Giáo viên khổ sở với phổ cập giáo dục – Giáo dục Việt Nam

(GDVN) – Hầu như tất cả giáo viên đều ước mong, tới đây, giáo dục sẽ không còn phổ cập, để không còn thấy cảnh thực hiện phổ cập bằng mọi giá như thời gian vừa qua.

LTS: Bên cạnh những lợi ích của việc phổ cập giáo dục đã mang lại, thì nó cũng mang đến biết bao phiền toái, khổ cực và mệt mỏi cho người giáo viên cũng như chất lượng giáo dục.

Là một nhà giáo với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề – tác giả Thuận Phương thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về việc phổ cập giáo dục thông qua bài viết này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Học sinh bỏ học, thầy cô phải bằng mọi cách vận động ra lớp. Học sinh học yếu cũng khó được quyền ở lại. Học sinh quá tuổi cũng không thể được nhận vào trường…là những câu chuyện đã được phản ánh rất nhiều trên báo chí thời gian qua.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy cũng bắt nguồn từ hai tiếng “phổ cập”.

Phổ cập đã làm khổ biết bao người, phổ cập đã làm giáo dục tràn lan tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, phổ cập buộc thầy cô dối trá, buộc nhà trường làm láo để báo công…

Thế nên không ít người thắc mắc, phổ cập là gì mà mệt mỏi đến thế?

Điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị định 31/2011/NĐ-CP định nghĩa phổ cập giáo dục như sau: Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức để mọi công dân đều được học tập và đạt tới một trình độ học vấn tối thiểu theo quy định của Nhà nước.

Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Có thể nói điều khoản ghi trong Nghị định 31/2011/NĐ-CP là hoàn toàn đúng đắn và nhân văn.

Thế nhưng đến các cơ sở giáo dục vì thành tích, họ đã biến những điều tốt đẹp trên thành những nỗi ám ảnh không chỉ cho giáo viên, cho cán bộ quản lý các nhà trường mà còn làm cho không ít học sinh bị thiệt thòi trên con đường học tập.

Dạy một buổi, buổi đi điều tra phổ cập

Trước những năm 2000 giáo viên tiểu học phải quay chong chóng với việc điều tra phổ cập.

Thầy cô một buổi đến trường, buổi còn lại khi đi vào từng khu phố, thôn xóm để điều tra tình hình học sinh còn đi học (học lớp mấy?) hay đã bỏ học? (bỏ lớp nào?). Có lúc giáo viên lại phải ngồi với hàng chồng sổ sách ghi chép, rà soát, đối chiếu đến mờ hai con mắt.

Có số liệu về lập danh sách, ghi sổ điểm, sổ đăng bộ rồi thống kê, đối chiếu với những số liệu năm trước, giữa các xã phường, thôn xóm…rồi báo cáo cho giáo viên phụ trách chuyên phổ cập của trường.

Nhiều khi làm ngày không kịp thì đêm về vẫn phải vật vã với những số liệu ấy.

Dạy học có thể lơ là bởi không ai biết nhưng phổ cập lại không thể sai vì bị cấp trên kiểm tra, đối chiếu thường xuyên.

Nếu chỉ có thế cũng chẳng có gì đáng nói. Khổ nhất là các số liệu được thống kê giữa thực tế và hồ sơ lưu không khớp nhau.

Có những gia đình hộ khẩu một nơi lại ở một nẻo hay mỗi nơi một cuốn hộ khẩu…Thế nên khi thống kê thôn xóm nào cũng có tên.

Hoặc có những hộ vẫn sinh sống tại địa phương bao nhiêu năm nhưng lại không được ghi tên vào sổ.

Số liệu chọi nhau, đi điều tra lại vừa mất thời gian mà chắc gì đã khớp? Thế rồi làm “ma”, làm khống, sao cho các số liệu khớp nhau.

Có những học sinh vẫn còn sống nhưng lại được đưa vào danh sách đã “chết” và ngược lại. Có người nói đùa đó là kiểu “dìm trong biển máu”. Cũng nhờ thế mới có được số liệu khớp giữa các trường, các xã phường để báo cáo.

Học sinh không thể lưu ban

Cái vất vã của việc điều tra, làm khớp số liệu cũng không thể so với việc thầy cô phải khốn khổ, mệt mỏi với việc học sinh không thể ở lại lớp (có chăng con số vô cùng ít ỏi).

