Giáo dục đạo đức nghề nghiệp
Đạo đức nghề nghiệp là tổng hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực của đạo đức xã hội, của bản thân nghề nghiệp đối với người lao động trong lĩnh vực nghề nghiệp đó nhằm định hướng và điều chỉnh hành vi ứng xử những mối quan hệ của họ trong hoạt động của mình.
Khái niệm đạo đức nghề nghiệp
Khái niệm đạo đức
Đạo đức là một trong những hình thái ý thức xã hội, một hệ thống các quy tắc, chuẩn mực nhằm đánh giá, điều chỉnh hành vi của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đạo đức được thể hiện trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ đó hình thành nên những chuẩn mực, quy tắc đạo đức như đạo đức nghề nghiệp, đạo đức gia đình, đạo đức môi trường, đạo đức lao động… Trên cơ sở này đạo đức xã hội có chức năng giáo dục, điều chỉnh và nhận thức. Lịch sử đã chứng tỏ trong quá trình phát triển của xã hội đã hình thành nên những giá trị đạo đức mang tính chất phổ quát cho toàn nhân loại, tồn tại trong mọi quốc gia, dân tộc, những giai đoạn lịch sử khác nhau cũng như ở các hệ thống đạo đức khác nhau. Đó chính là những chuẩn mực, quy tắc xác định nhằm đánh giá, điều chỉnh hành vi của con người, có tầm quan trọng cho việc ổn định, giữ gìn trật tự xã hội chung và cuộc sống sinh hoạt diễn ra thường ngày của con người.
Khái niệm nghề nghiệp
Theo cách hiểu thông thường nghề nghiệp dùng để chỉ một hình thức lao động trong xã hội theo sự phân công lao động mà con người sử dụng lao động của mình để sáng tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội. Theo Từ điển Tiếng Việt: “Nghề nghiệp là một công việc mà người ta thực hiện trong suốt cả cuộc đời”. Với ý kiến như vậy thì nghề nghiệp được hiểu là một công việc mà con người theo đuổi và thực hiện trong suốt cả cuộc đời để duy trì phát triển đời sống cá nhân, cũng như cho sự tiến bộ của xã hội. Chẳng hạn như nghề y, nghề làm báo, nghề dạy học, nghề kinh doanh… Đó là những nghề cụ thể mà chúng không chỉ tạo ra sản phẩm cho xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển, mà còn tôn vinh những cá nhân, tập thể đã có những đóng góp to lớn cho ngành, nghề của mình. Với lý do này, việc lựa chọn nghề nghiệp là một vấn đề hết sức quan trọng không chỉ đối với từng cá nhân, mà còn đối với cả xã hội nữa. Hơn nữa, bản thân sự lựa chọn này không chỉ có ý kiến về phương diện đời sống vật chất, mà nó còn thể hiện ở khía cạnh tinh thần trong việc định hướng nhân cách, lối sống, giá trị của cá nhân con người lựa chọn đó. Điều này càng khẳng định luận điểm của Ăng ghen khi nhấn mạnh rằng, trong thực tế mỗi giai cấp và đến cả mỗi nghề nghiệp đều có luân lý riêng của nó. Vì vậy, khi bàn về nghề nghiệp của con người trong xã hội không thể không nhân thức đầy đủ khái niệm đạo đức nghề nghiệp.
