Giáo dục vệ sinh?

Căn cứ pháp lý

Điều 6 Luật của Quốc hội số 21-LCT/HĐNN8 ngày 30/06/1989 về bảo vệ sức khỏe nhân dân (sau đây gọi tắt là Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989).

Khái niệm giáo dục vệ sinh

Giáo dục là một cách tiếp thu về kiến thức, các thói quen, phong tục và những kỹ năng của con người đã được lưu truyền thông qua các thế hệ bởi hình thức giảng dạy, nghiên cứu hoặc đào tạo.

Giáo dục có thể do mỗi người tự tìm hiểu và học hỏi cũng có thể do người khác hướng dẫn. Điều này đồng nghĩa với việc những trải nghiệm mà cá nhân con người có được cùng các suy nghĩ, hành động và sự cảm nhận sẽ được coi là giáo dục.

Vệ sinh là các biện pháp phòng bệnh, giữ gìn và tăng cường sức khoẻ bao gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh lao động, vệ sinh lương thực, thực phẩm và nước uống,…

Giáo dục vệ sinh có thể hiểu là truyệt đạt, giảng dạy kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, giữ gìn và tăng cường sức khoẻ.

Giáo dục vệ sinh để bảo vệ sức khỏe nhân dân

– Các cơ quan y tế, văn hoá, giáo dục, thể dục thể thao, thông tin đại chúng và các tổ chức xã hội có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân kiến thức về y học và vệ sinh thường thức, vệ sinh môi trường, vệ sinh phụ nữ, vệ sinh thai nghén và nuôi dạy con.

Các kiến thức về y học và vệ sinh thường thức là những kiến thức cơ bản để nhân dân có thể tự bảo vệ sức khỏe và an toàn của bản thân.

Vệ sinh môi trường là các biện pháp nhằm cải tạo và làm sạch môi trường sống, góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Đó là các biện pháp được thực hiện để bảo đảm vệ sinh thực phẩm, vệ sinh nước sinh hoạt, vệ sinh công cộng, vệ sinh khi chôn cất người chết…, như: xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước, thu gom và xử lí rác thải; cung cấp đầy đủ nước sạch cho người dân, không phóng uế và đổ rác bừa bãi, thường xuyên phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng, chôn cất người chết tại các khu tập trung, xa khu dân cư…

– Bộ giáo dục xây dựng chương trình giáo dục vệ sinh cho học sinh phổ thông, mẫu giáo, nhà trẻ, tạo thói quen giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh trong sinh hoạt và học tập.

Lứa tuổi học sinh, đặc biệt là tuổi mẫu giáo, cấp tiểu học và những năm đầu của trung học là thời gian hình thành nhân cách sau này cho các em. Vì vậy, việc tăng cường giáo dục thể chất và ý thức vệ sinh thân thể, vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường cho các em ngay từ lứa tuổi này có một ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp các em có những kỹ năng sống vững vàng trong suốt quãng đời còn lại.

Nội dung sách giáo khoa và nội dung chương trình học có liên quan đến những môn giáo dục thể chất, giáo dục công dân đã được điều chỉnh cho phù hợp với tâm, sinh lý từng lứa tuổi theo hướng gợi mở, khoa học, phát huy được năng lực, trí tuệ của học sinh, đồng thời chú trọng các hoạt động ngoại khoá nhằm giúp các em rèn luyện kỹ năng sống một cách tích cực.

Có những vấn đề trước đây được coi là nhạy cảm, trái với phong tục, tập quán, truyền thống Á Đông, thì nay đã được nhìn nhận tích cực và đưa vào giảng dạy như vấn đề giáo dục giới tính, tình dục,…

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép giáo dục vệ sinh cá nhân, nước sạch và vệ sinh môi trường vào các tiết học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa về nội dung nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể, vệ sinh phòng chống bệnh tật…

Xem thêm: Tổng hợp bài viết Luật của Quốc hội số 21-LCT/HĐNN8 ngày 30/06/1989 về bảo vệ sức khỏe nhân dân

Luật Hoàng Anh