Giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non tại Hà Tĩnh
Trong năm học 2021-2022, các trường mầm non ở Hà Tĩnh đã chú trọng đến giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ bằng nhiều hình thức linh hoạt, hấp dẫn, mang ý nghĩa thiết thực.
Trẻ tham gia giao lưu trình diễn thời tranh chủ đề “Vì một môi trường xanh” tại trường MN thị trấn Vũ Quang.
Việc giáo dục về môi trường trong trường mầm non hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển ý thức ở trẻ. Đây cũng là bước đầu hình thành những năng lực cần thiết để trẻ tham gia vào hoạt động thực tế tìm hiểu và giữ gìn môi trường phù hợp với lứa tuổi.
Từ việc tổ chức lau dọn bàn ghế, sắp xếp đồ chơi, xả rác đúng nơi quy định, hoặc tổ chức cho trẻ tham gia trồng cây, tưới rau, tưới hoa… đều là những hoạt động mà trẻ rất hào hứng nên giáo viên có thể tổ chức cho trẻ tham gia hằng ngày. Khi tham gia hoạt động này trẻ sẽ thấy được ý nghĩa thiết thực của việc trồng cây tạo ra môi trường xanh, sạch, đẹp.
Cùng với đó là các phong trào thu gom và phân loại rác thải, tái chế rác thải. Thông qua nội dung này sẽ giúp trẻ hiểu được cần phải tận dụng các nguyên vật liệu phế thải để tái chế thành các đồ dùng, đồ chơi sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày nhằm tiết kiệm được tiền của đồng thời làm giảm bớt lượng rác thải ra môi trường giữ cho môi trường trong sạch hơn. Việc thường xuyên trò chuyện và đặt câu hỏi cho bé về các vấn đề môi trường cũng giúp trẻ em phát triển trí tuệ, hiểu được sự quan trọng của môi trường trong lành.
Trẻ thu gom rác thải ở trường MN Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh.
Ngoài ra, những giải pháp tích hợp giáo dục môi trường trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cũng cần được chú trọng. Trong giờ hoạt động văn học, trẻ được nghe câu chuyện về thiên nhiên tươi đẹp, những việc làm có lợi, có hại đối với môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm và tác hại. Cô cho xem các bài giảng điện tử về câu chuyện để trẻ hứng thú nhớ lâu hơn.
Trong giờ làm quen môi trường xung quanh, trẻ sẽ được quan sát trên máy tính tranh ảnh và các âm thanh của các hiện tượng thời tiết, làm những thí nghiệm đơn giản như cây cần gì để sống và phát triển, thí nghiệm lọc nước bẩn, quan sát sự phát triển của cây, ích lợi của cây cối đối với đời sống con người, qua đó giáo dục trẻ không ngắt lá bẻ cành, xả rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường. Chăm sóc các con vật nuôi, dọn dẹp vệ sinh chuồng, trại… đều là việc làm góp phần làm môi trường thêm sạch đẹp.
Trong giờ tạo hình, cô sẽ dạy trẻ cắt dán, xé dán, vẽ thể hiện sự hiểu biết của mình về môi trường, đường phố sạch đẹp, các loại cây cối, vườn hoa…
Có thể thấy, các giải pháp linh hoạt về tổ chức giáo dục và bảo vệ môi trường trong các khối trường mầm non hiện nay chính là đã góp phần hình thành nề nếp cho trẻ thói quen, nhận thức về bảo vệ môi trường sống và hình thành nhân cách con người trong tương lai.