Khái niệm đạo đức nghề nghiệp
Kể từ khi sự phân công lao động xuất hiện trong lịch sử loài người thì hoạt động nghề nghiệp được xem là phương thức sống, lao động cơ bản nhất của con người. Đồng thời lịch sử đã chứng tỏ rằng, con người muốn tồn tại thì phải thực hiện hoạt động vật chất đầu tiên là lao động và trong quá trình lao động con người đã hình thành nên những tập tục, thói quen, lối sống nhân cách, văn hóa… Đây cũng chính là cơ sở để hình thành nên đạo đức riêng của từng nghề nghiệp hay nói cách khác là đạo đức nghề nghiệp. Như đã đề cập ở trên đạo đức là một trong những hình thái ý thức xã hội, nó phản ánh tồn tại xã hội và chịu sự quy định của tồn tại xã hội. Do vị trí, vai trò cũng như tính chất đặc thù của từng ngành, nghề riêng biệt trong đời sống xã hội mà hình thành nên đạo đức nghề nghiệp. Có thể khẳng định rằng, đạo đức nghề nghiệp là một bộ phận quan trọng của đạo đức xã hội, hay nói cách khác là đạo đức riêng biệt của đạo đức nói chung. Nó thể hiện những yêu cầu đạo đức cụ thể, đặc biệt có liên quan đến quá trình thực hiện một hoạt động nghề nghiệp nào đó.
Đạo đức nghề nghiệp bao gồm các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực của một nghề nghiệp cụ thể, trên cơ sở đó mà các thành viên của ngành nghề đó tự đánh giá, điều chỉnh hành vi của bản thân cho phù hợp với nhu cầu, lợi ích, mục đích và sự tiến bộ của xã hội. Nhờ sự thực hiện tốt và tuân theo những yêu cầu của đạo đức nghề nghiệp mà chất lượng của quá trình lao động được tăng cường, sản phẩm của lao động đáp ứng được những đòi hỏi của người tiêu dùng và xã hội. Ngược lại, khi những nguyên tắc, chuẩn mực của yêu cầu đạo đức nghề nghiệp không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì chúng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghề nghiệp đó. Như vậy, khi đề cập đến đạo đức nghề nghiệp thực chất là muốn nói đến một khái niệm đạo đức nói chung nhưng nó được giới hạn trong phạm vi hẹp hơn, được cụ thể hóa và đặc trưng cho từng nghề nghiệp riêng biệt. Cũng như đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp cũng bao gồm những quy tắc, chuẩn mực được dư luận xã hội công nhận và chúng quy định, điều chỉnh những hành vi ứng xử trong mối quan hệ xã hội, cũng như những hành vi ứng xử của những cá nhân trong quá trình hoạt động của lĩnh vực nghề nghiệp đó.
Từ những khái quát trên, chúng ta có thể quan niệm đạo đức nghề nghiệp là tổng hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực của đạo đức xã hội, của bản thân nghề nghiệp đối với người lao động trong lĩnh vực nghề nghiệp đó nhằm định hướng và điều chỉnh hành vi ứng xử những mối quan hệ của họ trong hoạt động của mình. Cho nên, đạo đức nghề nghiệp được coi là một trong những nội dung quan trọng của công tác giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng. Hơn nữa, đạo đức nghề nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng lao động sản xuất, tăng năng suất chất lượng của công việc, đạo đức nghề nghiệp còn là cách thức để nâng cao sự tín nhiệm của mọi người vào nghề nghiệp, là phương thức nhằm củng cố lòng tin của người dân vào các ngành nghề, các sản phẩm hàng hóa dịch vụ được cung cấp.
Vị trí, vai trò của đạo đức nghề nghiệp
Cùng với sự phát triển của xã hội với hệ thống nghề nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, đạo đức nghề nghiệp cũng không ngừng phát triển và ngày càng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và lành mạnh một lĩnh vực nghề nghiệp nói riêng cũng như xã hội nói chung. Xây dựng đạo đức nghề nghiệp vì thế là một nội dung không thể thiếu trong văn hóa của một cơ quan, tổ chức trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định, thể hiện tính chuyên nghiệp cũng như trình độ phát triển của mỗi lĩnh vực nghề nghiệp. Đối với cá nhân người lao động, xây dựng đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cấu thành nhân cách nghề nghiệp của mỗi cá nhân, toàn bộ những phẩm chất xã hội cấu thành cá nhân người lao động trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định. Chúng ta ai cũng có một nghề nghiệp nhất định (trừ một thiểu số người thất nghiệp hay không có khả năng lao động), do đó, nhân cách nghề nghiệp góp phần tạo nên đặc trưng của nhân cách cá nhân trong giai đoạn cá nhân đó đang cống hiến cho xã hội ở một vị trí nghề nghiệp nhất định. Một người có nhân cách tốt không thể có nhân cách nghề nghiệp tồi và ngược lại. Lịch sử nhân loại đã cho thấy những vĩ nhân có nhân cách lớn lao trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định và được tôn vinh trong lĩnh vực đó.
