Giáo viên cốt cán- “đòn bẩy” chất lượng giáo dục
GD&TĐ – Chia sẻ những yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên cốt cán, GS Đinh Quang Báo – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội – đồng thời đưa ra những biện pháp xây dựng đội ngũ này, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trước yêu cầu mới.
Trọng trách của giáo viên cốt cán
Chức năng cơ bản của giáo viên cốt cán, theo quan điểm của GS Đinh Quang Báo là thực hiện nhiệm vụ được quy định đối với từng chức danh giáo viên. Đồng thời, tổ chức các hoạt động bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp cho các đồng nghiệp môn học, hoạt động giáo dục, tổ bộ môn và cộng đồng nghề nghiệp nhà trường.
Thông qua các hoạt động này, giáo viên cốt cán còn có thể tham gia các tổ chức bồi dưỡng giáo viên ở địa phương (phòng giáo dục, sở giáo dục, cum trường) và tổ chức cấp trung ương.
Đội ngũ này cũng có chức năng tham gia xây dựng, thẩm định chương trình giáo dục cấp học, môn học cấp quốc gia; biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và các học liệu; phát triển chương trình nhà trường. Hướng dẫn, tư vấn cho đồng nghiệp phát triển năng lực nghề nghiệp nói chung và giải quyết những khó khăn gặp phải trong quá trình dạy học, giáo dục. Phát hiện những tình huống, vấn đề nảy sinh trong quá trình dạy học, giáo dục, thực hiện chương trình và triển khai tổ chức nghiên cứu tìm giải pháp giải quyết.
Ngoài ra, những chức năng quan trọng khác của giáo viên cốt cán, theo GS Đinh Quang Báo là: Tổ chức tư vấn cho học sinh, phụ huynh học sinh khi nảy sinh những nhu cầu đặc biệt cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường để giải quyết;
Tổ chức các đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt khoa học sư phạm ứng dụng với mục đích bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho cộng đồng giáo viên, giải quyết những vấn đề nảy sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh;
Biên soạn tài liệu chuyên đề; các tài liệu hướng dẫn giáo viên, học sinh trong dạy học các môn học, các hoạt động giáo dục, đặc biệt hoạt động trải nghiệm sáng tạo; các đề tài nghiên cứu khoa học cho học sinh;
Tham gia với vai trò cùng liên kết trách nhiệm với các cơ sở đào tạo giáo viên trong đào tạo sinh viên ngành sư phạm, bồi dưỡng giáo viên; liên kết với các trường khác, với các cơ sở nghiên cứu khoa học…
Tố chất và yêu cầu với giáo viên cốt cán
Với những chức năng trên, GS Đinh Quang Báo cho rằng, giáo viên cốt cán cần có những tố chất và đáp ứng các yêu cầu nhất định. theo đó, về tố chất, giáo viên cốt cán phải là giáo viên cần đạt mức xuất sắc chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Đồng thời, có năng lực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học giáo dục; năng lực phát triển nghề nghiệp và nòng cốt xây dựng cộng đồng phát triển nghề nghiệp trong mỗi nhà trường.
Giáo viên cốt cán cũng là người có khả năng phát triển và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục nhà trường trong cơ chế phân cấp quản lý chương trình giáo dục theo định hướng “quản lý dựa vào nhà trường”.
Cùng với đó là khả năng làm nòng cốt và liên kết trách nhiệm với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong đào tạo, bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp; trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học sư phạm ứng dụng.
Yêu cầu đối với giáo viên cốt cán, GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh: Giáo viên cốt cán phải là chuyên gia môn học có kiến thức rộng, nền tảng để có thể thường xuyên thích ứng, cập nhật tri thức khoa học công nghệ hiện đại và chia sẻ những tri thức này cho đồng nghiệp.
Đồng thời, là chuyên gia về khoa học giáo dục nói chung và lý luận dạy học môn học nói riêng. Nhận biết được đặc điểm từng đồng nghiệp để có thể chia sẻ, hỗ trợ họ phát triển năng lực nghề nghiệp có hiệu quả; tham gia đánh giá năng lực nghề nghiệp để có thông tin phản hồi giúp tìm cách hỗ trợ thiết thực.
Giáo viên cốt cán cũng cần là người có uy tín trong nhà trường về phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, có năng lực tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên các cấp học, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với đồng nghiệp; nòng cốt xây dựng cộng đồng phát triển sáng tạo nghề nghiệp.
Biện pháp xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán
Để xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán, GS Đinh Quang Báo chia sẻ những giải pháp sau:
Thứ nhất: lựa chọn giáo viên có nhiều thành tích trong hoạt động nghề nghiệp, được đánh giá xuất sắc theo chuẩn nghề nghiệp và đáp ứng hoặc có thể bồi dưỡng để đáp ứng các yêu cầu nêu trên đối với giáo viên cốt cán.
Thứ 2: Xây dựng khung tổ chức đội ngũ giáo viên cốt cán về số lượng, cơ cấu theo môn học, hoạt động giáo dục sao cho mỗi nhà trường, địa phương (sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT) có được một tổ chức hoạt động phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, tư vấn cho CBQL các cấp về những vấn đề thuộc lĩnh vực GD&ĐT, nòng cốt trong hoạt động phát triển chương trình nhà trường đáp ứng cơ chế phân cấp quản lý, thực hiện chương trình giáo dục.
Thứ 3: Tổ chức các khoa bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán về kiến thức môn học, lĩnh vực khoa học liên quan, về nghiệp vụ sư phạm (phát triển chương trình, sách giáo khoa, phương pháp, hình thức dạy học, giáo dục, phương tiện, công nghệ dạy học, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, …); bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học giáo dục; phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; bồi dưỡng kĩ năng hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp; …
Thứ 4: Xây dưng quy chế hoạt động của giáo viên cốt cán với những quy định phát huy được sáng tạo của cá nhân và đội ngũ cán giáo viên cốt cán. Trong đó, phải có những chính sách ở cấp trung ương, cấp địa phương, cấp nhà trường đảm bảo các điều kiện cho đội ngũ giáo viên cốt cán hoạt động thực hiện được các chức năng cơ bản đã nêu ở phần trên.
Quy chế hoạt động của đội ngũ giáo viên cốt cán phải bảo đảm đây là một tổ chức hoạt động chuyên môn nghề nghiệp, không bị ràng buộc bởi quá nhiều quy định hành chính cứng nhắc, để cho đội ngũ này được sáng tạo, phát triển nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Thứ 5: Có cơ chế liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt cơ sở đào tạo giáo viên, các viện nghiên cứu, chủ yếu là nghiên cứu giáo dục, quản lý giáo dục.
Thứ 6: Tổ chức đánh giá kết quả hoạt động của giáo viên cốt cán để vừa có chính sách khích lệ về vật chất, tinh thần, vừa có biện pháp bồi dưỡng, nâng cao năng lực của họ.
Giáo viên cốt cán cũng là người có khả năng phát triển và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục nhà trường trong cơ chế phân cấp quản lý chương trình giáo dục theo định hướng “quản lý dựa vào nhà trường”.