Giáo án giáo dục quốc phòng 12 bài 2 chuẩn nhất

Giáo án giáo dục quốc phòng 12 bài 2

Bài 2. Một số hiểu biết về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân

MỞ ĐẦU

Nền quốc phòng toàn dân là sự cụ thể hóa chính sách quốc phòng của Việt Nam, thể hiện ở cơ cấu tổ chức, hoạt động của các ngành, các cấp và của toàn dân theo một ý định, chiến lược thống nhất, nhằm tạo ra sức mạnh hiện thực để bảo vệ Tổ quốc

I. TƯ TƯỞNG CHÍ ĐẠO CỦA ĐẢNG VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH TRONG THỜI KÌ MỚI

1. Khái niệm cơ bản về quốc phòng, an ninh

a) Quốc phòng

Là công việc giữ nước của một quốc gia, gồm tổng thể hoạt động đối nội, đối ngoại về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học… của Nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng; nhằm giữ gìn hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động gây chiến của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, quy mô.

b) Quốc phòng toàn dân

Nền quốc phòng mang tính chất “vì dân, do dân, của dân”, phát triển theo phương hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, điều hành, nhân dân làm chủ, nhằm giữ vững hòa bình, ổn định đất nước, sẵn sàng đánh bại âm mưu, thủ đoạn xâm lược và bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

c) An ninh quốc gia

Là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và nước cộng hòa XHCN Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

d) An ninh nhân dân

Là sự nghiệp của toàn dân, do dân tiến hành, lực lượng an ninh nhân dân làm nòng cốt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lí của Nhà nước.

Kết hợp phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chuyên trách, nhằm đập tan mọi âm mưu và hành động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, cùng với QPTD bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

2. Những tư tưởng chỉ đạo của Đảng

a) Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

– Là quan điểm chỉ đạo, bao trùm, quan trọng nhất.

– Phản ánh quy luật: Dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam.

– Khẳng định được mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

– Tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cho Tổ quốc XHCN phát triển và ngày càng bền vững.

– Cần khắc phục: Coi nhẹ một trong hai nhiệm vụ, hoặc tách rời, đối lập hai nhiệm vụ trong thực hiện.

b) Kết hợp quốc phòng an ninh với kinh tế

– Kết hợp quốc phòng và an ninh với kinh tế trong tình hình hiện nay phải đảm bảo cho phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng – an ninh.

– Kết hợp quốc phòng và an ninh với kinh tế phải từ trong chiến lược quy hoạch đầu tư phát triển trong toàn quốc, đối với từng ngành đến các địa phương và từng cơ sở.

c) Gắn nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh, phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại

– Nhiệm vụ quốc phòng và hoạt động đối ngoại đều nhằm thực hiện các mục tiêu của nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc XHCN.

– Phát huy cao nhất sức mạnh của từng yếu tố và sức mạnh tổng hợp của 3 yếu tố đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

– Cần khắc phục tư tưởng và hành động tách rời từng yếu tố, coi trọng hoặc coi nhẹ một yêu tố nào đó.

d) Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

– Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân trước hết là QĐND và CAND là các lực lượng nòng cốt.

– Phát huy hiệu lực, chức năng của từng tổ chức, động viên trách nhiệm nghĩa vụ công dân làm nhiệm vụ củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh đất nước.

e) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, tăng cường quản lí nhà nước về quốc phòng, an ninh.

– Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc; có cơ chế phù hợp.

– Phát huy hiệu lực của cơ quan chức năng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp.

f) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, công an, đối với sự nghiệp củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh.

Nắm vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt.

– Sự lãnh đạo đó được biểu hiện ở đường lối chiến lược quốc phòng, an ninh; thể chế hóa đường lối; quá trình thực hiện đường lối. Chăm lo công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện tôt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; giáo dục lực lượng vũ trang luôn nâng cao cảnh giác làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

– Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang.