Trong cuộc đời của một con người, thường có khoảng hơn một nửa thời gian là hoạt động nghề nghiệp, thậm chí đối với nhiều người, hoạt động nghề nghiệp có thể kéo dài gần như suốt cuộc đời. Thành công trong hoạt động nghề nghiệp thường tạo cơ sở, nền tảng để con người đạt được thành công, vinh quang trong cuộc sống. Muốn vươn tới đỉnh cao thực sự trong sự nghiệp con người không thể không có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp có vị trí và vai trò rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi con người. Đó là chìa khóa dẫn đến thành công mọi trong hoạt động nghề nghiệp.
Trong bất cứ ngành nghề nào, ở bất cứ hoàn cảnh nào, nếu không có đạo đức nghề nghiệp, không tuân theo những chuẩn mực đạo đức riêng của từng ngành nghề, con người sẽ không thể yêu nghề, gắn bó với nghề, sống hết mình với nghề mà mình đã lựa chọn và cũng không có tinh thần rèn luyện, phấn đấu để nâng cao tay nghề, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động… Chẳng hạn: Đối với kinh doanh: Đạo đức nghề nghiệp được xem như xương sống, nếu không có đạo đức doanh nghiệp đó sẽ lụi bại, đạo đức mang lại sự uy tín, niềm tin và sự hợp tác lâu dài, một khi đã có đạo đức nhà kinh doanh sẽ có tâm hơn đối với sản phẩm của mình, tạo uy tín với người tiêu dùng, đây là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Đối với giáo dục: Đạo đức nghề nghiệp được xem là thước đo nhân phẩm để thầy cô để kiến tạo những thế hệ tương lai của đất nước. Với những nhà giáo, ý thức đạo đức được rèn luyện nghiêm khắc hơn bất kì ngành nghề nào bởi không ai hiểu đạo đức nghề nghiệp quan trọng như thế nào đối với sự nghiệp trồng người, vun đắp và thắp sáng cái thiện tạo ra những mầm non tương lai cho xã hội. Với y học: Đạo đức nghề nghiệp được khái quát thành lương tâm, lương tâm sẽ là động lực phát huy cái thiện, sự hy sinh để cứu người, một ngành nghề đòi hỏi sự cẩn thận, chuyên tâm, đạo đức nghề nghiệp là nền tảng, là niềm tin để con người yêu lao động cống hiến cho hạnh phúc nhân loại…
Không có đạo đức nghề nghiệp, lao động đối với con người chỉ còn mang tính bắt buộc chứ không mang tính “tự nguyện”, “tự giác”. Không có đạo đức nghề nghiệp, công việc đối với mỗi người chỉ còn là “gánh nặng” chứ không phải “niềm vui”. Khi mới 17 tuổi, trong luận văn tốt nghiệp trung học của mình, C.Mác đã từng viết rằng, “nếu ta chọn một nghề trong đó ta có thể làm việc được nhiều hơn cho nhân loại, thì ta không còng lưng dưới gánh nặng của nó, bởi vì đó là sự hy sinh vì mọi người. Những việc làm của ta sẽ sống một cuộc sống âm thầm nhưng mãi mãi có hiệu quả, và trên thi hài của chúng ta sẽ nhỏ xuống những giọt nước mắt nóng bỏng của những con người cao quý”.
