Giáo dục đóng vai trò đầu tàu trong phát triển bền vững

Trong hơn hai năm kể từ khi đại dịch bắt đầu, cuộc khủng hoảng học tập toàn cầu đã diễn biến theo hướng chưa từng có tiền lệ, đe dọa ngân sách giáo dục, làm tăng tỷ lệ nghèo về học tập, mở rộng khoảng cách bất bình đẳng và xói mòn phát triển bền vững. Theo UNESCO, việc đóng cửa trường học đã ảnh hưởng tới hơn 1,6 tỷ trẻ em và kết quả học tập của trẻ. Kết quả học tập, vốn đã bị tụt hậu trước khi có đại dịch, giờ đã trở nên nghèo nàn đến mức không thể chấp nhận được.

Chúng tôi kêu gọi hành động khẩn cấp ở châu Á và Thái Bình Dương để chuyển đổi giáo dục và phục hồi cam kết của khu vực về việc xây dựng các hệ thống giáo dục công bằng, bao trùm và có khả năng thích ứng, giúp mang lại những kết quả học tập phù hợp và hiệu quả.

Chúng ta cần thúc đẩy vai trò của giáo dục trong công cuộc chuyển đổi xanh và số hóa, và trong việc thúc đẩy quyền công dân, quyền con người, hòa bình và khoan dung trên toàn cầu. Đã đến lúc đưa giáo dục chất lượng cao thành một quyền, chứ không phải đặc quyền, cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em gái. Chúng ta phải bảo đảm rằng giáo dục chất lượng cao đến được với tất cả những người ở vào vị thế thiệt thòi nhất, bao gồm người khuyết tật, trẻ em và thanh thiếu niên sống ở những khu vực nghèo đói, bị ảnh hưởng bởi xung đột và thường xuyên hứng chịu thiên tai trên thế giới.

Để đạt được điều này, chúng ta phải bắt đầu thực hiện đầu tư dài hạn cho giáo dục. Những hoạt động đầu tư này đã giúp chuyển đổi nhiều quốc gia thành các xã hội vận hành tốt, dân chủ, công bằng và cạnh tranh. Một ví dụ là Phần Lan, nơi các giáo viên là tác nhân chủ chốt trong thành công của hệ thống giáo dục quốc gia. Giáo viên ở Phần Lan có trình độ học vấn cao, có kỹ năng, có động lực và được trao quyền tự chủ trong chuyên môn. Tất cả các giáo viên đều có bằng thạc sĩ, trong đó bao gồm đào tạo nghiệp vụ sư phạm gắn với thực hành, và việc học tập là dựa trên nghiên cứu.

Nói như vậy không có nghĩa là một mô hình phù hợp cho tất cả – mà là để truyền cảm hứng và khuyến khích định hình lại giáo dục trên quy mô toàn cầu.

Việc xem xét lại các chính sách đối với giáo viên là cần thiết để chuyển đổi giáo dục. Chính sách đối với giáo viên phải tập trung vào việc thu hút những ứng viên giỏi nhất cho công việc này, và hỗ trợ cho động lực và sự chuyên nghiệp hóa của họ. Tăng cường bình đẳng giới và sự lãnh đạo của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục cũng hết sức quan trọng. Chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò then chốt của giáo viên nữ trong việc truyền cảm hứng và tạo thuận lợi cho trẻ em gái tham gia vào giáo dục.

Bước đầu tiên là phát triển các hệ thống đào tạo giáo viên một cách toàn diện. Đào tạo giáo viên ở bậc đại học theo định hướng nghiên cứu và định hướng thực hành là rất quan trọng. Các quốc gia cũng nên đặt mục tiêu hỗ trợ động lực lâu dài của giáo viên và cung cấp hoạt động bồi dưỡng phát triển chuyên môn liên tục trong suốt sự nghiệp của họ. Bồi dưỡng chuyên môn liên tục và được điều chỉnh dựa trên nhà trường là rất cần thiết để trang bị cho giáo viên những kỹ năng nhằm hỗ trợ việc học tập suốt đời của học sinh.

Một quốc gia đang đạt được tiến bộ trong lĩnh vực này là Việt Nam – nơi đã nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của đào tạo giáo viên bằng cách quy định giáo viên phải có trình độ đại học. Điều này cũng khiến cho học sinh của Việt Nam có kết quả học tập tốt hơn.

