Giải mã ‘Tây du ký’: 5 thầy trò Đường Tăng thực chất là ai?
(VTC News) –
Đọc truyện, xem phim Tây du ký, mọi người thường mê mẩn nhân vật Tôn Ngộ Không, quý mến Sa Tăng, nhiều lần tức điên vì sư phụ Đường Tăng, còn với Trư Bát Giới thì vừa bực mình vừa buồn cười. Một “nhân vật” nữa cũng được tính là đồ đệ của Đường Tăng: Bạch mã, vốn là thái tử của long cung.
Nếu nhìn sâu vào thông điệp ẩn sau câu chuyện thỉnh kinh, sẽ thấy 5 thầy trò lặn lội sang Tây Thiên ấy thực chất chỉ là một. Năm nhân vật là 5 khía cạnh của một bản thể duy nhất, mỗi người tượng trưng cho một đặc tính thường thấy của con người trên hành trình hoàn thiện bản thân. Câu chuyện 5 thầy trò vượt núi trèo non trải qua 81 khổ nạn là quá trình tu luyện của một người; những cuộc hàng yêu tróc quỷ là những lần chiến thắng chính mình, vượt qua tâm ma của bản thân để tiến dần trên con đường chứng đạo.
Trong Tây du ký, mỗi nét tính cách, hành động của nhân vật chính cùng những chướng ngại mà họ gặp phải đều mang tính ẩn dụ rất lớn.
Đường Tăng
Như đã nói trên, 5 người đi lấy kinh thực chất chỉ là một. Trong đó, nhân vật Đường Tăng tượng trưng cho thể xác, tình cảm con người. Đường Tăng tuy là do Kim Thiền Tử, đồ đệ thứ hai của Phật Tổ Như Lai giáng sinh, nhưng mang thân thể và số kiếp phàm trần.
Từ thuở nhỏ, nhân vật này đã một lòng tu đạo, khao khát lớn nhất là đạt thành chính quả, nhưng vì là người trần mắt thịt nên vô cùng yếu ớt, đi đến đâu cũng gặp yêu ma nhảy ra đòi ăn thịt, hơi một chút là sợ hãi, lo lắng. Đường Tăng còn hết lần này đến lần khác bị lừa một cách dễ dàng, tên yêu quái nào cũng có thể phỉnh phờ, che mắt. Chính sự kiên định con đường mình đi giúp Đường tăng vượt qua 81 kiếp nạn – vượt qua những trở ngại trên con đường tu dưỡng tâm tính của mình để đến đích.
Giống như Đường Tăng, phần thể xác, tình cảm trong mỗi con người chúng ta nhiều lúc rất yếu đuối, nhu nhược, u mê, khắc phục điều này thật không dễ dàng.
Giải mã ‘Tây du ký’: 5 thầy trò Đường Tăng thực chất là 5 khía cạnh trong một con người.
Tôn Ngộ Không
Nhân vật Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho cái tâm, vì vậy mà được xây dựng thành hình tượng con khỉ – loài vật hiếu động, không lúc nào ngồi yên. Người Trung Quốc xưa có câu “Tâm viên ý mã” (tâm con vượn, ý con ngựa), ý nói tâm trí con người luôn xáo động và rất khó kiểm soát. Cũng như tâm trí, Tôn Ngộ Không có thể bay hàng chục ngàn dặm trong nháy mắt, lên thiên đình hay xuống điện diêm la cũng chỉ một cái lắc mình, nghĩa là tâm rất dễ dao động giữa thiện và ác. Vì vậy, Quán Thế Âm Bồ Tát phải cho Đường Tăng chiếc vòng kim cô để khống chế.
Tác giả Ngô Thừa Ân từng ám chỉ về sự tượng trưng này trong đoạn đầu Tây du ký, khi nói Tôn Ngộ Không tìm thầy học đạo ở động Tà Nguyệt Tam Tinh. Hình tượng Tà Nguyệt Tam Tinh (mặt trăng khuyết và ba vì sao) chính là chữ “Tâm”, ý nói cái tâm của người tu hành.
Kinh Lăng Nghiêm viết: “Tâm có 72 tướng”, Tôn Ngộ Không có 72 phép biến hóa. Việc Ngộ Không bị luyện trong lò bát quái không chết, thậm chí còn trở nên lợi hại hơn, có mắt lửa ngươi vàng, là biểu tượng của quá trình luyện tâm, giúp con người dần trở nên sáng suốt.
Con đường từ Đại Đường, điểm xuất phát của hành trình thỉnh kinh – đến Thiên Trúc đất Phật là 10 vạn 8 nghìn dặm; một cân đẩu vân của Ngộ Không cũng đi được 10 vạn 8 nghìn dặm. Có thể hiểu rằng thiện – ác, thiên đường – địa ngục… cũng chỉ cách nhau một ý nghĩ. Một niệm có thể thành Phật, cũng có thể thành tà ma.
Tôn Ngộ Không là đại đồ đệ của Đường Tăng, người hỗ trợ đắc lực nhất trong quá trình thỉnh kinh, điều này cho thấy vai trò của tâm trong hành trình đi đến sự hoàn thiện của con người.
Trư Bát Giới
Nhân vật này tượng trưng cho dục vọng trong mỗi chúng ta, chính vì vậy mà mang hình hài của lợn – tham ăn, tham chơi, háo sắc, lười biếng, ghen tỵ, nhiều lúc dối trá, thấy khó khăn thì “bỏ của chạy lấy người”. Chỉ vì những thói tật này mà trên hành trình thỉnh kinh, Bát Giới nhiều lần tự chuốc lấy tai họa, đồng thời gây tai họa cho sư phụ cùng sư huynh sư đệ của mình, dù bản thân Bát Giới cũng có rất nhiều năng lực.
Trư Bát Giới luôn buông lỏng bản thân, dễ dãi với chính mình, cũng giống như con người luôn buông mình cho dục vọng dẫn dắt. Để lấy được chân kinh, Trư Bát Giới thường xuyên bị sư huynh Tôn Ngộ Không thúc ép, đánh mắng, nghĩa là dục vọng phải bị tâm kiểm soát, gò ép.
Sa Tăng
Trong Tây du ký, nhân vật Sa Tăng tượng tưng cho bản tính và sự nhẫn nại của con người. Pháp danh Ngộ Tĩnh của nhân vật này có ý nghĩa: Tĩnh để khắc chế cái động, để kham nhẫn, chịu đựng. Suốt cuộc hành trình, Ngộ Tĩnh dắt ngựa, mang hành lý, làm việc rất cực nhọc mà chẳng bao giờ than phiền, cũng không giận dữ, dỗi hờn khi bị chỉ trích, phê bình như Bát Giới.
Sa Tăng trước khi gặp Đường Tăng thì rất dữ tợn, làm yêu quái ở sông Sa Hà, cổ đeo vòng đầu lâu của những người từng bị mình ăn thịt, nhưng sau khi thành đồ đệ Đường Tăng thì từ bỏ ma tính, cần mẫn kiên định đi cầu chân kinh.
Bạch long mã – thái tử long cung
Nhân vật này tượng trưng cho ý chí – sự quyết tâm tiến về phía trước, không thoái lui, thể hiện qua hình tượng con ngựa cần mẫn và trung thành, một lòng chở sư phụ vượt nghìn trùng đến Linh Sơn. Chính vì thế mà tác giả Ngô Thừa Ân “sắp xếp” cho Đường Tăng gặp Bạch long mã trước cả khi thu nhận Tôn Ngộ không. Ý chí của con người giống như ngựa hoang, có thể chạy đi bất cứ đâu. Chỉ khi tâm trí xác định được mục tiêu thì ý chí mới có đích để kiên trì hướng đến. Ngộ Không thu phục Bạch long mã chính là tâm thu phục ý, tâm ý hợp nhất. Khi đó Đường Tăng mới có thể tiến lên phía trước, thu phục dục vọng (Bát Giới), điều khiển bản tính (Sa Tăng), chuyên tâm tu hành.
Như vậy, 5 thầy trò Đường Tăng thực chất chỉ là một – ngũ vị nhất thể. Độc giả đọc Tây du ký đến đoạn cuối, sẽ thấy 4 câu thơ ám chỉ điều này:
“Một thể chân như lạc xuống trần
Hợp hòa bốn tướng lại tu thân
Ngũ hành sắc tướng không rồi tịch
Trăm quái hư danh thấy chẳng bàn”.
Huyền Vi