Giáo dục đạo đức nghề nghiệp – Khái niệm và cấu trúc
Khái niệm giáo dục đạo đức nghề nghiệp
Giáo dục đạo đức là quá trình biến đổi hệ thống chuẩn mực đạo đức từ những yêu cầu của bên ngoài, bên trong của cá nhân thành niềm tin, nhu cầu, thói quen của người được giáo dục. Trên cơ sở là các yếu tố quan trọng của nội hàm khái niệm đạo đức là ý thức đạo đức, tình cảm đạo đức, và hành vi đạo đức, tiến trình giáo dục đạo đức cũng bao hàm cả ba yếu tố này nhằm tạo nên những con người có đạo đức đáp ứng với những đòi hỏi của xã hội. Có thể nói rằng, giáo dục đạo đức là một phần quan trọng của nội dung giáo dục toàn diện con người, đồng thời cũng là tiến trình kết hợp nâng cao trình độ nhận thức với sự hình thành thái độ, xúc cảm, tình cảm, niềm tin và hành vi, thói quen đạo đức của người được giáo dục.
Như vậy, giáo dục đạo đức nghề nghiệp chính là quá trình chuyển đổi những nguyên tắc, những lý tưởng, quan điểm, chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp thành những phẩm chất đạo đức cá nhân, thành niềm tin và tri thức, thành nhu cầu, tình cảm của đạo đức, thành trách nhiệm và nghĩa vụ, thành năng lực sáng tạo, ý chí và động cơ cá nhân mỗi người trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định. Giáo dục đạo đức nghề nghiệp cũng không nằm ngoài mục tiêu giáo dục con người Việt Nam nói chung, nhằm hướng tới: “mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Cấu trúc quá trình giáo dục đạo đức nghề nghiệp
Giáo dục đạo đức nghề nghiệp là một quá trình biện chứng với sự kết hợp của nhiều yếu tố như: Chủ thể giáo dục; mục tiêu, nội dung giáo dục; đối tượng giáo dục; phương thức/hình thức giáo dục.
Chủ thể giáo dục đạo đức nghề nghiệp là những tập thể và cá nhân tham gia vào quá trình giáo dục đạo đức nghề nghiệp gồm có: các cơ sở giáo dục (nghề nghiệp), các tổ chức, doanh nghiệp và bản thân người học của lĩnh vực nghề nghiệp đó.
Đối tượng giáo dục đạo đức nghề nghiệp là những người đang hoặc chuẩn bị làm việc trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất. Đây là lực lượng có trình độ và yêu thích lĩnh vực nghề nghiệp nhất định. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm sống, kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp, vì vậy, cần có quá trình giáo dục toàn diện về kiến thức, kỹ năng và đạo đức, thái độ để những người này hoàn thiện bản thân và trở thành người làm nghề chuyên nghiệp trong tương lai.
Mục tiêu giáo dục đạo đức nghề nghiệp bao gồm các điểm chính sau đây:
-
Một là, người học hiểu đúng và đủ kiến thức căn bản về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, vai trò của việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp.
-
Hai là, người học có kỹ năng phân tích, nhận diện, đánh giá đúng các quan điểm, thái độ và hành vi theo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà mình theo đuổi.
-
Ba là, người học thực hành các hành vi chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thể hiện trong quá trình đào tạo tại cơ sở đào tạo, các cơ quan, doanh nghiệp.
Như vậy, đạo đức nghề nghiệp là nhân tố cơ bản có vai trò quyết định nhất đến sự thành công trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi con người vì sự phát triển và tiến bộ của nhân loại. Đánh mất đạo đức nghề nghiệp là con người đã đánh mất giá trị tồn tại đích thực của bản thân mình bởi vì chỉ có thông qua hoạt động nghề nghiệp con người mới khẳng định được vị trí và vai trò của mình trong xã hội. Do vậy, giáo dục đạo đức nghề nghiệp chính là để hình thành nhân cách nghề nghiệp của mỗi chủ thể, hướng con người vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ trong hoạt động nghề nghiệp.
PGS, TS. Trần Hải Minh
Ngày cập nhật: 2021-08-11 21:44:38