Chưa bao giờ thầy cô thấy cảnh phụ huynh chạy theo níu áo: “cô (thầy) ơi cho con tôi ở lại lớp” như bây giờ. Dù đau lòng cũng phải cương quyết từ chối. Thế là nạn học sinh ngồi nhầm lớp xuất phát từ đây.

Phổ cập giáo dục tiểu học đã khổ, phổ cập đúng độ tuổi càng mệt hơn nhiều. Học sinh lại càng khó có cơ hội lưu ban, vì sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều chỉ tiêu liên đới khác.

Năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành Phổ cập giáo dục tiểu học, giáo viên thở dài như trút đi gánh nặng thì từ năm 2001, tiếp tục thực hiện Phổ cập giáo dục trung học cơ sở “… phổ cập trung học cơ sở; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và chống mù chữ.”

Theo đó, hàng năm, hầu hết học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đều tiếp tục vào học trung học cơ sở.

Bậc tiểu học bỏ thi tốt nghiệp, hầu như tất cả học sinh đều hoàn thành chương trình tiểu học và được tuyển vào lớp 6, trong đó có không ít học sinh có lực học yếu, kém.

Phổ cập bậc trung học cơ sở giai đoạn 2001-2010 được nêu rõ tại Nghị quyết số 41/2000/NQ-QH10 ngày 12/9/2000 của Quốc hội khóa X:

“Phải bảo đảm cho hầu hết thanh niên, thiếu niên sau khi tốt nghiệp tiểu học tiếp tục học tập để đạt trình độ trung học cơ sở trước khi hết tuổi 18, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Để thực hiện Nghị quyết ấy, học sinh trung học cơ sở cũng không bị giáo viên khắt khe như trước đây vì chính thầy cô cũng sợ các em nghỉ học.

Thế là lên lớp, giáo viên không chỉ dạy mà còn phải “dỗ”. Học sinh lười học, hư hơn một phần cũng vì thầy cô dễ dãi.

Phổ cập chất lượng cấp tốc

Những học sinh bỏ học giữa chừng được lên danh sách tổng động viên đi học vào các buổi tối để nâng cao trình độ.

Do đã chán học dù được thầy cô năn nỉ, động viên nhiều em cũng cương quyết không đến lớp học dù được cấp giấy, bút viết, cặp, sách và vở.

Không thể báo cáo rằng “không thể vận động học sinh ra lớp”. Giáo viên phổ cập liên kết với hiệu trưởng nhà trường lên danh sách khống, mở lớp ban đêm để dạy.

Lớp học danh sách gần hai chục em nhưng đôi khi chỉ có vài em đi học. Đêm học, đêm nghỉ, học nhởn nhơ cho có và đến ngày tháng quy định cũng lên lớp, tốt nghiệp.

Học kiểu này, dù có bằng tốt nghiệp cấp 2, dù được công nhận đã hoàn thành chương trình thì trình độ của các em cũng chẳng được cải thiện là bao nếu không muốn nói rằng không được gì cả.

Đến nay, sau hơn 20 năm thực hiện công tác phổ cập giáo dục của hai bậc học, trong các bản báo cáo, nhiều địa phương đã tự tin khẳng định rằng:

“Địa phương đã hoàn thành tốt công tác phổ cập đúng độ tuổi. Chất lượng giáo dục được nâng lên…”.

Nhưng ngoài thực tế phải nói rằng, chất lượng giáo dục tuột dốc như ngày nay có một phần rất lớn ở việc thực hiện phổ cập tại nhiều địa phương trong cả nước.

Bởi thế, hầu như tất cả giáo viên đều ước mong, tới đây, giáo dục sẽ không còn phổ cập, để không còn thấy cảnh thực hiện phổ cập bằng mọi giá như thời gian vừa qua.

Ai muốn học, ai học được thì cứ phát huy, ai không có khả năng học lên thì học nghề hay làm các công việc tự do khác.

Có thế, chất lượng giáo dục mới được nâng lên và tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp sẽ không còn nữa.

Đi học chỉ có ý nghĩa và giá trị khi người học cảm thấy đó là một nhu cầu không thể thiếu. Nhà nước chỉ có thể tạo điều kiện cho họ được đến trường, không ai có thể học thay họ.

Nhưng với cách làm “phổ cập giáo dục” như hiện nay, vô hình trung chủ trương nhân văn “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” lại biến thành những chính sách mang nặng biểu hiện ngụy tạo thành tích cho một số cá nhân hưởng lợi, nhưng lại tạo ra sự giả dối và làm biến dạng giáo dục, gây khổ sở cho giáo viên.

Thuận Phương