Giáo dục nghệ thuật trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh
1. Giáo dục nghệ thuật, giáo dục thẩm mĩ và năng lực thẩm mĩ
Giáo dục nghệ thuật là một lĩnh vực thuộc giáo dục thẩm mĩ.Từ điển bách khoa Tâm lí học, Giáo dục học Việt Nam[1] định nghĩa giáo dục thẩm mĩ (Aesthetics education) là “bộ phận quan trọng trong giáo dục, một bộ phận giáo dục toàn diện, gắn bó chặt chẽ và được thực hiện thông qua tất cả các quá trình giáo dục khác trong nhà trường. Giáo dục thẩm mĩ là đào tạo và phát triển thẩm mĩ (tình cảm thẩm mĩ, thị hiếu thẩm mĩ, năng lực thẩm mĩ) của nhân cách, làm cho nhân cách có những quan hệ thẩm mĩ đúng đắn đối với hiện thực (giáo dục cái thẩm mĩ), đồng thời thông qua các phương tiện thẩm mĩ, đặc biệt phương tiện nghệ thuật để tác động đến sự phát triển toàn diện và hài hòa của nhân cách (giáo dục bằng cái thẩm mĩ)”. Theo đó, trong nhà trường, giáo dục thẩm mĩ được thực hiện qua các môn học và các hoạt động giáo dục, nhằm hình thành năng lực thẩm mĩ.Giáo dục thẩm mĩ góp phần quan trọng trong quá trình kiến tạo sự phát triển toàn diện và hài hòa nhân cách của học sinh.
Với mục tiêu “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, giáo dục nghệ thuật nói riêng và giáo dục thẩm mĩ nói chung luôn được được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mĩ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề… Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Quán triệt tinh thần đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)với mục tiêu hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; đồng thời, hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi (bao gồm những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ (chúng tôi nhấn mạnh – NTH), năng lực thể chất.
Chương trình giáo dục phổ thông cũng xác định: năng lực thẩm mĩ của học sinh bao gồm năng lực âm nhạc, năng lực mĩ thuật, năng lực văn học; mỗi năng lực được thể hiện qua các hoạt động:
(1) Nhận thức các yếu tố thẩm mĩ;
(2) Phân tích, đánh giá các yếu tố thẩm mĩ;
(3) Tái hiện, sáng tạo và ứng dụng các yếu tố thẩm mĩ.
Theo đó, yêu cầu cần đạt về năng lực thẩm mĩ đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được qui định trong chương trình các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngữ văn và được thực hiện trong chương trình của nhiều môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó ba môn học kể trêngiữ vai trò chủ đạo. Như vậy, có thể nói: vị trí và tầm quan trọng của năng lực thẩm mĩ trong chương trình giáo dục phổ thông cần được thực hiện trong mối quan hệ tương tác, tích hợpđa chiều vàxuyên thấm nhiều môn học và hoạt động giáo dục.
Bài viết này đề cập hoạt động giáo dục nghệ thuật trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực thẩm mĩ của học sinh.
2. Giáo dục nghệ thuật với việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh
Trước hết, về khái niệm, “phẩm chất” – Từ điển Tiếng Việt[2] định nghĩa là “cái làm nên giá trị của người hay vật”, còn theo Chương trình giáo dục phổ thông, “là những tính tốt thể hiện ở thái độ, hành vi ứng xử của con người; cùng với năng lực tạo nên nhân cách con người”, cũng có thể hiểu: khiasi niệm phẩm chất bao gồm cả bình diện phẩm chất tâm lí và phẩm chất trí tuệ; “năng lực” được định nghĩalà ”1. Khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó; 2. Phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao[3]”. Năng lực (competency, có nguồn gốc tiếng Latinh là “competentia”) được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng nghĩa thông dụng nhất là sự thành thạo, khả năng thực hiện của cá nhân đối với một công việc. Nội hàm của khái niệm năng lực bao gồm các kiến thức, kĩ năng và thái độ mà một cá nhân có thể hành động thành công/giải quyết thấu đáo một nhiệm vụ trong các tình huống mới. Theo Chương trình giáo dục phổ thông, năng lực được quan niệm là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,… thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể; phẩm chất là những tính tốt thể hiện ở thái độ, hành vi ứng xử của con người; cùng với năng lực tạo nên nhân cách con người. Như vậy, có thể nói: phẩm chất được đánh giá bằng hành vi, còn năng lực được đánh giá bằng hiệu quả hoạt động.
Theo đó, nội dung giáo dục nghệ thuật được định hướng nhằm góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh; đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kĩ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh; giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới, đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hoà về đức, trí, thể, mĩ cho học sinh.
Ngay từ bậc học mầm non, giáo dục nghệ thuật đã được chú trọng nhằm“giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết thẩm mĩ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách,…”.Đến bậc phổ thông, giáo dục nghệ thuật được thực hiện thông qua nhiều môn học, mà cốt lõi là môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật. Từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh được lựa chọn môn học thuộc nhóm môn công nghệ và nghệ thuật phù hợp với định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân.
