Giáo viên có quyền từ chối không tham gia văn nghệ trong thời gian nghỉ hè không?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Vanbanluat.com, Ban tư vấn của Vanbanluat.com xin trả lời bạn như sau:
1. Bạn có quyền từ chối tập văn nghệ không? Nếu không tham gia, hiệu trưởng có quyền trừ lương hay trừ thi đua không?
Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học được quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT (được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT) như sau:
“Điều 5. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm
[…]
3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.
Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.”
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, Luật Giáo dục,… cũng quy định trong thời gian hè giáo viên được nghỉ 2 tháng (từ 01/06 đến 31/07) được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có) và bắt đầu làm việc trở lại từ ngày 01/08 (một số vùng tùy tình hình mưa, lũ có thể trước hoặc sau thời gian trên theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh).
Mặt khác, căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường mà mỗi nhà trường có nội quy, quy chế riêng của trường mình. Bạn cần căn cứ nội quy, quy chế đó để đối chiếu.
Như vậy, trong suốt thời gian hè là thời gian nghỉ ngơi của giáo viên, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành bạn có quyền từ chối tham gia tập văn nghệ hoặc các kế hoạch trực trường khác. Tuy nhiên, bạn cũng cần đối chiếu với các nội quy, quy chế thi đua nội bộ của nhà trường để biết được việc từ chối này có ảnh hưởng đến công tác thi đua khen thưởng hay không.
2. Với các giáo viên khác có thể tham gia tập thì có được trả tiền làm ngoài giờ hay tăng ca không?
Theo quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động 2012 về làm thêm giờ:
1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”
Như vậy, trong trường hợp làm thêm giờ phải có sự đồng ý của người lao động. Hơn nữa theo quy định tại Điều 97 của Luật này, khi làm thêm giờ vào ngày nghỉ có hưởng lương, bạn sẽ được trả thêm một khoản tiền bằng 300% tiền lương của ngày nghỉ đó.
Tuy nhiên, bạn cũng cần đối chiếu với các nội quy, quy chế nội bộ của nhà trường để biết được việc tập văn nghệ là nghĩa vụ bắt buộc của giáo viên hay đây đơn thuần là việc làm thêm giờ để có thể biết được quyền lợi cơ bản của mình.