Giáo viên tiểu học vất vả, gian truân lắm
(GDVN) – Đặt cương vị mình là giáo viên lớp 1, lớp 2 thì chúng ta sẽ hình dung thấy người thầy vất vả, gian nan như thế nào.
Trong các cấp học hiện nay thì những thầy, cô giáo đang dạy ở bậc tiểu học có lẽ là vất vả nhất và cũng là những người quan trọng nhất trong việc giáo dục và rèn luyện cho học trò khi các em mới chập chững đến trường.
Bởi nếu như giáo viên mầm non cực nhưng công việc chủ yếu là giúp cho trẻ ăn uống, vui chơi và dù sao mỗi lớp có 2 giáo viên thì cũng có thể đỡ đần qua lại với nhau.
Hơn nữa, cấp học này chưa nặng về thành tích vì chưa phải dạy văn hóa cho học trò.
Cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông thì các em học sinh đã lớn, mỗi môn học có một thầy cô nên giáo viên cũng không áp lực như thầy cô dạy ở tiểu học.
Theo quy định hiện hành thì mỗi lớp tiểu học không được quá 35 học sinh/ lớp nhưng thực tế có nơi lên đến gần 70 học sinh/ lớp như một số trường ở Hà Nội.
Đặt cương vị mình là giáo viên lớp 1, lớp 2 thì chúng ta sẽ hình dung thấy người thầy vất vả, gian nan như thế nào. Một mình quán xuyến, dạy dỗ mấy chục học trò khi bước vào những lớp đầu cấp có quá nhiều thử thách.
Các em làm quen với học chữ, với những con số và những bài học văn hóa đầu đời. Nếu học sinh được phụ huynh quan tâm thì cũng đỡ, nhưng chỉ cần trong lớp có vài học sinh cha mẹ các em không quan tâm, kèm cặp ở nhà thêm thì đến trường thầy cô càng vất vả nhiều hơn.
Thực tế, ngay ở chương trình lớp 1 thì các em cũng chỉ có một số tuần đầu là học chữ cái, sau đó là ghép các từ rồi viết câu văn, viết chính tả. Các bài học của môn Tiếng Việt bắt đầu nặng dần lên là đọc các bài thơ, các đoạn văn nhỏ. Rồi dạy học sinh đếm số, làm toán…
Lên đến lớp 2 bắt đầu phải viết đoạn văn và thực hiện rất nhiều những bài tập khó hơn. Những yêu cầu thì rất nhiều, học sinh thì còn quá nhỏ, nhận thức cũng còn non nớt.
Trong khi, chỉ tiêu thi đua nhà trường năm nào cũng áp đặt xuống đầu giáo viên. Vì thế, giáo viên tiểu học, nhất là dạy những lớp đầu cấp rất vất vả.
Chính vì dạy lớp đầu cấp khó, cực khổ hơn các lớp khác nên Ban giám hiệu nhà trường thường rất cân nhắc khi phân công giáo viên cứng tay nghề vào những lớp đầu cấp, hoặc những lớp mà được xem là “ca khó” trong trường.
Thực tế học sinh tiểu học luôn ngoan hiền và dễ dạy hơn các lớp lớn.
Thầy cô chỉ cần lớn tiếng là các em đã sợ. Có điều là các em còn non nớt quá nên nhiều khi ham vui, ham nói chuyện và lơ là trong học tập hoặc quên sách vở, quên dụng cụ học tập hàng ngày là chuyện thường xuyên xảy ra.
Chính vì vậy, vai trò của thầy cô tiểu học càng nặng nề hơn, thầy cô phải gần gũi, uốn nắn học sinh nhiều hơn.
Những thầy cô dạy giỏi, tâm huyết với học trò thường được học sinh và cha mẹ các em rất quý mến, trân trọng. Sự quý mến không chỉ là ghi nhận công lao của thầy cô đã kèm cặp, dạy dỗ con mình kỹ lưỡng, nhiệt tình.
Sự quý mến còn được nhân lên khi người này nói với người kia về những thầy, cô có uy tín, đức hạnh để những phụ huynh khi có con học ở trong trường thường muốn con mình được học với những thầy cô như thế.
Hiện nay, có rất nhiều phụ huynh khi con vào tiểu học thường nhờ vả, xin xỏ với Ban giám hiệu nhà trường để con mình được vào lớp thầy A, cô B cũng là vì uy tín mà chính thầy cô ấy tự tạo nên.
Xin được nhấn mạnh rằng, việc xin lớp, chọn thầy cô không phù hợp với môi trường giáo dục công lập vốn nhấn mạnh sự bình đẳng chứ không phải đáp ứng hết mọi nhu cầu của cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, việc này cũng khẳng định một điều là những thầy cô giáo dạy hay, có tâm với học trò thì những phụ huynh hay “truyền miệng” với nhau để gửi gắm con mình.
Để tạo được uy tín của người thầy trước học trò, trước phụ huynh và Ban giám hiệu nhà trường có lẽ giáo viên nào cũng muốn. Nhưng đạt được điều đó hay không lại đòi hỏi nỗ lực của bản thân mỗi người thầy suốt cả một quá trình.
Thực tế, nhiều thầy cô đã làm tốt được hình ảnh người thầy, làm tăng uy tín cho nhà trường, là niềm vinh dự của Ban giám hiệu khi có được những người giáo viên thuộc quyền như thế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thầy cô dạy giỏi, tâm huyết với nghề, yêu thương học trò thì vẫn có những giáo viên không kìm chế được cảm xúc trong quá trình quản lý lớp và giảng dạy của mình.
Thời gian qua, chúng ta đã thấy có một số giáo viên bạo lực với học trò và để lại vết hằn trên da thịt các em.
Một số giáo viên đánh học trò được camera ghi lại và được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, được chia sẻ trên mạng xã hội. Những hình ảnh ấy thật không đẹp và đáng trách vô cùng.
Mới đây nhất là cô giáo Nguyễn Thị Thùy Trang, giáo viên trường Tiểu học Quán Toan, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) đã dùng bạo lực với nhiều học trò trong trong giờ kiểm tra học kỳ, gây bất bình cho mọi người.
Sau rất nhiều sức ép của dư luận, các cơ quan chức năng đã thay đổi hình thức kỷ luật cô giáo Trang từ mức cảnh cáo, đình chỉ công tác giảng dạy 6 tháng và không bố trí tham gia chủ nhiệm 1 năm học sang mức kỷ luật buộc thôi việc.
Chuyện cô Trang bị buộc thôi việc cũng nằm trong dự đoán của dư luận trong những ngày qua. Song, điều chúng tôi thấy xót xa nhất là lại thêm một nhà giáo nữa bị buộc thôi việc vì vi phạm đạo đức khi xâm phạm đến thân thể của nhiều học trò.
Mong rằng, từ bài học đau xót này, mỗi thầy cô giáo cần có những hành vi, thái độ đúng mực với học trò, nhất là học trò tiểu học. Dù vẫn biết nghề dạy học thời nay vất vả và gian truân nhiều lắm.
Tuy nhiên, những câu chuyện bạo lực học trò cấp tiểu học chúng ta đã thấy nhiều trong thời gian qua và sau mỗi lần như vậy thì đa phần giáo viên đều nhận mức kỷ luật rất nặng nề.
Chính vì thế, mỗi thầy cô giáo đang hàng ngày đứng lớp cần có những biện pháp giáo dục học trò phù hợp. Có nghiêm khắc, có mềm mỏng, nhân ái để không còn lặp lại câu chuyện buồn như trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang nữa.
THANH AN