Giáo viên có bắt buộc phải hỗ trợ cho người khuyết tật trong chương trình giáo dục hòa nhập hay không?


Gia đình tôi có một đứa em là người khuyết tật, hiện đang cho đi học tại trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Trước khi làm thủ tục nhập học, tôi có tìm hiểu và được biết các thầy cô trong trường sẽ cố gắng thực hiện chương trình giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật như em tôi một cách hiệu quả nhất. Vậy cho tôi hỏi việc này có bắt buộc hay không? Ngoài giáo viên ở trung tâm, thì chính trung tâm đó có trách nhiệm hỗ trợ người khuyết tật được giáo dục hòa nhập hay không?

Giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật là gì?

Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT, người khuyết tật và hoạt động giáo dục đối với người khuyết tật được hiểu như sau:

“1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

2. Giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục.”

Việc em bạn được giáo dục hòa nhập tại trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tức là em bạn sẽ được đào tạo chung với những người không khuyết tật trong trung tâm.

Mục tiêu của việc thực hiện giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật là gì?

Căn cứ Điều 3 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT, mục tiêu của việc giáo dục hòa nhập dành cho người khuyết tật được quy định như sau:

“1. Người khuyết tật được phát triển khả năng của bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng.

2. Đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp với đặc điểm, khả năng của người khuyết tật.”

Giáo viên có bắt buộc phải hỗ trợ người khuyết tật trong chương trình giáo dục hòa nhập hay không?

Giáo viên có bắt buộc hỗ trợ người khuyết tật trong chương trình giáo dục hòa nhập không?

Giáo viên có bắt buộc hỗ trợ người khuyết tật trong chương trình giáo dục hòa nhập không?

Căn cứ quy định tại Điều 11, Điều 12 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT, nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên khi tham gia giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật bao gồm:

(1) Nhiệm vụ của giáo viên

Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định đối với nhà giáo, giáo viên, giảng viên tham gia giáo dục hòa nhập thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

– Tôn trọng và thực hiện các quyền của người khuyết tật.

-Bảo mật thông tin về tình trạng khuyết tật của cá nhân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật.

– Phối hợp với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và gia đình người khuyết tật lập kế hoạch giáo dục cá nhân đối với người khuyết tật học hòa nhập; tổ chức hoạt động giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục theo kế hoạch giáo dục cá nhân của người khuyết tật.

– Phát hiện và đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện giáo dục hòa nhập.

– Tư vấn cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật về dịch vụ hỗ trợ, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng và nhu cầu của người khuyết tật.

– Phối hợp với đồng nghiệp, gia đình và các tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập, thân thiện đối với người khuyết tật.

– Thường xuyên tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập.

(2) Quyền của giáo viên

Ngoài các quyền theo quy định đối với nhà giáo, giáo viên, giảng viên tham gia giáo dục hòa nhập được hưởng các quyền sau đây:

– Được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về giáo dục hòa nhập.

– Được tham quan, học tập kinh nghiệm về giáo dục hòa nhập.

– Được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong giáo dục hòa nhập.

– Được hưởng các chính sách ưu đãi trong giáo dục hòa nhập theo quy định hiện hành.

Thông qua các quy định trên có thể thấy, giáo viên khi tham gia giáo dục hòa nhập dành cho người khuyết tật thì phải phối hợp với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và gia đình người khuyết tật để lập kế hoạch giáo dục cá nhân đối với người khuyết tật học hòa nhập; phát hiện và đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện giáo dục hòa nhập; tư vấn cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật về dịch vụ hỗ trợ, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập; phối hợp với đồng nghiệp, gia đình và các tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập, thân thiện đối với người khuyết tật. Đồng thời, để việc giáo dục hòa nhập đạt được hiệu quả cao, giáo viên phải thường xuyên tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập.

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập có trách nhiệm gì đối với người khuyết tật?

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập được quy định tại Điều 5 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT cụ thể như sau:

– Phát hiện, huy động và tiếp nhận người khuyết tật học tập tại cơ sở giáo dục.

– Sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp với người khuyết tật; đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập có không quá 02 (hai) người khuyết tật. Trường hợp đặc biệt, thủ trưởng cơ sở giáo dục căn cứ vào Điều kiện thực tế có thể sắp xếp, bố trí thêm người khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo cho những người khuyết tật có nhu cầu học hòa nhập đều được đi học.

– Xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập; tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp nhu cầu và khả năng của người khuyết tật.

– Xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập, thân thiện, đảm bảo người khuyết tật được tôn trọng, hỗ trợ, hợp tác và được tham gia bình đẳng trong mọi hoạt động giáo dục.

– Phối hợp với gia đình, cộng đồng, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cơ sở giáo dục chuyên biệt thực hiện giáo dục hòa nhập.

– Hỗ trợ thực hiện các hoạt động can thiệp sớm và phát triển kỹ năng cơ bản cho người khuyết tật để hòa nhập cộng đồng.

– Cung cấp thông tin về giáo dục của người khuyết tật đang học hòa nhập tại cơ sở giáo dục cho hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

– Phát triển năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên đáp ứng nhiệm vụ giáo dục hòa nhập.

– Huy động nhân lực hỗ trợ giáo dục hòa nhập và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước dành cho việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục hòa nhập theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, việc thực hiện giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật là vô cùng quan trọng, hỗ trợ họ có thể phát triển cả về mặt thể chất và tinh thần. Pháp luật hiện hành quy định rõ những quyền hạn và trách nhiệm của cơ sở giáo dục hòa nhập nói chung và những giáo viên trong cơ sở đó nói riêng đối với công tác thực hiện giáo dục hòa nhập dành cho người khuyết tật.