Giáo dục đặc biệt, công việc của những con người đặc biệt
Những năm trở lại đây, việc đào tạo giáo viên ngành Giáo dục đặc biệt tại các cơ sở giáo dục đã được chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đặc biệt vẫn đang thiếu trầm trọng giáo viên đúng ngành và có chuyên môn cao.
Công việc dành cho những người đặc biệt yêu trẻ
Ngành giáo dục đặc biệt là chương trình giáo dục thiết kế dành riêng cho trẻ có nhu cầu đặc biệt (chậm phát triển về tinh thần/thể chất/tình cảm nên gây ảnh hưởng đến sự phát triển tổng thể của trẻ).
Ngành Giáo dục đặc biệt sẽ sử dụng đến các phương pháp và chương trình, nội dung giảng dạy có tính thích nghi và phù hợp hơn với từng trẻ hoặc nhóm trẻ có những biểu hiện tương đồng.
Việc đào tạo các cử nhân từng loại trong lĩnh vực ngành này là điều vô dùng quan trọng vì cần đầy đủ cả phẩm chất đạo đức, sức khỏe chăm sóc, năng lực giáo dục.
Theo Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hệ thống Giáo dục đại học có 3 cơ sở đào tạo được đào tạo ngành Giáo dục đặc biệt trình độ đại học, gồm Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Thủ đô Hà Nội với tổng số lượng tuyển sinh năm 2020 là 87 sinh viên.
Ngành Giáo dục đặc biệt hiện nay được đầu tư với quy mô mở rộng, số lượng và chất lượng đầu vào, đầu ra ngày càng tăng lên.
Tại Trường Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh, năm 2014 – 2017 Khoa Giáo dục đặc biệt đào tạo được 211 cử nhân, gấp 2 lần so với năm 2010. [1]
Thế nhưng, các cơ sở giáo dục đặc biệt vẫn luôn thiếu giáo viên được tuyển dụng đúng ngành nghề, chuyên môn. Thậm chí, số đông giáo viên trong một số cơ sở là tốt nghiệp sư phạm tiểu học, hoặc chỉ được học qua các khoá đào tạo ngắn hạn.
Thực tế là một số trung tâm giáo dục chuyên biệt công lập chưa đảm bảo thực hiện các chương trình đổi mới; đãi ngộ cho các giáo viên giáo dục đặc biệt tại các cơ sở công lập chưa phù hợp; môi trường lao động đặc thù nhưng thu nhập chưa tương xứng… nên nhiều học sinh, sinh viên chưa chọn ngành này để học tập và làm việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo”.
Thông thường các bạn trẻ quyết định theo một ngành nghề nào đó là vì tương lai sau khi ra trường lương cao hoặc có tính ổn định, nhưng đối với ngành giáo dục đặc biệt thì những người lựa chọn học tập và theo đuổi ước mơ, phải có một tấm lòng lương thiện, đặc biệt yêu trẻ.
Họ dùng cả cái tâm chân thành của mình học tập để tương lai thực hiện việc dạy dỗ, để yêu thương, để chia sẻ và để xoa dịu những nỗi đau mà những học trò kém may mắn của họ phải chịu.
Tại đó, họ không chỉ có mối quan hệ đơn thuần giữa thầy cô và học trò, giáo viên ngành giáo dục đặc biệt sẽ trở thành những thành viên trong gia đình.
Bởi đối với những đứa trẻ đặc biệt, phải thật thân thiết, các thầy cô mới có thể can thiệp vào đời sống tâm hồn vốn dĩ “phức tạp” của các em.
Theo Bác sỹ, Nhà giáo Đỗ Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Hy vọng (Ba Đình, Hà Nội) thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hà Nội: “Nếu đã dành quan tâm cho trẻ em đặc biệt thì phải dành trọn cả cuộc đời, với yêu thương chân thành nhất.
Những đứa trẻ đặc biệt là những đứa trẻ đáng được yêu thương nhất trên cuộc đời. Trung tâm của tôi có rất nhiều trẻ mắc hội chứng tự kỷ và tỷ lệ của những đứa trẻ này trở thành thiên tài trong một lĩnh vực nào đó rất ít, thậm chí hiếm.
Vì là những đứa trẻ đặc biệt, chúng ta cũng nên yêu thương các con bằng một trái tim đặc biệt. Đừng đặt kỳ vọng quá cao, bởi các con đang cố gắng từng giờ tìm lại “sự bình thường”, đó là một điều kỳ diệu”.
Dành gần trọn cuộc đời mình cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ mắc hội chứng tự kỷ, là giám đốc của một trung tâm chăm sóc, dạy dỗ trẻ đặc biệt, tuổi cũng đã cao nhưng đến nay nhà giáo Đỗ Thúy Nga vẫn luôn lấy tôn chỉ làm việc trong ngành này là “phải lấy tâm làm gốc.
Giáo dục đặc biệt là ngành học sư phạm khó nhất trong các ngành sư phạm. Một giáo viên dạy giáo dục đặc biệt không chỉ sáng tạo trong soạn giáo án, mà phải thương yêu học sinh của mình bằng cả trái tim.
Nếu giáo dục đặc biệt mà không dùng những tình cảm đặc biệt thì không thể đồng hành cùng các em lâu dài trên chặng đường có vô vàn khó khăn.
Tôi vẫn thường nói với các bạn trẻ rằng, để đi cả chặng đường, trẻ đặc biệt còn vất vả hơn chúng ta. Chúng ta chỉ là người đồng hành trong một giai đoạn nào đó, nhưng những đứa trẻ không may mắn ấy và gia đình họ thì vất vả lắm nên hãy đồng cảm, yêu thương và chia sẻ để thúc đẩy, giúp các cháu bé sớm hoà nhập với cộng đồng. Đấy là cái đích hướng tới của những đứa trẻ đặc biệt”.
Giáo dục đặc biệt là ngành học, ngành dạy những học sinh đặc biệt, từ những người làm thầy đặc biệt. Với họ, tình yêu thương là phương pháp dạy học tốt nhất, hiệu quả nhất dành cho mỗi đứa trẻ thiếu may mắn.
Giáo viên phải trau dồi kiến thức và kinh nghiệm mỗi ngày
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Khó khăn lớn nhất mà ngành Giáo dục đặc biệt trong quá trình đào tạo là thường xuyên cập nhật các nội dung mới của quốc tế nhưng môi trường thực hành, thực tập tại các trung tâm chuyên biệt công lập còn hạn chế nên khó có thể triển khai hết các nội dung được đào tạo tại các cơ sở đào tạo”.
Thay vì cả lớp có cùng một bài giảng như các lớp học bình thường thì đối với giáo viên dạy trẻ đặc biệt, mỗi em cần một bài giảng riêng, một giáo án riêng thậm chí bài giảng, giáo án phải thay đổi theo phút, theo giờ.
Dạy một đứa trẻ đặc biệt các giáo viên không chỉ vận động mỗi chất xám của mình để truyền đạt. Đối với một số trẻ đặc biệt, thầy cô còn áp dụng cả những bài hoc về thể lực, dinh dưỡng… Chính vì thế, giáo viên ngành Giáo dục đặc biệt lắm khi là tổng thể của tất cả các môn học văn, thể, mỹ…
Một trong những giáo viên trẻ tâm huyết, dành thời gian, tuổi trẻ, tiền bạc cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ, cô Nguyễn Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 8 (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Đến với ngành Giáo dục đặc biệt như một cơ duyên. Bản thân cũng phải trau dồi kiến thức. Từ một giáo viên sư phạm mầm non, mình học thêm những lớp học ngắn hạn, dài hạn chuyên sâu để hiểu hơn về trẻ tự kỷ.
Các giáo viên được tuyển dụng vào trường khá kĩ lưỡng. Bằng cấp là một chuyện để đúng và đủ chuyên môn. Điều quan trọng nhất đối với một giáo viên dành cho lớp học đặc biệt đó là tình thương.
Trường mình đón nhận các em thực tập sinh tại các trường sư phạm chuyên ngành Giáo dục đặc biệt. Các em làm quen, gắn bó với từng lớp.
Mình cũng nói với các em, đối với ngành này, hạnh phúc chỉ cần đồng hành cùng học sinh mỗi ngày, những đứa trẻ vốn đặc biệt là thế mà cũng hồn nhiên, đáng yêu là thế, hãy yêu thương một cách chân thành nhất thì mới không nhận thấy sự vất vả.
Một sinh viên tốt nghiệp về trường không được đứng lớp ngay, các bạn có một thời gian làm việc cùng các cô có chuyên môn chính khá dài, phải trải qua rất nhiều lần dự giờ, kiểm tra… mới được đứng lớp riêng.
Có lẽ vì ngành này cũng vất vả, nên hiện nay tại cơ sở có 5 giáo viên chính đúng chuyên môn, 2 giáo viên đang đi học thêm chuyên sâu.
Đối với trẻ đặc biệt, dù chuyên môn cao bao nhiêu nhưng không tận tâm thì không thể làm được, và ngược lại”.
Hiện nay, với 9 lớp học bình thường của cơ sở mầm non, cô Lan Anh cùng các đồng nghiệp tổ chức được 4 phòng học dành riêng cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ sau giờ học hòa nhập.
Khi xã hội này không thiếu những kẻ dựa vào khó khăn của những gia đình có con em là trẻ đặc biệt để kiếm chác, lợi lộc thậm chí bạo hành, lợi dụng làm những việc xấu.
Chắc chúng ta chưa thể quên những hình ảnh bạo hành trẻ đặc biệt trước đây đã từng được lên án và xử lý. Sự vô nhân tính, độc ác là những gì được phơi bày sau vỏ bọc trung tâm giáo dục đặc biệt.
Thế mà, ngay giữa thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, có ngôi nhà là mầm non 8, học phí mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 400 nghìn đồng cho tất cả các hoạt động dành cho trẻ đặc biệt.
Cô Lan Anh tâm sự: “Mình đã và đang cố gắng làm tất cả cho các con trong sự yêu thương. Nhưng vì khả năng của mình có hạn nên rất nhiều phụ huynh mình đành từ chối.
Những đứa trẻ theo học các năm tại trường đã có tiến triển, mình cũng trăn trở rồi liệu lên lớp trên, giáo viên, bạn bè và gia đình còn đồng hành và hiểu con như lúc con ở trường mầm non không?
Những suy nghĩ, băn khoăn đó chưa bao giờ dứt trong thâm tâm mình. Chính vì thế mình và các đồng nghiệp luôn chỉ biết cố gắng thật nhiều.
Chỉ mong nhà nước sẽ còn đào tạo ra nhiều sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt tâm huyết và đồng hành lâu dài cùng trẻ đặc biệt”.
Những năm gần đây, số trẻ đặc biệt có số lượng ngày càng tăng, có xu hướng tăng cao khi xã hội hóa, công nghiệp hóa, chính vì thế nhu cầu về những lớp học dành cho trẻ đăc biệt ngày càng lớn.
Để một lớp học thành công, những đứa trẻ cần những người thầy, người cô vừa có tâm, vừa có chuyên môn để cùng đồng hành trên con đường vất vả ấy.
Xin nhắc lại lời của nhà giáo Đỗ Thúy Nga: “Trong hành trình dài hơi ấy, những đứa trẻ đặc biệt là người đua chính, chúng ta là người đồng hành, nên không được ngại vất vả, hãy xem đó là niềm vui, là hạnh phúc, dù nở muộn nhưng thiêng liêng”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://hcmue.edu.vn/vi/khoa-bo-mon/khoa-gddb
Cao Kim Anh