Giáng hương là cây gì, gỗ giáng hương quý hiếm thế nào, kiểm lâm Phú Yên đang trồng bạt ngàn?
Trồng cây giáng hương phát triển tốt ở Phú Mỡ
Tại tiểu khu 72, 73, 78, 79 thuộc khu vực Dốc Khỉ, Suối Mun (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), bên cạnh cây keo là một loại cây trồng quen thuộc thì chúng tôi thấy nhiều cây giáng hương đang phát triển tốt sau chưa đầy một năm trồng.
Cây giáng hương trồng tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) đang phát triển tốt. Ảnh: NHẬT HUY
Anh Huỳnh Thanh Huy, cán bộ quản lý bảo vệ rừng trạm Chín Bếp, khu vực Suối Mun, cho biết: “Sau khi trồng một thời gian, chúng tôi thấy cây giáng hương phát triển tốt, tỉ lệ chết chưa đến 10%, chủ yếu do côn trùng gây ra. Khí hậu và thổ nhưỡng vùng đất này rất thích hợp để trồng giáng hương”.
Theo các cơ quan chức năng, trước đây, xã Phú Mỡ và vùng lân cận có nhiều cây giáng hương, loại phổ biến ở các khu rừng huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân.
Tuy nhiên, hiện số lượng cây gỗ giáng hương lớn có giá trị này không còn nhiều vì bị khai thác trái phép. Một trong những việc ưu tiên của Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân là trồng và gầy lại giống cây gỗ quý này theo cách thức săn tìm trái trong rừng, sau đó thuê các công ty có chức năng gieo, ươm để mua cây về trồng lại trên các cánh rừng trên địa bàn huyện.
Theo Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, hiện đơn vị này trồng khoảng 20ha giáng hương tại tiểu khu 72, 73, 78, 79 thuộc khu vực Dốc Khỉ, Suối Mun bằng nguồn vốn từ các chương trình khai thác trồng rừng, trồng rừng thay thế và nguồn vốn của cán bộ, công nhân viên chức…
Với những tín hiệu vui về sự thích nghi, phát triển của loại cây giáng hương tại khu vực xã Phú Mỡ, không loại trừ khả năng trong thời gian tới, giống cây này sẽ tiếp tục được nhân rộng, thực hiện được nhiều mục tiêu, trong đó quan trọng nhất là tăng khả năng phòng hộ cho các cánh rừng ở huyện Đồng Xuân.
Kiên nhẫn với cây giáng hương ở Sơn Hòa
Theo phân tích, cây giáng hương có nhiều giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. Về chất liệu gỗ, giáng hương được xếp vào gỗ nhóm I, khi đến tuổi khai thác cho giá trị kinh tế khoảng 60-80 triệu đồng/m3. Cây thích hợp trồng ở vùng núi cao, nơi có khí hậu hanh khô. Vì là loại cây có bộ rễ sâu, tán rộng nên giáng hương được đánh giá tăng khả năng phòng hộ cho các cánh rừng rất tốt.
Ngoài Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, từ năm 2020, Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai cũng là đơn vị thực hiện trồng và chăm sóc cây giáng hương với diện tích lớn (33,32ha) theo chương trình trồng rừng thay thế tại tiểu khu 219 (xã Suối Trai), tiểu khu 200, 205 (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa) với mật độ 833 cây/ha.
Không giống như giáng hương trồng ở huyện Đồng Xuân, cây giáng hương trồng tại huyện Sơn Hòa có tốc độ phát triển kém hơn. Theo ông Lê Phú Mỹ, Phó Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai, có nhiều nguyên nhân khiến cây phát triển kém khi trồng tại huyện Sơn Hòa, trong đó chủ yếu là do khí hậu nắng nóng, đất cằn, sỏi đá (vì trồng sắn lâu năm).
“Tỉ lệ cây giáng hương chết và trồng cây thay thế trên 20%. Chúng tôi đã báo cáo thực trạng cho Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh biết để có những chỉ đạo tiếp theo”, ông Mỹ cho biết.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Phú Yên khuyến khích trồng cây giáng hương để tăng khả năng phòng hộ, bảo vệ rừng, môi trường và bảo tồn giống trên địa bàn.
“Trong quá trình trồng và chăm sóc có những yếu tố khiến cây chậm phát triển. Ở khu vực do Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai quản lý và chăm sóc, từng có rất nhiều cây giáng hương và khi cây đã bén rễ, tốc độ phát triển sẽ nhanh hơn”, ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên nhận định.