Giải mã những sai phạm của Công ty Liên kết Việt

– PV: Thưa Cục trưởng, cho đến thời điểm này xin ông cho biết những kết quả điều tra có thể công bố được của cơ quan điều tra về vụ lừa đảo của Công ty Liên kết Việt?

– Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh: Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Liên kết Việt được Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố ngày 17/12/2015.

Quá trình điều tra đến nay đã khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà) – Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thị Thủy – Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh; Lê Văn Tú – Phó Tổng Giám đốc (cháu Lê Xuân Giang) và 4 bị can trong nhóm thuyết trình viên đã giúp sức đắc lực cho Giang là: Vũ Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường, Lê Thanh Sơn và Trịnh Xuân Sang.

Kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan điều tra đã làm rõ Công ty Liên kết Việt do Lê Xuân Giang thành lập, đăng ký và được cấp phép sản xuất và kinh doanh bán hàng đa cấp 4 mặt hàng thực phẩm chức năng gồm: cốt dưỡng vương, bổ não vương, sâm nhung đông trùng hạ thảo và máy ô zôn. Tuy nhiên Công ty Liên kết Việt chỉ sản xuất, kinh doanh một lượng hàng hóa nhỏ (theo kê khai thuế và sổ sách thì toàn bộ hàng hóa kinh doanh của Công ty chỉ trị giá 9 tỷ đồng).

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng đang chỉ đạo điều tra vụ lừa đảo ở Công ty Liên kết Việt.Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng đang chỉ đạo điều tra vụ lừa đảo ở Công ty Liên kết Việt.

Thực chất, Lê Xuân Giang và các đồng phạm đã lợi dụng loại hình kinh doanh đa cấp để hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tiền của người tham gia. Để khuếch trương hoạt động và tạo niềm tin cho người tham gia, Lê Xuân Giang và đồng bọn đã tuyên truyền quảng cáo, lừa dối khách hàng rằng Công ty Liên kết Việt là Công ty của Bộ Quốc phòng, 4 mặt hàng thực phẩm chức năng nêu trên đều là sản phẩm liên doanh sản xuất với các đơn vị của Bộ Quốc phòng như: Bệnh viện Quân đội 103, 108 và Công ty Thanh Hà – Bộ Quốc phòng.

Ngoài ra, Giang đã thuê làm Bằng khen giả của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức đón nhận rầm rộ; hằng tháng tổ chức nhiều hội nghị để tuyên truyền, quảng cáo. Giang còn dùng thủ đoạn thường xuyên mặc trang phục quân đội, mời các cán bộ quân đội đã nghỉ hưu tham dự các hội nghị để mọi người ngộ nhận Công ty Liên kết Việt và sản phẩm thực phẩm chức năng là của Bộ Quốc phòng.

Để lôi kéo nhiều người tham gia hệ thống Liên kết Việt, Giang còn chỉ đạo tổ chức “đại hội hoa hồng nhân văn, đại thắng, lộc xuân thịnh vượng, mã đáo đại thắng…” để trao thưởng xe máy, xe ô tô và nhà chung cư; hứa hẹn, tuyên truyền chi trả mức hoa hồng lên đến 65% doanh thu (trong khi pháp luật qui định mức hoa hồng tối đa không quá 40%).

Bằng những thủ đoạn trên, trong 1 năm, Công ty Liên kết Việt đã phát triển chi nhánh bán hàng đa cấp đến 27 tỉnh thành trong cả nước, lôi kéo hơn 60 ngàn người tham gia ký hợp đồng, nộp tiền, rồi lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, và đã chiếm đoạt tổng số tiền lên đến trên 1.900 tỷ đồng.

