Giáo trình truyện ngắn
Đầu năm 2018, Nhà xuất bản Đại học Vinh đã phát hành cuốn “Giáo trình truyện ngắn Việt Nam hiện đại” của hai tác giả Đinh Trí Dũng và Bùi Việt Thắng. Đây là công trình kế thừa và phát huy các kết quả nghiên cứu về truyện ngắn đã công bố trước đây của hai tác giả Đinh Trí Dũng và Bùi Việt Thắng, là những giảng viên có thâm niên giảng dạy về thể loại này ở bậc đại học.
“Giáo trình truyện ngắn Việt Nam hiện đại” gồm 5 chương chính. Chương một trình bày quan niệm về truyện ngắn và khái lược quá trình hình thành, phát triển thể loại. Chương hai nêu đặc trưng thể loại truyện ngắn. Chương ba trình bày các dạng thức truyện ngắn. Chương bốn giới thiệu truyện ngắn Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945. Chương năm tập trung nghiên cứu về truyện ngắn Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Theo đó, người đọc có thể bao quát được khái niệm, sự hình thành truyện ngắn, đặc trưng truyện ngắn và các dạng thức truyện ngắn; đồng thời biết được lịch sử phát triển truyện ngắn Việt Nam qua hai thời kỳ lớn, cùng với các cây bút truyện ngắn tiêu biểu ở mỗi thời kỳ. Do yêu cầu của một tài liệu học tập chủ yếu dành cho học viên sau đại học chuyên ngành văn học, cho nên hai tác giả đã thống nhất cách trình bày nội dung mỗi chương theo một cấu trúc chung: Yêu cầu cần đạt; Nội dung chương; Tóm tắt chương; Câu hỏi ôn tập; Đề tài nghiên cứu; Tài liệu tham khảo chính…
Nhiều tác giả nổi tiếng thế giới và Việt Nam đã bàn về truyện ngắn. Trong cuốn “Giáo trình truyện ngắn Việt Nam hiện đại”, các tác giả đã rút ra những điểm chung nhất về quan niệm truyện ngắn: Đó là hình thức tự sự cỡ nhỏ, thường khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất của cuộc sống hay đời sống tâm hồn. Nhân vật truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội, thường gắn với những “lát cắt” điển hình. Kết cấu, cốt truyện truyện ngắn không quá phức tạp, chi tiết cô đúc, bút pháp nghiêng về chấm phá. Đồng thời, với một sự công phu bao quát tư liệu, người viết đã cung cấp cho bạn đọc lịch sử hình thành truyện ngắn ở các nước Âu-Mỹ và sự hình thành các truyện ngắn truyền kỳ ở các nước gần gũi như: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…
Giáo trình truyện ngắn Việt Nam hiện đại.
Tìm hiểu truyện ngắn, nhất thiết không thể bỏ qua những đặc trưng thể loại của nó. Có thể nói người viết đã cố gắng tiếp cận đặc trưng thể loại theo quan điểm riêng. Trước đây, trong chuyên luận “Truyện ngắn-Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại” của Bùi Việt Thắng xuất bản năm 2000, tái bản 2011, tác giả đã đề cập đến 5 đặc trưng thể loại truyện ngắn gồm: Dung lượng, cốt truyện, kết cấu, tình huống và nhân vật. Trong “Giáo trình truyện ngắn Việt Nam hiện đại” nhà nghiên cứu Đinh Trí Dũng cũng xem xét đặc trưng truyện ngắn ở 5 bình diện: Truyện ngắn có nhiều điểm gần gũi với tiểu thuyết; Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ; Vai trò quan trọng của tình huống; Nhân vật được thể hiện như một “lát cắt” điển hình; Vai trò của chi tiết. Như vậy, giữa hai tác giả có những điểm trùng hợp. Cách trình bày của tác giả Đinh Trí Dũng lần này giản dị, dễ hiểu. Ông dẫn lại tình huống truyện của Bùi Việt Thắng, đồng thời cũng bổ sung thêm quan niệm tình huống của các nhà nghiên cứu khác, có bình luận rằng thực tế thì tình huống nhận thức chỉ là dạng đặc biệt của tình huống tâm trạng.
