Giáo viên hợp đồng, một nghề vô thừa nhận?

GDVN- Việc các địa phương “vận dụng không giới hạn” Nghị định 68/2000/NĐ-CP đã nảy sinh nhiều bất cập trong việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng nhiều năm qua.

Trong hơn 1 năm qua, Giáo dục Việt Nam nói riêng và các cơ quan truyền thông nói chung nhận được nhiều phản ánh của độc giả là các thầy cô là giáo viên hợp đồng tại nhiều tỉnh/ thành trên cả nước.

Thậm chí Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến, cho chủ trương tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện, nhưng mỗi địa phương làm mỗi kiểu, chuỗi ngày dài theo đuổi của các thầy cô vẫn chưa biết khi nào kết thúc.

Nếu không có những đánh giá nghiêm túc về chính sách với nhóm đối tượng “giáo viên hợp đồng” để tìm ra đầu mối gỡ cuộn chỉ rối, e rằng câu chuyện tuyển dụng hàng loạt, sa thải hàng loạt giáo viên hợp đồng sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Đồng hành với giáo viên hợp đồng trong quá trình theo đuổi nguyện vọng tuyển dụng đặc cách, phóng viên Giáo dục Việt Nam khám phá nhiều câu chuyện chưa kể về thân phận người giáo viên trót mang lấy nghiệp “hợp đồng” trong các trường mầm non và phổ thông công lập.

Giáo viên hợp đồng, thích thì ký với đồng lương rẻ mạt, không thích thì sa thải

Tháng 8/2018, 300 giáo viên hợp đồng huyện Thanh Oai (Hà Nội) viết đơn kêu cứu trước nguy cơ bị sa thải.

Ông Nguyễn Tuệ Sơn, Trưởng phòng Nội vụ Thanh Oai cho biết: Việc này hoàn toàn không bất ngờ.

Cùng thời điểm trên, 500 giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Păk (Đắk Lắk) nhận tin sẽ mất việc trong thời gian tới.

Tại Phú Yên, 51 giáo viên hợp đồng bị sa thải đã quyết tâm khiếu nại Phòng giáo dục và Ủy ban Nhân dân huyện Tây Hòa.

Giáo viên hợp đồng, một nghề vô thừa nhận? ảnh 1

Ở Bắc Ninh, 148 giáo viên hợp đồng sau khi vượt qua 2 vòng sát hạch tuyển dụng đặc cách theo kế hoạch mà Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, những tưởng có thể yên tâm thì Sở Nội vụ ban hành văn bản không công nhận kết quả do 148 giáo viên này là giáo viên hợp đồng khoán việc.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, có trường hợp giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức (Hà Nội) chỉ nhận lương 1.2 triệu đồng/ tháng và không được đóng bảo hiểm; giáo viên huyện Ba Vì nhận lương 1.3 triệu đồng/ tháng…

Thế nhưng có giáo viên tại quận Nam Từ Liêm hay Sóc Sơn mặc dù được hợp đồng nhưng lại hưởng lương như viên chức biên chế.

Tại sao cùng đứng trên bục giảng, cùng công tác trong ngành giáo dục và tham gia hoạt động “trồng người”, nhưng những giáo viên hợp đồng lâu nay lại bị đối xử như một nghề vô thừa nhận khi so với những đồng nghiệp “biên chế”?.

Lai lịch của “giáo viên hợp đồng”, một nghề vô thừa nhận

Nhắc đến “giáo viên hợp đồng”, nhiều người liên tưởng ngay đến dạng hợp đồng lao động quy định trong Bộ luật Lao động, để phân biệt với các giáo viên đã vượt qua kỳ thi tuyển dụng viên chức để vào “biên chế nhà nước”.

Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Hầu hết các địa phương, cơ sở giáo dục không ký hợp đồng với giáo viên theo Bộ luật Lao động, mà theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP.

Hợp đồng này có lợi cho đơn vị sử dụng lao động nhưng lại rất bất lợi cho giáo viên.

Ví dụ tại Hà Nội, giáo viên hợp đồng được tuyển dụng, sử dụng và sa thải là theo Quyết định 14/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Tại điều 3 của Quyết định 14/2017/QĐ-UBND giải thích:

“Lao động hợp đồng” được nêu trong quy định này bao gồm: lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và lao động hợp đồng được pháp luật quy định.

Vậy hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là gì?

Ngày 17/11/2000, Chính Phủ ban hành Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: Về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Tại điều 1 của Nghị định nêu rõ:

Thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc sau đây trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp:

1. Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp;

2. Lái xe;

3. Bảo vệ;

4. Vệ sinh;

5. Trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp;

6. Công việc khác.

Đối chiếu với điều 1 có thể thấy, giáo viên hợp đồng tuy tham gia giảng dạy không khác gì giáo viên biên chế viên chức, nhưng chế độ đãi ngộ lại thuộc nhóm mang tính thời vụ theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP (nhóm 6. Công việc khác) xếp sau cả lái xe, bảo vệ, vệ sinh, trông giữ phương tiện đi lại, sửa chữa máy móc…

Điều 5, Nghị định số 68/2000/NĐ-CP:

Các công việc quy định tại Điều 1 của Nghị định này được thực hiện thông qua ký kết hợp đồng giữa cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp với cá nhân trực tiếp làm, hoặc cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ dưới các dạng: Hợp đồng thuê khoán tài sản, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế và các loại hợp đồng khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8, Nghị định 68/2000/NĐ-CP quy định:

“Các cơ quan, tổ chức khác sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp quyết định việc áp dụng các quy định của Nghị định này trong cơ quan, tổ chức mình.”

Có thể thấy, Nghị định 68/2000/NĐ-CP đã mở cho các địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập quyền tuyển dụng và sử dụng lao động theo hợp đồng công việc quá rộng (công việc khác).

Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/5/2001 của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2000/NĐ-CP quy định:

Công việc khác nói tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP được hiểu là các công việc như: nấu ăn tập thể, tạp vụ, mộc nề, chăm sóc và bảo vệ cảnh quan trong cơ quan, tổ chức, đơn vị,…[2]

Các đồng nghiệp của giáo viên hợp đồng may mắn đã vào “biên chế nhà nước”, “có số có má” đàng hoàng và được quy định tại các thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, số 21/2015/TTLT/BGDĐT-BNV và số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Còn bản thân các giáo viên hợp đồng tuy cũng được gọi bằng thầy, bằng cô đấy, cũng đứng lớp giảng dạy, tận tụy trồng người không khác, nhưng lại không có mã số chức danh nghề nghiệp nào, không nằm trong danh mục nào.

Nói giáo viên hợp đồng là một nghề vô thừa nhận liệu có phải quá lời?

Tuy “công việc khác” của Nghị định 68/2000/NĐ-CP đã nói rõ hơn, liệt kê cụ thể và hoàn toàn không có công việc giảng dạy của giáo viên, nhưng vì Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP vẫn để dấu “…”, và đây phải chăng chính là chỗ các địa phương đang “vận dụng tối đa” để tùy ý tuyển dụng, sa thải giáo viên hợp đồng?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vbpl.vn/bonoivu/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=5919&Keyword=

[2]http://vbpl.vn/bonoivu/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=22661&Keyword=

Vũ Ninh