Giáo dục là gì? Bản chất, tính chất, mục đích của giáo dục – LyTuong.net
(Last Updated On: 06/10/2022 by Lytuong.net)
1. Khái niệm giáo dục
Giáo dục vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật. Giáo dục là một quá trình đào tạo con người một cách có mục đích, nhằm chuẩn bị cho họ tham gia vào đời sống xã hội, lao động sản xuất, bằng cách tổ chức việc truyền thụ và lĩnh hội những kinh nghiệm lịch sử xã hội của loài người. Giáo dục được hiểu dưới hai góc độ:
– Giáo dục được xem như là tập hợp các tác động sư phạm đến người học với tư cách là một đối tượng đơn nhất;
– Giáo dục được như là một hoạt động xã hội, dạng tái sản xuất ra lực lượng lao động mới. Ở đây, đối tượng là thế hệ trẻ, là tập hợp các đối tượng đơn nhất. Giáo dục là đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ lao động;
Khi nói đến giáo dục theo nghĩa rộng, là ta thường liên tưởng ngay đến cụm từ “giáo dục theo nghĩa hẹp và đào tạo”.
Giáo dục theo nghĩa hẹp, là một quá trình hoạt động có ý thức, có mục đích, có kế hoạch của một người (hay một nhóm người) – gọi là giáo viên – nhằm tác động vào hệ thống nhận thức của người đó, để làm phát triển trí thông minh, phát triển khả năng nhận thức phù hợp với thế giới khách quan, và làm phát triển nhận thức của người đó lên; qua đó tạo ra một con người mới, có những phẩm chất phù hợp với yêu cầu được đặt ra.
Giáo dục theo nghĩa hẹp là nuôi dưỡng, làm cho phát triển hoặc triệt tiêu, giảm cái có sẵn. Ví dụ như trí thông minh căn bản là cái có sẵn, tính thiện là cái có sẵn,… Giáo dục làm tăng trưởng trí thông minh căn bản, và tính thiện lên
Đào tạo là một quá trình truyền thụ, chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm một cách có ý thức, có mục đích, có kế hoạch của một người (hay một nhóm người) – gọi là giáo viên – vào người đó, nhằm tạo ra một số sự nhận thức, một số kỹ năng hoạt động phù hợp với yêu cầu của công việc, và phát triển chúng nó lên bằng cách rèn luyện. Công việc này có thể là hoạt động trí não, hay hoạt động chân tay.
Đào tạo là tạo ra cái mới hoàn toàn, chứ không phải là cái có sẵn. Ví dụ chữ viết, những kiến thức về toán học, các kỹ năng về tay nghề, các thế võ,… Ban đầu chúng hoàn toàn chưa có nơi một con người. Chỉ sau khi được huấn luyện, đào tạo thì chúng mới có ở nơi ta. Ví dụ: học sinh được dạy học môn toán, để có kỹ năng tính toán. Một nhà khoa học được đào tạo, để có các kỹ năng nghiên cứu khoa học. Một vị Tu sĩ được dạy cách ngồi thiền, để có thể ngồi thiền tu tập sau này, Một người công nhân, được đào tạo tay nghề, để có thể làm việc sau này…
Tuy rằng, giáo dục không phải là đào tạo, nhưng muốn giáo dục thành công thì cần phải thông qua công tác đào tạo. Vì vậy chúng có mối liên hệ rất mật thiết với nhau. Cho nên khái niệm giáo dục trong bộ môn này được hiểu bao gồm cả giáo dục và đào tạo.
2. Nguồn gốc phát sinh của hiện tượng giáo dục.
Ngay từ khi xuất hiện trên trái đất để tồn tại và phát triển con người phải lao động. Trong lao động và trong cuộc sống hàng ngày, con người một mặt vừa sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần, mặt khác vừa nhận thức thế giới xung quanh. Trong quá trình nhận thức đó, con người dần dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm bao gồm kinh nghiệm sống, kinh nghiệm lao động, kinh nghiệm chinh phục tự nhiên. Kinh nghiệm càng ngày càng dồi dào, từ đó con người nảy sinh nhu cầu truyền đạt những hiểu biết, những kinh nghiệm ấy cho nhau. Đó chính là nguồn gốc phát sinh của hiện tượng giáo dục.
Lúc đầu, giáo dục xuất hiện như một hiện tượng tự phát, diễn ra đơn giản theo lối quan sát – bắt chước. Về sau giáo dục trở thành một hoạt động có ý thức. Con người dần dần biết xác định mục đích, hoàn thiện về nội dung và tìm ra các phương thức để quản lý giáo dục có hiệu quả. Ngày nay, giáo dục đã trở thành một hoạt động được tổ chức đặc biệt, đạt tới trình độ cao, có chương trình kế hoạch, có nội dung phương pháp hiện đại, diễn ra theo một nhịp độ khẩn trương và đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của xã hội loài người.
3. Bản chất, hoạt động, phạm vi giáo dục
Về bản chất, giáo dục là quá trình truyền đạt và tiếp thu những kinh nghiệm lịch sử xã hội của các thế hệ loài người.
Về hoạt động, giáo dục là quá trình tác động đến các đối tượng giáo dục để hình thành cho họ những phẩm chất nhân cách.
Về mặt phạm vi, khái niệm giáo dục bao hàm nhiều cấp độ khác nhau:
+ Ở cấp độ rộng nhất, giáo dục được hiểu đó là quá trình xã hội hoá con người. Quá trình xã hội hoá con người là quá trình hình thành nhân cách dưới ảnh hưởng của tác động chủ quan và khách quan, có ý thức và không có ý thức của cuộc sống, của hoàn cảnh xã hội đối với các cá nhân.
+ Ở cấp độ thứ hai, giáo dục có thể hiểu là giáo dục xã hội. Đó là hoạt động có mục đích của xã hội, với nhiều lực lượng giáo dục, tác động có hệ thống, có kế hoạch đến con người để hình thành cho họ những phẩm chất nhân cách.
+ Ở cấp độ thứ ba, giáo dục được hiểu là quá trình sư phạm. Quá trình sư phạm là quá trình tác động có kế hoạch, có nội dung và bằng phương pháp khoa học của các nhà sư phạm trong nhà trường tới học sinh nhằm giúp học sinh nhận thức, phát triển trí tuệ và hình thành những phẩm chất nhân cách. Ở cấp độ này, giáo dục bao gồm : Quá trình dạy học và quá trình giáo dục theo nghĩa hẹp.
+ Ở cấp độ thứ tư, Giáo dục được hiểu là quá trình bồi dưỡng để hình thành những phẩm chất đạo đức cụ thể, thông qua việc tổ chức cuộc sống, hoạt động và giao lưu.
4. Tính chất của giáo dục.
Giáo dục có 5 tính chất sau đây :
– Giáo dục là một hiện tượng đặc biệt chỉ có ở xã hội loài người. Giáo dục xuất hiện, phát triển gắn bó cùng loài người. Ở đâu có con người, ở đó có giáo dục – giáo dục mang tính phổ biến. Khi nào còn loài người lúc đó còn giáo dục – giáo dục mang tính vĩnh hằng.
– Giáo dục là một hình thái ý thức xã hội, là hiện tượng văn minh của xã hội loài người.
Về bản chất, giáo dục là sự truyền đạt và tiếp thu kinh nghiệm lịch sử xã hội của các thế hệ loài người;
Về mục đích, giáo dục là sự định hướng của thế hệ trước cho thế hệ sau;
Về phương thức, giáo dục là cơ hội giúp mỗi cá nhân đạt tới hạnh phúc và là cơ sở đảm bảo cho sự kế thừa, tiếp nối và phát triển những thành quả văn hoá của xã hội loài nguời.
– Giáo dục là hiện tượng có tính lịch sử : Giáo dục ra đời theo nhu cầu của lịch sử xã hội, một mặt nó phản ánh trình độ phát triển của lịch sử, bị qui định bởi trình độ phát triển của lịch sử, mặt khác nó lại tác động tích cực vào sự phát triển của lịch sử.
– Giáo dục có tính giai cấp: Trong xã hội có giai cấp, giáo dục được sử dụng như công cụ của giai cấp cầm quyền nhằm duy trì quyền lợi của mình thông qua mục đích, nội dung và phương pháp giáo dục.
– Giáo dục có tính dân tộc: Mỗi quốc gia đều có một truyền thống lịch sử, có nền văn hoá riêng, cho nên giáo dục ở mỗi nước cũng có những nét độc đáo, những sắc thái đặc trưng. Tính dân tộc của giáo dục được thể hiện trong mục đích nội dung, phương pháp và sản phẩm giáo dục của mình.
Từ việc phân tích các tính chất cơ bản nêu trên, ta có thể rút ra kết luận :
Giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc biệt, bản chất của giáo dục là sự truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử xã hội của các thế hệ loài người, nhờ có giáo dục mà các thế hệ nối tiếp nhau phát triển, tinh hoa văn hoá nhân loại và dân tộc được kế thừa, bổ sung và trên cơ sở đó mà xã hội loài người không ngừng tiến lên.
5. Mục đích giáo dục
5.1. Khái niệm về mục đích giáo dục
Theo nghĩa thông thường, mục đích giáo dục là cái đích cần đạt tới của sự nghiệp giáo dục, được xây dựng trước khi tiến hành các hoạt động giáo dục cụ thể. Và đó là dự kiến về sản phẩm giáo dục.
Mục đích giáo dục khi đã được xây dựng một cách chính xác, khoa học, trở thành chính thống có hai chức năng :
– Một là, mục đích giáo dục sẽ trở thành phương hướng chỉ đạo toàn bộ quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động giáo dục.
– Hai là, mục đích giáo dục trở thành tiêu chuẩn để đánh giá sản phẩm giáo dục sẽ đạt được trong tương
Là hình ảnh lý tưởng về chất lượng của sản phẩm giáo dục mới, do đó, mục đích giáo dục thường cao hơn thực tế, nó đòi hỏi sự phấn đấu liên tục của toàn xã hội, của nhà trường, của các nhà sư phạm. Tuy nhiên, mục đích giáo dục sẽ là cái hiện thực trong tương lai, cho nên nó được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, và phải tính toán đến điều kiện, khả năng thực hiện.
Như vậy, mục đích giáo dục là sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực, giữa hiện tại và tương lai của giáo dục.
5.2. Cơ sở để xây dựng mục đích giáo dục
Mục đích giáo dục được xây dựng dựa trên những cơ sở sau đây :
- Dựa theo chiến lược phát triển xã hội, phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ quốc
- Dựa theo yêu cầu của đất nước của thời đại đối với nhân cách thế hệ trẻ, theo nhu cầu phát triển nhân lực xã hội và đặc điểm của các loại nhân lực đó.
- Dựa theo xu hướng phát triển của nền giáo dục quốc gia và quốc tế; dựa vào trình độ và khả năng thực hiện của hệ thống giáo dục quốc dân.
- Tính toán đến những điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội, những kinh nghiệm và truyền thống giáo dục, khả năng của xã hội để thực hiện mục đích giáo dục.
5.3. Mục đích giáo dục Việt Nam.
Mục đích được xem xét ở các cấp độ khác nhau, các cấp độ này hình thành hệ thống có thứ bậc, có phân nhánh tạo thành “cây mục tiêu”.
a. Ở cấp độ xã hội.
Mục đích giáo dục là cái đích chung của toàn bộ sự nghiệp giáo dục. Mục đích giáo dục xã hội hướng tới phát triển tối đa năng lực của từng cá nhân, giúp họ hoà nhập vào cuộc sống xã hội, đóng góp nhiều nhất sức lực và trí tuệ của mình thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Thứ nhất, Đối với toàn xã hội, mục đích của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
+ Về nâng cao dân trí :
Giáo dục là quá trình truyền đạt kinh nghiệm và lịch sử xã hội của các thế hệ loài người. Quá trình này giúp cho mỗi cá nhân tích lũy kiến thức, mở mang trí tuệ, hiểu biết, hình thành văn hoá, đạo đức, giúp xã hội được bảo tồn và phát triển.
Giáo dục thực hiện sứ mệnh lịch sử là chuyển giao văn hoá của thế hệ này cho thế hệ kia.
Giáo dục là phương thức cơ bản để bảo tồn và phát triển văn hoá nhân loại.
Giáo dục được thực hiện bằng nhiều con đường, trong đó con đường quan trọng nhất là tổ chức dạy học và đào tạo. Dạy học, cung cấp cho người học hệ thống kiến thức khoa học, bồi dưỡng phương pháp tư duy sáng tạo và kỹ năng hoạt động thực tiễn, nâng cao trình độ học vấn, hình thành lối sống văn hoá mà mục đích cuối cùng là làm cho mỗi người trở thành người lao động tự chủ, năng động sáng tạo.
Ngày nay, trên thế giới, một quốc gia giàu mạnh phải là một quốc gia có nền kinh tế vững mạnh, khoa học công nghệ tiên tiến, chính trị bền vững và trình độ dân trí cao.
Một quốc gia có trình độ dân trí cao là quốc gia trong đó đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đạt tới trình độ cao, thể hiện trong đời sống chính trị, lối sống văn hoá đạo đức, truyền thống xã hội, thể hiện trong ý thức và hành vi của mỗi cá nhân đối với các mối quan hệ xã hội, tổ quốc và trong cuộc sống lao động, sinh hoạt cá nhân.
Mục tiêu chiến lược của Việt Nam là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, một trong những giải pháp để đạt mục tiêu đó là nâng cao dân trí. Muốn vậy phải xây dựng một nền giáo dục mạnh để đáp ứng nhu cầu học tập của mỗi người dân.
+ Về đào tạo nhân lực :
Một đất nước muốn phát triển phải có đủ nhân lực và nhân lực phải có trình độ kỹ thuật cao.
Trong xã hội hiện đại, khi nền khoa học và công nghệ đạt tới trình độ cao, nhu cầu xã hội đa dạng, người lao động phải là những người có trình độ học vấn cao, kiến thức rộng, tay nghề vững, năng động sáng tạo, linh hoạt trong việc giải quyết các tình huống của thực tiễn.
Nhân lực lao động trong xã hội như vậy phải được đào tạo một cách có hệ thống, chính quy ở trình độ cao.
Giáo dục tham gia vào việc đào tạo nhân lực chính là sự tái sản xuất sức lao động xã hội, là tạo ra lực lượng trực tiếp sản xuất và quản lý xã hội. Một con người được đào tạo, phát triển là sản phẩm có chất lượng của giáo dục, là con người mang đầy đủ ý nghĩa khoa học, triết học và mỹ học. Đó là tài sản quý nhất của quốc gia, của thời đại.
Do đó, đào tạo nhân lực cũng chính là việc thực hiện chức năng kinh tế của giáo dục.
+ Về bồi dưỡng nhân tài :
Nền giáo dục của bất cứ quốc gia nào, thời đại nào không những hướng vào việc nâng cao dân trí, mà còn hướng vào quá trình phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.
Nhân tài đó là những người có khả năng trực giác và suy luận cao, có tầm nhìn xa trông rộng, có khả năng phát hiện và giải quyết nhanh chóng các vấn đề mà họ gặp phải trong hoạt động sống của mình. Nhân tài được biểu hiện trong các lĩnh vực : văn hoá, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, chính trị, xã hội, quân sự…
Nhân tài là kết tinh của thành quả tự nhiên và xã hội. Từ những mầm mống, tư chất, những tiềm năng trí tuệ, một nền giáo dục với phương châm hiện đại, phù hợp có thể làm bộc lộ, phát triển hết tài năng của con người.
Nhân tài là tài sản quý của mỗi quốc gia, do đó mọi quốc gia đều quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và thường xuyên có chính sách trọng dụng nhân tài.
Trong chiến lược bồi dưỡng nhân tài, giáo dục đóng một vai trò quan trọng. Nhà trường phát hiện và bồi dưỡng nhân tài bằng việc thường xuyên tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi ở các cấp, tổ chức xây dựng các trung tâm giáo dục mạnh, trường chuyên, lớp năng khiếu; bằng quá trình đào tạo công phu, khoa học, với những phương pháp giáo dục tiên tiến nhằm bồi dưỡng học sinh có năng khiếu trở thành người tài năng, cống hiến nhiều nhất cho đất nước.
Nhân tài được trọng dụng, được tạo điều kiện thuận lợi, họ sẽ đem lại vẻ vang cho đất nước bằng những cống hiến, những thành công tuyệt vời của mình.
Thứ hai, Đối với thế hệ trẻ.
Đối với thế hệ trẻ, mục đích giáo dục là làm cho họ trở thành những nhân cách phát triển toàn diện.
Đó là con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc và có tinh thần quốc tế chân chính.
Đó là những con người – một thế hệ thanh niên có ý chí vươn lên vì sự thành đạt, tiến bộ của bản thân và sự phồn vinh của đất nước.
b. Ở cấp độ nhà trường.
Mục đích giáo dục được cụ thể hoá bằng mục tiêu giáo dục cho một cấp học, một ngành học, một loại hình đào tạo.
Mục tiêu giáo dục là hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ mà học sinh phải có được khi tốt nghiệp ra trường.
Kiến thức là hệ thống những hiểu biết theo nội dung môn học cụ thể, được đo đạc đánh giá khách quan theo số lượng và chất lượng các tài liệu mà học sinh đã tiếp thu.
Kỹ năng là khả năng hành động, khả năng thực hiện hữu hiệu các loại hình công việc trên cơ sở kiến thức đã có để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra cho phù hợp với điều kiện cho trước, trình độ, chất lượng, kỹ năng được đánh giá bằng chính sản phẩm học tập của học sinh làm ra.
Thái độ là biểu hiện ý thức trong mối quan hệ với bản thân, đối với xã hội và đối với công việc được giao. Thái độ là phẩm chất nhân cách được đánh giá qua hành vi cuộc sống.
Mục đích giáo dục phổ thông là cung cấp cho học sinh hệ thống kiến thức phổ thông vững chắc để giúp họ học tập ở bậc đại học, hay là bước vào cuộc sống lao động.
Mục đích giáo dục đại học là đào tạo sinh viên trở thành những người có trình độ khoa học cao, những chuyên gia giỏi cho các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học và công nghệ của quốc gia từ đó làm phát triển nền kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học của đất nước.
Mục đích của các trường dạy nghề là đào tạo công nhân lành nghề cho các ngành sản xuất và dịch vụ… tức là đào tạo nhân lực lao động kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Nhiệm vụ của giáo dục nhà trường
Nhiệm vụ giáo dục hay nội dung giáo dục là một vấn đề lớn của lý luận giáo dục, là thành tố quan trọng của lý luận giáo dục. Nội dung giáo dục trong nhà trường rất toàn diện, được xây dựng xuất phát từ mục đích giáo dục và từ yêu cầu khách quan của đất nước của thời đại.
Nội dung giáo dục bao gồm các mặt sau đây :
- Giáo dục ý thức công dân.
- Giáo dục văn hoá thẩm mỹ
- Giáo dục lao động – hướng nghiệp.
- Giáo dục thể chất – quân sự.
- Giáo dục môi trường.
- Giáo dục dân số.
- Giáo dục giới tính.
- Giáo dục phòng chống ma tuý.
c. Ở cấp độ chuyên biệt.
Mục đích giáo dục chuyên biệt thể hiện cụ thể cho từng môn học, từng bài dạy (bài học).
Mục đích môn học là cung cấp khối lượng tri thức và kỹ năng cụ thể của một lĩnh vực khoa học.
Mục đích bài học xác định rõ ràng những kiến thức, kỹ năng cụ thể học sinh sẽ nắm được và thái độ sẽ hình thành sau bài dạy.
Tài liệu tham khảo:
- Hà Thị Mai, Giáo dục học đại cương.
- Nguyễn Văn Tuấn, Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục.
5/5 – (1 bình chọn)