Bạn đọc có thể hình dung các dạng truyện ngắn hiện đại qua chương “Các dạng thức truyện ngắn hiện đại”. Trong chương này, tác giả Bùi Việt Thắng đã làm rõ tiêu chí để nhận diện các dạng phân chia theo các tiêu chí: Dung lượng, bút pháp và mức độ cách tân. Tác giả cũng giới thiệu thêm các cách phân chia của GS Lê Huy Bắc và GS Phan Cự Đệ để thấy thêm sự đa dạng của truyện ngắn. Điều này là cần thiết nhằm bao quát được các dạng truyện ngắn dòng ý thức và truyện ngắn giả cổ tích. Nếu so với chuyên luận trước đây, tác giả Bùi Việt Thắng cũng thay đổi cách tiếp cận và trình bày. Tác giả không trình bày loại truyện ngắn cổ điển, mà thay vào đó là truyện ngắn tiểu thuyết hóa, đồng thời thêm vào loại truyện ngắn hậu hiện đại. Điều đó thể hiện sự tiếp cận với thực tiễn sáng tác của các nhà văn Việt Nam.
“Giáo trình truyện ngắn Việt Nam hiện đại” có thể giúp người đọc hình dung những nét chính của bức tranh truyện ngắn hiện đại Việt Nam, những chặng đường phát triển, đặc điểm chính của truyện ngắn Việt Nam hiện đại cùng những tác giả tiêu biểu ở mỗi thời kỳ phát triển của thể loại này. Trong sự phát triển của truyện ngắn, có những dấu mốc quan trọng, kể cả những dấu mốc không quan trọng với thể loại, nhưng lại liên quan đến người viết, người đọc cũng được ghi lại. Phần công phu và thú vị là những nghiên cứu về một số tác giả truyện ngắn tiêu biểu. Đây là phần đòi hỏi nhiều tâm sức, bút lực của hai tác giả. Các cây bút truyện ngắn tiêu biểu của truyện ngắn Việt Nam hiện đại trước năm 1945 được nghiên cứu, đánh giá gồm có: Nguyễn Ái Quốc, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao… Từ năm 1945 đến nay, xuất hiện nhiều cây bút truyện ngắn tên tuổi, như: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thành Long, Sơn Nam, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê… Tất nhiên, người đọc có quyền băn khoăn rằng: Phạm Duy Tốn và Nguyễn Bá Học được nghiên cứu như một tác giả, như thế liệu có ưu ái quá chăng vì thành tựu của các vị là khá mỏng? Hoặc nữa, một số tác giả khác từng gặt hái những thành tựu về truyện ngắn trong hai cuộc kháng chiến và một số cây bút được chú ý trong thời kỳ đổi mới, vì sao không được chọn? Thiết nghĩ, dù sao đây cũng là giáo trình dùng cho học viên sau đại học, gắn với nhà trường của chế độ xã hội chủ nghĩa, hẳn là các tác giả phải có những tiêu chí riêng, ngoài tiêu chí chung về văn chương, học thuật. Điều đó là cần thiết và hợp lý. Mặt khác sự để ngỏ này cũng có thể cho thấy khi chưa đủ tư liệu, chưa đủ cảm hứng và vì nhiều lý do khác, thì trong lần xuất bản này các tác giả chỉ dừng ở đó.
“Giáo trình truyện ngắn Việt Nam hiện đại” là một ấn phẩm nội dung phong phú, trình bày công phu. Đây là cuốn giáo trình dành cho học viên cao học thạc sĩ của Đại học Vinh, song với việc hai tác giả đã kỳ khu giới thiệu kiến thức truyện ngắn một cách hệ thống, tinh giản, chú ý những vấn đề trọng tâm; cố gắng tiếp thu và cập nhật những thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam hiện đại… đã làm cho giá trị tập sách vượt ra khỏi khuôn khổ của một nhà trường, để phục vụ cho đông đảo bạn đọc, bạn viết và tất cả những ai quan tâm đến truyện ngắn Việt Nam hiện đại.
PGS, TS VŨ NHO