Giáo viên là công chức hay viên chức?

Vấn đề giáo viên là công chức hay viên chức ảnh hưởng khá nhiều đến chế độ, chính sách dành cho đối tượng này nên luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tại bài viết dưới đây, LuatVietnam sẽ giải đáp các thắc mắc xung quanh vấn đề này.

1. Giáo viên là ai? Công chức hay viên chức?

Trước hết, để xét giáo viên là công chức hay viên chức, chúng ta cần phải tìm hiểu khái niệm công chức là gì và viên chức là gì.

Căn cứ khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019, công chức là người làm việc tại các cơ quan, đơn vị sau đây:

– Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

– Cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;

– Trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an.

Còn viên chức theo Điều 2 Luật Viên chức năm 2010:

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Từ quy định này, có thể thấy, viên chức là người làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật còn công chức là người được bổ nhiệm, tuyển dụng vào các cơ quan nêu trên.

Trong đó, các đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị… thành lập, có tư cách pháp nhân, thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục… trực thuộc các Bộ. Về lĩnh vực giáo dục, có thể kể đến một số trường như:

– Trường Đại học Luật TP. HCM.

– Trường đại học sư phạm Hà Nội.

– Viện nghiên cứu cao cấp về Toán…

Quy định về giáo viên thì theo khoản 1 Điều 66 Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên là người dạy các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, đại học…

Như vậy, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, sơ cấp, trung cấp, đại học… thuộc lĩnh vực nghề nghiệp giáo dục nếu trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng nghĩa với đó, giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là viên chức.

Giáo viên là công chức hay viên chức? (Ảnh minh họa)

2. Giáo viên dạy hợp đồng có phải viên chức không?

Hiện nay, bên cạnh giáo viên là người ký hợp đồng làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thì còn có giáo viên thực hiện hợp đồng lao động với đơn vị sự nghiệp công lập (hay thường gọi là giáo viên hợp đồng). Quan hệ lao động ở đây gồm các bên:

– Giáo viên là người lao động.

– Đơn vị sự nghiệp công lập là người sử dụng lao động.

Đây là quan hệ lao động được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động mà không thuộc trường hợp quy định của Luật Viên chức. Do đó, giáo viên hợp đồng là người lao động, không phải viên chức.

3. Từ 01/7/2020, Hiệu trưởng không còn là công chức

Trước đây, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, công chức bao gồm cả người được tuyển dụng, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội.

Tuy nhiên, sau khi Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, khái niệm công chức đã bị sửa đổi, bổ sung. Theo đó, đối tượng quản lý, lãnh đạo trong đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức.

Đồng nghĩa, Hiệu trưởng tại các trường công lập hiện nay không còn là công chức. Tuy nhiên, mặc dù không còn là công chức nhưng hiệu trưởng tại các trường công vẫn tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách về công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm.

Trên đây là quy định về việc giáo viên là công chức hay viên chức./.

 

Theo: https://luatvietnam.vn/