Giải pháp cho ba mẹ: “Khi trẻ sơ sinh gắt ngủ phải làm sao?” | TCI Hospital
Giải pháp cho ba mẹ: “Khi trẻ sơ sinh gắt ngủ phải làm sao?”
Một trong những vấn đề khiến các bố mẹ dễ bị mệt mỏi và stress nhất khi nuôi con nhỏ là tình trạng bé sơ sinh gắt ngủ và quấy khóc liên tục. Cha mẹ có biết nguyên nhân của tình trạng này là do đâu và khi trẻ sơ sinh gắt ngủ phải làm sao để bé ngủ ngoan nhanh chóng.
1. Tại sao bé sơ sinh hay gắt ngủ?
Sau khi mới sinh, có thể tùy tính tình của từng bé nhưng dù nhiều dù ít các bé đều sẽ có lúc gắt ngủ và khóc quấy. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng này là do bé vẫn đang trong quá trình làm quen với thế giới và đối với bé, thế giới chưa quen thuộc có rất nhiều yếu tố khiến bé cảm thấy bất an, khó chịu. Trong khi đó, cách thể hiện cảm xúc mãnh liệt nhất của bé chủ yếu là “gào khóc”.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh thường có những giấc ngủ ngắn và không sâu. Bé còn dễ bị giật mình. Điều này cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bé gắt ngủ.
Ngoài ra, bé còn khóc quấy khi cảm thấy mệt mỏi, trong người khó chịu… Khi thấy bé khóc quấy, cha mẹ nên kiểm tra nguyên nhân bé khó chịu, ví dụ như: tã bị ướt gây ẩm thấp, tã quấn quá chặt, cơ thể bé không thoải mái do bị đầy hơi, đau bụng hoặc các vấn đề về sức khỏe khác.
2. Trẻ sơ sinh gắt ngủ phải làm sao?
2.1. Cho bé bú no trước khi ngủ
Đây là cách khá hiệu quả để dỗ trẻ khi gắt ngủ. Bởi một trong những nguyên nhân khiến bé giật mình tỉnh giấc và quấy khóc là bé bị đói. Bên cạnh đó, khi có cảm giác no bé dễ buồn ngủ hơn. Lúc này mẹ có thể nhẹ nhàng đặt bé xuống giường và vỗ về hay xoa lưng để giúp bé ngủ sâu hơn.
2.2. Không để bé thức quá giấc
Trẻ con cần ngủ khá nhiều thời gian trong ngày, bởi vậy nếu cha mẹ thấy bé có những biểu hiện buồn ngủ như: mắt lờ đờ, ngáp, lim dim… thì nên cho bé bú và ngủ ngay. Đồng thời, cha mẹ nên kết hợp với việc tập cho bé có thói quen ngủ đúng giờ để các giấc ngủ của bé sâu và kéo dài hơn.
2.3. Cho bé nghe các âm thanh đều đều ru ngủ
Ngoài những bài hát ru với giai điệu nhẹ nhàng, một số bé có thể ngừng khóc hoặc đi ngủ khi nghe những âm thanh lặp đi lặp lại như tiếng máy sấy, tiếng một đoạn nhạc, thậm chí là tiếng xé giấy… Điều này còn tùy thuộc từng bé, cha mẹ nên quan sát kỹ để xem bé nhà mình phản ứng tích cực với âm thanh nào để sử dụng khi dỗ trẻ ngủ.
2.4. Kiểm tra cơ thể của bé
Trẻ sơ sinh có thể gắt ngủ nếu cảm thấy khó chịu vì tã quấn quá chặt, bị giật mình khi đi tiểu tiện hoặc đại tiện ra tã, bị xót do hăm tã hoặc mọc rôm sảy do mặc đồ quá nóng… Bởi vậy, khi bé gắt ngủ, cha mẹ hãy kiểm tra xem bé có đang ở trong trường hợp này hay không để có cách khắc phục. Bé sẽ ngủ ngon hơn khi được thoải mái.
2.5. Tạo môi trường phù hợp cho bé ngủ
Bé sẽ khó ngủ nếu trong căn phòng quá nhiều ánh sáng, ồn ào, tù túng… Bởi vậy, phòng của bé nên có độ yên tĩnh cao, thoáng nhưng kín gió, ánh sáng yếu – đặc biệt là khi bé ngủ.
Bạn nên tập thói quen cho bé tự ngủ thay vì luôn “dong” bé trên tay để dỗ ngủ. Bởi một khi rời khỏi cảm giác an toàn trong vòng tay mẹ, bé sẽ bị giật mình và bất an dẫn đến khóc quấy. Hãy để bé ngủ ở nơi quen thuộc, điều này sẽ tạo cho bé một thói quen dễ đi vào giấc ngủ hơn khi mẹ muốn dỗ bé ngủ.
Nếu bé quấy khóc quá nhiều đồng thời có những dấu hiệu như: sụt cân, lười ăn, mệt mỏi, tiêu chảy… có thể bé cảm thấy khó chịu vì đang mắc một bệnh lý nào đó. Cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị.