Giáo dục quốc phòng lớp 12 – Giải bài tập Giáo dục quốc phòng 12 ngắn nhất
Mục Lục
Giáo dục quốc phòng lớp 12 – Giải bài tập Giáo dục quốc phòng 12 ngắn nhất
Giáo dục quốc phòng lớp 12 – Giải bài tập Giáo dục quốc phòng 12 ngắn nhất
Với loạt bài Giải bài tập Giáo dục Quốc phòng lớp 12 ngắn gọn nhất sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập về nhà môn Giáo dục quốc phòng lớp 12. Ngoài ra, với bộ trên 200 câu hỏi trắc nghiệm Giáo dục quốc phòng lớp 12 có đáp án, chọn lọc sẽ giúp học sinh ôn tập, củng cố kiến thức để đạt điểm cao trong bài thi trắc nghiệm môn Giáo dục quốc phòng lớp 12.
Giáo dục quốc phòng lớp 12 Bài 1: Đội ngũ đơn vị
Câu 1 trang 14 Giáo dục quốc phòng lớp 12: Thực hiện các bước chỉ huy đội hình tiểu đội 1 và 2 hàng ngang.
Trả lời:
Đội hình tiểu đội hàng ngang
Đội hình tiểu đội hàng ngang gồm có: 1 hàng ngang và 2 hàng ngang. Các bước tập hợp gồm: Tập hợp đội hình; Điểm số; Chỉnh đốn hàng ngũ và giải tán.
Bước 1: Tập hợp đội hình
Khẩu lệnh: “Tiểu đội X thành 1 (2) hàng ngang – Tập hợp”
Hô khẩu lệnh xong, tiểu đội trưởng quay về hướng định tập hợp đứng nghiêm làm chuẩn. Nghe khẩu lệnh “ Tiểu đội X”, toàn tiểu đội tiểu quay mặt về phía tiểu đội trưởng, đứng nghiêm chờ lệnh. Nghe dứt động lệnh “ Tập hợp”, các chiến sĩ nhanh chóng im lặng, chạy vào vị trí tập hợp đứng bên trái tiểu đội trưởng thành 1 (2) hàng ngang, đứng đúng giãn cách, cự ly quy định, tự động gióng hàng, xong đứng nghỉ; khi tập hợp 2 hàng ngang, số lẻ đứng hàng trên, số chẳn đứng hàng dưới. Khi thấy 2-3 chiến sĩ đứng vào vị trí bên trái mình, tiểu đội trưởng đi đều về phía trước chính giữa đội hình, cách đội hình từ 3-5 bước dừng lại, quay vào đội hình đôn đốc tập hợp.
Bước 2: Điểm số .
Khẩu lệnh: “Điểm số”
Tiểu đôi đang đứng nghỉ, nghe khẩu lệnh “Điểm số”, các chiến sĩ thứ tự từ phải sang trái trở về tư thế đứng nghiêm, hô rõ số của mình, đồng thời quay mặt sang bên trái 45o, khi điểm số xong quay mặt trở lại. Lần lượt điểm số từ 1 cho đến hết tiểu đội, người đứng cuối cùng của hàng khi điểm số không phải quay mặt, sau khi điểm số xong hô “Hết” .
Đội hình tiểu đội 2 hàng ngang không điểm số.
Bước 3: Chỉnh đốn hàng ngũ.
Khẩu lệnh: “Nhìn bên phải (trái) – Thẳng”.
Nghe dứt động lệnh “Thẳng”, trừ chiến sĩ làm chuẩn vẫn nhìn thẳng, các chiến còn lại phải quay mặt hết cỡ sang bên phải (trái), xê dịch lên, xuống để gióng hàng cho thẳng và điều chỉnh gián cách. Nghe dứt động lệnh “Thôi”, các chiến sĩ quay mặt trở lại nhin thẳng về phía trước, đứng nghiêm không xê dịch vị trí đứng.
Khi tập hợp đội hình 2 hàng ngang, các chiến sĩ hàng 2 điều chỉnh gióng cả hàng ngang và hàng dọc.
