Giải đáp thông tin tuyển sinh Học viện công nghệ BKCAD

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Học viện công nghệ BKACAD cho biết, trong thời gian qua, một số phụ huynh còn băn khoăn về vấn đề tuyển sinh và đào tạo của học viện. Vì vậy, BKACAD tiếp thu các thông tin phản ánh để có thể giải đáp làm rõ và chia sẻ đầy đủ thông tin về quá trình học tập cũng như cơ hội của sinh viên theo học.

giai dap thong tin tuyen sinh hoc vien cong nghe bkacad hinh anh 1Phòng học CNTT tại BKACAD.

Về thông tin phản ánh Học viện Công nghệ BKACAD cùng đào tạo về công nghệ thông tin nhưng điều kiện tuyển sinh đầu vào thấp hơn nhiều sơ với Hệ chính quy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đại diện BKACAD có chia sẻ, Học viện Công nghệ BKACAD tiền thân là Học viện mạng Cisco Bách Khoa (Bachkhoa Networking Academy) được thành lập theo Quyết định số 4251/QĐ-ĐHBK-TTĐTSĐH do Hiệu trưởng ĐHBKHN ký ngày 5/11/2004, là chương trình hợp tác chính thức với Cisco Systems (Hoa Kỳ), Microsoft (Hoa Kỳ), Pearson BTEC (Anh Quốc) trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu.

Chương trình đào tạo tại BKACAD khác với chương trình đào tạo chính quy tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội về tiêu chí đầu vào, hình thức tuyển sinh, chương trình đào tạo, phương thức đào tạo, tiêu chí đầu ra.

BKACAD đào tạo thực hành theo chuẩn của các tập đoàn Công nghệ thông tin, các Trường và tổ chức giáo dục quốc tế. Do vậy, điều kiện tuyển sinh và hình thức tuyển sinh cũng theo yêu cầu đầu vào của các trường và các tổ chức giáo dục mà BKACAD liên kết tuyển sinh và độc lập với Hệ đào tạo chính quy của Trường Đai học Bách Khoa Hà Nội. Theo tiêu chuẩn của các đối tác quốc tế thì thông thường yêu cầu đầu vào không cần quá cao nhưng lại siết chặt tiêu chuẩn đầu ra. Đây là sự khác biệt của họ với hệ thống đào tạo của ta. Cũng giống như bất kỳ một trường ĐH danh tiếng nào trên thế giới, bên cạnh hoạt động chính là đào tạo chính quy thì các trường ĐH đều có các hệ đào tạo liên tục, đào tạo thích nghi, đào tạo doanh nghiệp, đào tạo trọn đời, đào tạo quốc tế, đào tạo kỹ năng … để đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Hoạt động đào tạo này của BKACAD là một mảnh ghép như vậy trong cả hệ sinh thái đào tạo đã được trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho phép và qui định theo Quyết định số 1053/QĐ-ĐHBK-HCTH do Hiệu trưởng ký ngày 24/06/2013.

Một số phụ huynh có thắc mắc về các văn bằng chứng chỉ và đơn vị cấp cho sinh viên và học viên sau khi hoàn thành chương trình học tập. Thông tin đầy đủ với phóng viên, đại diện BKACAD có chia sẻ các hệ đào tạo tại BKACAD và giải đáp chi tiết băn khoăn của bạn đọc.

Học viện Công nghệ BKACAD có 2 hệ đào tạo: Hệ đào tạo chứng chỉ Quốc tế đào tạo chuyên sâu về kĩ năng thực hành cho sinh viên các Trường Đại học/Cao đẳng và người đi làm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên nhận được Chứng chỉ Quốc tế của Cisco Systems, Microsoft, Oracle, Palo Alto Networks,…có giá trị sử dụng trên toàn Cầu sau khi thi qua bài thi tại trung tâm khảo thí quốc tế Pearson VUE.

Hệ đào tạo chuyên gia Quốc tế liên kết tuyển sinh với các Trường và tổ chức giáo dục Quốc tế. Hoàn thành chương trình học tập, sinh viên nhận bằng do tổ chức giáo dục Quốc tế trực tiếp cấp.

Học viện Công nghệ BKACAD không phải đơn vị cấp văn bằng và chứng chỉ Quốc tế mà trực tiếp các Tập đoàn Công nghệ và các tổ chức Giáo dục Quốc tế sẽ cấp văn bằng và chứng chỉ cho sinh viên và học viện theo học: Bằng tốt nghiệp Higher National Diploma BTEC Level 5 sẽ do Pearson (Anh Quốc) cấp bằng, chứng chỉ Quốc tế Quản trị mạng CCNA sẽ do Cisco Systems (Hoa Kỳ) cấp, chứng chỉ Quốc tế Quản trị hệ thống MCSA sẽ do Microsoft (Hoa Kỳ) cấp,…

Để làm rõ và đầy đủ thông tin hơn về việc chuyển tiếp lên các trường đại học trong nước như thông tin tư vấn của Trưởng phòng tuyển sinh Chương trình Quốc tế Học viện Công nghệ BKACAD, ông Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ: “Sinh viên có bằng Higher National Diploma BTEC Level 5, văn bằng này đã được công nhận tương đương trình độ Cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam (Công văn xác nhận trình độ tương đương số 1506/TCGDNN-ĐTCQ ký ngày 13/7/2021), nên có khả năng chuyển tiếp lên các trường trong nước và các trường quốc tế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo quy định được các Trường căn cứ theo quyết định số 18/2017/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng chính phủ; quy chế đào tạo trình độ đại học Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, sinh viên có thể lựa chọn học tại các Trường trong nước hoặc các trường quốc tế: Sinh viên lựa chọn chuyển tiếp 2 năm tại các Trường trong nước theo Quy định của Bộ giáo dục và đào tạo và Quy định của các Trường Đại học. Sinh viên lựa chọn chuyển tiếp 1 năm – 1.5 năm tại các Trường Đại học ngoài nước để lấy bằng cử nhân, như Đại học Huddersfiled (Anh Quốc), Đai học Vistula (Ba Lan), Đại học Cao Hùng (Đài Loan),…hoặc lấy bằng Thạc sỹ kinh tế tại Đại học Huddersfiled (Anh Quốc).

Đại diện BKACAD cũng chia sẻ thêm mục tiêu của BKACAD là cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế, kỹ năng tốt, đáp ứng nhu cầu của các công ty và tập đoàn lớn trong và ngoài nước vì vậy trong chương trình đào tạo, sinh viên sẽ được chú trọng kĩ năng thực hành nhiều hơn để có thể bắt đầu thực tập và làm việc ngay từ cuối năm thứ hai. Điều đó tạo tiền đề để sinh viên đã có sẵn kinh nghiệm thực tế ngay sau khi hoàn thành chương trình học tập và có ngay vị trí công việc chuyên môn phù hợp tại các Công ty, Tập đoàn về Công nghệ thông tin./.