Giải pháp giảm nghèo bền vững và thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh
Giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, các dân tộc, nhóm dân cư. Đây là những nội dung quan trọng trong chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, bởi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì vấn đề đói nghèo của quốc gia nói chung, đói nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra. Vì vậy, công tác giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta là mục tiêu quan trọng trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới.
Mô hình nuôi bò sinh sản của đồng bào dân tộc Rơ Măm, làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy
Sau 29 năm được tái thành lập tỉnh và hòa chung với công cuộc đổi mới đất nước, với nhiều chương trình, dự án như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, trong đó có Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ, … Đặc biệt, là thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về Công tác dân tộc đã đạt được những thành quả hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị , kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,03% (28.990 hộ) năm 2016 xuống 13,62% (18.858 hộ) cuối năm 2019; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 41,39% (26.908 hộ) năm 2016 xuống còn 24,93% (17.649 hộ) cuối năm 2019. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 6,64% (8.359 hộ) năm 2016 xuống còn 6,36% (8.809 hộ) cuối năm 2019; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 32,16 triệu đồng năm 2016 lên 41,28 triệu đồng năm 2019. Kết quả đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện, xã, thôn thuộc Chương trình phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân: Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải 86,3%. Tỷ lệ thôn, làng có đường trục giao thông được cứng hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải đạt 48,7%. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 61%; Tỷ lệ trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 95,1%. Có 85,3% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; có 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thông qua các báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác. Toàn tỉnh hiện có 27 xã được công nhận xã nông thôn mới, 04 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 50 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 04 xã đạt từ 8 đến 9 tiêu chí (không có xã đạt chuẩn dưới 8 tiêu chí).
Phát triển Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông
Tuy nhiên, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được cải thiện song vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn là nơi khó khăn nhất, kinh tế- xã hội chậm phát triển nhất, đặc biệt là cơ sở hạ tầng kinh tế, tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng so với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa,tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung của tỉnh vẫn còn ở mức thấp; thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao hơn, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, hộ nghèo dần dần chỉ còn là hộ người dân tộc thiểu số … Bên cạnh đó, người dân tộc thiểu số chủ yếu lao động giản đơn trong sản xuất nông nghiệp, nên trực tiếp hay bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và diễn biến dịch bệnh xảy ra ngày càng phức tạp; vị trí địa lý đặc thù tạo ra thuận lợi, song cũng đặt ra những khó khăn giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh; việc phát triển kinh tế khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động, gây mất ổn định chính trị, chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc. Bởi vậy, việc thực hiện chính sách giảm nghèo vùng dân tộc của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới và khu vực phục hồi đà tăng trưởng nhưng tốc độ còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh tế từng bước thoát khỏi tình trạng suy giảm, lấy lại đà tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỉnh Kon Tum nằm ở ngã ba Đông Dương, là trung tâm của vùng Tam giác phát triển; có lợi thế về kinh tế cửa khẩu; có tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc… nên có điều kiện cho phát triển kinh tế rừng, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến, thương mại–dịch vụ và du lịch. Nhiều công trình, dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn được đầu tư, triển khai thực hiện, nhất là nhiều tuyến đường nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và vùng Tam giác phát triển sẽ được đầu tư nâng cấp.
Tình hình thế giới, khu vực, trong nước tạo ra cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều yêu cầu mới, phức tạp hơn đối với việc ổn định và phát triển của tỉnh và việc thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới đòi hỏi phải có sự đổi mới mang tính đột phá, quyết liệt, hiệu quả. Để góp phần thực hiện tốt những vấn đề có tính nguyên tắc của chính sách dân tộc: Bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển. Một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đó là:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đang còn hiệu lực thi hành như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025 và các chính sách khác đang còn hiệu lực; đồng thời, đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết các khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người; bảo đảm mức sống của các dân tộc này tương đương với các dân tộc khác trong vùng theo mục tiêu Đề án đề ra đến năm 2025 .
Hai là, chủ động phối hợp cùng với các sở, ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo nguyên tắc: “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Đổi mới tư duy tổ chức thực hiện triển khai chính sách dân tộc theo hướng phân cấp cho huyện, xã trực tiếp quản lý nguồn lực, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các dự án cụ thể; tăng vay giảm “cho không”, chuyển hướng đầu tư phát triển- tăng cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình; gắn giảm nghèo với các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, văn hóa, giáo dục, y tế… tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn lực, trực tiếp tham gia, giám sát , công khai, dân chủ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và quyền làm chủ của đồng bào dân tộc thiểu số; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chủ động tích cực vượt khó đi lên…; tổ chức phát động, triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Ba là, tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, như: tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế như: Hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực để sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao; kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa vùng dân tộc thiểu số với thị trường trong nước và quốc tế để đồng bào ổn định cuộc sống; đồng thời, chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp, các ngành và đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đổi mới hơn nữa nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, để đồng bào hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tin tưởng thực hiện chính sách giảm nghèo; nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến, đồng thời khơi dậy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Phát huy vai trò tích cực của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia ở các cấp. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu của các Chương trình đề ra.
Thanh Phước