II. NHIỆM VỤ, NỘI DUNG, BIỆN PHÁP XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN, AN NINH NHÂN DÂN TRONG THỜI KÌ MỚI

1. Đặc điểm

a) Nền QPTD, ANND là nền quốc phòng, an ninh “của dân, do dân, vì dân”

– Bởi vì: thể hiện truyền thống, kinh nghiệm quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc; phản ánh bản chất của nền quốc phòng, an ninh của nước ta; thể hiện tính nhất quán đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

– Luôn tạo sức mạnh tổng hợp lớn nhất trong quá trình xây dựng nền quốc phòng – an ninh.

– Trách nhiệm của các tổ chức, các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức, hiệp đồng, hướng dẫn.

b) Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân nhằm mục đích duy nhất là tự vệ chính đáng.

– Thể hiện tính chủ động xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.

– Là cơ sở thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, chế độ XHCN và bảo vệ cuộc sống của nhân dân; làm thất bại mọi âm mưu thôn tính và lật đổ của các thế lực thù địch.

– Tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” để củng cố, xây dựng nền quốc phòng – an ninh.

c) Sức mạnh nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là cơ sở để triển khai một chiến lược tổng hợp bảo vệ Tổ quốc.

– Các thế lực thù địch hình thành sự liên kết chặt chẽ với nhau, dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn để chống phá cách mạng nước ta: đầu tiên chúng chống phá ta về chính trị – tư tưởng, kết hợp phá hoại về kinh tế, văn hóa; chúng sử dụng lực lượng quân sự để răn đe và sẵn sàng chuyển sang tấn công khi có thời cơ. Do đó, chiến lược quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc của ta ngày nay phải kết hợp chống “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, với nhiệm vụ sẵn sàng đối phó với các tình huống khác.

– Để phát huy sức mạnh nền QPTD, ANND phải dựa trên cơ sở sức mạnh tổng hợp của các yếu tố cả ở trong nước và ngoài nước, của dân tộc và  của thời đại. Trong đó, những yếu tố trong nước luôn giữ vai trò quyết định.

d) Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được xây dựng toàn diện và từng bước hiện đại.

– Toàn diện trên các mặt chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hóa, khoa học…; kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với các mặt hoạt động xây dựng đất nước và với hoạt động đối ngoại.

– Hiện đại được biểu hiện ở sự kết hợp giữa xây dựng con người có giác ngộ chính trị, có tri thức với vũ khí, trang bị kĩ thuật hiện đại; phát triển công nghiệp quốc phòng, từng bước trang bị hiện đại cho các lực lượng vũ trang; kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh.

(Hiện nay, Công nghiệp quốc phòng đã sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược thuộc trang bị của sư đoàn bộ binh, các loại khí tài quang học, kính nhìn đêm, máy thông tin cấp chiến thuật, v.v. Đặc biệt, Ngành đã sản xuất được súng bộ binh thế hệ mới; các loại vũ khí hỏa lực mạnh có điều khiển; làm chủ công nghệ lắp ráp tên lửa phòng không tầm thấp, đóng mới các tàu quân sự hiện đại. Ngành Công nghiệp Quốc phòng đã đóng được nhiều loại tàu, như: Tàu tên lửa tấn công nhanh 12418 – tàu M; tàu pháo TT400TP; tàu Cảnh sát biển đa năng DN2000; tàu vận tải kiêm quân y K123; tàu chở quân K122…

e) Nền quốc phòng toàn dân gắn chặt với nền an ninh nhân dân

Xây dựng nền QPTD và ANND đều nhằm mục đích tự vệ chính đáng, tạo sức mạnh tổng hợp chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ Tổ quốc và chế độ; đều có chung một tính chất là của dân, do dân, vì dân. Xây dựng nền QPTD và nền ANND chỉ khác nhau về phương thức tổ chức lực lượng, hoạt động và mục tiêu cụ thể được phân công.

2. Mục đích

Nhằm bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia trên mọi lĩnh vực, bảo vệ chế độ,bảo vệ mọi thành quả cách mạng, bảo vệ sự nghiệp đổi mới đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi mưu toan gây bạo loạn, xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đồng thời sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược.

