Giáo dục mầm non là gì? – Hoa tiêu tri thức
Giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng đối với xã hội nói chun gvà trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục con người nói riêng, vì nếu làm tốt công tác này thì trẻ em sẽ nhận được sự chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục một cách khoa học sẽ tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách toàn diện.
Khái niệm
Theo Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên 2004 [2], giáo dục là hệ thống các biện pháp và cơ quan giảng dạy – giáo dục của một nước; là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra.
Theo Từ điển Tiếng Anh [3], giáo dục (education) theo nghĩa chung là hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng, và thói quen của một nhóm người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể thông qua tự học.
Từ điển Bách khoa toàn thư (Wikipedia) đưa ra định nghĩa “Giáo dục tuổi ấu thơ hay giáo dục cho trẻ nhỏ, là khái niệm chỉ việc giáo dục trong những năm tháng đầu của cuộc đời, từ khi sinh ra đến khi 8 tuổi, một trong những giai đoạn nhạy cảm nhất trong cuộc đời con người”.
Theo Luật giáo dục 2005 [4] quy định vai trò và mục tiêu của giáo dục mầm non “Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi”. Ngành học mầm non có các bậc học là nhà trẻ, mầm non và mẫu giáo, thực hiện chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi tạo thành một quá trình giáo dục thống nhất liên tục.
Như vậy, tổng hợp khái niệm giáo dục mầm non theo các từ điển tiếng việt, tiếng Anh và theo quy định của Luật giáo dục, theo tác giả “giáo dục mầm non là khái niệm chỉ việc tác động một cách có hệ thống thông qua việc nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ trẻ trong độ tuổi mầm non từ 3 tháng đến 72 tháng tuổi nhằm hình thành và phát triển tính cách, tâm sinh lý và trí tuệ cho trẻ”.
Giáo dục mầm non giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục con người vì trẻ sẽ nhận được sự chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục một cách khoa học điều độ tạo điều kiện cho trẻ phát triển tốt nhất về mọi mặt. Giai đoạn phát triển của trẻ ở lứa tuổi mầm non có tính quyết định đến thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ của trẻ trong suốt cả cuộc đời. Đây là thời kỳ tăng trưởng về cơ thể và phát triển các mặt trí tuệ, tình cảm, xã hội nhanh nhất, nhân cách bắt đầu hình thành, khối lượng thu hoạch rất lớn nên sự phát triển trong những năm đó có tác dụng quyết định rất lớn đến toàn bộ tương lai sau này. Ngược lại, những trục trặc về tăng trưởng và phát triển trong thời kỳ này nếu không được phát hiện và khắc phục kịp thời có thể để lại những hậu quả lâu dài, ảnh hưởng không ít đến việc rèn luyện những năng lực cần thiết mai sau.
Nhà giáo dục Xô viết lỗi lạc A.S Makarenko cho rằng những cơ sở căn bản của việc giáo dục trẻ đã được hình thành từ trước tuổi lên 5. Những điều dạy cho trẻ trong thời kỳ đó chiếm tới 90% tiến trình giáo dục trẻ. Về sau việc giáo dục con người vẫn tiếp tục nhưng lúc đó là lúc bắt đầu nếm quả, còn những nụ hoa thì đã được vun trồng trong 5 năm đầu tiên.
Trẻ mầm non rất nhạy cảm với các tác động bên ngoài, trong đó có các tác động giáo dục ở trường mầm non là nơi giáo dục tốt nhất cho trẻ. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở trường mầm non tốt sẽ có tác dụng rất lớn đến chất lượng giáo dục ở các bậc học tiếp theo, chất lượng giáo dục mầm non quyết định tới sự hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ. Có thể nói nhân cách con người trong tương lai như thế nào phụ thuộc lớn vào sự giáo dục của trẻ trường mầm non.
Mục tiêu của GDMN là giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm lý, sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính chất nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở những cấp học tiếp theo và học tập suốt đời.
Mục tiêu GD cụ thể cho từng độ tuổi: Trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo chú trọng đến phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ của trẻ [4].
Đặc điểm của giáo dục mầm non
Giáo dục mầm non có những đặc điểm sau:
– Giáo dục mầm non, trong đó trường, lớp mầm non chính là môi trường xã hội thứ hai sau gia đình, giúp trẻ hình thành khả năng thích ứng với môi trường xã hội rộng lớn sau này.
– Giáo dục mầm non là nền tảng cơ bản đảm bảo quyền trẻ em. Sự phát triển trong những năm đầu đời quyết định tương lai cả cuộc đời, đặc biệt giai đoạn từ 0-3 tuổi là giai đoạn bộ não phát triển và hoàn thiện. Cung cấp các dịch vụ chăm sóc và giáo dục có chất lượng cho trẻ mầm non là nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
– Giáo dục mầm non góp phần đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục.
Công bằng xã hội trong giáo dục liên quan đến việc tạo ra các cơ hội về giáo dục ngang nhau giữa mọi người. Đó là sự bình đẳng để được tiếp cận, tham gia vào quá trình giáo dục và bình đẳng trong khi tham gia vào quá trình đó. Sự tham gia và tiếp cận với giáo dục liên quan tới những cơ hội ngang nhau trong việc trẻ em được đến trường, có đủ điều kiện học tập. Giáo dục mầm non đảm bảo sự công bằng trong hưởng thụ dịch vụ giáo dục mầm non cho mọi trẻ em, thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi để chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp một.
Giáo dục mầm non đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát năng lực của trẻ, chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng như tự lập, sự kiềm chế, khả năng diễn đạt rõ ràng, đồng thời hình thành hứng thú đối với việc đến trường tiểu học, tăng khả năng sẵn sàng để bước vào giai đoạn giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, để trẻ vào lớp 1 cần có 5 lĩnh vực phát triển là kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức; kỹ năng giao tiếp và hiểu biết chung; sự trưởng thành tình cảm; năng lực xã hội; sức khỏe và thể chất. Theo báo cáo đánh giá phát triển trẻ thơ ở Việt Nam năm 2013 do Bộ GD&ĐT, Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục của Nga, Học viện Offord ở Canada và Ngân hàng Thế giới đồng thực hiện thì hiện nay ở Việt Nam có đến 50% trẻ em được xác định là có nguy cơ bị thiếu hụt hoặc bị thiếu hụt ít nhất một trong năm kỹ năng cần thiết để bắt đầu đi học.
Loại hình GDMN: Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 05/VBHN-BGDĐT các loại hình của trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được quy định như sau: Trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được tổ chức theo các loại hình: công lập, dân lập và tư thục.
Tài liệu tham khảo
-
Phạm Thị Tuyết Minh (2019). Quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Luận án tiến sĩ. Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội.
-
Hoàng Phê (2004), Từ điển Tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Hà Nội.
-
Cambridge Dictionary (Cambridge University Press, 2005).
-
Quốc hội (2005, 2009), Luật Giáo dục, Hà Nội.