Giáo dục hòa nhập được quy định như thế nào?
Nhà nước quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và chính sách hỗ trợ để trẻ em hay người khuyết tật được học tập phù hợp với điều kiện, khả năng, nhu cầu của mình; đảm bảo quyền học tập bình đẳng của mỗi người mà không có sự phân biệt đối xử.
Căn cứ pháp lý
– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 sau đây gọi là Luật Giáo dục năm 2019.
– Luật Người khuyết tật năm 2010.
– Luật Trẻ em năm 2016.
Quy định về giáo dục hòa nhập
Luật Giáo dục năm 2019 quy định về phương thức giáo dục hòa nhập như sau:
“Điều 15. Giáo dục hòa nhập
1. Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của người học; bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng giáo dục, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và khả năng của người học; tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của người học và không phân biệt đối xử.
2. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thực hiện giáo dục hòa nhập cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Phương thức giáo dục hòa nhập đảm bảo quyền học tập bình đẳng của mỗi người học, làm cho mọi người đều có thể giúp đỡ lẫn nhau, không có khoảng cách, sự xa lánh hay sự kỳ thị với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và giảm được những cái nhìn không đúng về người khuyết tật như “họ là người vô dụng, là những gánh nặng cho xã hội”. Theo Luật Trẻ em năm 2016 thì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng. Còn người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn căn cứ vào Khoản 1 Điều 2 của Luật Người Khuyết tật năm 2010. Vì thế đây là những đối tượng cần được sự quan tâm của cả xã hội, họ cũng cần được học tập phù hợp với khả năng, nhu cầu mà không bị phân biệt đối xử và họ mong muốn được cống hiến như những người bình thường khác.
– Đối với người học là người khuyết tật thì theo Luật Người Khuyết tật, có các phương thức giáo dục người khuyết tật bao gồm giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt. Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. Giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt được thực hiện trong trường hợp chưa đủ điều kiện để người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập. Các phương thức giáo dục này được Luật Người Khuyết tật định nghĩa như sau:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
4. Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục.
5. Giáo dục chuyên biệt là phương thức giáo dục dành riêng cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục.
6. Giáo dục bán hòa nhập là phương thức giáo dục kết hợp giữa giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục.”
– Đối với người học là trẻ em, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với độ tuổi và pháp luật về lao động. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em; giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; có chính sách miễn, giảm học phí cho từng nhóm đối tượng trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ.
Chương trình, nội dung giáo dục phải phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng trẻ em, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và yêu cầu hội nhập; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển nhân cách, kỹ năng sống, tài năng, năng khiếu của trẻ em; giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Giáo dục
Luật Hoàng Anh