Tiểu đội trưởng đi đều về phía người làm chuẩn và cách người làm chuẩn từ 2-3 bước dừng lại, quay vào đội hình để kiểm tra hàng. Khi kiểm tra thấy gót chân và ngực của các chiến sĩ cùng nằm trên một đường thẳng là được. Nếu chiến sĩ nào đứng chưa thẳng hàng, tiểu đội dùng khẩu lệnh, “Đồng chí (hoặc số)… Lên (hoặc Xuống)”. Cũng có thể cùng một lúc, tiểu đội trưởng sửa cho 3- 4 chiến sĩ. Chiến sĩ khi nghe tiểu đội trưởng gọi tên mình phải quay mặt về phía tiểu đội trưởng và làm theo lệnh của tiểu đội trưởng, tiến lên (hoặc lùi xuống). Khi tiến lên hoặc lùi xuống phải gióng hàng cho thẳng. Khi thấy các chiến sĩ đã đứng thẳng hàng, tiểu đội trưởng hô “Được”. Nghe dứt động lệnh “Được”, chiến sĩ quay mặt trở lại, nhìn thẳng. Sau đó tiểu đội trưởng đi về vị trí chỉ huy.
Đội hình 2 hàng ngang phải kiểm tra cả cự ly giữa hàng trên và hàng dưới.
Bước 4: Giải tán
Khẩu lệnh: “Giải tán”.
Nghe dứt động lệnh, các chiến sĩ trong hàng nhanh chóng tản ra. Nếu đang đứng ở tư thế nghỉ phải trở về tư thế đứng nghiêm rồi mới tản ra.
Câu 2 trang 14 Giáo dục quốc phòng lớp 12: Thực hiện các bước chỉ huy đội hình tiểu đội 1 và 2 hàng dọc.
Trả lời:
Tiểu đội hàng dọc
Đội hình tiểu đội hàng dọc gồm: Tiểu đội 1 hàng dọc và 2 hàng dọc, có các bước: Tập hợp đội hình; Điểm số; Chỉnh đốn hàng ngũ và giải tán.
Bước 1: Tập hợp đội hình
Khẩu lệnh: “Tiểu đội X thành 1 (2) hàng dọc – Tập hợp”.
Hô khẩu lệnh xong, tiểu đội trưởng quay về hướng định tập hợp đứng nghiêm làm chuẩn. Khi nghe dứt động lệnh “Tập hợp”, các chiến sĩ nhanh chóng chạy vào vị trí tập hợp đứng đằng sau tiểu đội trưởng thành 1 hàng dọc, đứng đúng cự ly quy định, tự động gióng hàng. Gióng hàng xong đứng nghỉ. Khi tập hợp đội hình 2 hàng dọc, số lẻ đứng hàng bên phải, số chẳn đứng hàng bên trái. Khi thấy có từ 2- 3 chiến sĩ đứng vào vị trí tập hợp, tiểu đội trưởng đi đều ra phía trước chếch về bên trái của đội hình, cách đội hình từ 3- 5 bước dừng lại, quay vào đội hình đôn đốc tập hợp .
Bước 2: Điểm số
Khẩu lệnh: “Điểm số”.
Nghe dứt động lệnh “Điểm số”, các chiến sĩ theo thứ tự từ trên xuống dưới trở về tư thế đứng nghiêm, hô rõ số của mình đòng thời quay mặt hết cở sang bên trái, khi điểm số xong quay mặt trở lại. Người đứng cuối cùng của hàng, khi điểm số không phải đánh mặt, sau khi điểm số của mình xong , hô “Hết”.
Đội hình tiểu đội 2 hàng dọc không điểm số. Bước 3: Chỉnh đốn hàng ngũ
Khẩu lệnh: “Nhìn trước – Thẳng”.
Nghe dứt động lệnh “Thẳng”, trừ chiến sĩ số 1 làm chuẩn, các chiến sĩ còn lại phải gióng hàng dọc, nhìn thẳng giữa gáy người đứng trước mình. Xê dịch qua phải qua trái để gióng hàng dọc cho thẳng, xê dịch lên, xuống để điều chỉnh cự ly. Nghe dứt đông lệnh “Thôi”, các chiến sĩ đứng nghiêm không xê dịch vị trí đứng.
Khi tập hợp đội hình 2 hàng dọc, các chiến sĩ đứng hàng bên trái điểu chỉnh gióng cả hàng ngang và hàng dọc.
Tiểu đội trưởng đi đều về chính giữa đội hình, cách người đứng đầu đội hình 2 – 3 bước thì dừng lại, quay vào đội hình để kiểm tra hàng dọc. Khi kiểm tra thấy đầu, cạnh vai của các chiến sĩ cùng nằm trên một đường thẳng là được. Nếu chiến sĩ nào đứng chưa thẳng hàng, tiểu đội trưởng dùng khẩu lệnh để diều chỉnh hàng cho thẳng.
Bước 4: Giải tán.
Câu 3 trang 14 Giáo dục quốc phòng lớp 12: Thực hiện các bước chỉ huy đội hình trung đội 1, 2 và 3 hàng ngang.
Trả lời:
Đội hình trung đội hàng ngang
Đội hình trung đội hàng ngang gồm: Trung đội 1, 2 và 3 hàng ngang
Động tác của trung đội trưởng và cán bộ, chiến sĩ trong trung đội cơ bản như tập hợp cơ bản như tập hợp ở đội hình tiểu đội hàng ngang, chỉ khác:
Bước 1: Tập hợp đội hình.
Khẩu lệnh: “Trung đội X thành 1 (2, 3) hàng ngang – Tập hợp”.
Khi thấy phó trung đội trưởng và tiểu đội 1 đã đứng vào vị trí tập hợp, trung đội trưởng chạy đều về phìa trước, chính giữa đội hình, cách đội hình 5 – 8 bước dừng lại, quay vào đội hình đôn đốc tập hợp.
Bước 2: Điểm số.
Khẩu lệnh: “Điểm số” hoặc “Từng tiểu đội điểm số” .
Khi nghe dứt động lệnh “Điểm số”, các chiến sĩ trong toàn trung đội thực hiện động tác điểm số như ở đội hình tiểu đội hàng ngang.
Khi nghe dứt động lệnh “Từng tiểu đội điểm số”, từng tiểu đội điểm số của tiểu đội mình (tiểu đội trưởng không điểm số).
Trung đội 2 hàng ngang không điểm số.
Trung đội 3 hàng ngang điểm số, chỉ có tiểu đội 1 điểm số (động tác điểm số như tiểu đội 1 hàng ngang), tiểu đội trưởng không điểm số. Tiểu đội 2, tiểu đội 3 không điểm số mà lấy số đã điểm của tiểu đội 1 để tính số của tiểu đội mình. Nếu tiểu đội 2 và tiểu đội 3 thiếu hoặc thừa quân so với quân số đã điểm của tiểu đội 1 thì người đứng cuối hàng của tiểu đội 2 và tiểu đội 3 phải báo cáo cho trung đội trưởng biết. Khi báo cáo phải đứng nghiêm, báo cáo xong, đứng nghỉ.
Bước 3: Chỉnh đốn hàng ngũ.
Khẩu lệnh: “Nhìn bên phải (trái) – Thẳng”.
Động tác của trung đội trưởng và cán bộ, chiến sĩ trong trung đội cơ bản như tập hợp cơ bản như tập hợp ở đội hình tiểu đội hàng ngang. Khi chỉnh đốn hàng ngũ, trung đội trưởng chỉnh sửa từ tiểu đội 1, tiểu đội 2 đến tiểu đội 3.
Bước 4: Giải tán
Câu 4 trang 14 Giáo dục quốc phòng lớp 12: Thực hiện các bước chỉ huy đội hình trung đội 1, 2 và 3 hàng dọc.
Trả lời:
Đội hình trung đội hàng dọc
Đội hình trung đội hàng dọc gồm: Trung đội 1, 2 và 3 hàng dọc.
Động tác của trung đội trưởng và cán bộ, chiến sĩ trong trung đội cơ bản như tập hợp cơ bản như tập hợp ở đội hình tiểu đội hàng dọc, chỉ khác:
Bước 1: Tập hợp đội hình.
