Giáo dục Việt Nam ‘chậm lớn’
Giáo dục có chức năng là “tải đạo, tải giá trị” nghìn năm văn hiến của dân tộc tới người học.
1. Giáo dục cũ và giáo dục mới đối nghịch
Giáo dục và Đào tạo (giáo dục) Việt Nam, tạm chia thành 5 giai đoạn phát triển: Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, từ năm 1945 đến năm1954, từ năm1954 đến năm1975, từ năm1975 đến năm 1986 và từ năm 1986 đến nay. Đại hội VI của Đảng vào tháng 12 năm 1986 đã mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam. Vì vậy, giai đoạn từ 1986 đến nay cũng được hiểu là thời kỳ đổi mới giáo dục, thời kỳ giáo dục có điểm tựa và bứt phá vượt lên.
Qua cả 5 giai đoạn phát triển của giáo dục nước nhà, chúng ta vẫn giữ quá lâu cách làm giáo dục cũ với quan niệm kiểu “vĩnh cửu hay bất biến”. Giáo dục bị áp đặt từ bên ngoài, đồng loạt lên tất cả trẻ em. Lấy kinh nghiệm của người lớn và thông qua giáo viên để “dạy” lại cho trẻ và khi ấy người thày chỉ biết thừa hành làm đúng những gì nội dung trong sách giáo khoa (SGK) đã ghi. Nội dung SGK chứa đầy kiến thức hàn lâm, kinh viện và còn được coi là pháp lệnh cho tất cả học sinh và các trường trong cả nước. Tuy giáo dục có thay SGK tới 3 lần, nhưng về cơ bản, vẫn theo chương trình và triết lý giáo dục cũ.
Học sinh học thụ động, ngồi yên, “đóng đinh” trên ghế, chỉ biết nghe và làm theo lệnh từ giáo viên.
Tư duy nền giáo dục còn chậm, chưa theo kịp với tốc độ phát triển đổi mới của đất nước trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển và hội nhập quốc tế. Chúng ta đang thay đổi giáo dục quá chậm, giáo viên đang ngụp lặn trong cái tụt hậu so với thế giới.
Nhiều chuyên gia giáo dục nước ngoài khi tới thăm các trường, đều có chung nhận xét: Giáo dục của Việt Nam quá lạc hậu, dạy và học không khác gì nhiều so với ở thời kỳ của những năm đầu thế kỷ 19. Có thể hiểu giáo dục của chúng ta là giáo dục kiểu cổ truyền, giáo dục “đồng phục”, lấy những kiến thức cũ cùng kinh nghiệm, cách tư duy cũ mà truyền thụ lại cho các thế hệ trẻ ở mọi nơi, mọi lúc và mọi vùng miền ở cả nước.
Giáo dục phải đổi mới nếu không muốn Việt Nam đi sau quá xa so với nhiều nước khác trên thế giới.
Hiện tại chúng ta có 1,3 triệu giáo viên. Tuy nhiên, theo thống kê cho thấy có trên 60% giáo viên năng lực không đảm bảo để có thể làm chủ phương pháp dạy học mới. Đối với những hoạt động khác biệt và rất then chốt của giáo dục hiện đại, như tổ chức hoạt động học cho học sinh, dạy tích hợp liên môn, dạy trải nghiệm hay giáo dục STEM là quá xa lạ với nhiều nhà trường.
Mô hình trường học mới, được coi là một đột biến trong giáo dục, đã thay đổi phương pháp dạy: chuyển dạy học từ chủ yếu “thày nói trò ghi” sang “thày hướng dẫn để trò tự học”. Mặc dù mô hình đã mở rộng cho hàng vạn trường nhưng sau đó cũng tự phải thu hẹp dần phạm vi triển khai. Lý do cơ bản là cách dạy học cũ dễ làm, quá quen thuộc và đã tồn tại, ăn sâu qua nửa thế kỷ với nhiều thế hệ giáo viên. Giờ ai cũng thấy rất khó thích nghi, khó thay đổi theo cách dạy học hiện đại, rất mới và rất xa lạ với hầu hết giáo viên.
2. Giáo điều và bảo thủ ngáng trở
Giáo điều và bệnh giáo điều, rộng hơn là chủ nghĩa giáo điều là khuynh hướng và hành động muốn tuyệt đối hóa lý luận, coi thường hạ thấp kinh nghiệm thực tiễn và tuyệt đối hóa tri thức trong sách vở. Còn bảo thủ và bệnh bảo thủ, rộng hơn là chủ nghĩa bảo thủ là luôn ủng hộ truyền thống và chỉ muốn thay đổi từ từ. Cố giữ và bảo tồn trạng thái hiện tại và tìm cách quay lại các giá trị đã có trong quá khứ. Giáo điều và bảo thủ dẫn đến trì trệ, “bình chân như vại” và chắc chắn là không muốn đổi mới.
Có thể nói, giáo điều và bảo thủ chính là “kẻ thù” của mọi công cuộc đổi mới. Đối với giáo dục còn có thêm “kẻ thù” nữa: Chính lại là bản thân giáo dục. Ý kiến của nhiều chuyên gia khoa học cho rằng, giáo dục là ngành rất bảo thủ, nằm ngay trong cách nghĩ và cách quản lý của mình.
12 năm học phổ thông, học sinh của chúng ta, học Văn thì rập khuôn theo bài mẫu, học Toán thì học thuộc cách giải trong các bộ đề. Chính cách dạy “khuôn mẫu”, bảo thủ như thế sẽ tạo ra sức ỳ rất lớn cho học sinh. Thử hỏi làm sao có thể hy vọng đổi mới và sáng tạo cho thế hệ tương lai.
Giáo dục cũ có mục tiêu là cung cấp kiến thức, “nhồi” đầy kiến thức vào người học nên không cần nhiều lý luận. Giáo dục mới phải trang bị mới lý luận dạy học hiện đại. Cuối thế kỷ trước, giáo dục Canada cũng tiến hành đổi mới giáo dục theo hướng đầu ra phát triển năng lực người học. Họ cần tới 3 năm để dạy lại các nguyên lý, lý thuyết dạy học cho 100% giáo viên trước khi triển khai đổi mới giáo dục. Sức ỳ của quá khứ cộng với không có lý luận giáo dục mới, là trở ngại kép, làm khó cho đổi mới giáo dục ở Việt Nam.
…Đổi mới giáo dục như thế nào đây khi mà bệnh giáo điều và bệnh bảo thủ vẫn còn lan tràn và trở thành mãn tính.Thật khó cho một sớm một chiều sẽ đẩy lùi được bạo bệnh và thúc đẩy giáo dục nước nhà phát triển.
3. Môi trường xã hội tác động
Môi trường gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội rộng lớn có vai trò quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới mọi hoạt động sư phạm và có ảnh hưởng trực tiếp tới người dạy và người học.
Hệ giá trị Việt Nam sau hơn 30 năm đã được xác lập khuôn mẫu mới, tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, đang ẩn chứa một số vấn đề cản trở sự phát triển của đất nước. Hệ giá trị bị lệch chuẩn, thói vụ lợi, thực dụng, giả dối, thiếu đức tin . . . tạo ra sự bất cập, khó khăn cho đổi mới giáo dục. Có một thời gian dài, do thiếu giáo viên, nên nhà nhà, ồ ạt đưa con đi học sư phạm. Từ đó chất lượng đào tạo thấp, khó đủ năng lực đứng lớp chứ đừng nói tới năng lực đổi mới giáo dục. Cơ chế thị trường, mua bán bằng cấp, thật giả lẫn lộn, dẫn đến chất lượng giáo dục méo mó. Thực tại này làm khó thêm cho việc triển khai đồng bộ các hoạt động đổi mới giáo dục.
Đời sống nhà giáo cơ bản được cải thiện, nhất là các vùng biên, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên so với mặt bằng chung cả nước, giáo dục vẫn là ngành “ ba cọc, ba đồng”. Giáo viên còn phải bươn trải, kiếm sống, lo cho gia đình. Thực tế này thật khó mong muốn họ có tâm huyết, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp đổi mới giáo dục. Các cơ sở phải dành trên 80% kinh phí chi cho con người, số còn lại quá nhỏ bé để chi cho các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn.
