Giáo viên thâm niên xếp lương mới thua đồng nghiệp mới ra trường, tôi thấy vô lý – Giáo dục Việt Nam

GDVN- Xếp lương theo chùm thông tư mới gần như “hên”, “xui”, không phản ánh năng lực, hiệu quả công việc mang lại nên dễ tạo ra sự chán nản và thui chột ý chí phấn đấu.

Trả lương theo vị trí việc làm đã được Hội nghị Trung ương 7, khóa XII thông qua, coi đó là nội dung quan trọng nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, một giải pháp có tính đột phá nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện nay.

“Tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XII đã quyết định trả lương theo vị trí việc làm, cũng có nghĩa là mô hình quản lý nhân sự hành chính nhà nước cũng sẽ chuyển hẳn sang mô hình vị trí việc làm. Yêu cầu cơ bản của mô hình này là phải đánh giá được công việc và phân loại công việc. Việc trả lương là theo vị trí công việc chứ không theo bằng cấp.

Trả lương công chức theo vị trí việc làm là bảo đảm trả lương đúng, trả lương công bằng với kết quả hoạt động công vụ. Mô hình này bảo đảm hệ thống trả công lao động gắn với vị trí việc làm và chất lượng, hiệu quả công việc, không trả lương theo người”. [1]

Mục đích của việc trả lương theo vị trí việc làm sẽ tạo cho người lao động có động lực phấn đấu, có sự cạnh tranh lành mạnh để hoàn thành tốt công việc của mình. Tuy thế, việc ra đời của chùm Thông tư 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐT theo quan điểm của các nhân người viết, là không đáp ứng được tinh thần này.

Có giáo viên (đặc biệt là giáo viên trẻ mới ra trường được dăm năm) sẽ được tăng mức lương khá cao (bằng những thầy cô giáo dạy 20 năm). Ngược lại, nhiều thầy cô giáo có thâm niên nghề gần 20 trở lên lại gần như không hề thay đổi hệ số lương đang hưởng nếu được chuyển xếp hạng mới tạo nên bức xúc, chán nản cho nhiều thầy cô giáo.

Xếp lương giáo viên theo các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT mang tính “hên xui” nhiều hơn

Chúng tôi lấy ví dụ về Thông tư 02/2021 để bạn đọc tiện theo dõi, sau đây là bảng so sách giữa giáo viên hạng II (cũ) nếu được chuyển qua hạng II (mới) thì bậc lương đã có sự thay đổi như sau:

Hệ số lương – Hạng II cũ

Hệ số lương – Hạng II mới

2,34 – 1

2,67 – 2

4,00 – 1

3,00 – 3

4,00 – 1

3,33 – 4

4,00 – 1

3,66 – 5

4,00 – 1

3,99 – 6

4,00 – 1

4,32 – 7

4,34 – 2

4,65 – 8

4,68 – 3

4,98 – 9

5,02 – 4

5,36 – 5

5,70 – 6

6,04 – 7

6,38 – 8

Nhìn vào bảng xếp lương của giáo viên tiểu học theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT ở trên, tôi thấy nếu giáo viên được thăng hạng II (mới) hoặc được chuyển từ hạng II (cũ) sang hạng II (mới) mà đang ở mức lương 2.67; 3.0; 3.33; 3.66; 3.99 đều được chuyển sang mức lương 4.0.

Mức lương được tăng cao nhất là 1.33 (hệ số lương 2.67 lên 4.0) và mức tăng thấp nhất là 0.01 (hệ số 3.99 lên 4.0).

Nhìn vào sự vô lý này, nên nhiều giáo viên cho rằng việc quy định chuyển hệ số lương (chỉ giáo viên đang ở hệ số 3.99 mới được chuyển sang hệ số 4.0) như một số trường học tại Biên Hòa đang áp dụng là đúng.

Bạn đọc Danh La cho rằng: “Đang hạng II cũ là 2,67 sang hạng II mới là được 4.0 liền à, ở đâu mà dễ ăn vậy. Nhà trường phân tích như vậy là đúng chỉ giải thích sai ở chỗ hạng II phải đáp ứng đủ các tiêu chí và đúng vị trí và chức năng nhiệm vụ.”