Hiện Cơ quan điều tra đang tập trung truy tìm, thu hồi tài sản, mở rộng điều tra tại 27 tỉnh thành có liên quan. Nhân đây tôi cũng đề nghị những người tham gia hệ thống Liên kết Việt cung cấp thông tin, hợp tác với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh, thành có liên quan để phục vụ công tác điều tra vụ án và được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

– PV: Thông thường những vụ lừa đảo kinh doanh đa cấp chỉ được phát hiện khi nó hoạt động phình to, mất kiểm soát dẫn đến “vỡ trận”, không có khả năng thanh toán cho người tham gia. Nhưng vụ án này, chúng tôi được biết, Cơ quan CSĐT đã phát hiện từ khá lâu, khi Công ty này đang hoạt động bình thường thông qua công tác trinh sát. Xin Cục trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

– Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh: Qua công tác điều tra cơ bản và nắm tình hình, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng thấy hoạt động kinh doanh đa cấp thời gian qua phát triển rất nóng, lan rộng về cả những vùng quê, nơi bà con thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, tiềm ẩn nhiều phức tạp, vi phạm pháp luật, do loại hình này dễ bị lợi dụng biến tướng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua đó, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng thấy nổi lên hoạt động của Công ty Liên kết Việt có nhiều nghi vấn vi phạm pháp luật, nên đã xác lập chuyên án để đấu tranh.

Sau một thời gian sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, thu thập tài liệu chứng cứ, xác định có dấu hiệu của tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên Cơ quan CSĐT đã quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 17/12/2015, khởi tố và bắt tạm giam Lê Xuân Giang để điều tra làm rõ. Do đó đã kịp thời bắt giữ các đối tượng cầm đầu, đối tượng chính trong vụ án và thu giữ được tương đối đầy đủ máy tính, sổ sách liên quan đến mạng lưới kinh doanh đa cấp Liên kết Việt, không để các đối tượng đánh sập hệ thống, tiêu hủy tài liệu chứng cứ và bỏ trốn.

– PV: Rõ ràng, những hoạt động của Công ty Liên kết Việt rất rầm rộ, họ dám mạo danh cả Bộ Quốc phòng để lừa đảo mọi người. Theo kết quả điều tra của Cơ quan điều tra thì Chủ tịch HĐQT Lê Xuân Giang đã giả danh Đại tá quân đội, thế nhưng những cán bộ quân đội có mặt trong các hội nghị của Công ty Liên kết Việt, chính quyền địa phương, Bộ Quốc phòng cũng không hề biết về sự giả mạo này? Còn Bằng khen của Thủ tướng, ảnh đối tượng Giang chụp với lãnh đạo Đảng, nhà nước? Xin Cục trưởng có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này cho bạn đọc, bởi có rất nhiều luồng thông tin trái chiều về vấn đề này. Họ còn cho rằng có sự chống lưng hay tiếp tay của những người khác?

– Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh: Việc Lê Xuân Giang mặc trang phục quân đội; tuyên truyền Công ty Liên kết Việt và các sản phẩm do các đơn vị Bộ Quốc phòng sản xuất đã được Cơ quan điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng phối hợp với Viện kiểm sát quân sự Bộ Quốc phòng tiến hành xác minh, kết quả cho thấy Công ty Liên kết Việt và các sản phẩm hàng hóa nêu trên đều là mạo danh Bộ Quốc phòng. Một số cán bộ quân đội tham dự các buổi tuyên truyền, quảng cáo trả thưởng của Công ty Liên kết Việt đều là cán bộ quân đội đã nghỉ hưu được Lê Xuân Giang mời dự (do trước đây Lê Xuân Giang có thời gian phục vụ trong quân đội nên có quan hệ quen biết).

Sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự tại Công ty Liên kết Việt, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng đã chuyển các tài liệu có liên quan cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp nhận giải quyết theo thẩm quyền. Việc tổ chức rầm rộ đón nhận Bằng khen (được làm giả) của Thủ tướng Chính phủ, việc có ảnh chụp với một số cán bộ lãnh đạo, Cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ Lê Xuân Giang thuê làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; còn việc có ảnh chụp với cán bộ lãnh đạo là trong một sự kiện khác mà Giang là một khách mời cùng có mặt, không hề liên quan đến hoạt động của Công ty Liên kết Việt.

Đến nay lời khai của Lê Xuân Giang và tài liệu điều tra chưa phát hiện có sự “chống lưng” hay “tiếp tay” cho hoạt động vi phạm pháp luật của Công ty Liên kết Việt.

Dẫn giải đối tượng Nguyễn Thị Thủy và Lê Xuân Giang.Dẫn giải đối tượng Nguyễn Thị Thủy và Lê Xuân Giang.

