Giám sát là gì? Mục đích, phạm vi, nội dung kiểm tra giám sát?

Như chúng ta đã biết, Giám sát là sự theo dõi, quan sát mang tính chủ động thường xuyên của cơ quan, tổ chức hoặc nhân dân đối với hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát và sự tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng các hoạt động đó đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước, bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh. Vậy trong hoạt động của Đảng, thì hoạt động giám sát được quy định như thế nào?

1. Giám sát là gì?

Giám sát là một hình thức hoạt động quan trọng, đồng thời là quyền của cơ quan nhà nước thể hiện ở việc xem xét đối với hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật nhằm bảo đảm pháp chế hoặc sự chấp hành những quy tắc chung nào đó.

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thị hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Hội đồng dân tộc thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số; các Uỷ ban của Quốc hội thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định.

Giám sát còn là quyền của nhân dân, của tổ chức xã hội xem xét đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, của cán bộ, công chức nhà nước trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chịu sự giám sát của cử tri. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước; Công đoàn giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế.

 

2. Văn bản pháp luật quy định về Giám sát trong Đảng hiện nay:

Ngày 01 tháng 06 năm 2017 Trung ương đã ban hành Quy định số 86-QĐ/TW về giám sát trong Đảng thay thế cho Quy chế giám sát trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 21 tháng 03 năm 2012 của Bộ chính trị .

Vậy văn bản pháp luật quy định về giám sát trong Đảng hiện nay là Quy định số 86-QĐ-TW ban hành ngày 01/06/2017.

 

3. Mục đích của việc giám sát trong Đảng là gì?

Theo quy định tại Điều 2 Quy định số 86-QĐ/TW thì mục đích của việc giám sát là:

– Chủ động nắm chắc tình hình và đánh giá đúng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý; đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần bổ sung, sửa đổi các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn.

– Phát huy ưu điểm; phát hiện hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm và nguyên nhân để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, sửa chữa, khắc phục; cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên từ khi còn manh nha.

– Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác.

 

4. Nguyên tắc giám sát trong Đảng được quy định như thế nào?

Điều 3 của Quy định số 86-QĐ/TW đưa ra 4 nguyên tắc giám sát trong Đảng như sau:

– Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng.

– Cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên. Đảng viên thực hiện việc giám sát theo sự phân công của tổ chức đảng có thẩm quyền.

– Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự giám sát của Đảng.

– Việc giám sát phải chủ động, kịp thời, dân chủ, khách quan, đúng nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của Đảng.

 

5. Đối tượng giám sát là những ai?

Theo quy định tại Điều 7 Quy định số 86-QĐ/TW thì đối tượng của việc giám sát là:

1- Đối tượng giám sát gồm: Chi ủy, chi bộ, đảng ủy bộ phận, ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên cho đến Bộ Chính trị; Ủy ban kiểm tra các cấp; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng viên.

2- Đối tượng giám sát của các tổ chức đảng

a) Ban Chấp hành Trung ương giám sát: Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả Ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết).

Bộ Chính trị, Ban Bí thư giám sát: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương Đảng; các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

b) Cấp ủy các cấp giám sát: Ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy cùng cấp từ cấp trên cơ sở trở lên; Ủy ban kiểm tra cùng cấp; cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp.

Ban thường vụ cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên giám sát: Thường trực cấp ủy (đối với ban thường vụ cấp ủy cấp trên cơ sở), Ủy ban kiểm tra, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp; các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy; cấp ủy viên cùng cấp và đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp quản lý.

c) Ủy ban kiểm tra các cấp giám sát:

Chi ủy, chi bộ, đảng ủy bộ phận; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp dưới; thường trực cấp ủy cấp dưới từ cấp trên cơ sở trở lên; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn thuộc cấp ủy cùng cấp.

Trước hết giám sát các tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp thuộc phạm vi lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp.

Cấp ủy viên cùng cấp (kể cả bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ), đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp quản lý.

d) Các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp giám sát:

– Chi ủy, chi bộ, đảng ủy bộ phận, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp dưới, thường trực cấp ủy cấp dưới từ cấp trên cơ sở trở lên; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp dưới. Trước hết giám sát các tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp thuộc phạm vi được phân công phụ trách.

– Các thành viên trong cơ quan mình và đảng viên thuộc lĩnh vực phụ trách của từng cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy.

đ) Chi bộ giám sát: Đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý).

 

6. Nội dung của việc giám sát trong Đảng bao gồm những gì?

Theo quy định tại Điều 9 Quy định số 86-QĐ/TW thì nội dung của việc giám sát là:

1- Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp, ban thường vụ cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên giám sát:

a) Đối với tổ chức đảng: Việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình, pháp luật của Nhà nước.

– Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, quy chế làm việc, chế độ công tác và việc bảo đảm quyền của đảng viên.

– Việc giữ gìn đoàn kết nội bộ, quản lý đảng viên, chỉ đạo thực hiện quy định về những điều cán bộ, đảng viên không được làm; việc chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác tổ chức, cán bộ và giữ mối liên hệ với quần chúng.

– Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; việc quản lý, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

– Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

– Việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và công tác bảo vệ Đảng.

– Việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

– Việc lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

b) Đối với đảng viên: Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ đảng viên.

2- Ủy ban kiểm tra các cấp giám sát:

a) Đối với tổ chức đảng:

Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác toàn khóa, hằng năm của cấp ủy, tổ chức đảng trên các lĩnh vực và những nội dung do cấp ủy giao.

– Việc ban hành các văn bản có dấu hiệu trái với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

b) Đối với cấp ủy viên và cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý: Việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình, pháp luật của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác; việc giữ gìn đạo đức, lối sống; về tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và thực hiện nhiệm vụ đảng viên; việc thực hiện chế độ kê khai và công khai tài sản của cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

3- Các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp giám sát:

a) Đối với tổ chức đảng: Việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực phụ trách và những nội dung do cấp ủy giao.

b) Đối với đảng viên: Việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

4- Chi bộ giám sát đảng viên trong chi bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

Đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, chi bộ giám sát cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và việc thực hiện nghị quyết của chi bộ.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề quy định về giám sát trong Đảng. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài, gọi ngay số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.