Gian lận điểm thi ở Hà Giang: 1,2 tỉ đồng/suất nâng điểm hay “để tạo phúc cho mình”?
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang sáng 15-10, Hội đồng xét xử (HĐXX), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), các luật sư tiếp tục xét hỏi bị cáo trong vụ án.
Bị cáo Lê Thị Dung trước toà
Bị cáo Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, không được phân công nhiệm vụ phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT), đã nhờ bị can Nguyễn Thanh Hoài (nguyên trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Giang) nâng điểm cho 20 thí sinh, trong số đó có nhiều thí sinh từ các tỉnh, thành khác đến Hà Giang để dự thi.
Khai trước toà, Lê Thị Dung cho biết các thí sinh này chủ yếu do quen biết, quan hệ từ đồng nghiệp, bác sĩ trong bệnh viện, người giữ xe bệnh viện, nơi đến khám bệnh đến các thí sinh đi nghĩa vụ quân sự trở về…
“Bị cáo bị nhiều loại bệnh hành hạ nên nghĩ rằng việc giúp các thí sinh là để tạo phúc cho mình. Trong cuộc sống có nhiều người đã giúp đỡ bị cáo rất nhiều” – Lê Thị Dung khai trước toà và cho biết không rõ nguyên nhân các thí sinh từ nơi khác đến Hà Giang dự thi nhưng để được dự thi thì các thí sinh phải đủ điều kiện.
Dung còn khai nhờ Hoài trong phạm vi cho phép, chứ chưa bao giờ nói là được nâng bao nhiêu điểm, không ngờ Hoài nâng nhiều điểm như vậy.
Bị cáo Lê Thị Dung trước toà – Ảnh chụp qua màn hình
HĐXX cho rằng không ai làm điều gì mà không có mục đích cả, bị cáo Dung nói như thế là không có cơ sở. Khi đưa danh sách bị cáo phải biết nguyện vọng của các thí sinh. “Cho dù nâng đến nửa điểm cũng là trái pháp luật. Mình phải làm đúng với lương tâm, đạo đức con người mới là tạo phúc” – Thẩm phán Vương Thị Thu Hà, Chủ tọa phiên toà, đáp lại lời bị cáo Dung.
Tiếp đó, đại diện luật sư hỏi bị cáo Dung tại sao lại có quá nhiều người tỉnh khác cũng đến Hà Giang dự thi, “Dư luận đang đồn thổi mỗi suất thi đỗ vào các trường công an, nếu được nâng điểm sẽ mất từ 1 đến 1,2 tỉ đồng. Bị cáo là công an và có thấy rằng cần phải đề nghị cơ quan tố tụng, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ vấn đề này, nhằm làm trong sạch lực lượng công an hay không?”.
Lê Thị Dung khẳng định mình giúp các thí sinh chủ yếu vì tình cảm, không phải vì tiền. Nhưng “nếu dư luận nói tôi làm vì tiền, vì lợi ích thì tôi cũng xin đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ” – bị cáo Dung trả lời.
Phiên toà sẽ tiếp tục vào chiều nay 15-10.
Phiên toà sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang dự kiến diễn ra trong 3 ngày: 14, 15, 16-10. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, nguyên trưởng và phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại điều 356 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại điều 358 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại điều 366 Bộ luật Hình sự.
Các cơ quan tố tụng xác định 5 bị cáo nêu trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn, người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn.