Giáo dục ở miền bắc thời kỳ 1954 – 1975 – vhnt.org.vn

Thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) là kết quả nhiều nhân tố, trong đó, sự đóng góp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa giữ vị trí quyết định. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hậu phương lớn, cung cấp cao nhất nguồn nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến. Những giá trị lịch sử to lớn đó của miền Bắc trước tiên được xây đắp bởi tình cảm, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, đi lên xây dựng CNXH trong bối cảnh miền Nam phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dân tộc dân chủ. Trước tình hình đó, Đảng ta đã quyết định đưa miền Bắc đi lên xây dựng CNXH nhằm thực hiện hai nhiệm vụ lớn: làm hậu phương cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng những tiền đề cơ sở vật chất ban đầu cho sự phát triển đất nước trong những giai đoạn sau. Gắn với nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nền giáo dục miền Bắc được xây dựng theo hướng dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Điều đó, đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo các thế hệ thanh niên miền Bắc sống có lý tưởng, gắn bó với lợi ích dân tộc,có kiến thức khoa học kỹ thuật cần thiết, phục vụ tốt nhiệm vụ vừa sản xất, vừa chiến đấu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong thời gian không xa, đạt được những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật” (1). Quán triệt tinh thần trên, tháng 3-1956, Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc đã thông qua đề án cải cách do Bộ giáo dục khởi thảo nêu nhiệm vụ sáp nhập hai hệ thống giáo dục 9 năm (của vùng tự do) và 12 năm của vùng mới giải phóng. Tháng 8-1956, chính sách giáo dục phổ thông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và xác định rõ mục tiêu ở bậc học này là: “Đào tạo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên và thiếu nhi trở thành những người phát triển về mọi mặt, những công dân tốt, trung thành với tổ quốc, những người lao động tốt, cán bộ tốt của nước nhà, có tài có đức để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng thời để thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ”(2). Nội dung giáo dục có tính chất toàn diện gồm bốn mặt: đức, trí, thể, mỹ; từng bước quán triệt nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất; lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành, giáo dục của nhà trường kết hợp với giáo dục của xã hội.

Để thực hiện mục tiêu và nội dung đó, Đảng đã lãnh đạo ngành giáo dục quyết tâm thực hiện việc giảng dạy, học tập bằng tiếng Việt từ hệ thống phổ thông đến bậc đại học, trung học chuyên nghiệp. Việc giảng dạy bằng tiếng Việt ở bậc đại học lúc đầu gặp một số khó khăn, do tiếng Việt vốn giàu tính biểu cảm, tinh tế nhưng lại thiếu những từ ngữ biểu thị các khái niệm trừu tượng, thiếu các hệ thuật ngữ về khoa học, kỹ thuật. Để khắc phục khó khăn này, cuối tháng 12-1964, Ủy ban Khoa học Nhà nước đã triệu tập hội nghị bàn về vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học, chuyển hóa thuật ngữ nước ngoài thành thuật ngữ tiếng Việt. Quá trình chuyển hóa thuật ngữ được xác định với nguyên tắc là vừa phù hợp với văn hóa, trình độ dân trí của nhân dân và vừa thuận lợi trong giao dịch quốc tế. Với sự nỗ lực, tâm huyết tháng 6-1966, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã ra công bố đề nghị tạm thời áp dụng bản quy tắc của hệ thống thuật ngữ khoa học Việt Nam gồm 15 bộ thuật ngữ với 25 vạn từ đảm bảo được các nguyên tắc và yêu cầu đề ra.

Hệ thống giáo dục của miền Bắc đã hết sức chú trọng bồi đắp tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Đối với thiếu niên, nhi đồng, việc thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy mà điều đầu tiên là yêu tổ quốc, yêu đồng bào đã trở thành mục tiêu phấn đấu của học sinh ở hệ thống trường phổ thông. Tấm gương em Nguyễn Bá Ngọc ở Quảng Xương (Thanh Hóa) hy sinh thân mình cứu em nhỏ đã trở thành biểu tượng của thiếu niên Việt Nam anh hùng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đối với thanh niên, việc thổi hồn dân tộc vào những áng thơ văn đẹp, mang tính cách mạng đã trở thành yêu cầu đặt ra đối với phong trào thi đua dạy tốt của đội ngũ giáo viên ở bậc phổ thông và đại học. Trong chương trình văn học, bổ sung nhiều tác phẩm mới phản ánh thực tiễn đấu tranh anh dũng của nhân dân ta, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng như Người mẹ cầm súng, Sống như anh, Em Ngọc. Nhà trường đã tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thực tiễn như truyền tin chiến thắng, tổ chức mít tinh lên án tội ác của giặc Mỹ gây ra trên cả hai miền Nam Bắc, lao động trên các công trường, đồng ruộng hợp tác xã, thăm hỏi các chiến sĩ ở trận địa pháo binh… Những hoạt động như vậy, rất có tác dụng trong việc nâng cao đạo đức cách mạng của học sinh. Trong nhà trường xuất hiện nhiều tấm gương vừa học tập tốt, lao động tốt và phục vụ chiến đấu giỏi. Nhiều học sinh sau khi ra trường hoặc đang học dở đã tự nguyện lên đường nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1961 đến năm 1975, qua 29 đợt điều động, miền Bắc đã đưa gần 3000 giáo viên vào miền Nam, riêng năm 1972, đã có tới 2724 thầy giáo và sinh viên của các trường đại học nhập ngũ, trong số đó đã có 621 nhà giáo đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi chiến trường (3). Tuổi trẻ anh hùng xuất hiện ở khắp nơi với những điển hình tiêu biểu như: Trịnh Tố Tâm, Nguyễn Viết Xuân, Lê Mã Lương…

Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh hết sức ác liệt, nhưng miền Bắc vẫn thể hiên bản chất vượt trội của nền giáo dục cách mạng mang tính đại chúng hóa, tạo tiền đề ban đầu, căn bản nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Mạng lưới giáo dục phổ thông bám rễ sâu tới từng thôn xã; tính đến trước khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai (1971) ở miền xuôi, xã nào cũng có 1- II trường cấp I, trung bình cứ 5 xã thì 4 xã có trường cấp II, huyện nào cũng có trường cấp III, có huyện có đến 2 trường như Nghệ An, Thái Bình(4). Bên cạnh việc phát triển số lượng trường học ở các cấp, việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục cũng được hết sức coi trọng. Ngày 14-2-1968, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 169 CT/TW về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục với phương hướng chung là: “Trên cơ sở nâng cao chất lượng, ra sức phấn đấu nhằm đáp ứng những yêu cầu học tập cấp bách của nhân dân ta và yêu cầu đào tạo lực lượng cán bộ và lao động ky thuật, đồng thời tích cực chuẩn bị lực lượng để đưa sự nghiệp giáo dục trong cả nước tiến mạnh mẽ và có chất lượng tốt hơn nữa trong những năm sau”. Quán triệt tinh thần đó, ngành giáo dục đã chú trọng đào tạo giáo viên với quy mô ngày càng mở rộng, triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng thường xuyên về đường lối cách mạng và nền giáo dục XHCN. Bên cạnh đó, còn tổ chức các lớp tập huấn, học tập chính trị, trang bị cho đội ngũ giáo viên sự hiểu biết đúng đắn về: giáo dục phục vụ cách mạng, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, học đi đôi với hành và trách nhiệm của người giáo viên trong chế độ mới. Bên cạnh việc tăng cường bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, ngành giáo dục thời kỳ này còn coi trọng nâng cao nghiệp vụ sư phạm và trình độ chuyên môn. Chuẩn đào tạo sư phạm đã được nâng lên, hệ sư phạm đào tạo giáo viên cấp II từ 2 năm lên 3 năm, nâng dần trình độ giáo viên cấp I bằng cách hình thành hệ đào tạo 3 năm trên cơ sở tuyển thanh niên đã tốt nghiệp cấp II. Trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương đã được thành lập để đào tạo giáo viên cho ngành học mầm non. Một số phân hiệu đại học (phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh), Trường Lý luận nghiệp vụ, tiền thân của Trường Cán bộ quản lý giáo dục Trung ương ra đời trong thời kỳ này. Nhiều hình thức bồi dưỡng đã được thực hiện như tổ chức giờ dạy mẫu, nghiên cứu chuyên đề về phương pháp dạy học/giáo dục, thi chọn giáo viên khá giỏi, được các địa phương coi trọng và tổ chức một cách thường xuyên. Nhờ những biện pháp đó, đến năm 1965, tổng số giáo viên phổ thông đã lên tới 8 vạn, tăng gấp 9 lần so với năm 1940 (năm phát triển cao nhất thời Pháp thuộc), gấp 6 lần so với năm 1954; riêng giáo viên cấp II tăng hơn 50 lần và giáo viên cấp III tăng gần 60 lần so với năm 1940(5). Đây là một thành tích to lớn trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên.

Trong phong trào xây dựng nhà trường XHCN, đã xuất hiện những điển hình tiên tiến, tiêu biểu là lá cờ đầu Bắc Lý với phong trào thi đua hai tốt – dạy thật tốt, học thật tốt. Trường Phổ thông cấp II Bắc Lý (xã Chung Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã thực hiện nguyên lý giáo dục một cách sáng tạo theo tôn chỉ hoạt động “tất cả vì học sinh thân yêu”. Phát huy tinh thần của “tiếng trống Bắc Lý”, trên miền Bắc nhiều tỉnh đã xây dựng được các trường phổ thông tiên tiến xuất sắc như trường cấp I Hà Nhân (Thanh Hóa), trường cấp III Phủ Lý (Hà Nam), trường cấp III Chu Văn An (Hà Nội). Ngay trong lúc khó khăn, năm học 1964 – 1965, ngành giáo dục đã xây dựng được các lớp học cấp III bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về toán, ngoại ngữ. Nhờ đó, năm 1974, lần đầu tiên đội học sinh Việt Nam đi dự kỳ thi toán quốc tế ở Cộng hòa Dân chủ Đức đã đạt được những thành tích xuất sắc với 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba (trên tổng số 5 em).

Cùng với giáo dục phổ thông, hệ thống giáo dục đại học đã từng bước tiến lên chính quy, hiện đại. Mỗi trường đại học đều thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu cả về khoa học cơ bản và chuyên ngành. Chương trình giáo dục đại học được bố trí như sau: sau 2 hoặc 3 năm học về các môn cơ sở, sinh viên được đào tạo chuyên sâu vào từng chuyên đề hẹp của ngành mình. Hệ thống các trường đại học của miền Bắc đã phát triển nhanh chóng trong một thời gian ngắn với nhiều hình thức đào tạo phù hợp, hiệu quả. Đến năm 1975, miền Bắc đã có 41 trường, lớp, phân hiệu đại học (gấp 10,3 lần so với năm 1955). Hình thức đào tạo rất đa dạng: chính quy, tại chức, chuyên tu, mở lớp học đêm, học theo hình thức gửi thư, đào tạo quốc tế. Ngoài ra, các trường đại học đã xúc tiến nhanh việc cử cán bộ đi đào tạo và bồi dưỡng nghiên cứu sinh, thực tập sinh ở các nước XHCN nhất là ở Liên Xô. Đến năm 1965, miền Bắc đã có trên 500 cán bộ giảng dạy ra nước ngoài học tập (trong đó gần 50% là nghiên cứu sinh)(6). Phong trào thi đua hai tốt cũng được phát động trong các trường đại học, có nhiều điển hình tốt (như Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Học viện Nông lâm, Đại học Kinh tế – Tài chính, Cao đẳng Mỹ thuật) đã được Nhà nước tặng Huân chương lao động và phong danh hiệu đơn vị tiên tiến xuất sắc. Các đề tài khoa học của trường đại học được thực hiện theo hướng ứng dụng vào phục vụ sản xuất công, nông nghiệp, phục sức khỏe của nhân dân và đi đôi cải tiến kỹ thuật phục vụ quốc phòng, giao thông vận tải; kết hợp giảng dạy học tập với phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống. Qua 20 năm (1955 – 1975), giáo dục đại học của miền Bắc đã đào tạo được hơn 8 vạn người có bằng đại học, khắc phục được một bước tình trạng thiếu nghiêm trọng cán bộ chuyên môn phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền giáo dục miền Bắc đã được xây dựng và phát triển khá hoàn thiện, góp phần tạo ra thế hệ thanh niên, trí thức Việt sống có lý tưởng, có hoài bão thực sự là những hệ giá trị, xứng đáng được đánh giá là “bông hoa đẹp” của CNXH. Đó là một nền giáo dục tuy gặp rất nhiều khó khăn trong chiến tranh nhưng đã đào tạo được những con người có lý tưởng sống, có bản lĩnh và tràn đầy nhiệt huyết của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nền giáo dục miền Bắc chú trọng cả thực hành và lý thuyết để tạo cho học sinh, sinh viên một tinh thần khoa học, biết dùng học thức vào đời sống của mình để phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Và, hơn hết cả đó là một nền giáo dục vị nhân sinh, chú trọng đến việc tạo sự cân bằng về tâm sinh lý để năng lực về thể chất và tinh thần của học sinh phát triển toàn diện. Đó là một quá trình đào tạo không quá thiên về mặt trí dục mà coi thường đức dục, đức tính và năng lực của mọi người học đều được thực hiện một cách bình đẳng.

Soi vào nền giáo dục của Việt Nam hiện nay, mặc dù đã có những bước phát triển, nhưng bên cạnh đó, chúng ta vẫn thấy một nền giáo dục vẫn còn mang tính giáo điều, nhồi nhét kiến thức, nặng về thi cử, chưa khơi dậy tính năng động, sáng tạo của người học. Ngành giáo dục quá nặng nề đánh giá sức học chỉ qua điểm số và dường như coi đó là tiêu chí quyết định, do đó học sinh, sinh viên Việt Nam chủ yếu học thuộc bài để đối phó thi cử. Chương trình học quá nặng mang tính nhồi sọ làm cho học sinh vì phải vùi đầu ngày đêm trong đống sách, đến nỗi sức lực hao mòn tinh thần kiệt quệ. Chất lượng giáo dục còn thấp, không đồng đều giữa các vùng miền, chỉ quan tâm đến phát triển số lượng hơn là chất lượng, xu hướng thương mại hóa gia tăng, xuất hiện sự sa sút về đạo đức trong giáo dục. Thực trạng của sự sa sút đạo đức được thấy rõ trong biểu hiện của giới trẻ bị ảnh hưởng bởi tệ nạn tiêu cực xuất phát từ sự thiếu quan tâm giáo dục ở gia đình, từ lối dạy trong nhà trường chỉ chú trọng nhồi nhét chữ nghĩa khoa học mà quá coi nhẹ việc trau dồi các chuẩn mực văn hóa và ý thức công dân. Điều đó, đã làm xuất hiện lối sống thực dụng, buông thả và bạo lực trong giới trẻ, thậm chí phi nhân tính, khiến nhiều nam nữ học sinh, sinh viên… trở thành tội phạm hình sự. Đó là những nỗi đau văn hóa của ngành giáo dục và của chính xã hội đương thời.

Vì vậy, ngành giáo dục cần được chú trọng đổi mới tích cực hơn nữa, nói đi đôi với làm; bởi lẽ, giáo dục chính là máy cái để làm nên mặt bằng dân trí và chế tạo nhân lực bậc cao. Nền giáo dục chuẩn mực, phát triển sẽ cung cấp cán bộ cho các ngành hoạt động kinh tế trong nước, từ thợ giỏi, nông dân lành nghề cho đến những chuyên gia và cán bộ lãnh đạo. Đất nước luôn luôn cần những người tài thật sự và bao giờ cũng trân trọng thực tài. Thực tài không chỉ đo bằng học vị, chức danh mà phải xuất phát từ công lao và cống hiến đích thực. Thực tài không chỉ là trí tuệ mà còn là trình độ ý thức, lương tri và thái độ sống của con người – nhân cách văn hóa. Bởi vậy, trong giáo dục đào tạo của Việt Nam, thiết nghĩ, chúng ta cần tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội ngang nhau để thỏa sức học hành và cống hiến; vì thế mà, cần trau dồi dân trí theo chiều sâu của tâm hồn chứ không phải theo độ cao của bằng cấp. Để làm được điều đó, các cấp, các ngành đặc biệt là ngành giáo dục cần tạo điều kiện và môi trường cho người học được: độc lập trong suy nghĩ, thông thoáng trong tư tưởng, phóng khoáng trong sáng tạo, thỏa mái trong giao tiếp – nhất là giao lưu khoa học. Các thầy cô giáo nên có phương pháp sư phạm mang tính khoa học hiện đại cùng với một thái độ cởi mở để tạo điều kiện cho học trò được biện luận, phản bác, đối chứng, đối thoại đa chiều. Để thày trò đi đến được tận cùng chân lý, đồng thời, hướng dẫn học sinh có được sự mềm dẻo trong tư duy để biết nhạy bén nắm bắt chân lý và tiếp cận cái mới mà hợp lý. Người học cũng cần phải tự mình trau dồi thái độ: biết tôn trọng sự khác biệt và biết lắng nghe để không vội quy kết đúng hay sai. Nếu làm được điều đó đất nước chúng ta sẽ có được những thế hệ công dân có bản lĩnh tri thức vững vàng với chữ tài chân chính (thực tài) đi cùng với chữ tâm chân chính (phụng sự tổ quốc, nhân dân), như Bác Hồ đã từng viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại”(7).

_______________

1, 7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quc gia, Hà Nội, 1995, tr.403, 684.

2. Nghị quyết Hội nghị cải cách giáo dục phổ thông toàn miền Bắc năm 1956.

3. Dương Vân, Họp mt các nhà giáo tham gia kháng chiến, Vnexpress.net, 2005.

4, 5, 6. Bùi Minh Hiền, Lịch s giáo dc Vit Nam, Nxb Đại hc sư phm, Hà Nội, 2005, tr.162, 173, 167.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013

Tác giả : Mai Thúc Hiệp – Đặng Minh Phụng

Wiki : https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_Vi%E1%BB%87t_Nam_D%C3%A2n_ch%E1%BB%A7_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a

1/5 – (1 bình chọn)