Giao lưu trực tuyến “Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu an sinh bền vững”
Nhà báo Kim Thanh: Cũng liên quan đến tuổi nghỉ hưu, có ý kiến lo ngại, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ làm gia tăng tỷ lệ khó tìm việc làm ở giới trẻ. Xin đồng chí Bùi Sỹ Lợi cho biết ý kiến về nhận định này?
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi:
Vấn đề tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã vừa trình bày. Ở đây tôi muốn nói đến câu chuyện: Trong nhiều năm qua, tuổi nghỉ hưu không thay đổi. Tuổi thọ trung bình dưới 50, mà bây giờ là 74. Chúng ta không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ có vấn đề.
Trên thực tế, chúng ta đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với những người làm trong các ngành giáo dục, y tế như: Giáo sư, bác sĩ, những người làm nghiên cứu khoa học…, tuổi hưu đã kéo dài đến 65,70. Nhưng nếu nâng tuổi hưu đồng loạt gặp rất nhiều phản ứng của người lao động, đặc biệt là nhóm người lao động ở môi trường độc hại, nguy hiểm, ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Những đối tượng này trên thực tế đã được giảm 3-5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu trung bình.
Do vậy, trong thực tế, chúng ta đã đưa ra dư luận nhưng không đúng thực tiễn dẫn đến phản ứng không đúng. Những người tham gia BHXH và những người trong quan hệ lao động chỉ chiếm 30% trong tổng số 54 triệu lao động (tức khoảng 16-17 triệu lao động); số còn lại khoảng 38 triệu lao động làm việc không nằm trong mối quan hệ lao động, không đóng BHXH người ta làm đến khi nào (như những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp người ta sẽ làm đến khi không làm được nữa). Bây giờ chúng ta muốn BHXH toàn dân mà giữ nguyên tuổi như này làm sao cân đối nổi Quỹ BHXH.
Theo nhận định của tôi, thời điểm bắt đầu từ năm 2021 là hợp lý vì thời điểm này gắn cải cách BHXH và cải cách chính sách tiền lương. Nhưng lộ trình và bước đi thế nào thì dứt khoát phải đảm bảo yếu tố bình đẳng giới. Tôi không đồng ý tại sao nữ Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lại làm đến 60, còn các địa phương khác làm đến 55. Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề tuổi hưu thì sẽ gặp khó khăn về nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai.
Còn có ý kiến cho rằng ở thời điểm cuộc cách mạng 4.0, chúng ta sẽ đẩy lực lượng lao động có trình độ, chuyên môn ra, nhưng thực tế không phải như vậy. Đào tạo hiện nay khác với đào tạo thời kỳ bao cấp. Thời bao cấp, đào tạo theo kế hoạch và phân bổ lao động. Còn hiện nay đào tạo theo nhu cầu, ai giỏi vẫn có việc làm.
Đà Nẵng có chủ trương cho cán bộ nghỉ hưu trước tuổi thì được hưởng 200 triệu đồng. Nếu câu chuyện này diễn ra thì quỹ BHXH không có nguồn để chi trả, bởi trong thời gian nhóm đối tượng nghỉ hưu trước 3 năm đã không đóng BHXH mà lại còn nhận lương hưu, việc làm này cũng đi trái với luật BHXH.
Đồng chí Doãn Mậu Diệp: Theo tôi, các địa phương nếu khó khăn có thể khuyến khích nghỉ hưu sớm, nhưng việc nhận lương hưu tại BHXH là phải theo luật, tức sau 3 năm mới nhận lương hưu. Tôi đã trả lời báo chí, nếu các địa phương trả tiền cho các cán bộ nghỉ hưu sớm thì quỹ BHXH cũng vẫn phải chờ đến tuổi hưu mới duyệt chi trả. Nếu không mỗi năm nghỉ hưu sớm, thì sẽ phải trừ bao nhiêu phần trăm cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Chính sách của các địa phương không được trái với luật.
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi: Câu chuyện về tuổi nghỉ hưu, theo tôi, Bộ LĐ-TB&XH cần báo cáo Chính phủ.
Về mặt thời điểm, tôi đồng ý, nhưng cách đi và hướng đi, nhóm tuổi cần tính toán cẩn thận. Điều này khi sửa Bộ Luật Lao động cần bàn cụ thể. Tôi nghĩ rằng nên lấy ý kiến người lao động, không nên lấy ý kiến tập trung ở nhóm này, nhóm kia. Cần lấy đồng đều các nhóm lao động. Lần trước sửa Bộ Luật Lao động, chúng ta không nâng được độ tuổi nghỉ hưu, chỉ điều tra mỗi lao động ở khu vực nhà nước, các công chức, viên chức nhà nước mà không điều tra tất cả các lĩnh vực, các nhóm. Cần chia các nhóm để tính toán điều chỉnh cho hợp lý.
Câu chuyện về hưu, tuổi hưu ở đất nước ta đưa ra có rất nhiều ý kiến phản đối, chứ không nhiều ý kiến ủng hộ. Nhưng rõ ràng nếu ta không tính đến thì chính chúng ta sẽ bất lợi khi dân số của chúng ta đã bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa. Không xử lý bài toán này thì nguồn nhân lực của ta không có.
Nếu cho về hưu sớm thì rất nhiều người lao động vẫn tiếp tục làm việc thậm chí đến 70 tuổi. Do đó, chúng ta không vì dư luận mà để mất nguồn nhân lực chất lượng cao.