Giáo dục khai phóng và giá trị của những tri thức “vô dụng” – Trường Đại Học Fulbright Việt Nam
Trong ngày hội Tuyển sinh cuối cùng trong mùa tuyển sinh thứ ba của Đại học Fulbright Việt Nam đầu tháng 11, một ông bố đến sớm trước sự kiện 30 phút. Anh gặp nhân viên Fulbright để hỏi về chương trình đào tạo cử nhân, cho dù Fulbright sẽ dành cả ngày dài để giải đáp mọi băn khoăn của phụ huynh và học sinh. Trong câu chuyện lúc sớm mai, một câu hỏi được lặp lại nhiều lần: Học Fulbright xong thì ra trường con tôi sẽ có nghề gì trong tay?
Vài tiếng sau, khi thầy hiệu trưởng Ian Bickford vừa trình bày xong về mô hình giáo dục của Fulbright, một em học sinh rụt rè giơ tay đặt câu hỏi: Khi theo học giáo dục khai phóng ở Fulbright, chúng em sẽ mất hơn một năm để học trải rộng nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi chọn một chuyên ngành. Như thế có đủ để đáp ứng yêu cầu chuyên môn của các nhà tuyển dụng lao động hay không?
Hai câu hỏi, với cách diễn đạt khác nhau, phản ánh một nỗi lo lắng thường trực của nhiều gia đình: Các bạn trẻ cần phải học gì để có một công việc tốt? Nó cũng cho thấy một sự hiểu lầm, nếu không muốn nói là định kiến về giáo dục khai phóng.
Đối với hầu hết gia đình Việt Nam cũng như châu Á, mục đích của giáo dục đại học là trang bị cho sinh viên những kỹ năng chuyên môn nhằm đảm bảo giúp họ có một công việc cụ thể và ổn định. Bởi vậy, những lựa chọn hàng đầu khi chọn ngành để học tại trường đại học hầu hết đều tập trung vào những ngành dễ kiếm việc làm và thu nhập cao. Và như một quan niệm đã “đóng đinh” trong tiềm thức của nhiều người, lựa chọn học đại học và con đường sự nghiệp tương lai dường như là một đường thẳng tắp, học tài chính – ngân hàng để ra làm chuyên viên tài chính, học luật sư để ra đời làm nghề luật…
Với những mặc định như thế nên nhiều người không thể hiểu vì sao các bạn sinh viên lại cần phải dành năm đầu tiên ở Fulbright để tìm hiểu về nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật và kỹ thuật trước khi quyết định chọn một chuyên ngành cụ thể.
Học cách để học: chìa khóa để sống còn
Nếu như mười, hai mươi năm trước, tấm bằng đại học với những kỹ năng chuyên môn cụ thể như vừa kể trên là đủ đảm bảo cho các bạn trẻ một vé thông hành bước chân vào các công ty, có một nghề nghiệp ổn định thì giờ đây, câu chuyện đã hoàn toàn thay đổi. Trong khi tỉ lệ thất nghiệp toàn quốc khá thấp, ở mức 2% theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khá thấp thì tỉ lệ cử nhân thất nghiệp hay làm việc không đúng chuyên môn đang tăng lên một cách đáng quan ngại.
Năm 2018, chỉ có 60% cử nhân ra trường tìm được công việc liên quan đến bằng cấp đã được đào tạo. Trong khi đó, nền kinh tế đang tăng trưởng tốt và nhu cầu tuyển dụng lao động lớn. Vấn đề cốt lõi, như nhiều công ty đã chỉ ra, bằng cấp của những sinh viên này không đáp ứng được yêu cầu của những công việc hiện tại, đặc biệt là trong những lĩnh vực đòi hỏi kĩ năng cao.
Dù muốn hay không, tất cả chúng ta đều phải thừa nhận một thực tế rằng: cho dù bạn có làm nghề gì đi chăng nữa thì những chủ đề cụ thể mà bạn học ở trường đại học sẽ ít nhiều trở nên lạc hậu với công việc hàng ngày mà bạn sẽ làm ngay sau khi tốt nghiệp. Và ngay cả khi những gì bạn học có liên quan với công việc bạn làm, thì điều đó cũng sẽ thay đổi nhanh chóng.
Một nghiên cứu gần đây dự báo rằng khoảng 80% công việc của năm 2030 thậm chí còn chưa xuất hiện. Vậy thì điều gì vẫn còn giá trị bất chấp những thay đổi? Câu trả lời là học cách để học, để liên tục tái tạo và học hỏi những kĩ năng mới. Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết ba kỹ năng hàng đầu cần thiết cho công việc trong thế kỉ 21 là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện và khả năng sáng tạo – những giá trị quan trọng nhất của giáo dục khai phóng.
David Autor, kinh tế gia của MIT, tác giả của một nghiên cứu gần đây về tác động của công nghệ và toàn cầu hoá đối với công việc cho hay giới “cổ cồn trắng” làm những công việc như xử lý dữ liệu, điều form, thu thập thông tin, phân tích dữ liệu đơn giản trong những ngành như bảo hiểm, ngân hàng và luật đang đối mặt với nguy cơ bị đào thải bởi máy móc. Và những nghề được trả lương cao nhất, mà ai cũng muốn, lại là những nghề mà sinh viên theo mô hình giáo dục khai phóng kiểu Hoa Kỳ được chuẩn bị tốt nhất. Đó là những nghề đòi hỏi “khả năng sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, ra quyết định, lập luận thuyết phục và kỹ năng quản lý”.
Bằng cách nào mà giáo dục khai phóng có thể chuẩn bị cho sinh viên thích ứng và quản lý tốt những thay đổi trong môi trường công việc tương lai? Thomas Cech, nhà hoá học đoạt giải Nobel, một sinh viên tốt nghiệp từ đại học giáo dục khai phóng, đã có một minh hoạ thú vị. Giống như các vận động viên thường tập các bài tập không liên quan đến môn thể thao mà họ theo đuổi, ông cho rằng sinh viên cần học cả những ngành ngoài chuyên ngành chính. “Việc tập luyện nhiều môn thể thao có thể giúp con người phát triển các nhóm cơ trọng tâm một cách hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ chăm chăm tập một môn thể thao yêu thích.
Tương tự như thế, giáo dục khai phóng khuyến khích các nhà khoa học nâng cao “lợi thế cạnh tranh” bằng cách học cả những môn về nghệ thuật hay nhân văn. Việc học trải rộng trong nhiều lĩnh vực như vậy giúp cho sinh viên phát triển những kỹ năng then chốt như thu thập và tổ chức thông tin, phân tích và định giá chúng, cũng như trình bày một lập luận. Rõ ràng, giáo dục khai phóng giúp ươm dưỡng những kĩ năng này hiệu quả hơn nhiều so với việc học viết một báo cáo thí nghiệm”.
Nguyên lý này được cụ thể hóa trong chương trình đào tạo ở Fulbright, như Tiến sĩ Ian Bickford mô tả: “Chúng tôi tin rằng các nhà khoa học máy tính cũng cần phải hiểu biết về nhân văn, về thiết kế, hay về khoa học não bộ. Tương tự, nếu bạn đến đây để học về Kỹ thuật, bạn phải có hiểu biết rộng rãi về nghệ thuật, có khả năng tư duy một cách phản biện và đồng cảm về những trải nghiệm con người.
Mặt khác, nếu bạn muốn học văn chương hay lịch sử nghệ thuật, chúng tôi muốn bạn nhìn nhận những chủ đề này như là những cách thức để thấu hiểu sự phức tạp trong tư duy của con người và xã hội loài người – và điều đó đòi hỏi một ý thức về khoa học, ý thức về cách mà công nghệ định hình những trải nghiệm của chúng ta, cũng như một sự nhận thức sâu sắc về cách mà các luồng thông tin và mạng lưới được cấu trúc như thế nào”.
Giá trị của những ngành học “vô dụng”
Nhưng ngay cả khi bạn tốt nghiệp Fulbright với chuyên ngành cử nhân văn chương, triết học hay nghệ thuật, tấm bằng của bạn cũng khôngthuakém giá trị so với một bạn học theo ngành kỹ thuật hay khoa học máy tính, Tiến sĩ Ian Bickford nhấn mạnh.
Luận điểm của Tiến sĩ Bickford được minh chứng bằng những dữ liệu thực tế. Dựa trên số liệu về thu nhập và ngành nghề của những cử nhân sau khi ra trường, một nghiên cứu gần đây ở Mỹ chỉ ra rằng, trong khi tấm bằng cử nhân khoa học hay kỹ sư có thể giúp cho một sinh viên đạt được mức lương khởi điểm cao hơn các bạn đồng trang lứa thì lợi thế này sẽ biến mất theo thời gian. Trên thực tế thì tấm bằng cử nhân giáo dục khai phóng cũng hữu ích không kém gì những bằng cấp “thực tế hơn”, nhất là đối với những sinh viên xuất thân từ hoàn cảnh kinh tế thiệt thòi.
Về lâu dài, những người xuất phát điểm từ những chuyên ngành tưởng như “vô dụng” kể trên lại có nhiều lợi thế để thăng tiến trong những vị trí quan trọng, đòi hỏi kĩ năng lãnh đạo. Có tới 1/3 trong số 500 CEO hàng đầu nước Mỹ theo bảng xếp hạng của Fortunes tốt nghiệp từ các trường giáo dục khai phóng. Những CEO nổi danh toàn cầu như bà Susan Wojcicki, CEO Youtube có bằng cử nhân Lịch sử và Văn chương, CEO Alibaba, tỉ phú Jack Ma có bằng cử nhân ngôn ngữ Anh. Ở Việt Nam cũng không hiếm những CEO nổi tiếng xuất phát từ những ngành học không mấy liên quan, như doanh nhân Henry Nguyen, CEO của McDonald Việt Nam với bằng cử nhân ngành văn học cổ điển!
Nếu bạn còn hoài nghi giá trị của giáo dục khai phóng, đây là lời khuyên của ông Edgar Bronfman, cựu CEO công ty Seagram: “Hãy lấy bằng giáo dục khai phóng. Theo kinh nghiệm của tôi, một tấm bằng giáo dục khai phóng chính là nhân tố quan trọng nhất ươm dưỡng nên những cá nhân thú vị và đầy khao khát, những người có thể quyết định lối đi riêng cho mình trong tương lai”!