Giáo viên hợp đồng được đóng BHXH, BHYT, BHTN


Ảnh minh họa

Công văn nêu rõ, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN); người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHTNLĐ-BNN (áp dụng từ 01-01-2018) là những đối tượng được đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN.

Hằng tháng, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động, đồng thời trích từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH. Trường hợp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên phải chịu tiền lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Mức đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức lương, phụ cấp lương (từ 01-01-2016) và các khoản bổ sung khác (từ 01/01/2018) theo quy định của pháp luật lao động. Mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề.

BHXH thành phố Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đối tượng đóng, mức đóng, phương thức đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ- BNN, và thực hiện truy đóng thời gian tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (nếu có) theo quy định, không để xảy ra khiếu kiện.

Theo phapluatxahoi.vn