Như vậy, có thể thấy: trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục nghệ thuật được xây dựng theo quan điểm tập trung phát triển ở học sinh năng lực âm nhạc và mĩ thuật, biểu hiện của năng lực thẩm mĩ trong các lĩnh vực này thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức cơ bản, thiết thực; chú trọng thực hành; góp phần phát triển hài hoà đức, trí, thể, mĩ và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nội dung giáo dục của chương trình được thiết kế theo hướng kết hợp giữa đồng tâm với tuyến tính; thể hiện rõ đặc trưng nghệ thuật âm nhạc, mĩ thuật và bản sắc văn hoá dân tộc; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên, đồng thời “bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học” (chúng tôi nhấn mạnh). Mặt khác, cùng với việc chú trọng khai thác tiềm năng – những yếu tố bên trong của con người, từ đó khơi gợi được tinh thần tự học, niềm đam mê khát vọng sáng tạo của mỗi học sinh – mà đặc biệt là nuôi dưỡng tinh thần tự học và học tập suốt đời – đây là một trong những điểm nhấn quan trọng và then chốt của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.
Nói đến năng lực thẩm mĩ là nói tới cảm xúc thẩm mĩ – yếu tố tiền đề của nhận thức thẩm mĩ, thưởng thức thẩm mĩ và sáng tạo thẩm mĩ…; là nói tới tư duy thẩm mĩ – nói tới một điều kiện cần thiết để con người lĩnh hội thế giới trong tính hoàn chỉnh, phong phú và sinh động vốn có của nó, đồng thời để kiến tạo đời sống tâm hồn cao đẹp, góp phần hình thành và phát triển khả năng “cảm thấy trực tiếp mực thước chân chính để đo giá trị của các hiện tượng”[4] để hình thành và hoàn thiện nhân cách –nhờ đó mà chủ thể khám phá được cái hay, cái đẹp của tác phẩm và ý nghĩa của đời sống…Đó cũng là những vấn đề đòi hỏi phải có các giải pháp phù hợp nhằm đổi mới chất lượng giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông
Định hướng về phương pháp giáo dục của Chương trình Giáo dục phổ thông qui định: các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích luỹ được để phát triển. Theo đó, các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành.
Đối với các môn nghệ thuật, các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu: học lí thuyết; thực hiện bài tập, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia xêmina, tham quan, cắm trại; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, tuỳ theo mục tiêu, tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp nhưng phải bảo đảm mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế. Để“Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” và “Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực” một cách hiệu quả, hoạt động giáo dục nghệ thuật cần triển khai:
3.1.Tích cực thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học
3.1.1. Xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường và phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học. Năng lực được hình thành và phát triển trong hoạt động, vì vậy, việc thiết kế tiến trình dạy học căn cứ trên lô gich của tâm lí học hoạt động nhận thức và tâm lí học phát triển của học sinh có ý nghĩa quan trọng nhằm đáp ứng quan điểm dạy học từ học sinh, bằng học sinhvà vì học sinh.
3.1.2. Chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học và chuyên đề học tập; cân đối thời gian trong lớp và ngoài lớp nhằm tạo điều kiện khích lệ học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.
3.1.3.Căn cứ chương trình môn học, cấp học, tính chất và qui mô bài học, chủ đề và chuyên đề học tập,… tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả việc sử dụng di sản văn hóa trong tổ chức dạy học liên môn và các hoạt động giáo dục học theo Hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL ngày 16/01/2013 của liên Bộ GDĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3.2.Tích hợp giáo dục nghệ thuậttheo chủ đề và kết nối hệ thống loại hình
Với định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kĩ năng, việc dạy học tích hợp là một xu thế có nhiều triển vọng trong giáo dục hiện đại.
Để hình thành và phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh, cần đặt giáo dục nghệ thuật trong mối tương quan hệ thống và đồng bộ của loại hình văn học nghệ thuật (bao gồm Âm nhạc, Mĩ thuật và Văn học). Văn họccó khả năng khơi gợi tình cảm đạo đức nhân văn của con người, thông qua sự đồng điệu giúp con người nhận thức được ý nghĩa sâu xa của giá trị chân – thiện – mĩ và tình yêu cuộc sống. Ngữ văn là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Trong tác phẩm văn học, những hình ảnh, nhịp điệu, tiết tấu ngôn ngôn ngữ thông qua các lớp nghĩa tiềm ẩn và hàm ngôn của Tiếng Việtlà những yếu tố cốt lõi mang tính đặc thù của hình tượng văn học, cho nên việc khai thác hiệu quả các yếu tố nghệ thuật của tác phẩm trong quá trình dạy học Ngữ văn theo hướng tích hợpvừa góp phần hình thành và phát triển năng lực văn học – một biểu hiện của năng lực thẩm mĩ; đồng thời vừa tạo ra hiệu ứng “cộng hưởng” nhằm bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm để học sinh phát triển về tâm hồn và hoàn thiện nhân cách.
