Giáo Dục
Nỗi niềm giáo viên hợp đồng
Được đào tạo bài bản, có năng lực, trình độ, kỹ năng sư phạm tốt và tâm huyết với nghề, nhưng một số giáo viên nhiều năm vẫn phải dạy hợp đồng. Đồng lương eo hẹp, công việc không ổn định, nhưng vượt lên tất cả những khó khăn, vất vả, không ít giáo viên hợp đồng vẫn cháy bỏng tình yêu nghề, ngày đêm miệt mài dìu dắt, đưa bao thế hệ học trò thành đạt. Bên cạnh đó, trước gánh nặng của cuộc sống, đã không ít người phải gác lại mơ ước đứng trên bục giảng để mưu sinh, làm đủ các nghề kiếm sống.
Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc với tấm bằng khá, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Diệp, sinh năm 1992, xã Phương Khoan, huyện Sông Lô bước vào nghề dạy học với nhiệt huyết tuổi trẻ và ước mơ cháy bỏng được cống hiến.
Do chưa có chỉ tiêu tuyển viên chức, nên nhiều năm nay cô Diệp vẫn đang dạy hợp đồng tại Trường mầm non thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô. Cô giáo Trịnh Hồng Lý, Hiệu trưởng Trường mầm non thị trấn Tam Sơn cho biết: “Là giáo viên trẻ, có trách nhiệm với công việc, cô Diệp thường xuyên chủ động đề xuất với Ban giám hiệu hằng tháng dự giờ, thăm lớp do cô chủ nhiệm để có những nhận xét, đánh giá chân thực, giúp cô trưởng thành hơn trong nghề.
Bởi vậy, tuy là giáo viên trẻ, nhà ở xa trường, 2 con còn nhỏ nhưng với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, yêu nghề, mến trẻ, cô Diệp được lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp đánh giá là giáo viên có chuyên môn tốt, chăm trẻ giỏi”.
Tâm sự về nghề, cô Diệp cho biết: “Giáo viên mầm non có những đặc thù khác so với giáo viên của các cấp học. Bởi đối tượng trẻ từ 3-5 tuổi, phần lớn chưa tự chăm sóc bản thân, các cô không chỉ có nhiệm vụ dạy trẻ kiến thức mà còn phải chăm sóc các cháu như người mẹ thứ hai, từ bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân.
Việc đón, trả trẻ cũng có những đặc thù, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, các cô giáo mầm non phải có mặt ở trường từ 6 giờ sáng, dọn dẹp, vệ sinh lớp học sạch sẽ, thông thoáng, đón trẻ từ cổng trường, đo thân nhiệt, đưa lên lớp học và hướng dẫn trẻ vệ sinh, sát khuẩn. Cuối buổi chiều, đảm bảo 100% trẻ được gia đình đón, cô giáo mới được ra về”.
Ngoài hoạt động chuyên môn, cô Diệp còn là một trong những giáo viên rất sáng tạo tự làm đồ dùng học tập. Khó khăn, vất và là vậy nhưng cô Diệp vẫn gắn bó với nghề suốt gần 10 năm qua, hành trang cô mang theo là tình yêu nghề, mến trẻ, khát khao được cống hiến.
Đã 9 năm sau khi tốt nghiệp Trường đại học Hùng Vương (Phú Thọ), đến nay, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Dương, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch vẫn là giáo viên hợp đồng do chỉ tiêu tuyển giáo viên môn Lịch sử rất ít, thậm chí nhiều năm không có chỉ tiêu.
Từ khi ra trường, cô Dương tham gia dạy học ở nhiều trường như THCS Tứ Yên, THPT Ngô Gia Tự và nay là Trường THCS Tân Lập. Tuy là giáo viên hợp đồng nhưng với trình độ chuyên môn vững, kỹ năng sư phạm tốt, nhiều năm qua, cô Dương được lãnh đạo nhà trường tin tưởng giao bồi dưỡng học sinh giỏi đội tuyển môn Lịch sử.
Có không ít học sinh do cô dìu dắt đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Dương còn tích cực tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, các hoạt động của ngành Giáo dục, của nhà trường phát động, có lối sống chan hòa, tận tình giúp đỡ đồng nghiệp khi gặp khó khăn.
Tuy được lãnh đạo nhà trường tin tưởng, tạo mọi điều kiện nhưng đối với giáo viên hợp đồng, có nhiều quy định khiến cô Dương và nhiều giáo viên hợp đồng cảm thấy áp lực, cần nỗ lực nhiều hơn để khẳng định năng lực của bản thân mới có thể bám trụ được với nghề. Sau gần 9 năm ra nghề, đến nay, lương của cô Dương vẫn chỉ được gần 4 triệu đồng/tháng, không đủ để trang trải cuộc sống.
Theo định mức biên chế, toàn tỉnh hiện còn thiếu gần 3.400 giáo viên, chủ yếu tập trung ở bậc tiểu học, mầm non và THCS tại nhiều bộ môn… Để các thầy, cô giáo, nhất là giáo viên hợp đồng yên tâm giảng dạy, cống hiến, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, trong đó ngành Giáo dục cần tham mưu kịp thời với tỉnh ban hành kế hoạch tuyển dụng, tăng cường chế độ đãi ngộ đối với giáo viên hợp đồng nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đồng thời, tạo cơ hội việc làm ổn định cho giáo viên giúp họ yên tâm, gắn bó với nghề.
Kim Ngân