– PV: Vụ án xảy ra, mới thấy rằng việc quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp rất sơ hở. Chúng tôi nghĩ rằng, trách nhiệm quản lý đã được giao cụ thể cho các đơn vị chức năng. Ngoài việc cấp giấy phép kinh doanh thì phải có biện pháp hậu kiểm. Vậy trong vụ án này, trách nhiệm của những đơn vị quản lý chức năng đó như thế nào, thưa Cục trưởng?

– Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh: Mô hình kinh doanh đa cấp xuất hiện ở nước ta những năm 1999 – 2000 với một vài Công ty hoạt động nhỏ lẻ, cho đến cuối năm 2004 khi Luật Cạnh tranh ra đời và Nghị định 110 của Chính phủ được ban hành năm 2005 thì loại hình này mới chính thức được thừa nhận và chịu sự quản lý, điều chỉnh bằng pháp luật. Những năm gần đây, Nhà nước ban hành một số quy định: Nghị định 42 của Chính phủ năm 2014, Thông tư 24 hướng dẫn thi hành Nghị định 42 về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp… nhưng có thể thấy chế tài xử lý vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, điều kiện để kinh doanh đa cấp còn lỏng lẻo, chưa đầy đủ, hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực này còn thiếu đồng bộ, việc kiểm tra, hậu kiểm cũng gặp khó khăn do có sự đối phó và thủ đoạn che giấu tinh vi.

Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết, hám lợi của người dân khi tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp, thậm chí khi hệ thống chưa bị đổ vỡ thì người tham gia mạng lưới thiếu hợp tác với cơ quan chức năng… là một số nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm và tội phạm trong loại hình kinh doanh này diễn biến phức tạp trong thời gian qua.

Trong vụ án cụ thể này, tháng 7/2015, Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương đã thanh tra và phát hiện một số vi phạm ở Công ty Liên kết Việt, đã xử phạt vi phạm hành chính. Hiện Bộ Công thương đang phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.

– PV: Kinh doanh đa cấp là một phương thức kinh doanh tiến bộ trên thế giới, đặc biệt trong xu thế hội nhập hiện nay, đương nhiên loại hình này vẫn sẽ tồn tại và phát triển ở Việt Nam. Vậy để loại hình kinh doanh này phát triển theo đúng nghĩa, tính chất của nó, theo ông, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm gì?

– Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh: Kinh doanh đa cấp là hình thức kinh doanh văn minh, tiến bộ ở các nước hiện đại, phát triển trên thế giới và có nhiều ưu điểm, tiện ích. Khác với phương thức kinh doanh truyền thống, bản chất của kinh doanh đa cấp là hướng tới đại chúng, người tiêu dùng sản phẩm cũng có thể đồng thời tham gia kinh doanh sản phẩm đó và số lượng người tham gia phân phối rất lớn, nên nếu có sự cố xảy ra thì tác động ảnh hưởng về mặt xã hội là rất lớn. Ở Việt Nam hiện có 59 đơn vị được cấp phép kinh doanh đa cấp, có trên 1,2 triệu người tham gia, với hơn 7.000 mặt hàng, trong đó thực phẩm chức năng chiếm đến 90%.

Để loại hình này phát triển lành mạnh, theo đúng nghĩa của nó, các cơ quan chức năng cần quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh đa cấp, tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe (nâng mức tiền phạt, xem xét tạm đình chỉ hoạt động một thời gian hoặc đình chỉ vĩnh viễn nếu có vi phạm nghiêm trọng); tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và phối hợp trao đổi thông tin; cần kiểm tra, thẩm định các sản phẩm đa cấp chào bán để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng (có nhiều sản phẩm kinh doanh doanh đa cấp chất lượng kém, quảng cáo sai sự thật, đẩy giá lên quá cao ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng).

Bên cạnh đó, cần khuyến cáo người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp và tiêu dùng khi mua sản phẩm cần tìm hiểu cặn kẽ về quy tắc hoạt động của mạng lưới, nghiên cứu quyền lợi, nghĩa vụ giữa các bên, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

– PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Theo T.Hòa – P.Thủy

An ninh thế giới