3. Nhiệm vụ

a) Nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân

– Trong hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam XHCN

– Trong chiến tranh, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và cuộc sống nhân dân.

– Thường xuyên ngăn chặn, đánh bại mọi âm mưu và hành động “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam.

b) Nhiệm vụ xây dựng nền an ninh nhân dân

– Giữ vững sự ổn định và phát triển của mọi hoạt động, mọi ngành, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội trên cả nước.

– Đấu tranh chống lại các hành động gây rối, phá hoại, lật đổ chế độ của các thế lực phản động, thù địch trong nước cũng như các tội phạm khác

– Giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ những thành quả chung của xã hội và tính mạng, tài sản của công dân.

4. Nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân

Thực chất là xây dựng tiềm lực mọi mặt của đất nước nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Gồm: Xây dựng tiềm lực quốc phòng

          Xây dựng thế trận quốc phòng

a) Xây dựng tiềm lực nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân

Tiềm lực của nền QPTD, ANND là sức mạnh tổng hợp của quốc gia và chế độ XHCN. Trong thời bình, tiềm lực đó được thể hiện một phần ở lực lượng thường trực, trực tiếp và thường xuyên làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; còn một phần cực kì to lớn ở dạng tiềm tàng, nằm trong mọi mặt của đời sống xã hội, sẵn sàng được động viên theo yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

– Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần

+ Đây là khả nằn tiềm tàng về chính trị tinh thần có thể huy động nhằm tạo ra sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng

+ Là nhân tố cơ bản tạo nên tiềm lực quốc phòng, an ninh chưa đựng trong tố chất con người, trong truyền thống lịch sử – văn hóa dân tộc và trong hệ thống chính trị.

+ Biểu hiện ở ý chí quyết tâm của nhân dân và các lực lượng vũ trang trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ; biểu hiện ở năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lí điều hành của Nhà nước đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

+ Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần cần tập trung:

* Xây dựng lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân vào bản chất tốt đẹp của chế độ, vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng khối đại đoàn kết; xây dựng củng cố và phát huy hiệu lực của các tổ chức quần chúng.

( Hệ thống chính trị gồm:

– Đảng cộng sản

– Hệ thống Nhà nước:

+ Quốc hội: Cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện quyền  lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

+ Chủ tịch nước: Là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.

+ Chính phủ:  là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã Quốc hội.

+ Tòa án nhân dân tối cao:   là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Việt Nam.

+  Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

+ Tổ chức bộ máy cấp địa phương: Hội đồng nhân dân, UBND, Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân địa phương

– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

– Công đoàn:  Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

– Các tổ chức chính trị – xã hội khác: Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị – xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.)

* Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là yếu tố có tính quyết định trong xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần.

* Giáo dục nâng cao ý thức quốc phòng cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. (Việt Nam đã xây dựng được hệ thống giáo trình giáo dục quốc phòng cho tất cả các đối tượng)

– Xây dựng tiềm lực kinh tế:

+ Là khả năng tiềm tàng về kinh tế (bao gồm cả kinh tế quân sự) có thể huy động để phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng hoặc tiến hành chiến tranh bảo bệ Tổ quốc.

+ Là cơ sở vất chất của các tiềm lực khác, là điều kiện vật chất đảm bảo cho sức mạnh QPTD, ANND trong thời bình cũng như thời chiến.

+ Biểu hiện ở khối lượng nhân lực, vật lực, tài lực của nền kinh tế có thể động viên cho việc xử lý các tình huống; thể hiện ở tính cơ động và sức sống của nền kinh tế, khả năng bảo đảm an ninh kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thử thách ác liệt của chiến tranh.

+ Xây dựng tiềm lực kinh tế của nền QPTD, ANND được thực hiện qua:

* Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường QP-AN bảo vệ Tổ quốc.

* Tạo được thế bố trí chiến lược thống nhất về phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, đảm bảo từng bước ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống nhân dân đi đối với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh.

* Đảm bảo cơ sở vật chât cho quốc phòng, an ninh trong thời bình và thời chiến; bảo đảm tính cơ động của nền kinh tế, có khả năng chuyển từ thời bình sang thời chiến và duy trì sự phát triển của nền kinh tế; bảo đảm sức sống của nền kinh tế, có khả năng ngăn ngừa, hạn chế tối đa sự phá hoại của kẻ thù

* Gắn xây dựng cơ sở hạ tầng của nền kinh tế với xây dựng cơ sở hạ tầng của nền quốc phòng, an ninh.

* Có kế hoạch động viên nền kinh tế khi tình hình đòi hỏi

* Không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các lực lượng vũ trang nhân dân.

– Xây dựng tiềm lực khoa học, công nghệ

+ Là khả năng của khoa học (bao gồm cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn) và công nghệ của quốc gia có thể khai thác, huy động để phục vụ cho quốc phòng, an ninh.

+ Là nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh, ảnh hưởng trực tiếp đến khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, cơ cấu tổ chức lực lượng vũ trang, công tác chỉ huy, quản lí bộ đội.

+ Biểu hiện ở khả năng phát triển khoa học, đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật; cơ sở vật chất kĩ thuật có thể huy động phục vụ cho quốc phòng, an ninh và năng lực ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học có thể đáp ứng yêu cầu của quốc phòng, an ninh và nhằm tạo nên khả năng về khoa học, công nghệ của quốc gia có thể khai thác, huy động

+ Xây dựng tiềm lực khoa học, công nghệ cần:

* Huy động các ngành khoa học, công nghệ quốc gia, trong đó khoa học quân sự, an ninh làm nòng cốt để nghiên cứu các vấn đề về quân sự, an ninh, để sửa chữa, cải tiến, sản xuất các loại vũ khí trang bị.

* Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật.

* Đổi mới và từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm.

– Xây dựng tiềm lực quân sự, an ninh.

+ Là khả năng tiềm tàng về vật chất và tinh thần có thể huy động tạo thành sức mạnh phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, an ninh, cho chiến tranh.

+ Là nhân tố cơ bản của tiềm lực quốc phòng, an ninh; là biểu hiện tập trung, trực tiếp sức mạnh quân sự, an ninh của Nhà nước, giữ vai trò nòng cốt để bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

+ Biểu hiện ở khả năng duy trì và không ngừng hoàn thiện phát triển các lực lượng vũ trang; nguồn dự trữ về sức người, sức của trong thời bình và sẵn sàng chuyển thành sức mạnh phục vụ trong thời chiến.

+ Xây dựng tiềm lực quân sự, an ninh cần:

* Xây dựng quân đội và công an theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, nâng cao chất lượng tổng hợp, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở.

* Gắn quá trình CNH, HĐH đất nước với quá trình xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật, vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang.

* Xây dựng đội ngũ cán bộ trong LLVT nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

* Chuẩn bị về mọi mặt, xây dựng các phương án, đề phòng các tình huống có thể xảy ra, sẵn sàng động viên thời chiến để đối phó và giành thắng lợi.

* Tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc luôn phù hợp với sự tiến bộ của khoa học, kĩ thuật.

* Thực hiện công tác giáo dục quốc phòng – an ninh với mọi đối tượng.

b) Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân

– Thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi với mọi mưu toan và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân nếu chiến tranh xảy ra.

– Ngày nay, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là thế trận toàn dân giữ nước, toàn dân tham gia bảo vệ an ninh đất nước. Thế trận đó sẽ được chuyển hóa, kết hợp chặt chẽ với “lực” nhằm tạo nên sức mạnh to lớn để giành thắng lợi và chủ động đối phó với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra.

– Cần tập trung vào các nội dung sau:

+ Kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân trong một tổng thể thống nhất và phù hợp với thế bố trí chiến lược về kinh tế – xã hội.

+ Phân vùng chiến lược về quốc phòng, an ninh kết hợp với phân vùng kinh tế trên cơ sở quy hoạch các vùng dân cư theo nguyên tắc bảo vệ đi đôi với xây dựng đất nước.