Bạn Lê Đình Chinh cũng cho rằng: “Như thế thì rất thiệt thòi cho những người đang hưởng 3.99. Chuyển như thế thì giáo viên mới ra trường cũng bằng giáo viên công tác 20 năm. Theo tôi Biên Hòa làm vậy là đúng.”

Giáo viên công tác dăm năm bằng giáo viên công tác 20 năm là nghịch lý khi chuyển xếp hạng tại các Thông tư 01;02;03;04

Bạn đọc Lan Phạm nói, nhìn bảng phiên lương của giáo viên từ hạng II cũ sang hạng II mới là một điều vô cùng nghịch lý. Giáo viên hưởng lương bậc 2 và giáo viên hưởng lương bậc 6 khoảng cách năm công tác là 12-15 năm khi xếp lương mới lại có xuất phát điểm giống nhau.

Giáo viên lâu năm có nhiều kinh nghiệm và thành tích được hưởng lương bằng với giáo viên mới công tác dăm năm, thậm chí chưa có thành tích là công bằng sao? Mong Bộ xem xét thấu đáo tránh thiệt thòi cho giáo viên lâu năm!

Bạn đọc Ngọc Lâm cho rằng, theo Thông tư 02/2021 thì giáo viên có hệ số 2,67 (hạng II) bằng giáo viên có hệ số 3,99 (hạng II) và bằng 4.0 là sự vô lý. Trong khi đó, giáo viên có hệ số 3.99 công tác gần 20 năm, giáo viên có hệ số 2.67 mới công tác khoảng 6 năm. Bất công bằng, mọi lý do là khập khiễng. Nếu tăng hệ số thì tăng đồng loạt cho giáo viên cũ và mới.

Còn rất nhiều ý kiến, tâm tư như vậy từ các nhà giáo đã có thâm niên công tác về việc chuyển xếp lương.

Xếp lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có đúng theo vị trí việc làm?

Đặc thù công việc của ngành giáo dục khác hẳn so với nhiều ngành nghề khác nên áp dụng xếp lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT sẽ mang lại nhiều bất cập.

Giáo viên (kể cả tổ trưởng chuyên môn) đều có bằng cấp chuyên môn giống nhau, có các chứng chỉ theo quy định, có nhiệm vụ chung là giảng dạy, đều phải thực hiện mức chỉ tiêu, kết quả chất lượng và giáo dục học sinh như nhau, đều phải tham gia các hoạt động giáo dục giống nhau nhưng mỗi người lại ở một hạng khác nhau.

Bất hợp lý hơn khi có nhiều thầy cô giáo (dạy học từ 15 năm đến hơn 20 năm) đã được ghi nhận nhiều thành tích như giáo viên giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua các cấp, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi lại bị xếp lương bằng với một số giáo viên mới đi dạy chưa tới chục năm lại chưa có được một thành tích nào như chúng tôi đã phân tích ở trên.

Tiến sĩ Đặng Lộc Thọ đưa ra cảnh báo: Nếu không đưa ra những tiêu chí cụ thể thì vô hình chung lại chuyển từ trả lương theo ngạch bậc “sống lâu lên lão làng” sang thái cực “cào bằng”.

Lý do bởi đặc thù của ngành giáo dục, cùng vị trí việc làm rất khó để nhận xét người này dạy tốt hơn người khác. Cũng như, cùng đối tượng giáo dục, mọi người không thể nhìn thấy và đánh giá được ngay kết quả người dạy. Để giải quyết vấn đề này, ông Thọ đề xuất duy trì cách tính thâm niên thỏa đáng”.{2}

Rõ ràng, việc trả lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đang gắn liền với hạng mà việc xếp hạng giáo viên đang rất vô lý và nhiều bất cập.

Với kiểu chuyển xếp lương theo các chùm thông tư trên gần như mang tính “hên, xui” là chính mà không phản ánh đúng năng lực, hiệu quả công việc mang lại, theo tôi việc này dễ tạo ra sự bất mãn và thui chột ý chí phấn đấu rèn luyện của các thầy cô giáo.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/tra-luong-theo-vi-tri-viec-lam-quyet-sach-co-tinh–d8-t1278.html?Page=9#new-related

[2]https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/tra-luong-cho-giao-vien-theo-vi-tri-viec-lam-tao-su-canh-tranh-lanh-manh-20190322091610803.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết