Giáo dục hướng nghiệp – đi tìm một mô hình thực chất
Bài viết này đề cập đến cách hiểu đúng về Hướng nghiệp, thời điểm thực hiện cũng như cách triển khai giáo dục hướng nghiệp thực chất và hiệu quả.
Cần lắm cách làm thật về Hướng nghiệp để tạo ra Nhận thức thật về bản thân và thế giới nghề nghiệp.
Hướng nghiệp thực chất là gì?
Nhiều người cho rằng Hướng nghiệp là giúp học sinh chọn nghề hay ngành học mà mình yêu thích. Tuy nhiên đó là cách hiểu và làm chưa đúng, hay không thực chất.
Giáo dục Hướng nghiệp thực chất là những hoạt động nhằm hỗ trợ học sinh có được định hướng, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội/thị trường lao động.
Hướng nghiệp thực chất giúp cho học sinh phát triển năng lực gì?
Quy trình định hướng phát triển nghề nghiệp là một vòng lặp: bắt đầu từ: Nhận thức bản thân – nhận thức về thế giới nghề nghiệp, khám phá cơ hội phù hợp lập – kế nghề nghiệp.
Nhận thức và phát triển bản thân không chỉ là nhận ra sở thích, khả năng, điều kiện của mình, mà quan trọng nhất là giúp học sinh làm chủ chính mình, học cách sống tự chủ và có trách nhiệm, phát huy giá trị và tiềm năng của cá nhân.
Giáo dục nhận thức bản thân phải giúp cho mỗi học sinh trả lời câu hỏi: TÔI LÀ AI? Học sinh sẽ khám phá và phát triển được tài năng, đam mê cá nhân, phát triển năng lực tự nhận thức để là một người tích cực, tự tin với cuộc sống, trở thành một thành viên có giá trị với gia đình, nhà trường và xã hội
Nhận thức nghề nghiệp và nhu cầu xã hội. Sau khi trả lời câu hỏi TÔI LÀ AI?, Hướng nghiệp sẽ giúp cho học sinh trả lời câu hỏi: THẾ GIỚI NGHỀ NGHIỆP CÓ NHỮNG GÌ ở hiện tại và tương lai? Có những cơ hội gì để bản thân em phát huy được tài năng và đam mê cũng như các giá trị của mình? Hướng nghiệp sẽ hướng dẫn học sinh tìm hiểu thông tin nghề nghiệp cũng như nhu cầu của thị trường việc làm không chỉ tại thời điểm các em học tập mà còn ở tương lai khi các em trưởng thành để bước vào và góp phần tạo ra thay đổi của thế giới nghề nghiệp.
Lập kế hoạch nghề nghiệp: Đây là bước tiếp theo của Hướng nghiệp sau khi học sinh có nhận thức về bản thân và thế giới nghề nghiệp. Học sinh sẽ học các xây dựng kế hoạch phát triển nghề nghiệp, trả lời câu hỏi: TÔI MUỐN TRỞ THÀNH NGƯỜI THẾ NÀO VÀ Ở ĐÂU TRONG THẾ GIỚI NGHỀ NGHIỆP? Em sẽ làm gì để đến nơi em mong muốn?
Khi nào thì bắt đầu Hướng nghiệp cho học sinh?
Quy trình hướng nghiệp có thể được lặp đi lặp lại trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời mỗi người. Vòng lặp này bắt đầu từ đơn giản và sẽ dần phức tạp hơn khi học sinh lớn lên.
Không thể chờ đến cuối cấp THCS, THPT mới giúp học sinh nhận ra TÔI LÀ AI? THẾ GIỚI NGHỀ NGHIỆP CÓ NHỮNG GÌ HẤP DẪN? TÔI SẼ Ở ĐÂU TRONG THẾ GIỚI NGHỀ NGHIỆP?
Nhiều hệ thống giáo dục đã đưa hướng nghiệp ngay từ giáo dục Mầm Non. Hệ thống giáo dục Lá phong Xanh là một minh họa sinh động cho việc đưa giáo dục hướng nghiệp sớm vào trường Mầm non.
Việc hiểu sai về Hướng nghiệp dẫn đến phải chờ đến cuối cấp THCS, THPT mới bắt đầu thực hiện, rõ ràng nhận ra bản thân chậm trễ sẽ hạn chế việc phát triển các tiềm năng cá nhân ngay từ tuổi ấu thơ, đến khi bắt đầu đã quá muộn để phát triển bản thân học sinh cũng như hiểu biết về thế giới nghề nghiệp. Việc lập kế hoạch sẽ càng không có ý nghĩa khi nhận thức về bản thân và thế giới nghề nghiệp không đầy đủ và sâu sắc, thậm chí sai lầm.
Làm gì để tổ chức Hướng nghiệp thực chất ở nhà trường?
Một số cơ sở giáo dục tổ chức giáo dục hướng nghiệp chủ yếu cho học sinh qua một vài buổi tập trung toàn khối nghe một vài diễn giả nói chuyện về lựa chọn nghề nghiệp, tổ chức cho học sinh học nghề một cách hình thức.
Cách làm này sẽ giống như “nước đổ lá khoai”, không giúp gì cho học sinh nhận ra và làm gia tăng giá trị của bản thân cũng như hiểu biết về thế giới nghề nghiệp, lại càng không giúp gì cho học sinh lập kế hoạch nghề nghiệp đúng, trúng, phù hợp với sở trường, đam mê, giá trị, điều kiện của bản thân.
“Vòng lặp giáo dục hướng nghiệp” sẽ tạo ra các kết quả thực chất khi học sinh được trải nghiệm, lặp đi lặp lại nhiều lần. Có thể tham khảo quy trình dạy học trải nghiệm vào lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp như sau:
Bước 1. Nhận diện kinh nghiệm cá nhân: Tổ chức các hoạt động trong nhà và ngoài trời, những thách thức cá nhân và theo nhóm để học sinh thể hiện nhận thức về bản thân và thế giới nghề nghiệp, lập kế hoạch nghề nghiệp.
Bước 2. Quan sát và phản ánh: Khích lệ mỗi HS phản ánh, mô tả, giao tiếp và học hỏi từ các kinh nghiệm về nhận thức bản thân và thế giới nghề nghiệp, thông thường cần tổ chức cho học sinh tiếp xúc với người lớn với các loại hình nghề nghiệp, thực tế làm việc của họ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, phòng thí nghiệm,… gần gũi ở địa phương hoặc “tham quan ảo” qua internet ở các địa phương khác hoặc trên thế giới. Một số trường đã xây dựng xưởng thực hành/trải nghiệm tại trường để tối đa hóa các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Bước 3. Khái quát: Học sinh áp dụng các mô hình và lý thuyết dưới sự hướng dẫn của giáo viên để rút ra các vấn đề để phát triển bản thân và thay đổi nhận thức về thế giới nghề nghiệp, lập kế hoạch nghề nghiệp
Bước 4. Vận dụng thực tế tích cực: Học sinh đưa ra những nhận thức mới, hành vi mới về phát triển bản thân, về thế giới nghề nghiệp, kế hoạch phát triển nghề nghiệp từ những trải nghiệm của bản thân.
Cần lắm cách làm thật về Hướng nghiệp để tạo ra Nhận thức thật về bản thân và thế giới nghề nghiệp, hỗ trợ học sinh có được định hướng, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội/thị trường lao động của địa phương, quốc gia và thế giới trong thế kỷ 21.
PGS.TS. Đặng Thị Thanh Huyền
(Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lý giáo dục, Thành viên Ban điều hành Mạng lưới Quản lý Giáo dục)