Giáo dục có chức năng là “tải đạo, tải giá trị” nghìn năm văn hiến của dân tộc tới người học. Do đó, giáo dục chứa trong nó là văn hóa nhà trường, văn hóa gia đình, văn hóa xã hội và văn hóa nguyên chất người Việt.
4. “Tài thánh” nào đây?
Đổi mới giáo dục bao giờ cũng là vấn đề lớn, thách thức cho mỗi giáo viên và mỗi nhà trường. Phải vượt qua sức ỳ của quá khứ và áp lực, khó khăn khi xây dựng cái mới. Vô hình trung lại thêm việc, mất thêm thời gian và xáo trộn cuộc sống thường nhật. Nguy cơ đẩy ra lề công cuộc đổi mới do không phù hợp hoặc thiếu năng lực thích nghi. Đó là những thực tế nhãn tiền. Đổi mới là phải làm lại, cải tạo cái cũ, phá bỏ quan niệm cũ của chính mình và đôi khi mất quyền lợi vật chất của mình đang hưởng. Không ít người tìm cách chống lại đổi mới với những biện minh khôn khéo, sắc bén của mình.Thực tế thấy rằng, cái bóng của một thời đã qua càng lớn, khi rũ bỏ nó để đổi mới, càng khó khăn hơn nhiều.
Việc tỉnh táo để nhận thức được những lực cản chính đang kìm hãm chúng ta, hoặc đang có nguy cơ làm chệch hướng, lạc đường phát triển của giáo dục là cực kỳ quan trọng. Phải bằng kinh nghiệm, bằng lý trí và tư duy khoa học để chỉ ra được mặt mạnh, mặt yếu và hướng đi của giáo dục. Tập trung nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phát triển giáo dục của các nước phát triển là rất cần thiết.
Luật Giáo dục đã sửa đổi. Quy định “mỗi môn học có một hoặc một số SGK” đã có. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành. Đây là các điều kiện, là những hành lang pháp lý đủ mạnh cho đổi mới giáo dục. Những thuận lợi đó có thực sự đi vào đời sống giáo dục (vốn đang trăm bề ngổn ngang) lại phụ thuộc vào “cái đầu” và mức độ quyết tâm thay đổi của người cầm lái “con thuyền” giáo dục ở cấp Trung ương và địa phương. Một khi quỹ thời gian học không đủ, sĩ số học sinh vượt chuẩn, cơ sở vật chất không đáp ứng, thiếu phương tiện học tập trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và hiệu trưởng, giáo viên không tự thay đổi . . . thì không có “tài thánh” nào giữ con thuyền đi đúng hướng và với tốc độ nhanh lên được.
“Thày già, con hát trẻ” là hay, nhưng phải là những thày già có sức khỏe, có tư duy nhanh nhạy, đam mê đổi mới. Lớp giáo viên trẻ ngày nay, đa phần được đào tạo bài bản và có được những kỹ năng đặc thù của nhà giáo thế kỷ 21. Tuy ít trải nghiệm nhưng giáo viên trẻ có tinh thần đổi mới rất mạnh mẽ và họ luôn sẵn sàng thay đổi. Bởi chính họ là người chủ của tương lai, là những người không phải chịu bất kỳ sự níu kéo nào của quá khứ. Giáo dục là ngành đặc thù, không thể cực đoan mà làm khác đi được. Vẫn phải chấp nhận “bình cũ” là những giáo viên hiện tại (tất nhiên đã qua sang lọc) và “rượu mới” là bổ sung những giáo viên trẻ, đang tràn đầy nhiệt huyết. Chúng tôi tin rằng, những giáo viên già hiện tại và giáo viên trẻ như vậy, sẽ trở thành cặp bài trùng quan trọng trên con đường đổi mới giáo dục nước nhà.
Đặng Tự Ân