đăng ký)
Phân loại chứng nhận chất lượng hàng hóa CQ
Tại Việt Nam có 2 hình thức chứng nhận chất lượng hàng hóa chính là: Chứng nhận hợp chuẩn và chứng nhận hợp quy.
Chứng nhận hợp chuẩn (Chứng nhận tự nguyện)
Chứng nhận hợp chuẩn hay chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn là hoạt động chứng nhận chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng trong nước hoặc các tiêu chuẩn quốc tế. Chứng nhận này được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức/cá nhân, về nguyên tắc là hoạt động tự nguyện, tuy nhiên trong một số trường hợp khách hàng yêu cầu thì nó trở thành bắt buộc. Phương thức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn là do tổ chức/cá nhân chứng nhận hợp chuẩn hoặc tổ chức/cá nhân công bố hợp chuẩn quyết định nhưng phải phù hợp với từng sản phẩm để đảm bảo độ chính xác.
Chứng nhận hợp quy (Chứng nhận bắt buộc)
Chứng nhận hợp quy (hoạt động bắt buộc) là hoạt động chứng nhận chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thật tương ứng, được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý của Nhà nước (ở Trung ương hoặc địa phương), thường là các chứng nhận liên quan đến các vấn đề an toàn, vệ sinh, môi trường (Công bố hợp quy). Phương thức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy là gì?
-
Là bằng chứng thể hiện sự phù hợp của sản phẩm và hàng hóa với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
-
Dấu hợp chuẩn được cấp cho sản phẩm, hàng hóa sau khi sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn;
-
Dấu hợp quy được cấp cho sản phẩm, hàng hóa sau khi sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
Chứng nhận sản phẩm là tự nguyện hay bắt buộc?
Chứng nhận sản phẩm có thể ở dưới dạng tự nguyện hoặc bắt buộc. Chứng nhận liên quan đến các vấn đề an toàn, vệ sinh, môi trường thường do các cơ quan quản lý hay các tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện dưới dạng bắt buộc. Các chương trình chứng nhận nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm được các tổ chức chứng nhận thực hiện dưới dạng tự nguyện
Lợi ích khi đạt chứng nhận CQ
-
Được sử dụng dấu chứng nhận chất lượng trực tiếp trên sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường;
-
Minh chứng cho sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp bạn đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng đúng các yêu cầu trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
-
Minh chứng cho doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các yêu cầu về pháp luật, tránh các đợt kiểm tra pháp lý ban ngành;
-
Là minh chứng hữu hiệu giúp doanh nghiệp tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp và uy tín trong mắt khách hàng và đối tác;
-
Đáp ứng yêu cầu đến từ khách hàng, thuận tiện cho công tác nộp thầu dự án;
-
Giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh do hạn chế được tối đa các chi phí xử lý sai sót, lỗi hỏng trong quá trình sản xuất;
-
Nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của doanh nghiệp;
-
Tạo cơ hội lớn cho hàng hóa, sản phẩm của chúng ta vươn ra thị trường thế giới.
Cách nhận biết sản phẩm được chứng nhận và chưa được chứng nhận?
Sản phẩm được chứng nhận sẽ được mang “Dấu chất lượng” trên sản phẩm hay trên bao bì của sản phẩm. Điều này giúp cho người mua hoặc người tiêu dùng sản phẩm có thể nhận biết khi lựa chọn sản phẩm. Mẫu Dấu chất lượng sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng
Xem thêm: Nghị định số 95/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ ⬇️
Phân biệt giấy chứng nhận CQ và C/O
Nếu CQ là giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa thì C/O (certificate of origin) lại là loại giấy chứng nhận xuất xứ của hàng hóa và được cấp bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền của nước xuất khẩu cho hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại nước đó.
Do vậy, mục đích của việc xin cấp giấy chứng nhận C/O là chứng minh được hàng hóa của doanh nghiệp đó có xuất xứ rõ ràng, phù hợp với các quy định liên quan đến thuế quan, hạn ngạch cũng như các quy định khác về xuất nhập khẩu của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu hàng hóa đó.
5/5 – (1 bình chọn)