Giáo viên nữ mặc trang phục nào lên lớp là phù hợp nhất?

(GDVN) – Trang phục của giáo viên khi lên lớp trước hết phải thể hiện tính lịch sự, đứng đắn và chân phương. Bởi thế không có trang phục nào qua được áo dài.

LTS: Việc có nên cấm giáo viên nữ mặc váy lên lớp hay không đã có nhiều ý kiến trái chiều trong việc này.

Từng nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Phan Tuyết cho rằng giáo viên cần ăn mặc lịch sự, kín đáo, đẹp mắt và áo dài chính là trang phục đẹp nhất với các cô giáo.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ra văn bản quy định áp dụng đối với trang phục giáo viên khi đứng lớp, tham gia các hoạt động có học sinh, đó là cấm giáo viên nữ mặc váy.

Nhà trường này quy định trang phục của giáo viên nữ là:

“Quần tây, áo cổ bẻ, không mặc áo bó quá sát người, vải quá mỏng, không mặc váy khi tham gia các hoạt động giáo dục của học sinh; giày hoặc dép có quai hậu”.

Quy định trên của nhà trường đã gặp phải ý kiến phản ứng của không ít giáo viên nữ trong trường:

“Tôi cho rằng, việc cấm giáo viên mặc váy khi đến trường là chưa đúng. Tôi chưa thấy trường nào cấm giáo viên nữ đi dạy không được mặc váy. Chúng tôi không đồng tình”.

Giáo viên nữ mặc trang phục nào lên lớp là phù hợp nhất? ảnh 1

Giải thích về nội quy trên, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng cho rằng:

“Nhà trường không cấm giáo viên nữ mặc váy đến trường mà chỉ cấm giáo viên nữ mặc váy khi tham gia các hoạt động giáo dục có học sinh, cụ thể cấm giáo viên nữ mặc váy trước mặt học sinh”.

Dư luận cũng đặc biệt quan tâm và tranh luận xung quanh việc giáo viên có nên mặc váy đến trường hay không. Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chuyện này.

Một số người ủng hộ việc giáo viên mặc váy đến trường vì họ cho rằng:

“Giáo viên cần phải ăn mặc đẹp. Thấy cô giáo nào mặc đẹp thì tự nhiên tôi an tâm về trường mình gửi con.

Vì tôi cứ nghĩ trường học mà giáo viên ăn mặc không đẹp thì sẽ có thể có một số vấn đề như trường có ngăn nắp không, quản lý như thế nào, giáo viên có khó chịu không, có nên tin vào khả năng giảng dạy của giáo viên có tác phong như thế không…”.

Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở Nghệ An cũng lên tiếng:

“Là hiệu trưởng nhưng cũng là giáo viên nữ, tôi thấy rằng nếu chỉ lên lớp với những bộ quần tây, áo sơ mi thì khô khan lắm.

Áo dài thì chúng tôi không thể mặc thường xuyên vì có nhiều bất tiện.

Vì vậy, tôi chỉ cấm giáo viên nữ mặc váy xẻ quá cao hoặc mặc váy không chuẩn mực.

Còn vẫn khuyến khích các đồng nghiệp nữ nên có thêm những bộ váy phù hợp để thay đổi phong cách và cũng làm cho mình đẹp hơn”.

Đồng tình thì ít nhưng ý kiến phản đối quá nhiều.

Một ý kiến của bạn đọc cũng cần được lưu tâm:

“Ở môi trường chuyên nghiệp nào cũng có nhưng quy định về tác phong ăn mặc chuẩn mực, lịch sự, văn minh, tránh phản cảm.

Theo tôi, môi trường giáo dục là môi trường đào tạo nhân cách, nhân phẩm con người thì cần phải có những quy định cụ thể sẽ tốt hơn”.

Bởi thế không thể nói, giáo viên đến trường cũng cần ăn mặc như nhân viên công sở.

Tại sao mình không tự hỏi:

“Vì sao trường học nào cũng quy định việc học sinh phải mặc đồng phục khi tới trường mà giáo viên lại không phải mặc đồng phục?”

Xét cho cùng, giáo viên mặc váy đến trường cũng rất đẹp. Tôi cũng đã không ít lần đứng trầm trồ để khen nhiều cô giáo mặc váy đến trường đẹp mê hồn.

Nhưng cũng đã nhiều lần thấy một số cô giáo mặc váy mà chẳng đẹp chút nào.

Bạn sẽ nghĩ gì khi một số giáo viên lên lớp lại ăn mặc giống một sàn diễn thời trang? Váy áo thì lòe loẹt và có phần gợi cảm?

Trong thực tế, không phải giáo viên nào cũng ý thức được chuyện mình mặc thế nào là đẹp.

Có giáo viên mặc váy xòe rộng, bông hoa rực rỡ trông giống đi dạ hội hơn là đến trường dạy học sinh.

Người mặc váy quá mỏng hay xẻ quá cao gây nên sự phản cảm cho người nhìn đặc biệt là các nam sinh đang độ tuổi dậy thì.

Đó là chưa nói đến việc, khi dạy giáo viên có nhiều tư thế trong tiết học như cúi người cầm tay, chỉ bài cho học trò, cúi xuống viết bảng, cúi xuống nhặt phấn, đứng trước quạt hay ngồi ghế trên bục giảng (bàn giáo viên) không có thanh che mà chỉ cần sơ ý một chút thì có vô vàn điều đáng tiếc xảy ra.

Đã có học sinh bậc trung học phổ thông về nói rằng: “Cô mặc váy ngắn trên đầu gối, cúi xuống viết bảng kì quá mẹ ơi”!

Có em kể lại: “Hôm nay, cô mặc váy mà đứng trước quạt… làm nhiều bạn cứ bụm miệng cười”.

Có em còn dù nhỏ nhưng cũng biết “cô mặc váy mỏng nhìn cứ sao ấy”…

Trang phục của giáo viên khi lên lớp trước hết phải thể hiện tính lịch sự, đứng đắn và chân phương.

Bởi thế không có trang phục nào qua được áo dài.

Nhưng nếu bận áo dài cả tuần nghĩ cũng bức bối, bởi thế không mặc đồ dài cũng phải là đồ tây (quần may, áo có cổ) hoặc đồ vét, nó vừa kín đáo vừa thể hiện phong thái chuẩn mực của một người thầy đứng lớp.

Nói đến chuyện trang phục nơi trường học, tôi lại nhớ tới thầy Hiệu trưởng cũ.

Trường tôi khi ấy có hơn 30 giáo viên nữ nên các cô có đề xuất chỉ mặc áo dài đầu tuần còn những ngày khác nên mặc đồ tây cho thoải mái.

Thầy Hiệu trưởng đã nói rằng:

“Áo dài là trang phục đẹp nhất của giáo viên. Cô giáo mặc áo dài ra dáng vẻ thướt tha và toát lên nét đẹp dịu dàng mà bất kì ai nhìn vào cũng mến”.

Và rồi trường tôi có lẽ là ngôi trường gần như duy nhất trong thị xã, giáo viên mặc áo dài suốt tuần.

Để thêm phần thoải mái, giáo viên may theo kiểu cách tân, tà áo ngắn hơn áo dài truyền thống một chút, ống tay lửng và cổ tròn. Thế là, những bộ áo dài các cô mặc trông vừa đẹp, vừa kín đáo, lịch sự.

Rõ ràng, không có văn bản hay nghị định nào cấm giáo viên mặc váy khi đến trường. Nhưng mỗi trường học đều có thể ban ra một quy định riêng về trang phục của thầy cô khi tới trường.

Bởi, môi trường sư phạm lại hoàn toàn khác với môi trường làm việc ở nhiều lĩnh vực.

Cho nên, thầy cô phải luôn là tấm gương để học sinh nhìn vào noi theo. Muốn vậy, cô thầy cần phải có tác phong và cách ăn mặc sao cho lịch sự, kín đáo và đẹp mắt nhất.

Tài liệu tham khảo:

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/nen-hay-khong-nen-cam-giao-vien-nu-mac-vay-len-lop-396720.html

Phan Tuyết