Thực tiễn triển khai đổi mới giáo dục thời gian qua cho thấy: việc dạy học liên môn, tích hợp theo chủ đề đã có những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động của các câu lạc bộ hoặc/và các bài học theo chủ đề đã khai thác từ nhiều bình diện kiến thức và năng lực ngữ văn, âm nhạc, mĩ thuật, giáo dục công dân, ngoại ngữ,… tạo ra những tình huống bộc lộ và cộng hưởng của hiệu quả biểu đạt, khơi dậy cảm xúc mới mẻ và hứng thú cho học sinh. Theo cách thức tổ chức dạy học này, học sinh được phát huy phẩm chất và năng lực thẩm mĩ thông qua việc khai thác tối đa các yếu tố đặc thù của các môn học và kết nối được nhiều bình diện của kiến thức theo mục tiêu cần đạt của những chủ đề khác nhau.
3.3. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, kết nối với cộng đồng
3.3.1. Thực hiện tích hợp giáo dục nghệ thuật trongcác hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm, hướng nghiệp:
Hoạt động trải nghiệm (ở tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (ở trung học cơ sở, trung học phổ thông) là hoạt động giáo dục nhằm tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.
Không chỉ giới hạn trong không gian lớp học truyền thống, thông qua các câu lạc bộ văn học nghệ thuật tổ chức theo chủ đề (thường xuyên và định kì), sự kiện,… đã tạo không gian mới cho học sinh bộc lộ khả năng triển lãm, biểu diễn, xây dựng video clip, hùng biện. Theo đó, trong hoạt động trải nghiệm ở Tiểu học và trải nghiệm,hướng nghiệp ở Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, việc triển khai hoạt động giáo dục nghệ thuật theo phương thức tích hợp trong quá trình tổ chức các hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm, hướng nghiệp vừa đảm bảo tính thống nhất của Chương trình giáo dục phổ thông vừa đáp ứng nhu cầu nâng cao hiệu quả thực tiễn của giáo dục nghệ thuật.
3.3.2. Tích hợp trong nội dung giáo dục địa phương:
Nội dung giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục theo qui định chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để vận dụng vào thực tiễn ở địa phương.Căn cứ vào đặc điểm của từng vùng miền, các cơ sở giáo dục lựa chọn những nội dung phù hợp để biên soạn tài liệu tích hợp giáo dục nghệ thuật theo các chủ đề và hướng dẫn nhà trường trên địa bàn tổ chức thực hiện. Theo cấu trúc của chương trình giáo dục, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm; ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác, do đó, việc tiến hành giáo dục nghệ thuật có thể gắn với:
– Các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương (Lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ thuật truyền thống; truyền thống quê hương; phong tục, tập quán địa phương; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỉ cương, pháp luật; danh nhân văn hóa; di tích lịch sử; bảo tàng, lịch sử hình thành và phát triển của địa phương).
– Các vấn đề về địa lí, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương (Địa lí tự nhiên; địa lí dân cư; địa lí kinh tế xã hội; địa lí du lịch; làng nghề truyền thống; các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương).
– Các vấn đề về chính trị – xã hội, môi trường của địa phương (Chính sách an sinh xã hội; các vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kĩ năng sống; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu).
Các giải pháp cơ bản đề xuất trên đây nhằm phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung – trong đó môn Âm nhạc hình thành và phát triển cho học sinh năng lực thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc, góp phần phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc; môn Mĩ thuật hình thành và phát triển cho học sinh năng lực quan sát và nhận thức thẩm mĩ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ, phân tích và đánh giá thẩm mĩ, tạo cơ hội để học sinh trải nghiệm và ứng dụng mĩ thuật vào thực tiễn, phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu.
Albert Einstein cho rằng: “Tất cả những điều có giá trị trong xã hội con người đều dựa vào cơ hội phát triển hòa hợp trong mỗi cá nhân” (All that is valuable in human society depends upon the opportunity for development accorded the individual). Để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động giáo dục nghệ thuật nói riêng và giáo dục thẩm mĩ trong nhà trường nói chung gắn với hệ giá trị cần hình thành và phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất của mỗi học sinh.
_________________
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013): Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
2. Hồ Chí Minh (1990): Về vấn đề giáo dục, NXB Giáo dục.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018): Công văn số 3711/BGDĐT-GDTrH ngày 24/8/2018 v/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2018-2019.
3. Đỗ Xuân Hà (1997): Giáo dục thẩm mĩ – món nợ lớn đối với thế hệ trẻ, NXB Giáo dục.
5. Nguyễn Trọng Hoàn (2019): “Lớn lên cùng âm nhạc” với sự phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 28/5.
6. Phạm Văn Tuyến (2017) Giáo dục nghệ thuật – vai trò và trách nhiệm, http://nghethuat.hnue.edu.vn/Nghiên-cứu-Trao-đổi/article/1051
[1]GS, TS. Phạm Minh Hạc (Chủ biên, 2013), NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 344.
[2]Viện Ngôn ngữ học (2002), NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ đển học, tr. 770.
[3]Viện Ngôn ngữ học (2002), Sđd, tr. 660-661.
[4]Viện HLKH Liên Xô (1962): Nguyên lí mĩ học Marx – Lenin, phần II, NXB Sự thật, tr.127.