Khẩu lệnh: “ Trung đội X thành 1 (2, 3) – Tập hợp”.
Khi thấy phó trung đội trưởng và tiểu đội 1 đã đứng vào vị trí tập hợp, trung đội trưởng chạy đều về phìa trước, cách đội hình 5 – 8 bước dừng lại, quay vào đội hình đôn đốc tập hợp.
Bước 2: Điểm số (Trung đội 2 hàng dọc không điểm số)
Khi nghe dứt động lệnh “Điểm số”, các chiến sĩ trong toàn trung đội từ 1 đến hết, các tiểu đội trưởng cũng điểm số. Động tác điểm số của từng người như điểm số trong đội hình tiểu đội hàng dọc.
Khi nghe dứt động lệnh “Từng tiểu đội điểm số”, từng tiểu đội lần lượt điểm số của tiểu đội mình (tiểu đội trưởng không điểm số).
Trung đội 3 hàng ngang điểm số, chỉ có tiểu đội 1 điểm số (động tác điểm số như tiểu đội 1 hàng ngang), tiểu đội trưởng không điểm số. Tiểu đội 2, tiểu đội 3 không điểm số mà lấy số đã điểm của tiểu đội 1 để tính số của tiểu đội mình. Nếu tiểu đội 2 và tiểu đội 3 thiếu hoặc thừa quân so với quân số đã điểm của tiểu đội 1 thì người đứng cuối hàng của tiểu đội 2 và tiểu đội 3 phải báo cáo cho trung đội trưởng biết. Khi báo cáo phải đứng nghiêm, báo cáo xong, đứng nghỉ.
Bước 3: Chỉnh đốn hàng ngũ.
Động tác của trung đội trưởng và cán bộ, chiến sĩ trong trung đội cơ bản như tập hợp cơ bản như tập hợp ở đội hình tiểu đội hàng dọc. Khi chỉnh đốn hàng ngũ, trung đội trưởng chỉnh sửa từ tiểu đội 1, tiểu đội 2 đến tiểu đội 3.
Bước 4: Giải tán.
Giáo dục quốc phòng lớp 12 Bài 2: Một số hiểu biết về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân
Câu 1 trang 28 Giáo dục quốc phòng – an ninh lớp 12: Trình bày nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Trả lời:
– Nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân:
+ Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ;
+ Đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược
+ Làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ
– Nhiệm vụ xây dựng nền an ninh nhân dân:
+ Giữ vững sự ổn định và phát triển trong mọi hoạt động;
+ Đấu tranh chống lại mọi hành động gây rối, phá hoại;
+ Giữ gìn trật tự an toàn xã hội
Câu 2 trang 28 Giáo dục quốc phòng – an ninh lớp 12: Trình bày nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân hiện nay.
Trả lời:
Nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân hiện nay bao gồm 2 phần chính: xây dựng tiềm lực nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh.
* Xây dựng tiềm lực nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
– Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần:
Hiện nay cần tập trung:
+ Xây dựng tình yêu quê hương đất nước, có lòng tin tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, chế độ.
+ Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
+ Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
+ Luôn chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân.
– Xây dựng tiềm lực kinh tế:
Hiện nay cần tập trung:
+ Gắn kinh tế với quốc phòng.
+ Phát huy kinh tế nội lực.
+ Gắn xây dựng cơ sở hạ tầng của nền kinh tế với xây dựng cơ sở hạ tầng của nền quốc phòng, an ninh.
+ Có kế hoạch động viên nền kinh tế trong thời chiến.
+ Tăng cường hội nhập trong kinh tế để củng cố quốc phòng, an ninh.
– Xây dựng tiềm lực khoa học, công nghệ:
Hiện nay cần tập trung:
+ Huy động tổng lực các ngành khoa học, công nghệ quốc gia cho quốc phòng, an ninh.
+ Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật cho phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh.
+ Từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cơ sở nghiên cứu để phục vụ cho khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh.
– Xây dựng tiềm lực quân sự, an ninh:
Hiện nay cần tập trung:
+ Xây dựng lực lượng vũ trang “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở.
+ Gắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, vũ khí trang bị.
+ Xây dựng đội ngũ cán bộ trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu nhiệm.
+ Chuẩn bị đất nước về mọi mặt, các phương án sẵn sàng động viên thời chiến.
+ Tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự.
* Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân:
Hiện nay cần tập trung:
+ Gắn thế trận quốc phòng với thế trận an ninh trong một tổng thể thống nhất.
+ Phân vùng chiến lược về quốc phòng, an ninh với phân vùng kinh tế.
+ Xây dựng hậu phương chiến lược, khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững mạnh.
+ Tổ chức xây dựng “Kế hoạch phòng thủ dân sự”
+ Xây dựng phương án, triển khai các lực lượng chiến đấu
Câu 3 trang 28 Giáo dục quốc phòng – an ninh lớp 12: Hãy nêu những biện pháp chủ yếu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Trả lời:
Biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân:
– Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.
– Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng, an ninh.
– Không ngừng nâng cao chất lượng các lực lượng vũ trang nhân dân nòng cốt là quân đội và công an.
Câu 4 trang 28 Giáo dục quốc phòng – an ninh lớp 12: Học sinh có trách nhiệm gì để góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh.
Trả lời:
Trách nhiệm của học sinh trong việc góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh:
– Tích cực học tập, rèn luyện, xây dựng niềm tin, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chế độ, góp sức xây dựng đất nước.
– Nâng cao nhận thức về kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng phải đi đôi với bảo vệ đất nước.
– Tự giác, tích cực học tập, nắm vững kiến thức QPAN; tích cực tham gia các hoạt động về QPAN.
– Chấp hành nghiêm pháp luật và quy định của nhà trường.
Giáo dục quốc phòng lớp 12 Bài 3: Tổ chức Quân đội và Công an nhân dân Việt Nam
Câu 1 trang 36 Giáo dục quốc phòng – an ninh lớp 12: Trình bày tổ chức và hệ thống tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trả lời:
Tổ chức và hệ thống tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam:
a. Tổ chức của Quân đội:
Quân đội gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng.
b. Hệ thống tổ chức:
– Bộ Quốc phòng.
– Các cơ quan Bộ Quốc phòng.
– Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
– Các bộ, ban chỉ huy quân sự.
Câu 2 trang 36 Giáo dục quốc phòng – an ninh lớp 12: Hãy nêu hệ thống quân hiệu, cấp hiệu và phù hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trả lời:
Hệ thống cấp bậc quân hàm, Quân hiệu, phù hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam là:
– Sĩ quan có 3 cấp 12 bậc.
– Hạ sĩ quan có 3 bậc.
– Chiến sĩ có 2 bậc.
– Quân nhân chuyên nghiệp có 2 cấp 8 bậc.
Câu 3 trang 36 Giáo dục quốc phòng – an ninh lớp 12: Trình bày tổ chức và hệ thống tổ chức của Công an nhân dân.
Trả lời:
a. Tổ chức của công an:
Công an gồm: Lực lượng An ninh và Cảnh sát.
b. Hệ thống tổ chức
– Bộ Công an.
– Các cơ quan Bộ Công an.
– Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Công an huyện, quận, thị xã, thành phố, trực thuộc tỉnh.
– Công an xã, phường, thị trấn.
Câu 4 trang 36 Giáo dục quốc phòng – an ninh lớp 12: Hãy nêu hệ thống công an hiệu, cấp hiệu và phù hiệu của Công an nhân dân Việt Nam.
Trả lời:
Cấp hiệu, phù hiệu, quân hiệu của Công an nhân dân Việt Nam
* Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ:
– Hạ sĩ quan có ba bậc.
– Sĩ quan cấp uý có bốn bậc.
– Sĩ quan cấp tá có bốn bậc.
– Sĩ quan cấp tướng có bốn bậc.
* Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật:
– Hạ sĩ quan có ba bậc.
– Sĩ quan cấp uý có bốn bậc.
– Sĩ quan cấp tá có ba bậc.
* Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn
– Chiến sĩ có hai bậc.
– Hạ sĩ quan có ba bậc.