Giáo dục Việt Nam từ 1975 đến 1986 – Chào mừng bạn đến với website của Đoàn Thị Hồng Điệp

Tạo bài viết mới
Giáo dục Việt Nam từ 1975 đến 1986

Trong những năm đầu thống nhất đất nước. Tháng 4-1975, cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn. Sau ngày chiến thắng, đối với lĩnh vực giáo dục ở các tỉnh miền Nam, Chính phủ tập trung vào hai nhiệm vụ: (i) Xoá bỏ tàn dư của nền giáo dục cũ; (ii) Thực hiện xoá mù chữ cho nhân dân trong độ tuổi 12-50.

 

Về nhiệm vụ thứ nhất, Bộ Giáo dục đã khẩn trương xây dựng và ban hành hành chương trình 12 năm mới, biên soạn và in 20 triệu bản sách giáo khoa theo chương trình đó để thay thế sách giáo khoa cũ ở miền Nam. Hầu hết giáo viên của chế độ cũ được tuyển dụng lại; đồng thời, thực hiện công lập hoá trường tư thục, tách nhà trường ra khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, đưa dần toàn bộ trường tư vào sự quản lý của nhà nước.

Về nhiệm vụ thứ hai, Chính phủ chủ trương nhanh chóng xoá nạn mù chữ và đẩy mạnh bổ túc văn hoá, xem đó là nhiệm vụ cấp bách số một. Một lần nữa, hoạt động xoá nạn mù chữ trở thành một biểu hiện của lòng yêu nước, thu hút hàng triệu người tham gia giảng dạy, học tập hoặc giúp đỡ người học. Đầu năm 1978, tất cả các tỉnh và thành phố miền Nam đã căn bản xoá nạn mù chữ. Trong tổng số 1.405.870 người đã được xác định không biết chữ, đã có 1.323.670 người thoát nạn mù chữ, đạt 94,14% kế hoạch.

Cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba

Trong khi thực hiện những nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt đối với giáo dục miền Nam và tiếp tục phát triển giáo dục ở miền Bắc, Đảng và Chính phủ cũng khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc cải cách giáo dục nhằm tiến tới một nền giáo dục quốc dân thống nhất phù hợp với chiến lược tái thiết và phát triển đất nước.

Ngày 11-1-1979, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục, theo đó, những định hướng có tính nguyên tắc cho cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba này là:

– Về mục tiêu giáo dục: Chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành nhằm tạo cơ sở ban đầu cho con người phát triển toàn diện; thực hiện phổ cập giáo dục toàn dân nhằm tạo điều kiện thực hiện 3 cuộc cách mạng (về quan hệ sản xuất, về khoa học – kỹ thuật và về văn hoá – tư tưởng); đào tạo và bồi dưỡng với quy mô ngày càng lớn đội ngũ lao động phù hợp yêu cầu phân công lao động xã hội.

– Về nội dung giáo dục, hướng vào việc “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện [đức, trí, thể, mỹ], tạo ra những lớp người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân …”

– Về nguyên lý giáo dục, yêu cầu học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động, nhà trường gắn liền với xã hội.

– Về hệ thống giáo dục, thay thế hệ thống phổ thông 12 năm ở miền Nam và hệ thống 10 năm ở miền Bắc bằng một hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm mới, trong đó, trường cấp I và trường cấp II được sáp nhập thành trường phổ thông cơ sở (chín năm), đồng thời chuẩn bị phân ban ở trung học phổ thông. Nhiều trường đại học chuyên ngành được xây dựng và phát triển.

Đồng thời với việc ra nghị quyết xác định phương hướng cải cách giáo dục, Bộ Chính trị cũng đã quyết định thành lập Uỷ ban Cải cách giáo dục của Trung ương và Chính phủ. Tổ chức này có ba nhiệm vụ:

– Chỉ đạo nghiên cứu và xây dựng các đề án về chủ trương, kế hoạch và biện pháp thực hiện;

– Kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương;

– Chuẩn bị dự luật cải cách để trình Quốc hội.

Cuộc cải cách giáo dục lần này được triển khai bắt đầu từ năm học 1981-1982. Việc thay sách giáo khoa ở các cấp học phổ thông, một nhiệm vụ quan trọng nhất của cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba, đã hoàn thành vào năm 1996, tạo ra sự thống nhất về giáo dục phổ thông trong cả nước.  Riêng về nội dung giáo dục, so với các chương trình giảng dạy và học tập trước đó, chương trình cải cách mang nhiều yếu tố hiện đại hơn, do đó tạo ra tiền đề chất lượng giáo dục có thể đạt tới trình độ cao hơn trước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cuộc cải cách lần này đã gặp rất nhiều khó khăn và bộc lộ một số hạn chế. Hạn chế lớn nhất là, mục tiêu và giải pháp thiếu tính khả thi, như muốn phát triển quy mô lớn, muốn bao cấp về giáo dục cho mọi đối tượng, muốn phổ cập giáo dục toàn dân,… Trong khi đó lại thiếu sự chuẩn bị về nguồn lực và sự thực không thể bảo đảm về nguồn lực do chiến tranh biên giới và kinh tế suy thoái. Một ví dụ cụ thể về giải pháp thiếu tính khả thi của cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba, biểu hiện của cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, là việc sáp nhập trường cấp I và cấp II thành trường phổ thông cơ sở (chín năm). Vì các điều kiện thực tế không cho phép (đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý không đủ năng lực; trường sở, thiết bị thiếu thốn …) nên những trường đã sáp nhập sau một thời gian đều phải tách trở lại. Về mặt quan niệm, tư tưởng bao cấp nặng nề, nhấn mạnh giáo dục là “phúc lợi xã hội” đã cản trở sự phát triển giáo dục. Với quan niệm đó, khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, kinh phí giáo dục chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ sau khi đã ưu tiên bố trí cho các khu vực khác. Đối với người dân, từ đó sinh ra tư tưởng ỷ lại, xem chi phí học hành của con em, ngay cả học nghề hay học đại học, cũng dựa vào sự bao cấp của nhà nước. Tư tưởng này hoàn toàn không phù hợp với một nước nghèo và chậm phát triển như Việt Nam, nhất là trong bối cảnh sau một cuộc chiến tranh kéo dài, kinh tế khủng hoảng.

ảnh: sinh viên Đại học

Nhắn tin cho tác giả

Số lượt xem: 22797 Đoàn Luyến)

Số lượt thích: 2 người ( Trần Khánh Linh

Đoàn Thị Hồng Điệp @ 17:51 02/11/2010Số lượt xem: 22797