Giải thích thuật ngữ, nội dung và phương pháp tính một số chỉ tiêu thống kê thương mại
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là toàn bộ doanh thu hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đã bán ra thị trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, bao gồm: Doanh thu bán lẻ hàng hoá của các cơ sở kinh doanh thương nghiệp; doanh thu bán lẻ sản phẩm của các cơ sở sản xuất và nông dân trực tiếp bán ra thị trường; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống; doanh thu du lịch lữ hành; doanh thu dịch vụ phục vụ cá nhân, cộng đồng và các dịch vụ khác do các tổ chức và cá nhân kinh doanh, phục vụ trực tiếp cho người tiêu dùng.
Chợ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ của nhiều người, được hình thành do yêu cầu của sản xuất, đời sống xã hội và hoạt động thường xuyên theo nhu cầu nhất định, có ít nhất 50 điểm kinh doanh đối với khu vực thành thị và 30 điểm kinh doanh đối với khu vực nông thôn. Chợ được chia thành 3 hạng: hạng 1 (có trên 400 điểm kinh doanh, được đặt ở các vị trí trung tâm thương mại quan trọng của tỉnh, thành phố có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với qui mô hoạt động của chợ); hạng 2 (có từ 200 – 400 điểm kinh doanh, được đặt ở trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với qui mô hoạt động của chợ); hạng 3 (có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hoá của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận).
Siêu thị là loại hình cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; cơ cấu chủng loại hàng hoá phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thoả mãn nhu cầu mua sắm hàng hoá của khách hàng. Siêu thị được chia thành 3 hạng: hạng 1 kinh doanh tổng hợp (diện tích kinh doanh từ 5.000m2 trở lên, danh mục hàng hoá kinh doanh từ 20.000 tên hàng trở lên), hạng 1 chuyên doanh (diện tích kinh doanh từ 1.000m2 trở lên, danh mục hàng hoá kinh doanh từ 2.000 tên hàng trở lên); hạng 2 kinh doanh tổng hợp (diện tích kinh doanh từ 2.000m2 trở lên, danh mục hàng hoá kinh doanh từ 10.000 tên hàng trở lên), hạng 2 chuyên doanh (diện tích kinh doanh từ 500m2 trở lên, danh mục hàng hoá kinh doanh từ 1.000 tên hàng trở lên); hạng 3 kinh doanh tổng hợp (diện tích kinh doanh từ 500m2 trở lên, danh mục hàng hoá kinh doanh từ 4.000 tên hàng trở lên), hạng 3 chuyên doanh (diện tích kinh doanh từ 250m2 trở lên, danh mục hàng hoá kinh doanh từ 500 tên hàng trở lên).
Trung tâm thương mại là loại hình kinh doanh thương mại, hiện đại, đa chức năng, bao gồm tổ hợp các loại hình cửa hàng, cơ sở hoạt động dịch vụ; hội trường, phòng họp, văn phòng cho thuê… được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề, đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của thương nhân và thoả mãn nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ của khách hàng.
Hàng hóa xuất khẩu là hàng hoá có xuất xứ trong nước và hàng tái xuất được đưa ra nước ngoài làm giảm nguồn vật chất trong nước, trong đó:
- Hàng hoá có xuất xứ trong nước là hàng hóa được khai thác, sản xuất, chế biến trong nước theo qui tắc xuất xứ của Việt Nam;
- Hàng hoá tái xuất là những hàng hoá đã nhập khẩu, sau đó lại xuất khẩu nguyên dạng hoặc chỉ sơ chế, bảo quản, đóng gói lại, không làm thay đổi tính chất cơ bản của những hàng hoá đó, trừ những hàng hoá tạm nhập khẩu dưới sự kiểm tra giám sát của cơ quan hải quan và phải tái xuất theo các quy định của pháp luật.
Hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa nước ngoài và hàng tái nhập được đưa từ nước ngoài vào Việt Nam, làm tăng nguồn vật chất trong nước, trong đó:
- Hàng hoá có xuất xứ nước ngoài là những hàng hoá được khai thác, sản xuất, chế biến ở nước ngoài, theo qui tắc xuất xứ của Việt Nam;
- Hàng hoá tái nhập là những hàng hoá đã xuất khẩu ra nước ngoài, sau đó được nhập khẩu trở lại nguyên dạng hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản, đóng gói lại, tính chất cơ bản của hàng hoá không thay đổi, trừ hàng hoá tạm xuất khẩu, chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan hải quan và phải tái nhập sau khi hết thời hạn theo qui định của pháp luật.
Trị giá xuất khẩu hàng hoá là toàn bộ giá trị hàng hoá đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam làm giảm nguồn của cải vật chất của Việt Nam trong một thời kỳ nhất định. Trị giá xuất khẩu được tính theo giá FOB. Giá FOB là giá giao hàng tại biên giới nước xuất khẩu, bao gồm giá của bản thân hàng hoá, chi phí đưa hàng đến địa điểm xuất khẩu và chi phí bốc hàng lên phương tiện chuyên chở.
Trị giá nhập khẩu hàng hoá là toàn bộ giá trị hàng hoá đưa vào lãnh thổ Việt Nam làm tăng nguồn của cải vật chất của Việt Nam trong một thời kỳ nhất định. Trị giá nhập khẩu được tính theo giá CIF. Giá CIF là giá giao hàng tại cửa khẩu nhập đầu tiên của Việt Nam, bao gồm giá của bản thân hàng hoá, chi phí bảo hiểm và chi phí vận chuyển hàng hoá tới địa điểm nhập khẩu nhưng không bao gồm chi phí dỡ hàng từ phương tiện chuyên chở.
Cán cân thương mại hàng hóa là mức chênh lệch giữa trị giá xuất khẩu hàng hóa và trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các nước trong một thời kỳ nhất định. Trong cán cân thương mại hàng hóa, trị giá xuất khẩu được tính theo giá FOB, trị giá nhập khẩu được tính theo giá CIF.
Khi trị giá xuất khẩu lớn hơn trị giá nhập khẩu thì cán cân thương mại mang dấu dương (+) hay còn gọi là xuất siêu; khi trị giá nhập khẩu lớn hơn trị giá xuất khẩu thì cán cân thương mại mang dấu âm (-) hay còn gọi là nhập siêu.
Danh mục hàng hóa thương mại quốc tế tiêu chuẩn là bảng danh mục phân loại hàng hoá xuất, nhập khẩu dựa trên các công đoạn sản xuất của hàng hoá do Uỷ ban Thống kê Liên Hợp Quốc ban hành, sử dụng cho mục đích thống kê, phân tích kinh tế. Bản sửa đổi lần thứ 3 của danh mục này (SITC – Rev. 3, 1986) gồm 10 phần, 67 chương, 261 nhóm, 3118 phân nhóm.
Dịch vụ xuất khẩu là toàn bộ các dịch vụ do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước – đơn vị thường trú của Việt Nam – cung cấp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài – đơn vị không thường trú.
Dịch vụ nhập khẩu là toàn bộ các dịch vụ do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước – đơn vị thường trú của Việt Nam – tiêu dùng/nhận từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân nước ngoài – đơn vị không thường trú.
Danh mục dịch vụ xuất, nhập khẩu Việt Nam là danh mục phân loại các sản phẩm dịch vụ được xuất khẩu, nhập khẩu giữa đơn vị thường trú của Việt Nam và đơn vị không thường trú. Khái niệm về đơn vị thường trú và không thường trú được qui định thống nhất trong Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) và cán cân thanh toán quốc tế (BOP). Danh mục này được ban hành theo Quyết định số 28/2011/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.