Gian lận thi cử Hòa Bình: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”
Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án gian lận thi cử tại tỉnh Hòa Bình, đa số các bị cáo đều trả lời quanh co, chối tội.
Phiên tòa xét xử gian lận thi tử tại tỉnh Hòa Bình.
Cựu thượng tá công an vẫn một mực phủ nhận
Ngày 14/5, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục phần xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2017-2018, trong phiên toà đa số các bị cáo đều trả lời quanh co, chối tội trong khi các phụ huynh phủ nhận việc nhờ nâng điểm.
Tại tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Khương Ngọc Chất – cựu thượng tá, cựu Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA 93), Công an tỉnh Hòa Bình – đã xét hỏi bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hòa Bình và Đỗ Mạnh Tuấn, thành viên ban chấm thi trắc nghiệm. Cả hai bị cáo này đều khẳng định quá trình nâng điểm có sự tham gia của Chất nhưng Chất một mực phủ nhận.
Bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn cho biết: không có động cơ, mục đích vụ lợi gì mà do nể nang nên nhận lời giúp Đỗ Minh Tuấn sửa điểm.
“Tôi bảo không giúp, anh Tuấn đưa tôi xem danh sách nói có cả anh Vinh (Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng Phòng Khảo thí) và Trưởng Phòng PA 83 (Khương Ngọc Chất – PV) rồi, có chống lưng rồi, lo gì. Tôi thấy có Khương Bá Anh, biết là chiến sĩ công an ở huyện Kim Bôi, nên yên tâm và dẫn tới phạm tội”- Khắc Tuấn khai.
Bị cáo Khắc Tuấn còn khai được Mạnh Tuấn hướng dẫn để khai báo gian dối khi lên Công an tỉnh Hòa Bình thú tội. Lúc đó, Khắc Tuấn gặp Mạnh Tuấn ở khu vực nhà vệ sinh và được Mạnh Tuấn nói khai sai về số thí sinh (TS) nhờ, khai là cùng cầm chìa khóa vào phòng thi.
Tương tự, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (nguyên Phó Phòng Khảo thí) bị truy tố vì chỉ đạo 3 tổ trưởng và các giáo viên chấm thi tự luận môn ngữ văn nâng điểm cho 20 thí sinh. Bị cáo Liên khai có đề nghị các giám khảo chấm “có lợi cho học sinh của tỉnh mình” chứ không ép buộc và nói do nể nang, đề cao đồng nghiệp.
Bị cáo Liên khẳng định thêm rằng có nhiều trường hợp gian lận, mình không làm theo sẽ khó vì: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.
Trong khi đó, bị cáo Bùi Thanh Trà – nguyên giáo viên Trường THPT Lương Sơn; tổ trưởng tổ chấm thi số 3 tự luận ngữ văn khai rằng: Đã vào gặp ban giám khảo, không nói chấm nâng điểm mà chỉ chấm nới tay.
“Chấm nới tay vẫn không thể gọi là vi phạm vì đây là môn ngữ văn thường chấm theo định tính. Tôi không có động cơ mục đích gì, chỉ vì tình thương học trò, muốn các em có cơ hội lấy được bằng tốt nghiệp, việc làm”, bị cáo Trà nói.
An ninh bên ngoài phiên tòa được bảo vệ nghiêm ngặt.
Cũng trong ngày, HĐXX tập trung xét hỏi, làm rõ hành vi “Đưa hối lộ” 300 triệu đồng của bị cáo Hồ Chúc, giáo viên Trường THPT Thanh Hà, để nâng điểm cho 2 thí sinh.
Trước tòa, bị cáo Hồ Chúc cho biết đã nhờ Đỗ Mạnh Tuấn “giúp đỡ” 2 cháu thi THPT quốc gia. Sau đó, bị cáo viết ra giấy họ tên, số báo danh 2 thí sinh là N.H.H.Đ và Đ.T.G. Chúc về, không hứa hẹn gì về tiền bạc giữa 2 phụ huynh và Mạnh Tuấn.
Trước ngày công bố điểm thi (ngày 12/7/2018), phụ huynh của 2 thí sinh trên đã tới nhà Chúc đưa một túi ni-lông nhờ chuyển giúp Tuấn tiền cảm ơn. Chúc khai không biết có bao nhiêu tiền, tới khi làm việc với cơ quan an ninh điều tra mới biết là 300 triệu đồng.
“Bị cáo không hề được các gia đình TS cảm ơn gì”, Chúc nói.
Phụ huynh bất ngờ vì… con được nâng điểm
Tại tòa, bà Trần Thị Liên (mẹ TS Đ.T.G) khẳng định không nhờ Chúc việc gì, không chuyển tiền cảm ơn và chỉ biết con được nâng 14,95 điểm khi cơ quan công an thông tin. Còn bà Hà Thị Thúy Liễu (mẹ em N.H.H.Đ) cho hay không có chuyện tới nhà Chúc đưa tiền cảm ơn Tuấn. Về việc nâng điểm, sau khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định lại, bà mới biết.
Các phụ huynh có con được nâng điểm hầu hết đều không đến tòa. Số ít đến tòa đều tỏ ra bất ngờ trước việc con mình được nâng điểm, thậm chí còn tỏ ra bức xúc khi con mình “bị” nâng điểm khiến họ bị kỷ luật về Đảng, chính quyền.
Bà Trần Thúy Phương (mẹ của một TS được nâng điểm) cho hay không nhờ bị cáo Hồng nâng điểm, đề nghị cơ quan pháp luật sớm làm rõ để trả lại danh dự cho bà và gia đình. Còn phụ huynh Nguyễn Thị Hạnh khẳng định không nhờ ai nâng điểm, chỉ biết sự việc khi công an thông báo. Bà Hạnh là chị vợ của bị cáo Nguyễn Quang Vinh nhưng bà cho hay trong quá trình thi không gặp Nguyễn Quang Vinh.
Như Báo Giao thông đã thông tin: Trong vụ án hình sự gian lận thi cử tại tỉnh Hòa Bình có 15 bị can bị truy tố về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài ra, 2 trong số 15 bị cáo bị truy tố thêm về hành vi “Đưa hối lộ” hoặc tội “Nhận hối lộ”.
Các bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, lợi dụng quan hệ cá nhân để câu kết, can thiệp bài làm theo hướng nâng điểm cho 65 thí sinh, trong đó 64 thí sinh dự thi năm 2018 và 1 thí sinh dự thi năm 2017.
Các thí sinh này đã sử dụng kết quả sai nói trên để xét tốt nghiệp THPT quốc gia và dự tuyển vào các trường đại học. Trong đó, có 45 thí sinh trúng tuyển đã bị buộc thôi học, 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển; 3 thí sinh không xét tuyển.