Giáo viên có bắt buộc phải thi giữ hạng không?

Trả lời:

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời

Thăng hạng chức danh nghề nghiệp luôn nhận được sự quan tâm của giáo viên hiện nay. Tuy nhiên, việc thi và xét tăng hạng không mang tính bắt buộc đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên, trong đó gồm giáo viên Trung học cơ sở.

Theo Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT quy định “Việc cử giáo viên dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương” và thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên được thực hiện khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và khi giáo viên có nhu cầu.

Đối với giáo viên Trung học cơ sở hạng 3 có nhiệm vụ dạy học và giáo dục theo chương trình, kế hoạch giáo dục cấp trung học cơ sở; tham gia phát hiện bồi dưỡng học sinh năng khiếu, phụ đạo học sinh yếu kém cấp trung học cơ sở; vận dụng các sáng kiến kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục học sinh và làm đồ dùng, thiết bị dạy học cấp trung học cơ sở; đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, hình thành năng lực và phương pháp tự học của học sinh trung học cơ sở

Về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập quy định ngoài tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cần đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

“2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên hoặc cao đẳng các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin”.

Như vậy, theo quy định trên, giáo viên THCS hạng III thì cần đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sau khi được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh giáo viên và xếp lương theo quy định trên.

Bạn không nêu rõ là bạn được bổ nhiệm theo ngạch từ thời điểm nào. Nếu thuộc trường hợp đối với giáo viên trung học cơ sở hiện đang giữ ngạch giáo viên trung học cơ sở chưa đạt chuẩn (chưa đạt trình độ cao đẳng) mã số 15c.208 tính đến ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành có tuổi đời dưới 55 tuổi đối với nam và dưới 50 tuổi đối với nữ thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức phải bố trí cho viên chức học tập nâng cao trình độ để đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III theo điều 11 khoản 2 Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Bạn vận dụng tuỳ thuộc từng trường hợp cụ thể theo quy định văn bản nêu trên.