+ Xây dựng phương án, bố trí hậu phương chiến lược, hậu phương vùng, hướng chiến lược và căn cứ hậu phương các cấp tạo chỗ dựa vững chắc cho thế trận quốc phòng, an ninh

+ Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững mạnh

+ Tổ chức xây dựng “Kế hoạch phòng thủ dân sự”, bảo đảm an toàn và phòng tránh có hiệu quả.

+ Xây dựng phương án, triển khai các lực lượng chiến đấu sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

+ Kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng của nền kinh tế với cải tạo địa hình, xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh trọng điểm.

5. Những biện pháp chủ yếu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh hiện nay

a) Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng – an ninh

– Quán triệt những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh, quân đội và bảo vệ Tổ quốc; tình hình nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; quyền lợi, nghĩa vụ của công dân đối với xây dựng nền quốc phòng, an ninh; truyền thống, kinh nghiệm trong dựng nước và giữ nước của dân tộc; đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh cùng những kiến thức về quốc phòng, quân sự, an ninh cần thiết khác.

– Đối tượng giáo dục: toàn dân, trước hết là cán bộ, đảng viên, những người công tác trong các cơ quan, đoàn thể, trường học; thế hệ trẻ: học sinh, sinh viên

b) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lí của Nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân

– Là yêu cầu tất yếu đảm bảo xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững mạnh.

Thể hiện toàn diện trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được cụ thể hóa ở chiến lược kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh.

c) Không ngừng nâng cao chất lượng các lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là quân đội và công an.

– Các lực lượng vũ trang nhân dân gồm:

+ Quân đội nhân dân (Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng)

+ Công an nhân dân

+ Dân quân tự vệ

– Quân đội và công an – nòng cốt của các lực lượng vũ trang, được xây dựng theo phương hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Trong đó nâng cao chất lượng tổng hợp, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở là quan trọng nhất. (Tập trung xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đồng thời đi thẳng, đi nhanh vào hiện đại ở những lĩnh vực, những đơn vị cần thiết: Không quân, hải quân, thông tin liên lạc…)

– Về chính trị: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt các lực lượng vũ trang.

III. NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA HỌC SINH TRONG XẤY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN, AN NINH NHÂN DÂN

Xây dựng nền quốc phòng, an ninh là trách nhiệm của toàn dân. Trong đó học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước có vị trí, vai trò quan trọng.

Học sinh cần:

– Tích cực học tập, rèn luyện, xây dựng niềm tin, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chế độ, góp sức cùng với toàn dân phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”

– Nâng cao nhận thức về kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng đất nước phải đi đôi với bảo vệ những thành quả cách mạng.

– Tự giác, tích cực học tập, nắm vững kiến thức quốc phòng, an ninh; các kĩ năng quân sự, an ninh. Tích cực tham gia các hoạt động về quốc phòng, an ninh do nhà trường, địa phương triển khai.

– Chấp hành nghiêm pháp luật, quy định của nhà trường, giữ gìn trật tự, an ninh và bí mật quốc gia.

IV. KẾT LUẬN

– Xây dựng và củng cố nền QPTD-ANND vững mạnh là việc làm thường xuyên và hệ trọng của bất cứ quốc gia nào muốn tồn tại và phát triển.

-Xây dựng nền QPTD-ANND là trách nhiệm của toàn dân. Đối với học sinh, thanh niên luôn nâng cao ý thức và trách nhiệm trong xây dựng nền QPTD ANND vững mạnh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN

V. HƯỚNG DẪN NGHIÊN CỨU

Câu hỏi 1: Trình bày nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, ANND.

Câu hỏi 2: Trình bày nội dung xây dựng nền QPTD, ANND hiện nay.

Câu hỏi 3: Nêu những biện pháp chủ yếu xây dựng nền QPTD, ANND.

Câu hỏi 4: Học sinh cần làm gì để góp phần xây dựng nền QPTD, ANND?