Thứ hai, các quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương nên loại bỏ những mô hình dạy và học truyền thống, có phần độc đoán và cứng nhắc; thay vào đó nên phát triển một phương pháp tiếp cận và tập hợp kỹ năng khác dành cho giáo viên. Nghiệp vụ sư phạm hiệu quả là trung tâm của việc cải thiện kết quả học tập. Do vậy, các trường học và giáo viên phải dựa vào bối cảnh và điều chỉnh việc dạy và học để đáp ứng nhu cầu của học sinh, với các phương pháp dạy và học ngày càng tập trung vào việc giúp học sinh trở thành những người học tự định hướng. Học là để phục vụ cuộc sống, để trở thành công dân tích cực và có tư duy phản biện, cùng với các mục đích khác – chứ không chỉ để vượt qua các kỳ thi. Trong thế giới ngày nay, những năng lực như hiểu biết về truyền thông đang ngày càng trở nên có liên quan. Điều này cũng đòi hỏi chương trình giảng dạy được đơn giản hóa, hỗ trợ tính linh hoạt và tập trung vào những kỹ năng của thế kỷ 21.

Thứ ba, việc dạy và học cần được điều chỉnh phù hợp với các môi trường học tập mới và sáng tạo, bao gồm tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Đại dịch cho thấy rõ rằng các hệ thống giáo dục linh hoạt có khả năng thích ứng tốt hơn. Năng lực học tập mà không cần phải có mặt tại trường học của học sinh trở nên cần thiết, không chỉ để ứng phó với đại dịch, mà còn để bảo đảm rằng giáo dục vẫn tiếp tục trong các thời điểm xung đột và khủng hoảng. Tại Xinh-ga-po, chính phủ đã tuyên bố rằng họ có kế hoạch tăng cường việc dạy và học bằng công nghệ dựa trên những kinh nghiệm của quốc gia trong thời kỳ đại dịch COVID.

Nhưng khả năng tận dụng tối đa công nghệ, gồm cả sự hứa hẹn về công nghệ học tập cá nhân hóa trong giáo dục, đòi hỏi chương trình giảng dạy linh hoạt và đội ngũ giáo viên lành nghề, những người được hỗ trợ để trở nên sáng tạo và có năng lực cũng như nguồn lực cần thiết để tập trung đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân người học. Một lần nữa, đầu tư vào kỹ năng là yếu tố then chốt để bảo đảm rằng giáo viên có thể sử dụng các phân tích học tập được hỗ trợ bởi công nghệ, nhằm tạo thuận lợi cho việc đánh giá liên tục quá trình học tập của học sinh.

Cuối cùng, giáo dục có chất lượng, bao trùm và công bằng đòi hỏi các chính phủ phải xem xét toàn bộ hệ thống giáo dục. Điều này liên quan tới việc duy trì đầu tư không chỉ cho hoạt động học tập, mà cả tình trạng lành mạnh chung của học sinh. Việc học sinh có thể tiếp cận các bữa ăn đủ dinh dưỡng tại trường hàng ngày, cũng như các cơ sở y tế, nước và vệ sinh thỏa đáng là rất quan trọng. Hiện đang có động lực toàn cầu hướng tới việc thừa nhận tầm quan trọng của hoạt động đầu tư cho bữa ăn tại trường. Mười quốc gia ở châu Á, gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Pakistan và Phlippin, nằm trong số hơn 60 quốc gia trên thế giới cam kết tham gia Liên minh Bữa ăn tại trường Toàn cầu. Chúng tôi khuyến khích có thêm nhiều quốc gia làm theo và đầu tư cho phát triển con người.

Đã đến lúc xây dựng tương lai phía trước tốt hơn và xanh hơn. Đầu tư cho giáo viên, phát triển những phương pháp dạy và học khác biệt, tăng cường sử dụng công nghệ, và áp dụng cách tiếp cận toàn hệ thống có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng giáo dục chưa từng có tiền lệ đang diễn ra trước mắt chúng ta. Hãy sử dụng sức mạnh của nền giáo dục toàn diện làm đầu tàu trong công cuộc này.

*Ville Skinnari là Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác Phát triển của Phần Lan, và Woochong Um là Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).