Giải mã phương pháp ngâm nước đá của vận động viên
Hình ảnh các vận động viên ngâm nước đá tới đỏ da gây ra nhiều bình luận. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những lợi ích nhất định.
SEA Games 31 kết thúc, người hâm mộ thể thao Việt Nam đã được chứng kiến nhiều khoảnh khắc đẹp và cảm xúc xuyên suốt thời gian đại hội diễn ra. Bên ngoài sân đấu, những người trẻ tại Việt Nam còn tiếp cận với nhiều điều thú vị và kỳ lạ trên các nền tảng mạng xã hội được chia sẻ từ chính các vận động viên.
Một trong số đó là phương pháp trị liệu đặc biệt sử dụng nước đá lạnh để hồi phục cơ bắp. Đáng chú ý, không chỉ vận động viên chuyên nghiệp, nhiều người chơi, tập luyện thể thao phong trào sau đó cũng đăng tải những video ngâm mình trong nước đá.
Song song với hàng loạt câu hỏi và bình luận thể hiện sự ngạc nhiên và tò mò, một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại cũng như phản đối cách làm này do những nguy cơ chúng mang lại.
Ronaldo chia sẻ hình ảnh sẵn sàng chịu mức nhiệt độ thấp để tăng cường khả năng vận hành cơ bắp.
Lợi ích thật sự
Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, phòng Khoa học Y học Thể thao, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia (Hà Nội), người từng phụ trách y tế cho Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và U23 Việt Nam, cho biết đến nay, y học thế giới chưa có những công trình nghiên cứu thực sự rõ ràng và chuyên sâu xoay quanh phương pháp trị liệu bằng ngâm nước đá.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận những lợi ích của phương pháp này tới cơ thể sau khi hoạt động thể lực cường độ cao”, vị chuyên gia nói.
Cụ thể, một số nghiên cứu nhỏ lẻ cũng đã chứng minh việc ngâm mình trong nước đá có thể giúp người chơi thể thao rút ngắn thời gian phục hồi cơ bắp, đồng thời thúc đẩy quá trình này hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp chúng ta giảm sưng, chống viêm cho cơ bắp. Đồng thời, ngâm đá lạnh làm giảm hoạt động trao đổi chất của tế bào, từ đó làm chậm quá trình thoái hóa.
Về cơ chế, bác sĩ Thủy giải thích: “Với nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 10-15 độ C và ngâm trong 5-10 phút sau khi tập luyện cường độ cao, phương pháp này giúp co mạch ngoại vi, đẩy máu ứ đọng ở mô cơ về tĩnh mạch trung tâm”.
Bên cạnh đó, lực đẩy acsimet khi người chơi thể thao ngâm nước đá cũng góp phần vào quá trình này, từ đó hạn chế tình trạng lắng đọng axit lactic tại tế bào. Đây cũng là yếu tố giúp quá trình hồi phục cơ bắp được đẩy nhanh hơn.
“Bản thân nhiệt độ thấp của nước đá cũng giúp cơ thể giảm sưng, chống viêm, làm chậm quá trình trao đổi chất, từ đó hạn chế sự thoái hóa”, vị chuyên gia nói thêm.
Trong những hoạt động thể dục thể thao, tất cả mô, sợi cơ đều có nguy cơ bị đứt, rách. Do đó, phương pháp ngâm nước đá, với cách tác động nêu trên, được đánh giá cao trong việc giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục cơ bắp.
Có nguy cơ hay không?
Phản hồi về những ý kiến cho rằng biện pháp này không đảm bảo an toàn cho người áp dụng, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy thừa nhận những lo ngại này là có cơ sở.
Ông nói: “Phương pháp ngâm nước đá, bên cạnh những lợi ích, cũng tiềm ẩn một số nguy nhất định liên quan tim mạch. Nguyên nhân là khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, mạch bị co lại tức thì sẽ đẩy máu về tim nhiều hơn”.
Từ đây, vị chuyên gia cho rằng một số người có vấn đề về tim mạch hoặc tiền sử huyết áp nếu áp dụng phương pháp này có thể phải chịu gánh nặng rất lớn ở tim, thậm chí dẫn đến nguy cơ đột tử.
Nguy cơ thứ 2 đến từ việc ngâm nước đá là một số trường hợp thực hiện quá lâu hoặc sử dụng nhiệt độ quá thấp. Sai lầm này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm lạnh, gây một số biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản…
Ngoài ra, bác sĩ Thủy cũng lưu ý những trường hợp tiểu đường hoặc có tiền sử tiểu đường. Nhóm này có mạch máu ngoại vi rất kém và chống chỉ định với biện pháp ngâm nước đá.
“Nhiệt độ quá thấp khi thực hiện phương pháp này có thể làm hỏng mạch máu của những bệnh nhân này, phá hủy tổ chức nuôi dưỡng mạch máu đó”, ông giải thích,
Không phải vận động viên có nên áp dụng?
Với những nguy cơ kể trên, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy khuyến cáo phương pháp ngâm nước đá chỉ được áp dụng ở những người khỏe mạnh, đặc biệt là không có vấn đề về tim mạch, huyết áp hay tiểu đường.
Ngoài ra, khi thực hiện, chúng ta cần chú ý ngâm trong phòng kín, không có gió lùa để tránh nhiễm lạnh, đồng thời lưu tâm về nhiệt độ nước cũng như thời gian.
“Để tránh mất nhiệt, người thực hiện cũng có thể uống nước ấm, ăn đồ nóng trước khi ngâm nước đá để làm nóng cơ thể từ bên trong. Bên cạnh đó, cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, nước, điện giải, vitamin và khoáng chất cho cơ thể, tránh để tình trạng thiếu năng lượng khi ngâm nước đá”, bác sĩ Thủy nói.
Về đối tượng áp dụng, vị chuyên gia này cho hay phương pháp ngâm nước đá phù hợp cho những trường hợp vận động thể lực với cường độ cao trong thời gian dài. Trong khi đó, những người chơi hay tập luyện các môn thể thao yêu cầu sức mạnh ngắn được khuyến cáo nên áp dụng phương pháp khác.
Do đó, bác sĩ Thủy khẳng định dù không phải vận động viên chuyên nghiệp, những người chơi thể thao phong trào cũng có thể áp dụng phương pháp này sau khi vận động với cường độ cao, thời gian dài.
“Với các vận động viên, về cơ bản, sức khỏe được đảm bảo khá tốt, nguy cơ không lớn. Tuy nhiên, với người bình thường, chúng ta cần đặc biệt lưu ý về những yếu tố như tim mạch, huyết áp, tiểu đường…”, ông nhấn mạnh.